28/06/2017 09:45:00 AM
Cơ cấu kinh tế Việt Nam có thay đổi nhưng "nhìn kỹ thì không rõ"

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình dẫn nghiên cứu của Giáo sư Kenichi Ohno (Viện Nghiên cứu chính sách công Nhật Bản), một người bạn nghiên cứu về Việt Nam hơn 20 năm nay đánh giá “cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện nay so với cách đây 20 năm có thay đổi nhưng nhìn kỹ thì không rõ”.

 Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: TTXVN)


Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa phải từ nội lực

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017 ngày 27/6, với chủ đề “Phát huy nội lực-Phát triển bền vững”, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - đánh giá: "Bước ra khỏi chiến tranh, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế".

Theo ông Bình, kể từ Đổi mới năm 1986, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Việt Nam vào khoảng 6,4%/năm từ năm 2000 đến nay và tỷ lệ đói nghèo giảm xuống dưới 3% so với mức khoảng 50% đầu những năm 1990. Từ năm 2008, Việt Nam đã vượt qua mốc GDP bình quân đầu người 1.000 USD và bắt đầu bước vào ngưỡng nước có thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, bên cạnh những thành tựu trên, cần thẳng thắn nhìn nhận lại mô hình và chất lượng tăng trưởng kinh tế nước ta hiện nay. Ông dẫn ý kiến của Giáo sư Kenichi Ohno (Viện Nghiên cứu chính sách công Nhật Bản), một người bạn nghiên cứu về Việt Nam hơn 20 năm nay đánh giá: “Cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện nay so với cách đây 20 năm có thay đổi nhưng nhìn kỹ thì không rõ”.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Việt Nam xuất khẩu 65% là hàng chế tạo chế biến nhưng phần nhiều là từ khu vực FDI, còn doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, da giày, nông sản với giá trị gia tăng không cao. Tức là, một phần quan trọng góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng hiện nay của Việt Nam là từ nguồn lực bên ngoài chứ chưa phải nội lực thực tại của nền kinh tế.

"Do vậy, việc chúng ta cần làm và làm ngay là đánh giá lại mức độ bền vững của những lợi thế so sánh mà chúng ta vẫn thường nhắc tới là nhân công lao động dồi dào, giá rẻ trong bối cảnh giai đoạn dân số vàng chỉ tồn tại ngắn ngủi khoảng 10 năm nữa và sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ các quốc gia với chi phí sản xuất thấp hơn", ông nói.

Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017 là hoàn toàn đúng đắn và hợp lý. Nhiệm vụ là rất khó khăn nhưng vẫn có thể thực hiện được nếu quyết tâm và thực hiện đúng những giải pháp đã đề ra.

Theo Thứ trưởng, mục tiêu, giải pháp đã rõ ràng nhưng thực hiện cũng không đơn giản và cần phải quyết liệt mới có thể thực hiện được. Vượt qua được khó khăn này và thực hiện được mục tiêu mới có động lực, niềm tin để thực hiện được khát vọng lớn hơn trong dài hạn.

"Việc cần làm hiện nay là phải duy trì được tinh thần vào cuộc cũng như động lực phấn đấu của tất cả các ngành, các cấp, tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp đã đề ra, thường xuyên theo dõi chặt chẽ những biến động của tình hình thế giới và trong nước, bám sát mục tiêu, giải pháp, quyết tâm thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mỗ, thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững", Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh.

Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có mức ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, môi trường kinh doanh, tỷ giá hối đoái khá ổn định, có sự tăng trưởng về tín dụng, hàng hóa xuất khẩu tăng trưởng lớn, kiều hối, cán cân thanh toán đã được cải thiện và có dòng thanh khoản tốt.

Cũng theo đại diện WB tại Việt Nam, để kinh tế tiếp tục phát triển trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, Việt Nam cần tập trung thực hiện các biện pháp hỗ trợ thương mại, thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, tạo đà tốt để Việt Nam phát triển.

Thảo luận tại Diễn đàn, TS.Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Chương trình Kinh tế Fullbright (Đại học Fullbright Việt Nam) cho rằng, Chính phủ Việt Nam đang đứng trước sức ép lớn về kết quả tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian tới, việc lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng thương mại thông qua xử lý nợ xấu và nâng vốn chủ sở hữu phải là ưu tiên chính sách hàng đầu.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2017 đã tập trung thảo luận, xác định những điểm nghẽn, những nút thắt và đề xuất những giải pháp mang tính trung và dài hạn cho nền kinh tế như: Định vị kinh tế Việt Nam trong chuỗi cạnh tranh kinh tế toàn cầu; nhận dạng và đánh giá những nguồn nội lực của đất nước, nhất là những nguồn lực chưa được phát huy đầy đủ; đánh giá quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam và đề xuất những giải pháp.

PV

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang