07/09/2018 09:36:00 AM
Châu Phi - thị trường giàu tiềm năng cho các sản phẩm Made in Vietnam

Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị truyền thống với nhiều nước châu Phi. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều nước đã ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam bằng cả tinh thần lẫn vật chất.

Đại sứ Nguyễn Kim Doanh. (Ảnh: Trương Anh Tuấn/Vietnam+) 

Tuy nhiên, mối quan hệ hợp tác kinh tế và đầu tư giữa Việt Nam với các nước châu Phi, đặc biệt là khu vực Đông Phi, hiện nay có thể nói chưa tương xứng với tiềm năng vì nhiều lý do khách quan và chủ quan.

Đó là đánh giá của ông Nguyễn Kim Doanh, Đại sứ Việt Nam tại Tanzania, kiêm nhiệm Kenya, Ethiopia, Rwanda, Somalia, Uganda và Comoros.

Phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn riêng với phóng viên TTXVN tại châu Phi, Đại sứ Nguyễn Kim Doanh cho biết Đông Phi là thị trường tiêu thụ lớn với khoảng 245 triệu dân, trong đó khoảng 70 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu.

Các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo của các quốc gia này thuộc diện kém phát triển nên phải nhập nhiều mặt hàng công nghiệp, vật liệu xây dựng, may mặc và hàng tiêu dùng.

Các chủng loại hàng hóa mà các quốc gia Đông Phi nhập khẩu chủ yếu là hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, máy móc nông nghiệp, vật liệu xây dựng…

Đây là những mặt hàng các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam có thế mạnh, có thể cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, mẫu mã và giá cả.

Theo Đại sứ Nguyễn Kim Doanh, người dân Đông Phi rất ưa chuộng các sản phẩm do Việt Nam sản xuất, đặc biệt là hàng giầy dép da, may mặc, đồ gia dụng, máy nông nghiệp, vật liệu xây dựng…

Họ cho rằng hàng Việt Nam chất lượng cao và bền hơn hàng Trung Quốc bởi nhiều sản phẩm mà tầng lớp trung lưu nước này mua tại các trung tâm mua sắm lớn của thế giới như như Dubai, New York, London… đều dán nhãn “Made in Vietnam,” trong khi hàng hóa do Trung Quốc sản xuất chỉ bày bán ở các cửa hàng bình dân.

Tạo động lực mới cho mối quan hệ Việt Nam với Ethiopia và Ai Cập

Hiện đã có một số thương nhân nhỏ trong khu vực đã bắt đầu sang Việt Nam nhập hàng tiêu dùng, đặc biệt là hàng may mặc, giầy dép về tiêu thụ tại nước mình. Tuy nhiên, hàng hóa Việt Nam tại khu vực này vẫn còn ít và chưa phổ biến như hàng Trung Quốc, Ấn Độ.

Tuy nhiên, Đại sứ Nguyễn Kim Doanh cho rằng do khoảng cách địa lý xa xôi, thông tin về thị trường châu Phi hiện chưa đầy đủ và một số các hoạt động lừa đảo trước đây của người châu Phi trong quan hệ với doanh nghiệp Việt Nam nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm hoặc “e ngại” thị trường này.

Chính vì vậy, việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang châu Phi nói chung và khu vực Đông Phi nói riêng hầu hết do các doanh nhân châu Phi chủ động sang theo đường du lịch Việt Nam nhập về.

Mặc dù vậy, hiện cũng có một số doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn sang các nước khu vực Đông Phi để tìm hiểu thị trường.

Các doanh nghiệp cho rằng đây là một thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng, nhưng sẽ gặp không ít khó khăn khi đầu tư, kinh doanh tại thị trường này.

Đại sứ Nguyễn Kim Doanh cho biết thêm chính sách hạn chế người lao động nước ngoài nhằm đảm bảo công ăn việc làm của người bản địa.

Theo quy định, một người nước ngoài muốn làm việc tại Tanzania phải có 2 loại giấy phép: Giấy phép lao động và Giấy phép cư trú. Chi phí cho 2 loại giấy phép này, có thời hạn 2 năm, là rất cao, khoảng 4.000 USD, chưa kể những chi phí có thể phát sinh khác để có thể được các cơ quan chức năng cấp giấy phép, và thực tế không phải đối tượng nào nộp đơn cũng được cấp giấy phép.

Ngoài ra, phải kể đến thuế nhập khẩu hàng hóa rất cao, khoảng 30% và có thể lên tới 40% tùy loại mặt hàng. Việc các chính phủ đánh thuế cao hàng hóa nhập khẩu là để bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước.

Cụ thể, để bảo hộ sản xuất gạo trong nước, Chính phủ Tanzania cấm nhập khẩu gạo. Do đó, trong một số năm gần đây, Việt Nam không thể xuất khẩu gạo sang Tanzania, thị trường khoảng 50 triệu dân.

Theo Đại sứ Nguyễn Kim Doanh, qua các cuộc tiếp xúc, làm việc, quan chức chính phủ các nước Tanzania, Uganda, Kenya, Ethiopia… và Đại sứ các nước châu Phi tại Tanzania đều ca ngợi thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam, mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp nhu trồng lúa nước, nuôi trồng thủy sản, trồng và chế biến càphê…

Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam có thể đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực nói riêng và các nước châu Phi nói chung.

Ngoài ra, Ethiopia cũng là thị trường lớn với dân số trên 100 triệu người, có triển vọng tăng trưởng nhanh, chi phí thấp, đồng thời cũng là một thị trường lao động dồi dào, đáp ứng các yêu cầu về nguồn nhân lực cho hợp tác và phát triển.

Với vị trí ở trung tâm của châu Phi, có trụ sở của Liên minh châu Phi (AU) đặt tại thủ đô Addis Ababa, Ethiopia là nơi kết nối lý tưởng với các nước châu Phi khác.

 Ethiopia hiện đang chủ động thực hiện những chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và những biện pháp mở cửa thị trường và khuyến khích hợp tác đầu tư.

Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Ethiopia được miễn thuế lên tới 10 năm, miễn thuế nhập khẩu tạo tài sản cố định, ưu đãi trong các hoạt động liên doanh với các doanh nghiệp của nước này. Ethiopia, Ai Cập và nhiều nước châu Phi khác đều thể hiện mong muốn phát triển quan hệ với Việt Nam cũng như muốn có thêm nhiều nhà đầu tư đến từ Việt Nam.

Để thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước châu Phi nói chung và Đông Phi nói riêng phát triển hiệu quả và thực chất, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư…, đồng thời xây dựng và củng cố vị thế của Việt Nam ở châu Phi, Đại sứ Nguyễn Kim Doanh cho rằng cần tăng cường trao đổi đoàn, nhất là các đoàn cấp cao, nhằm duy trì quan hệ và tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Việc triển khai cần được thực hiện cả ba mặt trận: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Bên cạnh đó, Việt Nam nên hướng tới việc xây dựng chiến lược phát triển quan hệ riêng với từng nước, trong đó xác định rõ thế mạnh, lĩnh vực ưu tiên trong từng giai đoạn, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong quan hệ đầu tư, thương mại và hợp tác với từng nước.

Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại cũng cần phải được tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa./.

TTXVN/VIETNAM+

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Việt Nam qua ảnh
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập
Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp Đại biện lâm thời Cuba tại Việt Nam
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin
Trung Quốc phá giá đồng NDT: Doanh nghiệp Việt đối phó ra sao?
“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”
Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về Kết luận của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Ông Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang