Xin hỏi:
1. Năm 2013 tôi đã có quyết định cấp số nhà, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn công do nhà xây chưa xong. Hiện tôi đang xin nhập quốc tịch Đức, yêu cầu ở phía Đức là tôi phải từ bỏ quốc tịch VN. Như vậy tôi có được giữ nhà đất của tôi ở VN không?
2. Mẹ tôi hiện giờ đang mắc bệnh hiểm nghèo, nếu tôi về VN uỷ quyền lại cho mẹ tôi toàn bộ, lỡ không may mẹ tôi qua đời thì như thế nào? Hiện nay tôi vẫn chưa có kế hoạch về VN sinh sống. Vậy theo pháp luật của VN tôi nên làm gì?
3. Ở phía Đức họ cũng sẽ xét từng trường hợp, và có thể cho phép tôi sở hữu cả 2 quốc tịch VN và Đức, nếu tôi có lý do rất chính đáng để giữ quốc tịch VN, hoặc nếu tôi chứng minh được tôi sẽ bị mất mát rất lớn khi tôi từ bỏ quốc tịch VN. Họ yêu cầu tôi trình bày cũng như nộp các chứng cứ. Vậy thì trong tình trạng hiện nay của tôi, tôi phải nộp các văn bản, chứng cứ nào... để phía Đức xem xét cho tôi?
Trả lời:
1. Về quyền sở hữu tài sản:
Theo quy định của pháp luật Việt Nam về quyền sở hữu tài sản của một người khi thôi quốc tịch Việt Nam như sau:
Trong trường hợp bạn thôi quốc tịch Việt Nam và nhập quốc tịch Đức thì bạn vẫn được coi là người Việt Nam định cư ở nước ngoài (theo khoản 3 Điều 3 Luật quốc tịch Việt Nam 2008). Bạn không còn đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như các công dân Việt Nam. Theo đó, các quan hệ xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu tài sản như bất động sản... thuôc sở hữu của bạn thì sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật của nước mà nơi bạn có tài sản (Khoản 1 Điều 766 Bộ Luật Dân sự 2005).
Vào thời điểm bạn được cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất, bạn là công dân Việt Nam và có đủ các điều kiện cần thiết để được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất. Và khi đã thôi quốc tịch Việt Nam, các điều kiện sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam của bạn phải được xác định lại cho phù hợp với Luật Đất đai và Luật Nhà ở hiện hành.
Theo Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung điều 126 Luật nhà ở và điều 121 Luật đất đai quy định về điều kiện để có thể sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài như sau:
“1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam bao gồm:
a) Người có quốc tịch Việt Nam;
b) Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.
2. Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng ở trên được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.
Trong trường hợp này, căn nhà mà bạn hiện đang đứng tên sở hữu được xác lập trước thời điểm bạn sang Đức và thôi quốc tịch Việt Nam. Theo Luật quốc tịch Việt Nam 2008, cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành, không có quy định về hậu quả pháp lý của việc thôi quốc tịch Việt Nam là sự chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản ở Việt Nam, kể cả đối với bất động sản. Do đó, bạn không bị mất quyền sở hữu đối với căn nhà bạn đang đứng tên sở hữu. Ngoài ra, nếu bạn không ở Việt Nam để trực tiếp quản lý thì theo quy định của Luật Nhà ở năm 2006 bạn có thể ủy quyền quản lý nhà ở, cho mượn nhà ở hoặc cho ở nhờ nhà ở.
2. Về việc ủy quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam:
Bản chất của việc ủy quyền là việc bên nhận ủy quyền thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền. Do vậy, khi bạn ủy quyền cho mẹ bạn quản lý, trông coi căn nhà thì tài sản này vẫn là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bạn. Trường hợp sau này nếu mẹ bạn không may qua đời, quan hệ ủy quyền giữa bạn và mẹ bạn sẽ chấm dứt theo quy định của pháp luật (Khoản 4 Điều 589 BLDS 2005 quy định về chấm dứt hợp đồng ủy quyền; Khoản 4 Điều 123 Luật Nhà ở 2005 quy định về chấm dứt hợp đồng uỷ quyền quản lý nhà ở) và việc này không ảnh hưởng đến quyền sở hữu căn nhà của bạn. Khi đó, bạn vẫn có thể ủy quyền cho người thân khác ở Việt Nam quản lý, trông coi nhà theo quy định của Luật Nhà ở 2005 và Bộ Luật Dân sự 2005.
3. Quy định của pháp luật Đức về vấn đề quốc tịch:
Luật quốc tịch Đức rất hạn chế việc cho phép công dân nước mình có hai quốc tịch, điều này đã được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 10 Luật quốc tịch Đức (STAG) trong đó nếu một người muốn nhập quốc tịch Đức thì buộc phải từ bỏ hoặc đã mất quốc tịch trước đây của mình. Tuy nhiên, STAG cũng quy định một số trường hợp công dân Đức có thể có 2 quốc tịch trong đó việc từ bỏ quốc tịch sẽ gây bất lợi trong các vấn đề liên quan đến kinh tế hoặc bất động sản (khoản 5 Điều 12 quy định về chấp nhận song tịch với công dân Đức).
Về thủ tục giấy tờ, chứng cứ cung cấp cho phía Đức để được xem xét giữ quốc tịch Việt Nam bạn cần đến các cơ quan có có thẩm quyền tại Đức để được hướng dẫn cụ thể.
Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính,
Thanh Xuân, Hà Nội