19/02/2013 08:37:35 AM
Sử dụng khẩu trang đúng cách để phòng bệnh

Để đảm bảo an toàn, khẩu trang y tế chỉ nên dùng một lần. Khẩu trang vải mua dọc đường cần mang về giặt sạch, khi dùng nên giặt với xà phòng hàng ngày.


Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Nguyễn Huy Mẫn, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, khẩu trang được xem là dụng cụ phòng hộ cá nhân, có thể phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, nhất là trong mùa lạnh như hiện nay.

Không phải ai cũng ý thức được tầm quan trọng của khẩu trang, dù ở những môi trường nhiều vi khuẩn như bệnh viện. …

Đeo khẩu trang ngoài việc giúp che nắng, che bụi, giảm được mùi khói xe… còn có 2 mục đích quan trọng là ngăn chặn mầm bệnh từ người bệnh không phát tán ra bên ngoài và nhằm bảo vệ chính bản thân người mang khẩu trang tránh phải một số bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp.

Thông thường, các loại bệnh lây qua đường hô hấp bao gồm bệnh lây qua đường không khí và qua đường giọt bắn.

Bác sĩ Mẫn cho biết, giọt bắn là giọt nhỏ li ti, có kích thước lớn hơn 5 micromet, phát sinh qua đường hô hấp khi nói, ho, hắt hơi… Các giọt này có kích thước lớn, tốc độ bắn ra khá nhanh và không lơ lửng trong không khí, có thể rơi, bám vào bề mặt xung quanh, nên có khả năng văng vào mắt hoặc mũi người không mang khẩu trang hoặc không được bảo vệ an toàn trên bề mặt tiếp xúc. Các giọt này có phạm vi ảnh hưởng trong khoảng cách chừng 1 m nên những trường hợp tiếp xúc gần dễ bị lây bệnh. Ngoài ra, việc tiếp xúc qua trung gian bàn tay với vùng vi khuẩn gây bệnh cũng có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm bệnh khi sơ ý dùng tay tiếp xúc trở lại với mũi, miệng.

Bệnh cúm, các dịch bệnh cúm A/H5N1, cúm A/H1N1… là những bệnh lây theo đường giọt bắn. Việc đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sẽ giúp ngăn ngừa, phòng tránh sự lây truyền bệnh hiệu quả. Bản thân bệnh nhân cũng cần mang khẩu trang để mầm bệnh không phát ra ngoài.

Việc đeo khẩu trang cũng giúp ngăn ngừa những bệnh lây qua đường không khí như bệnh lao. Các giọt không khí cũng xuất phát từ đường hô hấp, nhỏ dưới 5 micromet, nhẹ, có thể lơ lửng trong không khí và dễ phát tán trong vòng vài chục mét. Với bệnh lao, mặc dù mật độ vi trùng lao bị pha loãng ra trong không khí nhưng vẫn khả năng lây lan cao, một số người có sức đề kháng yếu hoặc bị suy giảm miễn dịch rất dễ bị nhiễm vi trùng gây bệnh.

Trên thị trường hiện nay có khá nhiều loại khẩu trang với nhiều chất liệu khác nhau, loại chỉ dùng một lần như khẩu trang giấy, khẩu trang y tế hoặc loại có thể tái sử dụng nhiều lần như khẩu trang vải, khẩu trang chứa than hoạt tính... Khẩu trang vải thông thường đa phần chỉ có chức năng che nắng, che bụi hơn là chức năng phòng bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Khẩu trang y tế tuy mỏng nhưng có vai trò quan trọng trong việc chống vi khuẩn phòng bệnh vì đã được tiệt trùng trước khi đưa ra thị trường.

Đối với những mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây lan cao qua không khí, hoặc những người làm việc ở những môi trường, khu vực có khả năng lan truyền các bệnh truyền nhiễm cao, cần đeo những loại khẩu trang y tế chuyên dụng, có độ an toàn, có khả năng bảo vệ cao (ví dụ như khẩu trang N95) để tăng khả năng phòng bệnh.

Khi đeo khẩu trang y tế, nên đặt mép khẩu trang có thanh chì lên trên để giữ kín sống mũi. Để đảm bảo an toàn, khẩu trang y tế chỉ nên dùng một lần. Việc dùng khẩu trang xong bỏ vào túi rồi mang ra dùng lại là không an toàn. “Khẩu trang có hai mặt là mặt bên trong và mặt bên ngoài, một khi bỏ vào túi rồi mang ra dùng lại sẽ dễ dàng dẫn đến nhầm lẫn đeo mặt dơ bẩn vào trong, tạo điều kiện cho vi khuẩn từ mặt bên ngoài dơ bẩn tiếp xúc trực tiếp vào mặt”, bác sĩ Mẫn chia sẻ.

Theo bác sĩ Mẫn, khẩu trang y tế có 2 mặt gần giống nhau nên khi đeo rất dễ bị nhầm lẫn, vì thế nên kiểm tra xem có bị đeo mặt trái quay ra ngoài không. Khi dùng xong, không được vứt bừa bãi mà phải cho vào thùng rác để tránh vi khuẩn có cơ hội phát tán. Trong quá trình dùng, không nên dùng tay sờ mặt bên ngoài của khẩu trang.

Cần mang khẩu trang vừa vặn, không quá chật cũng không quá rộng, nên che kín cả miệng và mũi. Không nên đeo khẩu trang để che miệng rồi che trên mũi hoặc thi thoảng kéo xuống cằm để cười nói.

Đối với khẩu trang vải thông thường, nên đeo loại có 2-3 lớp vải. Chọn khẩu trang có 2 màu, dễ dàng xác định mặt trong và mặt ngoài khi đeo.

Với những khẩu trang vải mua dọc đường, vì không rõ nguồn gốc, chất liệu nên cần giặt sạch trước khi dùng. Trong quá trình dùng, nên giặt với xà phòng mỗi ngày một lần, phơi sấy khô trước khi dùng trở lại, vì nếu không giặt sạch hằng ngày sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn ẩn náu hoặc lan rộng thêm.

Lê Phương (Vnexpress)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
6 lưu ý sau bữa ăn
Mẹo nhanh chữa bụi bay vào mắt
10 triệu chứng bệnh không nên bỏ qua
Những lưu ý bạn không thể bỏ qua khi ăn củ sen
Thức ăn gây ung thư
Mè đen bổ như… thuốc tiên
Cách đơn giản phòng trị đau vai gáy
Dấu hiệu cơ thể thiếu vitamin
Cách giảm cân sau Tết đơn giản mà hiệu quả
Bí quyết giúp giải rượu hiệu quả trong ngày Tết
Những thực phẩm Tết dễ gây ngộ độc
5 lợi ích không ngờ của việc tắm nước lạnh
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang