14/09/2016 03:29:00 PM
Tiếng Việt - Tiếng nói của quê nhà

Vừa qua, chúng tôi - đoàn giáo viên giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài đã tham gia khóa tập huấn tập về phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian 2 tuần tại Hà Nội. Qua khóa học, chúng tôi đã học được rất nhiều điều bổ ích và ý nghĩa.

 Các thầy cô giáo tham gia Khoa tập huấn nhận chứng chỉ

Khóa học giúp chúng tôi nắm vững về đặc trưng ngôn ngữ và phương pháp giảng dạy tiếng Việt, nâng cao năng lực chuyên môn sư phạm, được hiểu thêm về văn hóa xã hội, tham quan, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, di tích lịch sử Việt Nam...

Tất cả là những cơ hội quý báu để chúng tôi cảm nhận và càng cảm thấy yêu quê hương đất nước đậm đà và sâu sắc hơn.

Sâu thẳm một điều là ở trong mỗi tâm hồn Việt chúng tôi, dù sống ở những đất nước xa xôi, vẫn luôn hướng về nguồn cội, yêu quê hương, yêu Việt Nam, mong muốn trở về thăm lại Việt Nam với bao niềm xúc cảm. Về Việt Nam, là về lại với những gì thân thương của xứ sở, của văn hóa và của hồn dân tộc Việt. Về Hà Nội, chúng tôi cảm nhận nhiều hơn về vẻ đẹp của Thủ đô, những nét đặc trưng về lối sống và phong cách của người Hà Nội, cũng hiểu nhiều hơn về cách dùng ngôn ngữ. Hà Nội không ồn ào, Hà Nội của văn hiến, văn vật và những nét cổ điển còn lưu lại qua những kiến trúc cổ Ba mươi sáu phố phường, Quốc Tử Giám, Chùa Một Cột... Về Tràng An - Ninh Bình thì lại được thăm thú cảnh đẹp non xanh nước biếc hữu tình, thiên nhiên hoang sơ và thuần khiết; Chùa Bái Đính với vẻ đẹp kiến trúc cổ của đền thờ miếu mạo nguy nga, diễm lệ... Tất cả cho thấy Việt Nam ta thật đẹp, thiên nhiên xinh tươi, cảnh vật hài hòa, con người mến khách và xã hội mới ngày càng phát triển.

Hơn hết, lần này về tham gia tập huấn, chúng tôi được sự hướng dẫn, quan tâm nhiệt tình và tạo điều kiện thuận lợi của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã sắp xếp rất chu đáo để chúng tôi hoàn thành khóa học một cách thành công tốt đẹp. Bên cạnh đó, trong điều kiện học tập và hòa nhập với những người con của Việt Nam xa quê hương về từ nhiều quốc gia khác nhau, chúng tôi được học tập, chia sẻ với nhau và hiểu nhiều hơn về nhu cầu dạy và học tiếng Việt ở mỗi hoàn cảnh, mỗi vùng đặc biệt.

Tôi được nghe cô Phenni Thuận và cô Bé đến từ Thái Lan kể về đất nước Thái Lan xinh đẹp và con người Thái Lan đôn hậu, hiền hòa. Tôi cũng rất cảm động và khâm phục hai cô với tấm lòng yêu tiếng Việt và mong muốn truyền dạy tiếng Việt cho con cháu thế hệ sau. Có một thời, do chính sách không thuận lợi của Chính phủ Thái Lan, rất nhiều con cháu thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư của người Việt gốc Thái không còn biết nói tiếng Việt. Nhưng từ nhiều năm nay, chính sách này đã thay đổi, người Việt ở Thái Lan có cơ hội tốt để học tiếng mẹ đẻ, nên mặc dù đã lớn tuổi, hai cô tự nguyện và nhiệt tình đại diện cộng đồng người Việt ở Thái về Việt Nam tham gia khóa tập huấn lần này với mong muốn sau khi học xong sẽ về lại Thái Lan phổ biến, kêu gọi và nhân rộng mô hình giảng dạy trong cộng đồng. Cô Bé rất tự hào vì con gái của cô biết nói tiếng Việt nên đã trúng tuyển vào làm việc ở một vị trí cao và lý tưởng ở một công ty dầu khí nổi tiếng ở Thái Lan. Thấy được nhu cầu về giữ gìn ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, và đi liền đó là những cơ hội lớn về tiềm năng phát triển sự nghiệp của bản thân và rộng hơn nữa là các vấn đề giao lưu của hai quốc gia, nên việc giữ gìn và giảng dạy tiếng Việt là nhu cầu hàng đầu và hết sức chính đáng trong cộng đồng người người Việt Nam ở nước ngoài mà nhà nước Việt Nam ta cũng như các giáo viên có tâm huyết đang rất nỗ lực. Ngoài các cô và các anh chị trong đoàn Thái Lan, còn rất nhiều các anh chị em giáo viên khác đều rất cố gắng để truyền dạy tiếng Việt với mong muốn ngôn ngữ và văn hóa Việt được tiếp nối, lưu truyền, tiếp tục phát triển ở thế hệ con cháu đời sau. Thật cảm phục những tấm lòng yêu quê hương thiết tha, giữ gìn ngôn ngữ và văn hóa dân tộc của những con người yêu tiếng Việt.

Tôi cũng có dịp được trò chuyện cùng cô Lan Hương ở Berlin - Đức. Cô Hương đã dạy tiếng Việt cho học sinh ở Đức hơn 20 năm qua, là người truyền lửa tiếng Việt cho bao thế hệ học sinh của cộng đồng người Việt ở đó. Tôi cảm nhận được cô là người rất yêu văn chương Việt Nam, cô yêu thương, trân trọng tất cả những khoảnh khắc có được ở Việt Nam trong khóa tập huấn lần này. Những hình ảnh, địa danh, những gì được tiếp xúc, được nghe và tìm hiểu, đều được cô ghi nhận và lưu lại để làm tư liệu. Mặc dù cô đã ở Đức rất lâu, nhưng trái tim Việt và lòng yêu văn thơ Việt của cô vẫn rất đậm đà và tràn đầy tình cảm. Và có thể nói chính cô là người khơi gợi xuyên suốt trong mạch thơ văn Việt Nam trong suốt hành trình khóa học, những gì từng nhắc đến trong văn thơ là cô lập tức có thể đọc ra những vần thơ tương tự nói về những chủ đề như thế, đủ cho thấy cô luôn có những cảm nhận và tha thiết với văn chương Việt Nam dường nào. Nghe cô đọc những bài thơ mượt mà của Nguyễn Bính càng truyền cảm hứng lan tỏa cho cả đoàn chúng tôi một tình yêu thuần chất về một Việt Nam mộc mạc, đơn sơ với tất cả những gì trong nhịp sống đời thường.

Láng giềng đã đỏ đèn đâu
Chờ em ăn dập miếng giầu em sang
Đôi ta cùng ở một làng
Cùng chung một ngõ vội vàng chi anh
Em nghe họ nói mong manh
Hình như họ biết chúng mình với nhau
Ai làm cả gió đắt cau,
Mấy hôm sương muối cho trầu đổ non.

(“Chờ nhau” -Nguyễn Bính)

“Nhà em cách bốn quả đồi
Cách ba ngọn suối cách đôi cánh rừng...
Nhà em xa cách quá chừng
Em van anh đấy, anh đừng thương em”.

(“Xa Cách” – Nguyễn Bính)

 

 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban NNVNVNONN chụp ảnh lưu niệm với các giáo viên tham gia Khóa tập huấn

Tất cả đều nói lên một tình yêu quê hương, đất nước trong từng chuyến đi, trong từng khoảnh khắc, trong ẩm thực Việt Nam, trong những lời ca, câu thơ và trong từng bài giảng của những bậc thầy ngôn ngữ tiếng Việt như thầy Nam, thầy Thi và cô Thuận.

Chúng tôi càng khâm phục thầy Nguyễn Thiện Nam – Trưởng khoa Việt Nam học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - bậc thầy của ngôn ngữ tiếng Việt. Thầy đã cho chúng tôi - những người ở xa quê hương, được nghe lại vài câu hò xứ Nghệ qua giọng hò “nghệ sĩ” của thầy. Điệu hò nghe thật dìu dặt mà luyến láy làm sao. Có thể nói đây là lần đầu tiên tôi được nghe câu hò Xứ Nghệ, âm vang và lắng đọng mãi trong lòng. Thầy không những là người dạy chúng tôi về phương pháp và kỹ năng giảng dạy Tiếng Việt, mà còn thông qua giao lưu văn nghệ thơ ca, khiến chúng tôi thêm yêu thơ ca và văn hóa Việt Nam. Văn học và thơ ca Việt Nam sao mà thiết tha và tình cảm đến thế. Đất nước Việt Nam với nền văn hóa văn nghệ mỗi vùng miền lại mang đặc trưng riêng thật phong phú, đa dạng và nhiều sắc thái biểu cảm vô bờ bến.

Chúng tôi còn được nghe tâm tư của chị Bích Hường ở Italia. Chị cũng là người rất tâm huyết trong việc nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt cho con em kiều bào ở Italia. Chị là người có sự tập trung tinh thần học tập cao độ và tinh thần giao lưu, bàn bạc giải quyết các vấn đề trong dạy và học tiếng Việt. Bên cạnh đó, chị cũng là đại diện cho những bài hát quan họ Bắc Ninh rất ư là duyên dáng, điệu đàng. Người Việt Nam ở nơi đâu cũng có tấm lòng yêu văn nghệ và thơ ca Việt Nam, mà bắt nguồn cơ sở của thơ ca ấy là ngôn ngữ tiếng Việt. Có nói, có hiểu được tiếng Việt thì mới cảm nhận được lời thơ, ý nhạc của thơ ca Việt Nam mang nhiều sắc thái, tầng nấc ý nghĩa đến mức nào. Không dừng lại ở đó, mà trong Khóa tập huấn lần này, tôi còn cảm thấy còn có rất nhiều những giáo viên khác, những gương mặt tiêu biểu khác đều thể hiện một tấm lòng thiết tha với sự nghiệp giáo dục, dạy tiếng Việt và truyền đạt thơ ca, văn hóa hóa Việt.

Người Việt Nam luôn mang trong mình một tâm hồn và trái tim văn hóa Việt. Ở Đài Loan cũng thế, tôi rất thích mặc áo dài truyền thống Việt Nam tham gia nhiều sự kiện giao lưu văn hóa, cũng như đi dạy tiếng Việt cho các em học sinh. Áo dài Việt Nam là quốc phục Việt Nam, người con gái Việt Nam luôn tự hào về Việt Nam với vẻ đẹp thướt tha trong chiếc áo dài xinh xắn “dù ở nơi đâu - Paris, London hay những miền xa”. Dù đi đâu thì mỗi người Việt Nam luôn mang theo mình hành trang văn hóa Việt Nam đến khắp nơi trên thế giới.

Về lại Việt Nam, học lại tiếng Việt Nam, chúng tôi như đang được đánh thức lại chính trái tim mình. Có cái nhìn đúng đắn hơn và sâu sắc hơn, độ lượng hơn và yêu nhiều hơn những người con xa quê, yêu nhiều hơn những thế hệ con em tương lai, làm sao để cho con em được học tập hiệu quả hơn về ngôn ngữ mẹ đẻ, về văn hóa và bản sắc Việt. Yêu tiếng Việt cũng là yêu “Quê Việt”. Tiếng Việt – tiếng nói từ trái tim và tiếng nói của quê nhà. Mượn lời kết cho bài viết này, tôi xin chia sẻ bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ dưới đây, cũng là thể hiện tình yêu, tình cảm của chúng tôi về tiếng nói của dân tộc như một nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn.
...

“Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?
Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình...”


(“Tiếng Việt” – Lưu Quang Vũ)

Ngọc Mai (Đài Loan)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang