18/04/2017 02:38:00 PM
Với tôi, thước đo thành đạt đang thay đổi...

Là Visiting Fellow (nghiên cứu sinh trao đổi) Viện Harvard-Yenching, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Nhân học Xã hội Đại học Thủ đô Tokyo (Nhật Bản), nhưng nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Phúc Anh chỉ có ước mơ hết sức giản dị là về nước trồng rau nuôi gà, dạy trẻ Hán Nôm và viết lách sống qua ngày.

 Nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Phúc Anh

Từng là giảng viên rất tâm huyết với Bộ môn Hán Nôm (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhiều người ngạc nhiên khi thấy anh trở thành học giả và nghiên cứu sinh tại Mỹ rồi Nhật Bản?

Mọi người thường nghĩ công việc nghiên cứu của tôi sẽ liên quan chặt chẽ đến Trung Quốc và các trường, viện nghiên cứu ở Việt Nam và Trung Quốc. Trên thực tế, tôi đã đi học và nghiên cứu trong một thời gian tương đối dài ở Nhật Bản, Singapore và Mỹ. Thực ra, tôi không chọn mà may mắn được chọn bởi hội đồng tuyển sinh của các trường đại học hàng đầu thế giới.

Có thể nói, việc học tập ngoài nước đã thay đổi hoàn toàn việc nghiên cứu của tôi. Thứ nhất là cho tôi thêm cơ hội được học thêm nhiều kiến thức và những thử nghiệm mới trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Thứ hai là cho tôi học cách thức đặt những câu hỏi tốt hơn (biết cách đặt những câu hỏi nghiên cứu không quá buồn chán là cả một kỹ năng khó khăn đối với người làm khoa học xã hội). Thứ ba là dạy cho tôi biết thành thực hơn với những gì mình biết và chưa/không biết. Và thứ tư, chỉ ra cho tôi sứ mệnh của khoa học xã hội và nhân văn là phải lăn vào những nơi chốn bụi bặm nhất của cuộc sống để cất lên tiếng nói trung thực, thẳng thắn từ bên trong những vận động của xã hội mình thuộc về.

Môi trường học tập tại Đại học Harvard là niềm mơ ước của nhiều người. Cảm nhận của anh khi học tập ở đây thế nào? Liệu có giống như miêu tả trong một bài viết “Harvard, bốn rưỡi sáng” từng nổi tiếng thời gian gần đây?

Môi trường học tập tại Đại học Harvard mang tính thử thách cao và đem lại nhiều cảm xúc, ấn tượng trái ngược. Những gì tôi học được ở Harvard vừa khai phóng mới mẻ, vừa mang tính áp chế, quyền uy cao độ. Nó vừa khơi gợi, buộc tôi phải suy nghĩ nhiều hơn bao giờ hết, vừa khiến tôi cảm thấy hồ nghi tột độ những kiến thức, sở tri, sở kiến của chính mình. Harvard đối với tôi vừa là biểu tượng của tri thức, học vấn, và tinh thần nhân văn, vừa là biểu tượng của bất bình đẳng và phân tầng xã hội.

Với tôi, cách miêu tả trong bài viết "Harvard, 4 rưỡi sáng" là sản phẩm của một não trạng yếm thế kì quặc, của một người bị "thực dân hóa" ngay cả trong cách anh ta nhìn thế giới của mình. Dĩ nhiên, tôi sẽ không đặt vấn đề giống hay không giống thực tế. Đã là miêu tả thì nó chỉ là một góc nhìn. Và góc nhìn này không phải là góc nhìn về Harvard và việc học ở Harvard mà tôi có thể đồng cảm.

Vậy ở Đại học Thủ đô Tokyo, môi trường học tập có những thú vị gì khác?

Đại học Thủ đô Tokyo - nơi khai sinh của ngành Nhân học Nhật Bản, là một môi trường học tập “bình thường” theo nghĩa mọi sinh viên và giảng viên được tự do và tạo điều kiện hết mình để theo đuổi những suy nghĩ và dự án nghiên cứu của mình như một trường đại học bình thường nên có. Họ cũng có ít cải cách giáo dục, áp lực "công bố quốc tế", hay cái xốc nổi của những trường đại học "đẳng cấp". Cái "đẳng cấp" lớn nhất của họ là có gan làm một đại học "bình thường" trong thế giới mà mọi trường đại học đang cố gắng biến mình thành những tập đoàn giáo dục hùng mạnh vị danh tiếng, vị lợi nhuận. Tôi học được sự bình tâm và tình yêu đối với tri thức thực sự từ môi trường đại học đầy tự trọng này.

Hội thảo tại Viện Harvard-Yenching, Đại học Harvard 

Anh thấy sinh viên/nghiên cứu sinh Việt Nam có những lợi thế gì khi học tập ở môi trường ngoài nước?

Càng đi học ở nhiều quốc gia, tôi càng cảm thấy nền giáo dục Việt Nam mà chúng ta đã và đang có là một nền giáo dục đáng trân trọng. Nền giáo dục ấy đảm bảo cho hầu hết những học sinh nghèo như tôi có thể nhận được hỗ trợ tốt nhất để học từ tiểu học đến gần hết chương trình tiến sĩ với tổng chi phí học phí chỉ bằng một tháng học ở Harvard. Những người như chúng tôi khi được đi học ở nước ngoài cũng chỉ mất thời gian ngắn để đuổi kịp, và thậm chí vượt trội hơn so với nhiều sinh viên của nhiều quốc gia khác.

Theo tôi, một nền giáo dục nhân bản, tuyệt đối không phải là một nền giáo dục của những thành tích công bố quốc tế hay thứ bậc trên bảng xếp hạng của các tập đoàn xếp hạng giáo dục vị lợi nhuận. Đó là nền giáo dục bảo đảm cho quyền công bằng trong việc tiếp cận giáo dục của đại đa số người dân, giàu cũng như nghèo.

Thế mạnh lớn nhất của nhiều sinh viên/nghiên cứu sinh Việt Nam khi đi học ở nước ngoài là hầu hết họ không phải vừa đi học vừa cõng theo những khoản nợ khổng lồ: nợ học phí, nợ tiền nhà, nợ tiền xe, và nợ thẻ tín dụng. Họ có thể bình tâm mà học và chuyên chú hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa ở các quốc gia khác. Dĩ nhiên, biết tận dụng thế mạnh này hay không là chuyện của từng người.

Anh có thể chia sẻ trải nghiệm đáng nhớ nhất khi học tập Mỹ và Nhật Bản?

Trải nghiệm đáng nhớ nhất của tôi là những đêm trở về phòng ngủ sau mười mấy tiếng vùi mình trong phòng nghiên cứu, soi gương thấy tóc đã bạc nhiều ở tuổi chớm 30, nghĩ về gia đình và bố mẹ tuổi đã cao mà giật mình nhận ra, đã lâu mình không biết đến một cuộc sống có gia đình. Khoa học và nghiên cứu tự nó không phải là một tôn giáo, càng không phải là cả cuộc đời. Nó là một nghề. Nếu tự nhận là nhà nghiên cứu thì nên làm nghề một cách nhiệt tâm và lương thiện. Còn sống thì vẫn phải sống. Nhận ra rằng mình cũng có một cuộc sống là trải nghiệm hết sức xa xỉ với nhiều nhà khoa học, tôi may mắn hơn nhiều người vì có được trải nghiệm ấy.

Anh từng nói một nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống phải có ba cái biết: biết phê phán truyền thống, biết sẵn sàng tiếp nhận cái mới nhưng vẫn phải biết giữ gìn bản sắc. Phải làm cách nào có thể dung hòa những điều tưởng chừng như mâu thuẫn này?

Đấy là những gì tôi nói khi mới 20 tuổi. Còn ở tuổi 31 hiện nay, tôi sẽ nói rằng một nhà nghiên cứu văn hóa "truyền thống" nên có ba cái biết: biết nghi ngờ những gì bị/được coi là "truyền thống"; biết rằng trong khoa học thì không ai đặt vấn đề "tiếp nhận" cái mới cả, chỉ đặt vấn đề tiếp nhận "cái cũ" mà thôi và biết rằng chừng nào còn phải đặt vấn đề "gìn giữ bản sắc" thì cái "bản sắc" đó đã không còn tồn tại như nó vốn có rồi. Trái đất quay một ngày 360 độ, tôi cũng mâu thuẫn với tôi rất nhiều. Cách thức duy nhất để có thể chấp nhận những điều tưởng chừng như mâu thuẫn là nhận ra rằng chẳng tồn tại và nhận thức thực sự nào là không mâu thuẫn cả. Chấp nhận mâu thuẫn trong nhận thức của mình chính là chấp nhận bản thân là một tồn tại con người.

Việt Nam vẫn còn đó mối lo “chảy máu” chất xám, thật may khi anh lại có “một ham muốn là về nước trồng rau nuôi gà, dạy trẻ Hán Nôm, viết lách sống qua ngày”...

Tôi ước mơ vậy là vì tôi nhận ra những trí thức "di dân" khi sang đến các nước "phát triển" rất ít có cơ hội được ăn thức ăn sạch sẽ và bảo đảm hơn của người giàu. Còn ở Việt Nam ngay cả người nghèo cũng có cơ hội để được ăn sạch sẽ và bảo đảm. Tuy nhiên, cơ hội đấy gần đây đang mất dần đi, khi chuỗi thức ăn "tương đối công bằng" trong nước đang đứng trước nguy cơ bị phân hóa giàu/nghèo bởi hoạt động của các tập đoàn kinh tế lũng đoạn thị trường thực phẩm, bán lẻ. Nhưng ít nhất, cho đến bây giờ, ở Việt Nam còn có cơ hội cho người nghèo như tôi được ăn sạch và bảo đảm.

Ngoài ra, tôi nghĩ thước đo thành đạt trong xã hội mà chúng ta sống đang thay đổi. Người thành đạt là không phải là người thành công trong công việc. Với tôi, người thành đạt là người có được nhiều thời gian dành cho bản thân và gia đình hơn là dành cho công việc. Vui vẻ với công việc giảng dạy và viết lách có thể giúp tôi trở thành người thành đạt thực sự.

Cảm ơn anh!

Trọng Vũ (Thế giới và Việt Nam)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang