19/11/2020 08:00:00 AM
Tiếng Việt ngày càng được quan tâm ở Đài Loan

LTS: Tại Đài Loan (Trung Quốc), tiếng Việt hiện đã được đưa vào giảng dạy ở nhiều trường đại học và ở các trường cấp I (như dạy tiếng mẹ đẻ) và các trường cấp 3 (như một ngoại ngữ hai). Trong việc đào tạo lực lượng giáo viên biên soạn giáo trình dạy tiếng Việt, theo chính sách của chính quyền Đài Loan hỗ trợ tân di dân, có sự góp sức không nhỏ của những giảng viên người Việt, mà một trong những tên tuổi được nhắc tới nhiều là chị Nguyễn Thị Liên Hương - người đã tham gia biên soạn, biên dịch và đứng ra chủ biên khoảng 15 cuốn sách giáo trình dạy tiếng Việt, sách về văn hóa Việt Nam.

  • Sách tiếng Việt 2 Tiếng Việt cho mọi nhà (giới thiệu sách trên kênh Momo - trang bán hàng trực tuyến lớn nhất ở Đài Loan).

  • Sách tiếng Việt 1 (tiếng Việt cho mọi nhà)

  • Workshop và ra mắt sách tại Đại học Thành Công

  • Chia sẻ kinh nghiệm với kiều bào VN tại Đài Loan

Chị Nguyễn Thị Liên Hương hiện là giảng viên tiếng Việt tại trường Đại học Đài Loan, và là giáo viên kiêm nhiệm các môn học liên quan đến tiếng Việt, văn hóa Việt Nam và văn hóa lịch sử Đông Nam Á ở một số trường đại học khác; ngoài ra, chị còn tham gia nhiều buổi giới thiệu về văn hóa Đông Nam Á cho học sinh, giáo viên ở các trường tiểu học và trung học Đài Loan. Cùng trò chuyện với chị để tìm hiểu về hoạt động dạy tiếng Việt ở Đài Loan.

 Chị Nguyễn Liên Hương và cuốn Từ điển ảnh tiếng Việt sẽ phát hành tại Mỹ vào tháng 3/2021

PV: Được biết là chị làm rất nhiều việc liên quan đến truyền bá tiếng Việt ở Đài Loan, như: dịch truyện cổ tích Việt Nam sang tiếng Hoa, tham gia làm giám khảo các cuộc thi hay các chương trình phát thanh truyền hình liên quan đến tiếng Việt, phụ trách một trang chuyên đề về thành ngữ cho một tờ báo tiếng Việt tại Đài Loan. Và chị vẫn tiếp tục dành thời gian cho những cuốn giáo trình tiếng Việt, cẩm nang văn hóa Việt Nam?

- Vâng, năm nào tôi cũng nói với bạn bè là: thôi, viết nốt năm nay thôi; hoặc là: xong cuốn này mình sẽ nghỉ dài dài, vì đầu tư thời gian và công sức cho một cuốn đã hết hai, ba năm rồi, bạc hết cả tóc! Nhưng cứ nói thế thôi rồi cuối cùng vẫn không thể dừng được. Vì lượng sinh viên học sinh ngày một đông, những lớp học trước kia chỉ có 5-7 học sinh nay lên tới 30-40 người. Trong trường học thì như vậy, ngoài xã hội, người Đài Loan muốn tìm hiểu về Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Và họ có những câu hỏi muốn tìm hiểu về đất nước Việt Nam. Chính sự yêu thích của học sinh Đài Loan đối với văn hóa, ngôn ngữ Việt là động lực cho tôi càng ngày càng muốn viết nhiều hơn, khát khao được chia sẻ nhiều hơn.

Cục Thống kê của Cơ quan Kinh tế Đài Loan (MOEA) đầu năm nay cho biết Đài Loan là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2019.

PV: Tiếng Việt được quan tâm nhiều hơn. Vì sao vậy?

- Trước đây, trong trường đại học, khi sinh viên đến học bao giờ tôi cũng dành thời gian trò chuyện với từng em và hỏi vì sao lại chọn môn tiếng Việt. Đa phần các câu trả lời xoay quanh mấy ý chính. Một là hiện nay ở Đài Loan chỉ cần đi ra ngoài đường là thấy người Việt, nhiều người Việt kết hôn với người bản địa mở các tiệm ăn Việt Nam, và chính những tiệm ăn này giúp cho người Đài Loan có sự tò mò nhất định về người Việt. Theo thống kê không đầy đủ, cứ vài con phố ở Đài Loan lại có một tiệm ăn Việt Nam, còn nhiều hơn cả tiệm ăn Thái Lan - vốn trước đây được yêu thích. Hai là, đa phần các bạn sinh viên nói họ có sự tò mò về người Việt – một cộng đồng đang lớn dần xung quanh họ (người nhập cư qua dạng kết hôn, du học sinh, người lao động Việt Nam đến Đài Loan làm việc...), thậm chí nếu đến một số ga tàu như Đào Viên và Trung Lịch, nhiều người Đài Loan còn nói đùa họ cảm thấy mình như người nước ngoài ở chính nơi đây. Nhiều em học sinh kể trong số họ hàng của họ có một người kết hôn với người Việt Nam. Ngoài ra, có bạn cho biết công ty ba mẹ đang đầu tư vào Việt Nam. Họ cũng rất tò mò tìm hiểu vì tiếp xúc với những người Việt ở đây thì thấy văn hóa Việt Nam rất gần gũi với thế hệ ông bà của họ.

Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ, Đài Loan có khoảng trên dưới 20 trường đại học có mở môn học tiếng Việt. Và môn tiếng Việt ở Đài Loan được coi là một trong những môn ngoại ngữ hai, ngoài tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất. Trong số các ngoại ngữ thứ hai, đứng đầu bảng các môn tiếng Đông Á là tiếng Nhật, Hàn, Việt và Thái. Trong chương trình dạy cấp 3, một số trường đã đưa tiếng Việt là môn ngoại ngữ hai vào dạy.

PV: Chị nói là trước kia, vậy còn hiện nay thì sao?

- Ngoài công việc chính là giảng dạy ở Đại học Đài Loan, tôi còn dạy thêm ở Cục cảnh sát, Bộ ngoại giao và khá nhiều công ty có người Đài Loan đầu tư vào Việt Nam, rồi trung tâm của Bộ Ngoại thương mở cho những người có nhu cầu muốn học về tiếng Việt. Tôi đã hợp tác với các trung tâm này khoảng 7, 8 năm nay, dạy ở hai địa điểm Tân Trúc và Đài Bắc. Người phụ trách trung tâm nói với tôi: So với các ngôn ngữ Đông Nam Á khác thì tiếng Việt được nhiều người quan tâm hơn.

Theo tôi nghĩ có thể có hai lý do chính: Một là đầu tư của người Đài Loan trước đây nhằm vào thị trường Trung Quốc đại lục, nhưng bây giờ thị trường này đã bị bão hòa thì họ muốn chuyển đầu tư sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Hai là, chính sách hướng nam của chính quyền Đài Loan đã thúc đẩy sự đầu tư của thương nhân Đài Loan đến Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Trước đây thế hệ trẻ chú ý đến các ngoại ngữ khác hơn là tiếng Việt. Nhưng truyền thông Đài Loan những năm gần đây đã đưa tin về việc chính sách hướng nam có ảnh hưởng đến tìm việc làm như thế nào. Khá nhiều bạn trẻ bắt đầu chuyển hướng muốn sang Việt Nam để tìm việc làm.

Pv: Những năm trước Sở Di dân của Đài Loan có chương trình Ngọn đuốc, nhằm chăm sóc con em của những người di dân mới. Chương trình này đã mở các lớp tiếng Việt cho con em thế hệ F2 và chị cũng tham gia biên soạn sách tiếng Việt cho các em. Theo chị, những năm qua, việc giảng dạy tiếng mẹ đẻ cho con em người nước ngoài nói chung và người Việt nói riêng ở Đài Loan có những thay đổi như thế nào?

- Khoảng 6 năm trước Bộ Giáo dục của Đài Loan mời một số chuyên gia về ngôn ngữ và giáo viên dạy ngôn ngữ Đông Nam Á đến tham gia một cuộc họp về chính sách phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ trong trường cấp I, và khi đó dự tính vào tháng 9/2019, 7 ngôn ngữ Đông Nam Á trong đó có tiếng Việt sẽ được đưa vào dạy từ cấp I như ngôn ngữ mẹ đẻ. Lúc đó, tôi rất vinh dự được mời tham gia vào tổ thúc đẩy chương trình. Ngay từ đầu, nhiều hiệu trưởng và phụ huynh của các trường cấp I Đài Loan cũng khá phản đối chính sách này, vì họ thấy con em của họ đã khá vất vả, học rất nhiều môn rồi, tại sao lại phải học thêm một ngôn ngữ rất ít người dùng nữa.

Nhưng sau khi được Bộ thuyết phục và làm rất nhiều báo cáo thì dần dần các trường cấp I ở Đài Loan cũng đồng ý phối hợp với Bộ Giáo dục để xây dựng chương trình, bồi dưỡng giáo viên và biên soạn 1 bộ sách 7 ngôn ngữ Đông Nam Á, trong đó có tiếng Việt.

Thực ra trước khi tham gia vào Tổ biên soạn (một số tập đầu) và hiệu đính cho bộ sách chính thức của Bộ Giáo dục Đài Loan phát hành này, 9 năm trước tôi đã từng cộng tác với huyện Chương Hóa và một số giáo viên khác cho ra 6 tập sách tiếng Việt cho cấp I, và cũng từng hợp tác với Bộ Giáo dục và Sở Di dân cho ra mắt 1 tập sách học tiếng Việt khác.

Hiện tại, Đài Loan cần khoảng hơn 3.000 giáo viên cấp I dạy ngôn ngữ Đông Nam Á, trong đó chiếm số lượng nhiều nhất là con em người Việt. Qua những buổi hướng dẫn cách giảng dạy tiếng Việt cho những lớp đào tạo giáo viên tiếng Việt cấp I, tôi thấy có khá nhiều điều thú vị.

Trước đây những người mẹ Việt sang Đài Loan theo diện kết hôn, thường sẽ không cảm thấy tự tin khi nói bằng ngôn ngữ mẹ đẻ với con cái, vì họ có cảm giác là gia đình chồng không muốn họ nói thứ ngôn ngữ người ta không hiểu, thứ hai là dù ít dù nhiều thì người Việt hay những người di dân mới ở Đài Loan đều cảm thấy nếu dùng ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ có cảm giác bị kỳ thị, nên họ thường không đủ tự tin để nói. Nhưng sau khi chính sách này được đưa vào thực thi ở các trường cấp I, thành môn học chính thống trong nhà trường, thì tôi cảm thấy nhiều bà mẹ Việt cũng tự tin hơn trong việc truyền bá ngôn ngữ mẹ đẻ cho con em mình, tự tin hơn trong việc dùng tiếng Việt để giao tiếp với con ở nhà cũng như ngoài xã hội. Nhìn chung, các bé con lai Việt Đài ở Đài Loan đa phần thích nói tiếng Hoa hơn. Vì thông thường mẹ cũng ít dùng ngôn ngữ mẹ đẻ để nói chuyện với các con. Nhưng sau khi chính sách dạy ngôn ngữ mẹ đẻ được đưa ra và thực thi ở các trường cấp I, thông qua những trường hợp cụ thể mà tôi được tiếp xúc, thì thấy được các con đã thích nói tiếng Việt nhiều hơn, vì ngôn ngữ mẹ đẻ của mình không phải chỉ nói ở nhà, mà được nói ở trường, một nơi truyền bá kiến thức chính thống. Các con từ chỗ không hứng thú lắm, thì bắt đầu thích học, thích tìm hiểu. Khi các con cảm thấy xung quanh bạn bè cũng nói được tiếng của mẹ mình, thì sẽ càng cảm thấy tự hào và tự tin hơn, càng muốn tìm hiểu về quê hương của mẹ hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn chị!

Khánh Linh




 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand đoàn kết phát triển, vững mạnh
Vai trò, vị trí của Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga trong xu thế phát triển chung
Hội chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Đan Mạch thảo luận kế hoạch hoạt động năm 2024
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Trí thức, chuyên gia Việt Nam tại Australia mong muốn góp phần xây dựng và phát triển đất nước
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang