12/11/2016 11:32:00 PM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ chuyên gia, trí thức và doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu

Ngày 12/11, trong khuôn khổ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp mặt và trò chuyện với các chuyên gia, trí thức và doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu tham dự Hội nghị.

  • Quang cảnh buổi gặp mặt

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp mặt

  • Ông Nguyễn Trí Hiếu, kiều bào tại Mỹ phát biểu

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã luôn dành tình cảm nồng hậu, sự quan tâm to lớn đối với bà con kiều bào. Thứ trưởng đã báo cáo với Thủ tướng về chương trình, mục đích và ý nghĩa của Hội nghị.

Thứ trưởng cho biết, Hội nghị là diễn đàn trao đổi, chia sẻ thông qua các tham luận của kiều bào về những vấn đề thách thức, khó khăn, dự báo sự phát triển, phương hướng để đảm bảo sự phát triển bền vững của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Mục tiêu của Hội nghị là huy động, phát huy trí tuệ của chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào đóng góp, hiên kế, tìm giải pháp thiết thực, hiệu quả cho các vấn đề phát triển cấp bách cũng như lâu dài, bền vững của TP Hồ Chí Minh; đưa TP Hồ Chí Minh trở thành mô hình, cơ sở cho công tác vận động, xây dựng chính sách, huy động đóng góp của kiều bào và thúc đẩy hợp tác giữa kiều bào với các địa phương, nhất là Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Củng cố, gắn kết kiều bào với trong nước, xây dựng lòng tin, tạo sự đột phá trong mối liên hệ và phương cách huy động sự tham gia đóng góp hiệu quả của NVNONN.

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu kiều bào đã được trò chuyện, bày tỏ sự chia sẻ, mong muốn và tâm huyết cùng chung tay góp phần xây dựng TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, kiều bào tại Mỹ cho rằng: Tăng cường hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước và tái cơ cấu hệ thống tài chính – ngân hàng là hai nhiệm vụ có tính bao quát và cần thảo luận sâu. Tuy nhiên vì thời lượng hạn chế, tôi xin phép đề cập dưới một khía cạnh chung cần giải quyết của hai nhiệm vụ nêu trên, đó là nợ - nợ của chính phủ, nợ xấu và gánh nợ từ các ngân hàng yếu kém. Đây là ba vấn đề không những được dư luận trong nước đang rất quan tâm mà cũng là sự quan tâm của rất nhiều kiều bào khi nhìn về nền tài chính công và những hệ lụy của hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Do Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, tôi có kiến nghị rằng ba vấn đề nêu trên: giải quyết vấn đề nợ công, giải quyết vấn đề nợ xấu và cho phép ngân hàng yếu kém phá sản nên được Chính phủ quan tâm và có những giải pháp và chương trình hành động cụ thể đối với những vấn đề này.

Đề xuất về đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, TS Tăng Anh Minh, kiều bào tại Pháp, Nhóm Sáng kiến Việt Nam AVSE cho biết: Ở Việt Nam hiện nay chưa có được môi trường làm việc nghiên cứu khoa học ngang tầm quốc tế. Vì vậy, tôi xin đề xuất Chính phủ nên tập trung quan tâm đến việc này. Thứ nhất, khuyến khích phát triển nghiên cứu trong các trường đại học bằng cách: tăng số lượng giảng viên để giảng viên có thời gian làm nghiên cứu, có chế độ khuyến khích khen thưởng dựa theo kết quả nghiên cứu, khuyến khích sinh viên làm khoa học, đầu tư cơ sở vật chất cho nghiên cứu… Thứ hai, để phát triển được hợp tác quốc tế, ngoài việc phải có điều kiện làm việc tương đương, ta cần phải đối thoại được với môi trường quốc tế. Vì vậy, việc khuyến khích học tiếng Anh, dùng tiếng Anh trong nghiên cứu khoa học là cần thiết.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực đầu tư và tài chính, TS Phạm Đỗ Chí, kiều bào tại Mỹ cho rằng cần có một chương trình cải cách thể chế kinh tế một cách toàn diện, nhằm “cởi trói” cho doanh nghiệp tư nhân, tạo cú hích để tăng tốc phát triển nền kinh tế. Cụ thể, kích thích khu vực kinh tế tư nhân phát triển sản xuất và thương mại, trở thành đầu tàu cho cả nước và cạnh tranh hiệu quả trong vùng và thế giới; Cho phép áp dụng các qui chế và luật lệ thuế khóa đặc biệt phát triển ngoại thương, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của vùng và thế giới về một số mặt hàng xuất khẩu quen thuộc trong khu vực FDI hay mặt hàng mới; Áp dụng chính sách cải cách giáo dục mạnh dạn với đầu tư nước ngoài nhằm tăng cường khối nhân lực sản xuất hiện đại, theo đòi hỏi của việc thiết lập Trung tâm Công nghệ cao, và một Trung tâm Tài chính vùng tại TP Hồ Chí Minh; Áp dụng các chính sách mới về Y tế Công cộng nhằm tăng cường sức khỏe người dân và năng lực sản xuất công nhân…

Lắng nghe những ý kiến của kiều bào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm động khi được nghe những phân tích xác đáng và ý kiến đóng góp quý báu về các giải pháp thiết thực, hiệu quả cho những vấn đề phát triển cấp bách cũng như lâu dài của đất nước, từ tái cơ cấu kinh tế, đổi mới giáo dục, phát triển khoa học công nghệ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đến thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường… Mặc dù các ý kiến phát biểu đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng tất cả đều thể hiện sự đồng thuận, nhất trí và niềm tin vào tương lai phát triển của đất nước.

Thủ tướng mong rằng các đại biểu kiều bào sẽ không chỉ dừng lại ở việc phát hiện ra vấn đề, đánh giá sâu sắc về vấn đề, nêu đề xuất, kiến nghị, mà trong điều kiện cho phép, sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ triển khai những đề xuất, kiến nghị đó.

Thủ tướng đề nghị các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành tham dự buổi gặp mặt này chỉ đạo bộ, ngành mình xem xét, đánh giá tính khả thi và khẩn trương triển khai những đề xuất, kiến nghị mà các đại biểu đã nêu, cũng như những ý kiến khác, mà do thời gian có hạn, chưa có điều kiện được trình bày tại đây.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Chính phủ rất mong muốn có được sự chung tay, góp sức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cùng với đồng bào trong nước đoàn kết đưa đất nước ta phát triển đi lên, có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế. Thủ tướng cho rằng cuộc gặp mặt hôm nay và Hội nghị mà chúng ta đang tham dự là một dịp tốt để Chính phủ lắng nghe tâm tư nguyện vọng của kiều bào, đồng thời cũng hy vọng các chương trình này sẽ mang lại hiệu ứng lan toả, khuyến khích kiều bào ta ở nước ngoài có những đóng góp ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn nữa cho đất nước".

Cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã luôn dành tình cảm nồng hậu, sự quan tâm to lớn đối với bà con kiều bào, các đại biểu đều bày tỏ mong muốn được chung tay, góp sức xây dựng TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển lâu dài, bền vững.

Tối cùng ngày, các đại biểu kiều bào dự tiệc chiêu đãi và thưởng thức Chương trình nghệ thuật chào mừng Hội nghị.

Thủy Trần

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang