25/11/2020 03:06:00 PM
Dân vận khéo – Triết học Hồ Chí Minh

“Muốn đoàn kết toàn dân, cần phải có một đoàn thể rộng lớn… không phân biệt tuổi tác, gái trai, tôn giáo, nghề nghiệp, giai cấp, đảng phái…” là chân lý vĩnh hằng, xuyên suốt sự nghiệp cách mạng và ứng xử nhân văn Hồ Chí Minh.

Nhìn lại hơn triệu năm tiến trình dài tiến hoá, phát triển bền vững của xã hội loài người, không chỉ có những bước đi thuận lợi mà còn nhiều khúc quanh tưởng chừng đứt gẫy, bi đát nhất chính là giai đoạn thế kỷ XX đầy biến động. Các cuộc chiến tranh khu vực, chiến tranh giành đất đai, chiến tranh tôn giáo, chiến tranh tư tưởng, dân tộc thượng đẳng tiêu diệt các dân tộc khác, đồng thời nhiều luồng tư tưởng, chủ nghĩa, phát xít, độc tài, niềm tin mù quáng, âm mưu tiêu diệt nhau… Sự phát triển mạnh mẽ vượt bậc của khoa học kỹ thuật giai đoạn bùng nổ tư bản, thúc đẩy nền kinh tế phát triển; sản phẩm, hàng hoá dư thừa, đòi hỏi thị trường rộng lớn và cần rất nhiều nguyên liệu, vật liệu, khoáng sản, ở các nước thuộc địa… cung cấp cho sản xuất ngày càng nhiều. Giữa các nước tư bản phát triển không đồng đều dẫn đến mâu thuẫn đòi chia lại thị trường rộng lớn,… Từ đó, chiến tranh thế giới lần thứ nhất và đến cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai giữa phe trục phát xít với sự thắng lợi thuộc về các nước cộng sản và đồng minh. Thêm vào đó hàng loạt tư duy điên loạn, tàn ác của kẻ mạnh xây hàng loạt lò thiêu người, săn lùng diệt chủng người Do Thái. Ở phương Đông, vùng đất chết, cải cách ruộng đất, cách mạng tư tưởng, cách mạng văn hoá, con người lương thiện biết tìm đâu niềm tin để hướng tới, bị phân ly, rệu rã nhất trong chiều dài lịch sử của nhân loại.

Hơn 80 năm nô lệ, Việt Nam dưới chế độ cai trị hà khắc của thực dân Pháp, con người sống trong tủi nhục, đớn hèn, kiệt quệ, nhiều cuộc khởi nghĩa nổi lên đã bị thực dân Pháp đàn áp dã man, tàn tệ, thêm vào đó nạn đói ngót 2 triệu người chết thê thảm – nước Việt mất tên trên bản đồ thế giới. “Giống nòi sỉ nhục, non sông thẹn thùng…”

 Bác Hồ ra tận cảng Hải Phòng đón kiều bào từ Thái Lan về nước, năm 1960

Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh sinh ra trong giai đoạn lịch sử ai oán, sầu thảm nhất của xã hội loài người và là thời kỳ đen tối, bi đát, tủi hèn nhất của non sông nước Việt, trưởng thành trong gia đình trí thức bần hàn, ở vùng quê nghèo nàn nhưng giàu năng lượng sống, ý chí quật cường, không cam tâm với cuộc đời nô lệ lầm than.

Ngôi nhà nhỏ đơn sơ đầy tấm lòng luôn là nơi quy tụ, trau dồi, bàn bạc của các bậc trí sĩ, nhà nho giàu lòng yêu nước, thương dân, nuôi chí khí quật cường đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Mới “mười lăm tuổi, người thiếu niên ấy đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào… đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào…”. Trước đau xót, đớn hèn của dân tộc, Nguyễn Tất Thành sớm biết thiên mệnh, trọng trách của mình. Trước ngày 2/6/1911, Người bàn với một người bạn thân về chuyến đi ra nước ngoài: Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. (1)

Sau hơn 30 năm trầm luân, trải nghiệm thực tế, học hỏi trong các thư viện và từ thực tiễn cách mạng, “xem nước Pháp và các nước khác…”, Người đã tìm thấy một chân lý vĩnh hằng…

DÂN VẬN KHÉO THÌ VIỆC GÌ CŨNG THÀNH CÔNG

Thế kỷ XX, trong bối cảnh lịch sử của loài người và đặc biệt đời sống xã hội của nhân dân các dân tộc Việt Nam bi đát, đen tối, tưởng chừng không tìm thấy con đường chân lý, mưu cầu cách mạng, Nguyễn Ái Quốc sớm bừng tỉnh nhận thức trọng trách trước vận mệnh dân tộc: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”. (2)

Trên bình diện toàn cầu, nước Pháp là một trong những thế lực hùng mạnh, nhà nước thực dân có nhiều thuộc địa ở Châu Phi, Châu Á,… Cuộc cách mạng của nhân dân các dân tộc Việt Nam muốn “đấu tranh giành tự do độc lập”, Nguyễn Ái Quốc phải trực tiếp tham gia “đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ…”, “Đoàn kết làm ra sức mạnh”.(3)

Đó là tiền đề Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh xác định sự nghiệp cách mạng là của quần chúng nhân dân, hàng chục triệu con dân nước Việt đang rên xiết, lầm than đầy tủi nhục, không thấy được, chưa hiểu biết, nhận thức về cách mạng giải phóng xã hội, chính trị, kinh tế trong một nước thuộc địa nghèo nàn. Tiếp nhận từ tư duy của các bậc hiền triết, nền tảng triết học Phương Đông “Dĩ dân vi bản” (lấy dân làm gốc), “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, “Bao giờ dân nổi can qua, con vua thất thế lại ra quét chùa”… Hồ Chí Minh chỉ rõ phương thức, đường hướng cho cán bộ cách mạng “đi vào quần chúng” - chính bởi “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. (4)

 

 Bác Hồ trao đổi với Giáo sư Trần Đại Nghĩa, năm 1960

Trên hành tinh và ở Việt Nam nhiều luồng tư tưởng độc tài, độc đoán, cực đoan  nhìn nhận vào tư duy đơn giản phe cánh, thân hữu, cộng đồng, nhóm sắc tộc, chủng tộc,… mà hành động ứng xử tàn bạo, giết hại lẫn nhau, làm phân ly, chia rẽ gây bao nỗi tang thương đau khổ cho đồng loại, xã hội loài người. Nguyễn Ái Quốc sớm nhận thức “Thảm hoạ của đất nước đã xoá bỏ sự phân biệt đẳng cấp và tôn giáo. Người giàu, người nghèo, quý tộc và nông dân, Hồi giáo và Phật giáo, đều hợp sức đoàn kết”.(5)

Thời kỳ đầu thực dân Pháp đô hộ, nền công nghiệp hầu như chưa có gì, lực lượng công nhân ít ỏi, chỉ có một vài nhà máy điện, nước, xe lửa, xưởng máy phục vụ sản xuất, thoả mãn nhu cầu đời sống chính quyền thực dân, vua quan, hàng ngũ trung lưu, kinh doanh buôn bán,… Lực lượng đông đảo chủ yếu là nông dân chân lấm, tay bùn, làm không đủ ăn, đó là lực lượng to lớn, chủ yếu của dân tộc. Người nhận thức: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm…”.(6)

Hồ Chí Minh không quên nhắc nhở cán bộ, chiến sỹ cách mạng, bộ đội, công an,… muốn sự nghiệp thành công, mọi công việc dù nhỏ nhất phải thực sự đi vào đời sống hàng ngày, tâm tư nguyện vọng của từng người dân; thấu hiểu, tận tình với dân, hướng dẫn quần chúng và xin ý kiến người dân trước những công việc cần làm cho cách mạng. Người dặn dò: “Những người phụ trách dân vận cần phải có óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”.(7)

Trong tình hình nội bộ nhân dân bị phân ly chia rẽ, vì cuộc sống có người phải làm việc cho chính quyền thực dân, chính phủ Bảo Đại, suy nghĩ theo tư duy, hiểu biết hạn hẹp, chưa được khai sáng, Hồ Chí Minh mở lòng vị tha, đại lượng: “Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”.(8)

 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đến thăm Bệnh viện Bạch Mai, GS Trần Hữu Tước đeo kính ngồi giữa, năm 1956

Tư duy dân vận khéo của Hồ Chí Minh thấu tình đạt lý đến với đồng bào lạc lối lầm đường. Cách mạng Pháp, cách mạng Tháng 10 Nga, cách mạng Trung Hoa và một số nước khác sau khi lật đổ chính quyền quân chủ, vua - hoàng hậu - gia đình và một số người thân bị tử hình hoặc đưa đi đầy ở những vùng xa hẻo lánh. Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, Vua Bảo Đại được mời ra Thủ đô Hà Nội giữ vai trò cố vấn cho Chính phủ cách mạng; một số quan đại thần được mời tham gia giữ vị trí trong các ban, ngành trực thuộc Nhà nước… Người viết: “Cách mạng Việt Nam đã có một ưu điểm so với cách mạng nước Nga, Tàu, Pháp. Cách mạng ở đâu thành công cũng phải đổ máu nhiều. Có nước phải chặt đầu vua, có nước đồng bào chia đảng phái, chém giết nhau liên tiếp trong bao nhiêu năm. Nước ta, Vua tự thoái vị, các đảng phái không có mấy. Trong một thời gian ngắn, các giai cấp đoàn kết thành một khối, muôn dân đoàn kết…”.(9)  

“Các giai cấp đoàn kết thành một khối” là tư duy chiến lược Hồ Chí Minh từ rất sớm trong báo cáo gửi Quốc tế cộng sản. Người phân tích: “... Thương nghiệp lớn, tất cả đều trong tay người Pháp… Người bản xứ chỉ có thương nghiệp địa phương nhỏ… Tiểu tư sản không nhiều, là một phần tử bấp bênh…”(10) cần phải tranh thủ, vận động, dân vận khéo tất cả mọi thành phần giai cấp hoà đồng, nhập tâm sẵn lòng xả thân trong cuộc cách mạng đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc.

 

 Bà con kiều bào và các cháu thiếu nhi Việt Nam ở Thái Lan về nước chuyến đầu tiên đến thăm và chúc Tết Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, tháng 1/1960

 

VỚI NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

Trong giai đoạn lịch sử biến động của xã hội loài người, tuỳ từng cảnh ngộ, người Việt đi nước ngoài, định cư ở nhiều nước Pháp, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia,… hoàn cảnh khác nhau trong tâm thế không đồng nhất, tận hiểu lòng người Việt ở nước ngoài, cảm thông và chia sẻ tâm tư tình cảm, Hồ Chí Minh quy tụ lòng người trong lá thư: “Tổ quốc và Chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà như thế…”.(11)

Hơn ba mươi năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, Nguyễn Ái Quốc phải sống dựa vào các tổ chức cách mạng, hoà nhập đời sống bà con người Việt ở nước ngoài. Ở  Thái Lan, Người cùng bà con tham gia mọi hoạt động, vận động người Việt đóng góp tiền của, công sức, xây chùa, giúp đỡ người nghèo, tổ chức sinh hoạt cộng đồng… Người sống bình dị, chân thành, nhập tâm cùng bà con xây dựng cuộc sống đầm ấm, vui vẻ, luôn nhắc nhở mọi người hướng về quê cha đất Tổ.

Tầm nhìn Hồ Chí Minh vượt không gian, thời gian, Người hiểu rằng đến ngày dân tộc giành được độc lập, tự do, đất nước sẽ xây dựng lại đàng hoàng, to đẹp hơn và gợi mở ngày đó không xa. Trong thời gian ở Pháp (1946), Hồ Chủ tịch gửi thư cho bà con người Việt nhắc nhở, kỳ vọng: “Nay tôi và phái bộ sắp trở về nước, chúng tôi gửi lời chào và khuyên tất cả anh chị em kiều bào: Mỗi người cần biết thạo một nghề để mai sau về nước giúp ích cho cuộc xây dựng nước Việt Nam mới”.(12)

Sự nghiệp cách mạng cần người tài giỏi, đức độ và trí tuệ, Hồ Chí Minh trao đổi, thuyết phục nhiều trí thức người Việt cùng Người về nước, chịu khó khăn gian khổ, hy sinh những khoản lương cao hàng tháng, cuộc sống đủ đầy ở nước ngoài, dấn thân tham gia, làm nên sự nghiệp cách mạng long trời lở đất, giành độc lập, tự do, ấm no cho dân tộc. Những cái tên như Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Lương Định Của, Giáo sư – Bác sĩ Trần Hữu Tước, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Kỹ sư Võ Quí Huân, Kỹ sư Võ Đình Quỳnh… trở về Tổ quốc đã đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc của dân tộc; tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử dân tộc trong một giai đoạn chông gai và hào hùng như thế.

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa thần giáo, nhiều niềm tin thánh thiện từ trong lòng dân tộc và tôn giáo ngoại nhập, nếu tầm nhìn lãnh đạo không có những ứng xử chân tình, thấu hiểu cặn kẽ dễ đi tới cuồng loạn, chém giết lẫn nhau vì niềm tin tín ngưỡng. Đồng thời chủ trương của thực dân là chia để cai trị, làm phân ly, chia rẽ các cộng đồng dân tộc, làng xã,… Di sản tư duy triết học của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh phải tập hợp mọi lực lượng, đông đảo quần chúng nhân dân. “Muốn đoàn kết toàn dân, cần phải có một đoàn thể rộng lớn… không phân biệt tuổi tác, gái trai, tôn giáo, nghề nghiệp, giai cấp, đảng phái…”(13) là chân lý vĩnh hằng, xuyên suốt sự nghiệp cách mạng và ứng xử nhân văn Hồ Chí Minh.

Lê Cường

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

(1) Trần Dân Tiên – những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nhà xuất bản Sự thật 1975, trang 12,13

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB chính trị Quốc gia, tập 1, trang 1995, trang 191.

(3) Sđd, tập 1, trang 447

(4) Sđd, tập 5, trang 700

(5) Sđd, tập 1, trang 41

(6) Sđd, tập 5, trang 698

(7) Sđd, tập 5, trang 699

(8) Sđd, tập 4, trang 139

(9) Sđd, tập 4, trang 43

(10) Sđd, tập 1, trang 204

(11) Sđd, tập 4, trang 139

(12) Sđd, tập 4, trang 287

(13) Sđd, tập 3, trang 452

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang