26/01/2017 10:48:00 AM
Tết ở Xanh - Petecbua

Tết cổ truyền dân tộc đến với chúng tôi khi các kỳ thi cơ bản đã hoàn thành nên tâm lý cũng khá thoải mái. Các trường có truyền thống tổ chức Tết Nguyên đán là Đại học tổng hợp Kỹ thuật Điện Xanh-Petecbua (LETI), Đại học Bách khoa Xanh-Petecbua, Đại học Mỏ Xanh-Petecbua, Đại học Kỹ thuật Lâm nghiệp Xanh-Petecbua...

  • Dòng sông Neva khi chưa vào Đông

  • “Những đứa trẻ to đầu” lăn lộn trên tuyết

  • Người dân đón Tết Dương lịch trên đại lộ Nevski

  • Cộng đồng người Việt quây quần cùng đón Tết Nguyên đán

  • Tết cổ truyền tại ký túc xá trường ĐH LETI

Giáo – cách gọi thân mật giảng viên người Nga của chúng tôi – còn chưa bước chân ra cửa giảng đường, tôi đã bật dậy sung sướng reo lên:

- Xong rồi, bài học đã hoàn thành! Quá là tuyệt vời!

Tức khắc, mười tám cặp mắt với nhiều sắc màu ngỡ ngàng dồn về phía tôi. Tôi thoáng chút bối rối rồi cười xòa. Giáo quay lại mỉm cười:

- Sinh viên Việt Nam hôm nay vui thế!?

Bên cạnh em vang lên một giọng nói nắn nót:

- Tết! Tết cổ truyền Việt Nam! Vui lắm!

Ngay lập tức, cả lớp rộn ràng lao xao:

- Tết Việt Nam!

- Vui như Tết!

- Món ăn Việt Nam rất ngon!

- Tết của người Việt rất vui!...

Những tiếng cười hồn nhiên, những câu nói rành rọt, chậm rãi, vang vang. Giáo nhìn chúng tôi trìu mến: “Chúc mừng Năm mới!”. Cả lớp òa lên: “Chúc mừng Năm mới” và lao nhanh ra ngoài.

Trời căm căm giá lạnh, tuyết phủ ngập sân trường, có những chỗ tuyết mới được vun cao hơn cả mét, tơi xốp trắng ngần. “Những đứa trẻ to đầu” lăn lộn trên tuyết, bốc những vốc tuyết to kín lòng bàn tay ném nhau tới tấp, miệng vẫn còn ra rả: “Chúc mừng Năm mới”, “Mời tôi ăn Tết nhé”, “Mời bạn đến ăn Tết với tôi nhé”… Tiếng Nga, tiếng Việt và các ngôn ngữ khác hòa lẫn với nhau, không còn phân biệt ranh giới, không còn rõ người phát ngôn. Em cao hứng đọc to: “Có nơi nào như nơi đây/ Nhiệt độ đêm ngày gần như không đổi/ Tê tái buốt người, thoáng cơn gió nổi/ Phơ phất trắng trời, hoa tuyết bay bay…”. Một bạn khác cũng cao hứng: “Bốn bề bát ngát xa trông/ Bốn bề băng tuyết mênh mông bốn bề/ Càng ngắm, càng lắng, càng mê…”. “Ô, Truyện Kiều, lẩy Kiều!”; “Chuyển bạn này sang trường Đại học Tổng hợp Xanh-Petecbua, khoa Đông phương học!”… Giá lạnh chừng như vỡ tan, những tiếng cười trong trẻo đưa những đôi chân rộn vui về đến ký túc xá dành cho cả sinh viên người Nga và sinh viên người nước ngoài. Đâu đây đã hiển hiện không khí đầm ấm ngày Tết – Tết của người Nga và Tết của người Việt trên đất nước Nga.

Tết của người Nga

Tôi đã được nghe những câu chuyện về lễ Tết của người Nga, rằng bắt đầu từ năm 1700, với quyết định của Sa hoàng Pi-ốt Đại đế, người Nga mới bắt đầu tổ chức lễ đón mừng năm mới vào đêm Giao Thừa 31/12 đến rạng sáng 01/01. Tết Dương lịch của người Nga là ngày lễ của dạo chơi, ăn uống và tặng quà. Ý nghĩa của cây thông năm mới với ba thứ bắt buộc là: quả táo - biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở, hạt dẻ - biểu tượng cho sự linh thiêng thần thánh, và trứng - biểu tượng cho sự thăng tiến, hài hòa và no đủ. Quà tặng được yêu thích dành cho phụ nữ là khăn quàng và dành cho trẻ em là búp bê, kiểu dáng thì phải phù hợp và màu sắc theo sở thích…

Những ngày cuối năm, không khí Tết rộn ràng trên khắp các quảng trường, đường phố, đâu đâu cũng rực rỡ những cây thông xanh được trang trí lộng lẫy những dây đèn nhấp nháy, những quả cầu sặc sỡ, những chuỗi hạt đủ loại màu sắc lóng lánh. Mùa này, trời Xanh-Petecbua sáng rất muộn và tối rất sớm nên cây thông năm mới được thắp sáng cả ngày. Các cửa hàng, trung tâm thương mại thật nhiều hàng hóa và chương trình khuyến mãi. Cảm giác nhộn nhịp, tưng bừng len lỏi vào cả giảng đường đại học. Các bạn sinh viên người Nga và người nước ngoài tranh thủ mọi lúc mọi nơi xôn xao bàn tán chuyện năm mới, các chương trình lễ hội, các địa điểm vui chơi… và đương nhiên là có lời mời nhau đến ăn Tết, hò hẹn nhau đi tham quan. Đến ngày nghỉ, đa phần sinh viên người Nga và các nước gần sẽ về ăn Tết cùng gia đình, một số lên kế hoạch đi nghỉ ở các vùng biển ấm áp để thưởng thức “mùa Hè giữa tiết Đông”… Chúng tôi được nghỉ Tết của người Nga hơn mười ngày và cũng “nhập gia tùy tục” theo đúng tinh thần “đón năm mới ra sao thì cả năm sẽ y như thế”. Mặc dù phải luôn ghi nhớ trong đầu rằng sau kỳ nghỉ Tết sẽ là kỳ thi cực kỳ gian khó và áp lực, chúng tôi vẫn cố gắng thu xếp thời gian “dạo quanh phố phường, dạo quanh thị trường”, ngắm người Nga ăn Tết và chọn mua một vài món quà phù hợp.

Lễ hội năm mới của người Nga kéo dài từ trước tối 24/12 đến sau ngày 7/1 với các chương trình nhộn nhịp ở khắp các quảng trường, pháo đài, vườn hoa, công viên…; trung tâm nhất là đêm Giao Thừa trên Đại lộ Nevsky và Quảng trường Cung điện Mùa Đông. Chúng tôi rời ký túc xá từ khá sớm, ăn mặc cẩn thận và chuẩn bị năng lượng đầy đủ cho một đêm đi bộ khá dài và khá lâu trong tiết trời lạnh chừng -200C. Người Nga thường nói: “Phi tuyết bất thành Tết”. Chúng tôi dừng chân trên cầu Liteinui ngắm dòng sông băng; sông Neva dài 74 km, đoạn chảy qua thành phố Xanh-Petecbua dài 28km và chỗ sâu nhất chính là ở chân cầu này - 24m. Giờ đây cả dòng sông đã là một hố băng khổng lồ, tạo nên cảm giác trắng xóa kéo dài vô tận. Trên các tuyến phố, phương tiện giao thông cá nhân đã thưa thớt, rất nhiều cây thông xanh được trang trí sặc sỡ. Những dây đèn màu mắc trên những thân cây trơ trụi lá hoặc chăng ngang trên những con đường, những nhánh sông bị băng tuyết phủ càng trở nên long lanh, rực rỡ.

Khi chúng tôi ra đến Đại lộ Nevsky, cả biển người vui tươi hớn hở tay trong tay đang hướng về Cung điện Mùa Đông. Các loại xe chuyên dụng đang triển khai phân lập một khu vực rộng lớn dành cho buổi lễ. Các sân khấu ngoài trời được dựng lên nhanh chóng, các nàng Bạch Tuyết cùng nam thanh nữ tú tưng bừng nhảy múa, ca hát. Quảng trường Cung điện Mùa Đông đã chật kín; hàng nghìn, hàng nghìn người với nhiều sắc da, nhiều ngôn ngữ xôn xao cười nói. Không khí đang nóng lên. Giữa Quảng trường là một cây thông xanh rất lớn được trang trí cầu kỳ. Từ sân khấu trung tâm vọng lên tiếng nhạc bập bùng hòa lẫn tiếng vỗ tay sôi động. Trên màn hình khổng lồ là bức tường Cung điện, ánh đèn máy chiếu bật sáng rõ nét hình quốc kỳ Nga. Hàng ngàn tiếng reo hò vang dậy: “Hu-ra! Hu-ra! Hu-ra!!!”. Thời khắc Giao Thừa đã điểm. Bốn phía tiếng pháo rền vang, rực sáng, sặc sỡ sắc màu. Cả vùng trời long lanh diễm lệ. Lời chúc mừng năm mới đồng thanh vang vang: “С Новым Годом! СНовымГодом! СНовымГодом!!!” (Chúc mừng Năm mới!!!). Những nụ cười mãn nguyện, lạc quan tin tưởng vào một năm mới sẽ có nhiều điều tốt đẹp. Mọi người tiếp tục nắm tay nhau tỏa ra các tuyến phố, tiếp tục vui chơi, chúc tụng... Vẫn còn vang vọng lời chúc Tết của Tổng thống Nga: “... Không phải tất cả đang đón năm mới với người thân vì phải đang làm việc trong các bệnh viện và nhà máy, thực hiện công việc và nhiệm vụ của người lính là bảo vệ biên giới, thực hiện các cuộc túc trực để bảo đảm an ninh cho chúng ta trên đất liền, trên biển và trên không. Chúng ta biết ơn về điều đó...”.

Tết của người Việt ở Xanh-Petecbua

Tết cổ truyền dân tộc đến với chúng tôi khi các kỳ thi cơ bản đã hoàn thành nên tâm lý cũng khá thoải mái. Các trường có truyền thống tổ chức Tết Nguyên đán là Đại học tổng hợp Kỹ thuật Điện Xanh-Petecbua (LETI), Đại học Bách khoa Xanh-Petecbua, Đại học Mỏ Xanh-Petecbua, Đại học Kỹ thuật Lâm nghiệp Xanh-Petecbua... Đã thành thông lệ, Tết Dương lịch thường do từng phòng hoặc từng nhóm tự biên tự diễn, còn Tết cổ truyền dân tộc sẽ được tất cả anh chị em trong ký túc xá cùng chung tay tổ chức đón mừng và được phép mở rộng mời khách. Với quân số trên dưới 30 người mà đa phần là các anh chị nghiên cứu sinh thì chắc chắn “cơm sẽ lành, canh sẽ ngọt”. Bởi lẽ, các anh chị ấy có “thâm niên công tác cao” và “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”; ra ngoài thì “biết hết các ngõ, tỏ hết các đường”, “cái gì cần sẽ có, cái gì có đều cần”; về nhà thì “tay dao hay, tay thớt giỏi”, “nem công, chả phượng, sơn hào, hải vị” – món gì cũng làm ngon! Vì vậy, Tết ở trường tôi chắc chắn là tươm tất. Công tác chuẩn bị được phân công rõ ràng và thực hiện chỉn chu, từ việc liên hệ hội trường ký túc xá, phông màn, câu đối, mời khách, làm cỗ... cho đến văn hóa, văn nghệ, chăm sóc sức khỏe tinh thần.

Sắp đến giờ G, mọi thứ đã sẵn sàng: “Phông, cờ, cành đào, câu đối đỏ/ Rượu, thịt, giò lụa, bánh chưng xanh”. Mâm cỗ Tết có đầy đủ hương vị Việt: bánh chưng, xôi vò, chè kho, thịt đông, gà luộc, nem rán, giò lụa, giò mỡ, dưa hành, canh măng...; còn có thêm hương vị Nga: thịt hun khói, bánh mì “karavai”, rượu vodka và salad. Hồi hộp nhất là giờ đón khách, nhiệm vụ này do các anh “cựu binh” am tường văn hóa và nói năng lưu loát đảm nhiệm. Hồi hộp cũng vì còn một lí do đặc biệt là các nàng thiếu nữ và các tân sinh viên đang rụt rè giấu nước mắt trong những cuộc điện thoại về chúc Tết quê hương Việt Nam.

Thời khắc Giao Thừa đã điểm, không có đèn màu ngập đường và pháo hoa rợp trời nhưng không khí thật ấm cúng và thân thương. Rượu sâm-panh nổ vang, giọt xúc động tuôn tràn, tiếng chạm ly vang vang, những bàn tay siết chặt, những vòng ôm nồng nàn... Tất cả đồng thanh: “Chúc mừng Năm mới!!!”. Khách mời là bác quản lý ký túc xá, là bạn sinh viên người Nga và người nước ngoài... đều hòa chung vào tình yêu thương đầm ấm, cùng tạo nên một thời khắc ý nghĩa. Anh chị em nhìn nhau, cùng nhìn lại để buông bỏ những điều chưa tốt, cùng nhau hướng sang năm mới hi vọng những điều tốt đẹp, gắn kết với nhau cùng phấn đấu nhằm đạt kết quả tốt hơn trong học tập và công tác cũng như trong hoạt động phong trào và cộng đồng. Sôi động nhất là chương trình “chăm sóc sức khỏe tinh thần”: các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” được thể hiện rất tự nhiên và trong sáng, tiết mục đố vui “hái lộc mừng tuổi” đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống, ấm tình quê hương.

Khi cuộc vui tạm dừng, tất cả được dọn dẹp sạch gọn cũng là lúc tâm trạng có chút chùng xuống – cảm giác Tết xa nhà. Thời gian ở Xanh-Petecbua muộn hơn 4 tiếng đồng hồ so với múi giờ ở Việt Nam nên khi ở quê đang vui đón Giao Thừa thì bên này đang tíu tít chuẩn bị cỗ bàn và khi chúng em trở về phòng riêng thì đã là đầu giờ sáng Mồng Một Tết ở quê hương – chắc là mọi người đang quần đẹp áo mới tưng bừng chúc Tết. “Mồng Một Tết Cha, Mồng Hai Tết Mẹ, Mồng Ba Tết Thầy” – đạo nghĩa con người Việt Nam muôn đời vẫn vậy. Các thiếu nữ và các tân sinh viên lại ôm gối, cố giấu kín nỗi nhớ nhà, nhớ Tết quê hương. Thương rất nhiều là các bạn học viên của các trường quân đội, kỷ luật nghiêm minh, quy định chặt chẽ nên chỉ có thể được thưởng thức hương vị Tết cổ truyền dân tộc trong buổi Tết cộng đồng.

Tết cộng đồng là buổi tất niên đón mừng Xuân mới do cộng đồng người Việt ở thành phố Xanh-Petecbua chủ trì tổ chức. Từ nhiều ngày trước, kế hoạch chương trình đã được xây dựng chi tiết và thông báo cho tất cả các đầu mối bà con cũng như các tổ chức, cá nhân đang công tác và học tập ở đây. Mối quan hệ mật thiết giữa cộng đồng người Việt và lưu học sinh đã trở thành một nét đẹp truyền thống. Đối với các hoạt động của cộng đồng nhân dịp lễ tết, Quốc tế Phụ nữ, Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu hay ngày Phụ nữ Việt Nam..., lưu học sinh đều hăng hái tham gia phụ giúp; cuộc sống học tập và công tác cũng như các hoạt động phong trào của lưu học sinh cũng nhận được sự quan tâm giúp đỡ, chỉ bảo, dìu dắt của các bác, các cô, các chú trong cộng đồng, thậm chí có cả con em cộng đồng cùng bạn bè bản địa nhiệt tình chung tay. Hoạt động chung lớn nhất trong năm có lẽ là Tết Nguyên đán. Nỗi niềm nhớ nước thương nhà vẫn đau đáu thường trực trong mỗi người con đất Việt, đặc biệt mỗi lúc Tết đến Xuân về. Ban chấp hành cộng đồng sẽ lựa chọn thời gian phù hợp, liên hệ một hội trường đủ lớn, chuẩn bị mọi thứ cần thiết để tổ chức thật tốt buổi gặp mặt tất niên.

Không khí Tết cổ truyền dân tộc đang ấm dần lên. Chúng tôi cố gắng thu xếp để đến điểm hẹn thật sớm. Thế mà từ xa đã thấy tíu ta tíu tít, tươi cười hớn hở, túm năm tụm ba rôm rả nói cười... Có những bàn tay siết chặt bàn tay, có những vòng ôm nồng nàn thắm thiết, có những nỗi vui mừng tưởng chừng như hàng chục năm mới được gặp lại. Bầu nhiệt huyết nóng bừng lan tỏa khắp hội trường. Hội trường được chuẩn bị chu đáo, chính giữa là màn hình lớn nổi bật dòng chữ: “CHÚC MỪNG NĂM MỚI”, dọc trái là bức phông chạy dài với hình ảnh quen thuộc: cành đào đỏ thắm, cành mai vàng tươi và đàn em bé tung tăng vui chơi. Mọi người nhanh chóng ngồi chung bàn như đã quen nhau, thân nhau từ lâu. Các bài hát truyền thống của quê hương Việt Nam vang lên. Đại diện Ban chấp hành cộng đồng chúc Tết bà con. Hàng trăm giọng nói mừng vui reo vang: “Chúc mừng Năm mới!!!”. Tiếng chạm ly leng keng, tiếng cười nói rộn ràng, những lời chúc vang vang... Những nỗi niềm ấp ủ, những cảm xúc dồn nén, nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết được dịp chung chia tuôn tràn. Tết đồng hương – Tết của tình thân. Bầu không khí yêu thương quyện mãi, vương mãi trên những nẻo đường trở về, trên những nẻo đường đi ra... Mong một năm mới tốt đẹp hơn, mong một ngày mai tốt đẹp hơn.

Chúng tôi được nghỉ 3 ngày Tết cổ truyền dân tộc, được cùng nhau tổ chức Tết đồng môn, đồng hương, đồng niên, đồng khóa... Khối tình của những người con đất Việt xa quê thêm bền chặt, thêm vững vàng trên bước đường phía trước.

Phạm Hồng Bắc (LB Nga) 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang