27/01/2017 03:55:00 PM
Vì Việt Nam, đoàn kết lại

Trong chiến tranh cũng như hoà bình, xây dựng phát triển đất nước, đông đảo kiều bào ta luôn hướng về quê hương đất nước, tự nguyện đóng góp phần mình để thực hiện trách nhiệm tình cảm ruột thịt thiêng liêng không gì ngăn cản được.

  • Ông Nguyễn Trí Dũng (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Chương trình Thủ tướng gặp gỡ chuyên gia, trí thức và doanh nhân VNONN tiêu biểu (tháng 11/2016)

  • Cần tập trung thu hút kiều bào về hợp tác khoa học công nghệ (Ảnh minh họa)

  • Cần đoàn kết lại xây dựng đất nước Việt Nam phát triển vững mạnh (Ảnh minh họa)

Đến Nhật năm 19 tuổi trong khi nhiều bạn đồng lứa Việt Nam phải trải qua giai đoạn chiến tranh khốc liệt, nhiều bạn đã hy sinh, nên tôi càng cảm thấy không thể quên đi trách nhiệm đóng góp bất cứ việc gì dù nhỏ bé nhất, cố gắng làm lan tỏa những gì tốt đẹp nhất để được hãnh diện với quê hương mình sinh ra, để góp phần xây dựng “Giấc mơ Việt Nam”, xây dựng quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai dân tộc Việt – Nhật có rất nhiều điểm tương đồng bổ sung và tiềm năng cho một tương lai chung tốt đẹp.

49 năm là một quãng đường dài trong đời người kể từ khi tôi rời Việt Nam - nơi tôi sinh ra, được cha mẹ dưỡng dục cho ăn học, đến Nhật Bản - là nơi được học tập, trưởng thành sinh sống, thu thập kiến thức hoạt động để góp phần xây dựng Việt Nam từ những năm tháng chiến tranh không ai thấy được tương lai của chính mình, đến hòa bình xây dựng đất nước phát triển và hội nhập quốc tế như hiện nay.

Kiều bào có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển

Nói về vai trò đầu tư của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong quá trình phát triển kinh tế Việt Nam, ước tính hiện nay có gần 4,5 triệu NVNONN sinh sống trên 109 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó khoảng trên 400 ngàn người có trình độ đại học và sau đại học, thu nhập của họ hàng năm khoảng 60 tỷ USD. Cho đến nay, hơn 40 năm qua, lượng kiều hối chính thức hoặc không chính thức về Việt Nam nếu ước tính có thể đến 300 tỉ USD, và riêng tại TP Hồ Chí Minh trong 9 tháng đầu năm 2016 ước tính khoảng 3,25 tỷ USD, chiếm tỷ lệ quan trọng trong tổng thể GDP cả nước.

Những số liệu này cho thấy vai trò kinh tế của cộng đồng NVNONN đối với quá trình phát triển kinh tế hoàn toàn không nhỏ nếu không muốn nói hơn hẳn đầu tư FDI và ODA cho đến nay. Đặc biệt không thể không nói đến giá trị thực sự trên cả giá trị đồng tiền về sự đóng góp của NVNONN từ thời kỳ chiến tranh cho đến ngày nay hòa bình và xây dựng phát triển, thông qua mọi hình thức vận động nhân dân toàn cầu, ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa giành hòa bình, thống nhất đất nước cũng như xây dựng phát triển sau chiến tranh, tham gia hội nhập với cộng đồng nhân loại.

Sự đóng góp của cộng đồng NVNONN tuy vẫn được quan tâm, nhưng chưa được đánh giá đúng mức và chưa thật sự đưa vào quốc sách. Lý do cũng dễ hiểu vì không ít đầu tư của NVNONN tại Việt Nam thông qua những hình thức không chính thức (qua gia đình, người thân, mang tính cách âm thầm), ở qui mô nhỏ chưa tập trung vào những ngành kinh tế chủ yếu cần thiết cho phát triển Việt Nam.

Nếu năng lượng trên được đưa vào chiến lược phát triển bền vững, được hỗ trợ định hướng bởi chính sách luật pháp thích hợp, tôi tin rằng nguồn năng lượng này sẽ thực sự đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển của dân tộc ta, đất nước ta.

Tập hợp nguồn năng lượng NVNONN vào phát triển đất nước

Với nhiều chính sách khuyến khích đầu tư đối với NVNONN, gần đây con số đầu tư có tăng về lượng nhưng vẫn chậm, chưa có tính đột biến về chất và thể hiện đúng tiềm năng đóng góp cộng đồng NVNONN.

Chưa có chuyển biến về chất vì chúng ta chưa thay đổi được cơ bản những đặc trưng đầu tư của cộng đồng NVNONN. Phải làm sao đầu tư của NVNONN chuyển từ gián tiếp, không chính thức, phân tán, âm thầm, sang chính thức, tập trung ở qui mô lớn hơn vào nông nghiệp, chế biến lương thực, phân phối, thúc đẩy thị trường tiêu thụ và những ngành có công nghệ... thì mới thực sự đóng góp giúp Việt Nam thay đổi cơ cấu kinh tế hiện nay, tạo môi trường và thị trường cho hoạt động khoa học công nghệ. Sự phát triển thực sự của lực lượng doanh nghiệp trong nước cũng như của lực lượng NVNONN là nền tảng của Giấc mơ Việt Nam, của tư duy phát triển Việt, phù hợp với những đặc sắc văn hóa dân tộc.

Tôi thiết nghĩ cần nhận diện ba mục đích chính:

Một là, nhận diện những thuận lợi cũng như những bài học kinh nghiệm hơn 40 năm qua để xây dựng chiến lược phát triển Việt Nam phù hợp đặc trưng văn hóa Việt Nam, phát huy đúng tiềm năng thật của dân tộc.

Hai là, thu hút hiệu quả NVNONN về đầu tư, hợp tác khoa học công nghệ, tích cực chuyển giao khoa học công nghệ xây dựng, phát triển đất nước.

Ba là, cải thiện môi trường hoạt động đầu tư hợp tác, thông thoáng được đảm bảo đối với NVNONN tại Việt Nam.

Để thực hiện 3 mục đích trên, tôi xin kiến nghị lãnh đạo Chính phủ nên tập trung kiện toàn tổ chức, đầu tư ngân sách, nhân sự, cơ sở vật chất đối với Ủy ban Nhà nước về NVNONN và Ủy ban về NVNONN TP Hồ Chí Minh trở thành cơ quan chức năng chuyên trách “một cửa”, có đủ thẩm quyền trong hoạt động thu hút lực lượng trí thức NVNONN.

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 địa bàn có nhiều đầu tư của NVNONN nhất, nên có chính sách tập trung làm thí điểm nghiên cứu xây dựng những trường hợp điển hình, rút kinh nghiệm, thực hiện nhanh và hiệu quả tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN. Vấn đề là làm sao thực hiện được những thay đổi đột phá, nghiên cứu phát huy tiềm lực của kiều bào, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, khoa học công nghệ của đất nước. Theo tôi, thời gian tới cần lưu ý đến những giải pháp như:

- Kết hợp với các đơn vị, cá nhân Việt kiều có nhiều kinh nghiệm để làm đầu mối thông tin tư vấn, huy động, hỗ trợ Việt kiều đầu tư, sản xuất, hợp tác, kinh doanh dịch vụ thành công tại Việt Nam.

- Góp phần đẩy mạnh hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ  giữa các nước có kiều bào đang sinh sống với Việt Nam, trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.

- Xây dựng mạng lưới chuyên viên để có thể đóng góp ý kiến với Nhà nước Việt Nam về các chủ trương, chính sách, nhằm khuyến khích doanh nghiệp kiều bào phát triển đầu tư, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

Đã hơn 40 năm đất nước hòa bình thống nhất, chúng ta đã trải qua một giai đoạn khá dài với quá nhiều thử thách, tuy có nhiều thành tựu to lớn, nhưng vẫn còn nhiều việc bất cập ở diện rộng. Mỗi chúng ta, trong cũng như ngoài nước, đều có những ước mơ về Đất Việt linh thiêng này. Nhiều thế hệ, nhiều người Việt đã làm những việc tưởng như không thể làm được để có nước Việt như ngày nay. Giấc mơ Việt Nam là tư duy phát triển Việt, là sự liên kết góp sức để biến giấc mơ thành sức mạnh đi tới.

Nhân loại với hơn 7 tỷ con người bước vào thế kỷ 21 đang phải đối mặt với nhiều thử thách chưa từng có trong lịch sử. Đây là một thời đại mới, bắt đầu bằng một cuộc cách mạng công nghệ kỹ thuật mới đang thay đổi mọi cơ cấu hoạt động kinh tế của loài người. Ngày nay, kinh doanh không thể hoạt động riêng lẻ và cũng không thể tách rời với khoa học kỹ thuật. Nhưng doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, vận dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của đất nước ta lại quá ít.

Gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực phát triển kinh tế ở Liên hợp quốc và hơn 20 năm làm việc cụ thể trong mọi hoạt động kinh doanh sản xuất công nghệ của một doanh nghiệp và một trường học tư nhân đầu tiên ở Việt Nam sau chiến tranh, đến nay, tôi nhận ra mô hình phát triển Việt Nam phải qua con đường đưa khoa học công nghệ cụ thể thích ứng vào sản xuất nông nghiệp. Khi nào đời sống nông dân thật sự có cải thiện, thị trường nông sản phẩm có phát triển ổn định, thì Việt Nam mới thật sự có phát triển bền vững. Đây là con đường đi đến tương lai chắc chắn nhất. Đây là Giấc mơ Việt Nam tôi đã chia sẻ từ những ngày tháng đầu tiên trở về Việt Nam. Định hướng phát triển của Minh Trân - Vườn ươm Giấc mơ Việt Nam trong giai đoạn 10 năm tới là thực hiện tư vấn liên kết “ba nhà”: Nhà Nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ để góp sức thúc đẩy phát triển nông nghiệp, đặc biệt thị trường lương thực thực phẩm.

Chúng tôi tự hứa “Vì Việt Nam, đoàn kết lại”, bắt tay nhau thật chặt vượt qua những tình riêng, quyết tâm xây dựng mái nhà chung “Đất lành chim đậu” ngày càng tốt đẹp, để quy tụ được nhiều hơn những người bạn mới cùng chia sẻ hoài bão này.

Nguyễn Trí Dũng (Nhật Bản)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang