28/01/2017 09:45:00 AM
Quản lý giao thông với ứng dụng công nghệ thành phố thông minh

Theo chân nhiều đô thị lớn của các nước đang phát triển trong vùng châu Á và thế giới, các thành phố lớn của Việt Nam như Tp Hồ Chí Minh và Hà Nội đã và đang chứng kiến sự bùng nổ rất nhanh về dân số trong những năm qua, phần lớn do sự di dân từ các tỉnh thành khác.

Trong khi sự bùng nổ dân số tại Tp Hồ Chí Minh cung cấp nguồn nhân lực quan trọng góp phần phát triển Thành phố, nó cũng dẫn đến sự quá tải lớn cho hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục… Dù Thành phố đã có nhiều cố gắng trong việc liên tục cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, tốc độ phát triển hạ tầng xem ra chưa thể theo kịp tốc độ tăng dân số của Thành phố.

Việc quá tải hạ tầng giao thông gây ra tắc nghẽn, ô nhiễm không khí do khí thải từ các phương tiện giao thông ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt trong các giờ cao điểm. Tất cả đã ảnh hưởng sâu rộng và tiêu cực đến các hoạt động kinh tế và sinh hoạt của người dân. Nếu không có chiến lược và giải pháp thông minh, đột phá và toàn diện thì có thể dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục và ngày càng trầm trọng hơn. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nước ta đang phải đối phó với nợ công lớn và tăng nhanh, Tp Hồ Chí Minh bị cắt giảm ngân sách trong các năm tới như báo chí đưa tin gần đây.

 TS Lê Bảo Long

Tầm nhìn và quy trình phát triển

Có nhiều định nghĩa về thành phố thông minh (TPTM), tuy nhiên khái niệm TPTM liên quan đến việc ứng dụng các công nghệ thông tin và truyền thông tiên tiến để quản lý và sử dụng hiệu quả các cơ sở hạ tầng quan trọng của thành phố như hạ tầng giao thông, hệ thống điện, nước, trường học, bệnh viện, dịch vụ…là phổ biến. Việc phát triển TPTM giúp sử dụng tối ưu cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế, xã hội; cho phép chúng thích nghi với các thay đổi và tạo ra tương tác tích cực giữa người dân và chính quyền.

Ứng dụng các công nghệ TPTM vào giao thông đô thị sẽ tạo ra hệ thống giao thông thông minh (GTTM), góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm chi phí vận hành và đầu tư mở rộng, nâng cấp hạ tầng, mang đến nhiều dịch vụ và tiện ích cho người dân. Tuy nhiên, quá trình này không dễ dàng cho Tp Hồ Chí Minh vì nhiều lý do như hệ thống giao thông của Thành phố đang ở trình độ thấp. Với áp lực giao thông rất lớn, Tp Hồ Chí Minh cần một giải pháp tổng thể và hiệu quả để giúp giải quyết quyết liệt các điểm nóng ùn tắc giao thông trong ngắn hạn trong khi hướng đến phát triển bền vững và hiện đại trong tương lai.

Một giải pháp như thế nên bao gồm: Phát triển và hoàn thiện dần và liên tục hạ tầng giao thông qua việc triển khai hài hòa các phương tiện và công nghệ giao thông khác nhau, có xét đến đặc thù của Việt Nam; Tích hợp và triển khai các công nghệ TPTM hiện đại vào hạ tầng giao thông với lịch trình và đầu tư phù hợp. Một chiến lược như thế cần sự phát triển và tương tác hiệu quả của 3 đối tượng: Công nghệ, Con người (người sử dụng giao thông, chính quyền, bộ máy quản lý giao thông) và Hệ thống quản lý giao thông.

 Ùn tắc giao thông đang là vấn đề nhức nhối của Tp Hồ Chí Minh

Phát triển hạ tầng giao thông và lựa chọn công nghệ

Từ trải nghiệm thực tế về hệ thống giao thông tại nhiều nước trong khối phát triển và đang phát triển và các tài liệu tham khảo, người viết có vài nhận định sau đây:

Hạ tầng giao thông các thành phố lớn và đông dân đều dựa trên nhiều công nghệ và phương tiện giao thông khác nhau: xe máy, xe hơi cá nhân hay cho thuê, taxi, bus, tàu điện ngầm hay tàu trên cao, tàu điện chạy trên mặt đất dùng nhiều công nghệ và có tốc độ khác nhau. Trừ các nước có hệ thống đường xá tốt (đường nội ô và cao tốc) như tại Bắc Mỹ, đa phần các thành phố đông dân nhưng chật hẹp (như châu Á hay châu Âu) thường dựa vào giao thông công cộng với hệ thống bus và các loại tàu điện để đáp ứng phần lớn nhu cầu đi lại của người dân.

Giao thông tại các thành phố lớn của Việt Nam đa phần dựa vào phương tiện xe máy, tuy linh động và không chiếm quá nhiều diện tích đường nhưng rõ ràng nó không phải là phương tiện an toàn, tốt cho sức khỏe, đặc biệt không dễ quản lý. Thực tế, không có nhiều thành phố - dù là ở các nước đang phát triển - sử dụng trên diện rộng xe máy cá nhân như tại Việt Nam. Do đó, Tp Hồ Chí Minh sẽ cần phải từng bước phát triển và hoàn thiện các phương tiện giao thông công cộng, song song với việc hạn chế tối đa việc phát triển và sử dụng xe máy. Tất nhiên, việc này phải làm từng bước phù hợp với khả năng vận chuyển của hệ thống giao thông công cộng.

Một thách thức có thể dự đoán cho vấn đề giao thông tại Tp Hồ Chí Minh là việc gia tăng số lượng xe hơi cá nhân trong các năm tới, khi các loại thuế đánh vào xe hơi ngày càng giảm khi Việt Nam triển khai các hiệp định và cam kết quốc tế, cũng như nhu cầu chính đáng ngày càng cao của người dân trong việc sở hữu xe hơi. Là phương tiện hiện đại và an toàn, nhưng xe hơi cá nhân là nguyên nhân chính dẫn đến tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng tại các thành phố lớn như Bangkok (Thái Lan) hay Bắc Kinh (Trung Quốc). Đề ra chính sách phù hợp để phát triển và quản lý xe hơi cá nhân dung hòa được nhu cầu của người dân và sức chịu đựng của hạ tầng giao thông, vì thế là một việc rất cấp bách và quan trọng. Ứng dụng các công nghệ TPTM tiên tiến sẽ giúp mang đến nhiều giải pháp cho vấn đề này.

Một thành phố đáng sống chắc chắn nên có các hệ thống giao thông hiện đại như tàu điện (metro, subway, skytrain) hay các loại tàu điện cao tốc đường dài. Đến thăm các thành phố hiện đại như Tokyo (Nhật Bản), chúng ta thường có ấn tượng mạnh về các hệ thống tàu điện hiện đại, sạch sẽ, dùng nhiều công nghệ và có tốc độ khác nhau. Tp Hồ Chí Minh và Hà Nội đang trong quá trình xây dựng các hệ thống tàu điện như thế; tuy nhiên sẽ cần một thời gian nhất định trước khi hai thành phố đầu tàu của cả nước có thể đưa chúng vào hoạt động hiệu quả.

Tuy nhiên, một hệ thống tàu điện dù hiện đại cũng khó đáp ứng đủ và hiệu quả nhu cầu đi lại rất lớn và đa dạng của Tp Hồ Chí Minh. Mặt khác, phát triển hệ thống tàu điện rộng khắp cần thời gian và tài chính lớn. Vì thế, chắc chắn Tp Hồ Chí Minh cần tiếp tục nhanh chóng phát triển và cải thiện các phương tiện giao thông khác, đặc biệt các phương tiện có hiệu quả kinh tế và thời gian triển khai nhanh, để lấp đầy nhu cầu đi lại và  giải quyết bài toán ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng.

 Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đang dần hình thành

Các công nghệ như light rail, streetcar có thể được xem xét triển khai, vốn có giá thành vừa phải, triển khai nhanh. Đặc biệt streetcar có thể chia sẻ không gian giao thông với các phương tiện khác như xe hơi và bus. Các thành phố lớn như Toronto (Canada) hay San Francisco (Mỹ) đều sử dụng song song cả metro và streetcar. Cùng với việc triển khai các hệ thống tàu điện khác nhau, các phương tiện khác như xe bus dài tốc độ cao (busway hay bus rapid transit (BRT)) vốn đang được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia đang phát triển như Barzil, Colombia, Indonesia cũng có thể được xem xét cho các tuyến dài, mà ta có thể lập làn di chuyển riêng cho chúng (như trên các tuyến đường đủ rộng như xa lộ Hà Nội, đại lộ Nguyễn Văn Linh ở TP Hồ Chí Minh).

Cuối cùng và quan trọng bậc nhất có lẽ là việc tiếp tục phát triển và hoàn thiện trong ngắn hạn hệ thống xe bus phổ thông cho Tp Hồ Chí Minh. Theo trải nghiệm cá nhân, hệ thống bus tại Tp Hồ Chí Minh tuy có cải thiện  trong những năm vừa qua nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, cần tiếp tục hoàn thiện. Thứ nhất là chất lượng xe bus không đồng đều cho các tuyến: trong khi nhiều tuyến nội thành dùng xe bus khá tốt và có hệ thống máy lạnh, các tuyến dài hơn về các tỉnh như Tây Ninh, Đồng Nai dùng xe bus tương đối cũ. Để phủ khắp và đáp ứng tốt hơn nhu cầu lại của người dân, tiến tới từng bước hạn chế xe máy, Tp Hồ Chí Minh cần làm nhiều việc: cần tính toán nâng cấp cả về số lượng và chất lượng xe bus để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, xem xét đưa vào sử dụng các loại bus nhỏ phủ các tuyến vào các khu dân cư, cải thiện sự thuận lợi cho người sử dụng bằng cách lắp thêm trạm chờ, sử dụng các phương thức quản lý hiệu quả và hiện đại hơn.

Tăng cường quản lý giao thông hiệu quả

Quản lý hệ thống giao thông hiệu quả để tận dụng tốt cơ sở hạ tầng, giảm tắc nghẽn và mang đến nhiều tiện lợi hơn cho người dân là một trong những công tác quan trọng hàng đầu, đặc biệt khi số lượng xe hơi cá nhân có thể tăng nhanh trong những năm tới. Một số giải pháp cho vấn đề này có thể kể ra dưới đây:

Thứ nhất, triển khai các giải pháp để khuyến khích và tăng dần số lượng người dân sử dụng các phương tiện giao công cộng (bus và hệ thống metro trong tương lai) song song với việc cải thiện hệ thống này. Có thể làm và học tập kinh nghiệm triển khai tại nhiều nước: sử dụng thẻ thông minh, qua đó triển khai các phương pháp thanh toán và kiểm soát “vé” tiện lợi như trả tiền trước hay tự động theo tháng hay quý từ tài khoản ngân hàng hay nạp tiền vào thẻ từ máy; lắp đặt hệ thống kiểm “vé” tự động trên xe bus; giảm giá nếu người dùng đăng ký và sử dụng bus lâu dài (ví dụ miễn phí 1 tháng nếu người dùng mua cả năm như ở TP Montreal của Canada), giảm giá cho các đối tượng phù hợp (học sinh, sinh viên, nhân viên các công ty có số người dùng lớn…).

Thứ hai, khi hệ thống metro (hay các hệ thống giao thông công cộng khác như BRT, light rail,…) đi vào hoạt động, nên tích hợp quyền sử dụng các loại phương tiện công cộng khác nhau vào chung một loại thẻ thông minh để tăng tính tiện lợi và thu hút người dùng. Ở nhiều nước, thẻ thông minh như thế được sử dụng rất phổ biến và giúp người dùng kết hợp cả bus và tàu điện để di chuyển giữa bất kỳ hai điểm mong muốn.

Thứ ba, tìm hiểu các phương pháp khuyến khích nhiều người sử dụng chung các loại phương tiện xe bốn bánh để tăng hiệu suất sử dụng đường. Nhiều nơi ở Mỹ, đường cao tốc có làn đường ưu tiên gọi là HOV (high occupancy lane) và các xe có nhiều người đi cùng (2 hay 3 người trở lên) được ưu tiên sử dụng. Tương tự, trong các giờ cao điểm, xe bus thường được dành riêng làn ưu tiên để di chuyển nhanh chóng và tránh ùn tắc. Để khuyến khích người dùng sử dụng chung xe (gọi là carpool), nhiều nơi ở nước ngoài sử dụng nhiều ưu đãi, ví dụ giảm giá phí đỗ xe trong thành phố hay tại các bãi đậu công cộng. Dù là nước ứng dụng rất nhiều phương pháp quản lý giao thông hiệu quả, các nghiên cứu tại Singapore chỉ ra rằng đất nước này có thể đáp ứng tốt nhu cầu đi lại nếu áp dụng các công nghệ và phương pháp quản lý hiệu quả với chỉ 30% lượng xe hơi đang có. Điều đó cũng gợi ý là Tp Hồ Chí Minh có thể làm công việc này tốt hơn rất nhiều, nếu có giải pháp phù hợp và đồng bộ.

PGS.TS Lê Bảo Long

Viện Khoa học Quốc gia, ĐH Quebec, Canada

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang