08/02/2023 08:18:00 AM
Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển thủ đô Hà Nội

Chương trình hành động của Chính phủ được xây dựng và ban hành nhằm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030.

 Khu vực hồ Hoàn Kiếm.  Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Ngày 7/2, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết nêu rõ việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động nhằm thống nhất chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức quán triệt, triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức các cấp, ngành, nhân dân thủ đô Hà Nội về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển Thủ đô ngàn năm văn hiến, trung tâm đầu não chính trị-hành chính của quốc gia, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; đến năm 2030, trở thành thành phố có sức cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Chương trình hành động phải cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW và quán triệt định hướng phát triển, phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xác định các nhiệm vụ chủ yếu, thể hiện các giải pháp cụ thể, thiết thực, được tổ chức tốt để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết.

Phấn đấu GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 12.000-13.000 USD

Theo Chương trình hành động của Chính phủ, thành phố phấn đấu đạt các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đã đề ra trong Nghị quyết.

Cụ thể, giai đoạn từ nay đến năm 2030, thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại;" trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực, thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2025 tăng khoảng 7,5-8,0%; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8,0-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 8.300-8.500 USD, đến năm 2030 đạt khoảng 12.000-13.000 USD.

Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 17%, đến năm 2030 đạt khoảng 20%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 30%, đến năm 2030 đạt khoảng 40%. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 đạt 70%, đến năm 2030 đạt 80%; năng suất lao động tăng bình quân đến năm 2025 đạt 7,0-7,5%, đến năm 2030 đạt 7,5%.

Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt khoảng 60-62%, đến năm 2030 đạt 75%; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đến năm 2025 đạt 50-55%, đến năm 2030 đạt 100%.

Tầm nhìn đến năm 2045: thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống, chất lượng cuộc sống cao, với GRDP bình quân đầu người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

Để đạt được các chỉ tiêu cụ thể trên, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cần cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW.

Phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực. Phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xứng đáng là trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển và quản lý đô thị; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường. Củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao vị thế, uy tín của Thủ đô. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới.

Khẩn trương chỉ đạo xây dựng các chương trình cụ thể hóa nhiệm vụ của Nghị quyết

Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết nêu rõ các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp thường xuyên với thành phố Hà Nội, có cơ chế điều hành tập trung, cụ thể để tăng cường phối hợp triển khai các nội dung Nghị quyết.

Thủ đô Hà Nội khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát, kiểm tra, bổ sung kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ để xây dựng các chương trình, cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 15-NQ/TW, trong đó trọng tâm xây dựng thủ đô Hà Nội đi đầu cả nước hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành thành phố "Xanh-Văn hiến-Thông minh-Hiện đại," phát triển thông minh, năng động, hiệu quả, vì con người; trở thành trung tâm-động lực thúc đẩy, dẫn dắt phát triển vùng và cả nước; có sức cạnh tranh khu vực, thế giới, sánh vai thủ đô các nước phát triển cao trong khu vực.

Đồng thời chủ động phát triển quan hệ liên kết, trao đổi, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước và trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung Bộ, đặc biệt là tam giác phát triển Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh bền vững trên các lĩnh vực, khai thác, phát huy được tiềm năng, lợi thế của nhau cùng phát triển.

Các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, vùng trung du, miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung Bộ chủ động phát triển quan hệ liên kết, hợp tác với thành phố Hà Nội trên các lĩnh vực, tạo sự gắn bó và sức mạnh chung để cùng khai thác các tiềm năng, lợi thế của nhau vì sự phát triển chung./.

Theo TTXVN/Vietnam+

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang