03/09/2015 04:08:00 PM
Tuổi trẻ kiều bào nỗ lực học tập hướng về quê hương

Thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài đang ngày càng chứng tỏ bản lĩnh của mình khi nhiều bạn đã có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, hoạt động xã hội, lao động sản xuất, sáng tạo, thể thao văn hóa, nghệ thuật... Những thành tựu của các em không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn chứng tỏ trí tuệ, tài năng của người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Trong hành trình Trại hè Việt Nam 2015 vừa qua, chúng tôi có cơ hội trò chuyện với ba bạn trẻ Nguyễn Anh Tuấn, Trần Phương Bách và Nguyễn Thúy An. Ba bạn mỗi người đều có những khả năng và niềm yêu thích khác nhau. Các em có thể không là những người có thành tích quá xuất sắc để nhiều người biết đến, nhưng điều đáng quý trọng là các em luôn nỗ lực, cố gắng theo đuổi niềm đam mê của mình, đặc biệt là tình yêu dành cho quê hương Việt Nam.

Chàng trai yêu thích hội họa

Nguyễn Anh Tuấn sinh ra và lớn lên tại Hungary. Ngay từ lúc nhỏ em đã có niềm yêu thích với hội họa. Em thường cầm bút vẽ, cọ màu để tô, vẽ những cảnh vật xung quanh. Năm 2007 và 2015, Nguyễn Anh Tuấn đã xuất sắc khi đạt được giải Nhất hội họa toàn quốc Hungary. 

Niềm yêu thích hội họa đã khiến Nguyễn Anh Tuấn chọn một trường đại học ở Budapest với chuyên ngành thiết kế đồ họa. Không chỉ giỏi trong hội họa, Nguyễn Anh Tuấn còn là một học sinh đạt thành tích xuất sắc trong nhiều năm liền, được ghi danh vào bản danh dự của nhà trường. Tuấn cho biết, để được ghi tên vào bản danh dự này, mỗi học sinh cần 8 năm liền đạt điểm giỏi ở các môn học. Số lượng học sinh mỗi năm rất ít, mỗi lớp tầm 2-3 bạn. Đặc biệt năm lớp 8, trong lớp chỉ mỗi Tuấn được ghi vào bản danh dự này.

 Nguyễn Anh Tuấn cầm bút ký họa tại Khu di tích Đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam)

Tại Hungary, Tuấn ở khu vực nhiều người Việt Nam sinh sống, có lẽ bởi vậy mà vốn tiếng Việt của em khá tốt. Bố mẹ Tuấn luôn mong muốn con cái có thể nói tiếng Việt, gìn giữ bản sắc dân tộc. Chính vì thế khi ở nhà, cả gia đình Tuấn đều sử dụng tiếng Việt để trò chuyện. Hằng năm, Nguyễn Anh Tuấn đều tham gia chương trình lễ hội văn hóa của cộng đồng người Việt ở Budapest. Tại lễ hội, Tuấn vẽ khoảng 4 -5 bức tranh và bán cho các khách tham quan. Tuấn cho biết: “Số tiền thu được từ bán tranh em đã gửi về Việt Nam để giúp đỡ các bạn gặp nhiều khó khăn ở vùng sâu vùng xa. Nếu có cơ hội, em cũng mong muốn đến tận những miền vùng núi ấy trực tiếp trải nghiệm và hỗ trợ các bạn”. 

Nguyễn Anh Tuấn không chỉ cố gắng trong học tập, em còn là một người con luôn hướng về cội nguồn. Dù chỉ những đóng góp nhỏ bé thôi, đó cũng là hành động thiết thực em đang thực hiện hướng về quê hương. “Nếu có thể, sau khi tốt nghiệp em sẽ trở về Việt Nam để trải nghiệm cuộc sống và làm việc tại quê hương mình”, Nguyễn Anh Tuấn chân thành chia sẻ.

Cậu bé đam mê thể thao

Trần Phương Bách (Đức) là một chàng trai rất yêu thích thể thao và đã giành học bổng du học Mỹ về tài năng thể thao trẻ. Kể từ 7 tuổi, cậu bé Trần Phương Bách đã dành tình yêu cho môn quần vợt. Bắt đầu niềm đam mê từ tuổi thơ, Phương Bách đã gắn bó với tennis hơn mười năm và không ngừng luyện tập tham gia nhiều giải quần vợt cho từng lứa tuổi. Tham gia các giải Tennis lớn nhỏ trong nước Đức tổ chức và giải Quần vợt do Hội người Việt Nam tại Séc tổ chức như Giải Cây vợt vàng, Bông sen vàng, Phương Bách đều xuất sắc khi giành được giải cao.

 Trần Phương Bách (trái) tham quan tại Kinh thành Huế

Với tài năng của mình, Phương Bách nhận được sự chú ý của thầy giáo trong trường và được thầy viết thư giới thiệu với các trường có học bổng cho các tài năng thể thao. Cuối cùng, Phương Bách giành trọn xuất học bổng 100% của trường Đại học Saw University (Mỹ). Để nhận được những giải thưởng ấy, Phương Bách đã bền bỉ rèn luyện hằng ngày. Em dành ít nhất khoảng 3 tiếng để luyện tập mỗi ngày. Em cũng phải xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý để có thể gìn giữ sức khỏe đảm bảo cho nhu cầu luyện tập. Phương Bách cũng mong muốn mình có thể trở thành vận động viên quần vợt chuyên nghiệp trong tương lai. Em chia sẻ: “Hiên tại theo quy định của trường Saw University, em chỉ có thể tham gia các giải với tư cách là thành viên của trường, nhưng hai năm sau khi tốt nghiệp em hi vọng mình có thể tham gia các giải quần vợt chuyên nghiệp khác”.

Tuy nhiên, hiện tại Phương Bách cũng đang theo học chuyên ngành kinh tế. Ngoài việc dành thời gian cho luyện tập tennis, Phương Bách cũng chú trọng dành thời gian cho việc học tập của mình. “Tương lai, nếu em không thể theo đuổi vận động viên quần vợt chuyên nghiệp, biết đâu đấy em sẽ là một nhà doanh nghiệp và có thể về Việt Nam đầu tư kinh doanh nữa”, Bách hí hửng chia sẻ.

Cô bạn biết nhiều ngoại ngữ

Nguyễn Thúy An sinh ra và lớn lên tại Đức, vì vậy, ngoài tiếng Đức và tiếng Việt – ngôn ngữ của quê hương do cha mẹ dạy - Thúy An còn thành thạo tiếng Anh, Pháp và biết cả tiếng Tây Ban Nha. Thúy An dành khá nhiều thời gian cho việc trau dồi ngoại ngữ. Thúy An bắt đầu học tiếng Anh từ năm lớp 3 và đến lớp 7 em yêu thích thêm tiếng Pháp. Thúy An chia sẻ bí quyết để em học tốt tiếng Anh rất đơn giản như nhiều người vẫn biết là học qua truyện và xem phim: “Những câu chuyện em đã được đọc bằng tiếng Đức rồi, em sẽ đọc lại bằng tiếng Anh, còn xem phim giúp em cải thiện rất nhiều khả năng nghe, nói”. Mỗi mùa Hè, Thúy An thường dành khoảng 1-2 tuần để sang Anh, môi trường thực tiễn là phương pháp bổ ích nhất giúp Thúy An sử dụng thành thạo tiếng Anh. 

 Nguyễn Thủy An (hàng đầu, thứ nhất bên trái) chụp ảnh kỷ niệm cùng các bạn trẻ kiều bào

Thúy An đã đạt được nhiều thành tích đáng khen ngợi trong các cuộc thi tiếng Anh của bang: năm lớp 8 với giải Ba và lớp 9 là giải Nhất. Năm lớp 10, Thúy An được cử đi tham gia cuộc thi toàn Liên bang, nhưng vì chuẩn bị cho việc sang Mỹ du học một năm nên em đành bỏ lỡ. Khi quay trở lại học ở Đức, lớp 12, Thúy An đã cùng 44 bạn xuất sắc nhất toàn Liên bang tham dự cuộc thi tiếng Anh và tiếng Pháp. Tại cuộc thi này, Thúy An đã đạt được giải Ba. Hiện tại, Thúy An hoàn toàn tự tin về khả năng tiếng Anh và tiếng Pháp của mình, thậm chí cô bạn đã có một tháng thực tập ở Pháp mà không có trở ngại gì trong sử dụng tiếng Pháp. “Ngoài 2 ngôn ngữ đó, em còn đang học thêm tiếng Tây Ban Nha nữa”, Thúy An cho biết.

Mặc dù học giỏi nhiều ngoại ngữ, nhưng bản thân An cảm nhận thấy mình cũng phải trau dồi thêm tiếng Việt, bởi đó là ngôn ngữ của quê hương thân thương. Trong hành trình tham dự Chương trình Trại hè Việt Nam 2015 vừa qua, Thúy An rất hạnh phúc khi được kết bạn cùng các bạn trẻ người Việt ở nhiều nước trên thế giới. “Mặc dù trong Đoàn có nhiều bạn khả năng nói tiếng Việt không được tốt, nhưng chúng em vẫn yêu và cố gắng nói chuyện bằng tiếng Việt để cùng nhau trau dồi, bồi đắp và gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ của mình”, Thúy An hạnh phúc chia sẻ.

Thanh Thủy

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang