17/02/2018 11:12:00 AM
Vietnam Centre với sứ mệnh quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khát vọng của Vietnam Centre là làm cho văn hóa Việt đến được với kiều bào xa Tổ quốc và bạn bè thế giới. Nhiều nước đang tận dụng tối đa các yếu tố lịch sử để phát triển công nghiệp văn hóa và quảng bá xây dựng thương hiệu quốc gia. Việt Nam cũng phải làm được điều ấy. Đó là khẳng định của bạn Lê Ngọc Linh – du học sinh tại Úc, đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Vietnam Centre trong buổi trả lời phỏng vấn của phóng viên Quê Hương sau show diễn “Dệt nên triều đại” tại Hà Nội vừa qua.

 Phục dựng trang phục thời Lê Sơ của Vietnam Centre

PV: Chào Ngọc Linh! Tôi được biết rằng Vietnam Centre được hình thành và phát triển xuất phát từ ý tưởng về việc tìm kiếm và phục dựng trang phục cổ. Bạn có thể chia sẻ về điều này?

Lê Ngọc Linh: Khi còn ở Việt Nam, tôi không ý thức được rằng văn hóa bản địa lại quan trọng đến thế, nhưng khi ra nước ngoài, tôi cảm nhận rất rõ khát khao hướng về cội nguồn của từng con người Việt Nam. Chứng kiến cộng đồng người Hàn Quốc, Trung Quốc... có những lễ hội, sự kiện văn hóa rất ý nghĩa, chúng tôi nảy ra ý tưởng truyền cảm hứng rộng hơn về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Trải qua những ngày tháng mày mò và học hỏi từ các nguồn tư liệu khắp nơi trong nước và nước ngoài, đến tháng 3/2017, Vietnam Centre ra đời với sứ mệnh quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Đối với mọi người, trang phục là bộ quần áo khoác bên ngoài cơ thể, còn trong con mắt của chúng tôi, trang phục chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn thế. Thông qua trang phục của người thời xưa, chúng ta có thể hiểu được phần nào thói quen sinh hoạt của ông cha, khí hậu thời tiết đương thời, thị hiếu thẩm mỹ của xã hội, luồng giao thoa văn hoá với các nước láng giềng. Nó là dấu ấn của lịch sử, văn hoá, xã hội qua từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển của dân tộc. Chính vì vậy, chúng tôi cảm thấy trong vô vàn cách thức và con đường để quảng bá văn hoá Việt Nam ra thế giới, thì quảng bá văn hoá thông qua việc tái hiện trang phục từng thời kỳ mang tính trực quan sinh động, khiến người xem dễ tiếp cận và tiếp nhận hơn.

Ban đầu ý tưởng của chúng tôi rất đơn giản là dựng buổi trình diễn trang phục và lễ nghi để mọi người xem ngày xưa ông cha mình ăn mặc thế nào, lễ nghi ra sao. Nhưng bắt tay vào làm chúng tôi thấy cần có mục tiêu lâu dài. Tôi tự hỏi tại sao không có ước mơ lớn hơn là xây dựng trung tâm văn hóa Việt Nam ở Úc và các nước khác trên thế giới? Chính vì thế, Vietnam Centre ra đời với mong muốn xây dựng mạng lưới trung tâm văn hóa Việt Nam tại các đô thị sầm uất trên thế giới. với mong muốn liên kết những nhà nghiên cứu, những người sáng tạo trong nước để thường xuyên giới thiệu tới công chúng những tinh hoa văn hóa cổ truyền lẫn đương đại của Việt Nam.

PV: Thế giới ngày càng phát triển, con người thay đổi theo thời gian với hơi thở của hiện tại, tại sao Vietnam Centre lại tự tin rằng những ý tưởng của mình là thành công và thu hút cộng đồng?

Lê Ngọc Linh: Trong thế giới hiện đại, con người luôn không ngừng tự hỏi nguồn gốc của mình ở đâu, mình từ đâu tới, quá khứ của mình có gì đáng để tự hào? Trong cuộc sống, chúng tôi đã gặp những bạn trẻ sinh trưởng ở ngoại quốc. Các bạn ban đầu thờ ơ với cội nguồn của mình, thậm chí có bạn có ý chối bỏ. Họ chưa thấy được những nét đẹp của Việt Nam. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với những tinh túy của văn hóa cổ, họ bàng hoàng, cảm thấy tự hào và ngấu nghiến khám phá những thứ đẹp quá đỗi so với định kiến về một đất nước bị chiến tranh tàn phá. Chúng tôi hiểu ra rằng, người ta không quay lưng lại với bản năng của mình. Người ta chỉ thiếu thông tin, nên hiểu sai về gốc gác của mình mà thôi. Nếu như có ai đó đưa lịch sử văn hóa nước nhà tới cho họ, một cách sống động và xác thực, chắc chắn họ sẽ hiếu kỳ và hứng thú.

Trên hết, tự thân chúng tôi biết văn hóa lịch sử Việt Nam rất đẹp, không phải đẹp “e ấp”, không phải đẹp “kín đáo”, không phải mất tháng năm để phát lộ vẻ đẹp đó, mà đó là vẻ đẹp rực rỡ, cuốn hút người ta ngay từ cái nhìn đầu tiên. Còn lý do nào để tự tin hơn thế?

Chính trong nước, các bạn thấy không thiếu những thế hệ cả trẻ lẫn già đam mê với văn hóa và lịch sử. Đơn cử, chỉ riêng trên mạng đã có hàng chục nhóm Facebook của những người yêu cổ: Đại Việt cổ phong, Đình làng Việt, Sử quán cổ phong… với quân số từ hàng ngàn đến hàng vạn thành viên mỗi nhóm. Trong các nhóm, họ tranh luận sôi nổi, tổ chức offline gặp gỡ, đi điền dã, đi nghiên cứu… Những phong trào sôi động đó là cơ sở vững chắc để Vietnam Centre tin tưởng rằng ý tưởng “Dệt nên triều đại” sẽ được công chúng đón nhận nồng nhiệt.

Nét tinh xảo trên trang phục được phục dựng 

PV: Từ khi thành lập đến nay đã gần 1 năm, Vietnam Centre gặp khó khăn và thuận lợi gì trong quá trình sáng tạo và phát triển ý tưởng?

Lê Ngọc Linh: Khó khăn của chúng tôi là thiếu thốn về kinh phí, thời gian và nhân lực. Mỗi người tham gia đều có công việc riêng, có những nỗi lo riêng, nhưng chúng tôi đồng thuận bỏ công sức, thời gian và thậm chí tiền bạc để thực hiện dự án tới cùng.

Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng có những thuận lợi lớn lao. Bởi chúng tôi làm không phải vì bản thân mà vì cộng đồng, trong quá trình thực hiện chúng tôi nhận được sự ủng hộ, đóng góp chung tay của rất nhiều người cũng trăn trở, mê mẩn với cội nguồn. Họ cũng chính là những niềm cổ vũ thôi thúc để chúng tôi bước tiếp.

Trong tương lai, Vietnam Centre mong muốn hoạt động của mình sẽ nhận được sự cổ vũ và đóng góp từ tất cả mọi người để chúng tôi có thêm động lực tạo ra những sản phẩm quảng bá văn hoá có chất lượng hơn nữa. Chúng tôi kêu gọi mọi sự đóng góp cả về tinh thần lẫn vật chất, bởi “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao", phải có sự nâng đỡ từ cộng đồng và các cơ quan, tổ chức, Vietnam Centre mới có thể tồn tại và phát triển.

PV: Qua buổi trình diễn lần đầu tiên tại Việt Nam với show diễn “Dệt nên triều đại”, Vietnam Centre mong muốn gửi thông điệp gì đến các bạn trẻ Việt Nam?

Lê Ngọc Linh: Chúng tôi sẽ không nhắn nhủ giục giã các bạn phải yêu văn hóa lịch sử dân tộc, vì chúng tôi tin tưởng khi đam mê nghiêm túc, các bạn sẽ tự cảm thấy cái hay, cái đẹp và tự thấy yêu công việc của mình và theo đuổi nó. Thay vào đó, chúng tôi thúc giục các bạn dấn thân vào trải nghiệm, khám phá sự đa dạng của văn hóa. Phát triển kinh tế dựa vào văn hóa là hướng đi đúng đắn và trong tương lai gần, nhất định sẽ có rất nhiều cơ hội cho các bạn khởi nghiệp với văn hóa. Kể cả khi các bạn trẻ chưa thấy được cái hay của văn hóa trong sự nghiệp chính của mình, thì những kinh nghiệm nghiên cứu, cảm nhận, tổ chức và các mối liên hệ mà các bạn thu được chắc chắn sẽ rất ích lợi cho công việc của các bạn sau này.

Chúng tôi hy vọng Vietnam Centre có thể trở thành một niềm cảm hứng cho các bạn trẻ muốn khai phá những con đường mới trong vô vàn những con đường các bạn có thể lựa chọn.

PV: Cảm ơn bạn và chúc Vietnam Centre ngày càng phát triển.

Linh Trang (thực hiện)

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang