11/02/2021 03:46:00 PM
Nguyên Đán

Mùa Tết Nguyên Đán Tân Sửu năm nay, dịch Covid đang lan mạnh ở châu Âu khiến mọi hoạt động của xã hội đều bị ngưng trệ. Các hội đoàn đều thực hiện giãn cách xã hội, không khí Tết cũng lắng xuống. Điều đó càng làm cho những người con xa quê như tôi thêm nhớ nhà, nhớ cái không khí Nguyên Đán ấm áp và rực rỡ của quê hương khi Tết đến Xuân về.

Chỉ còn ít ngày nữa thôi là một cái Tết Nguyên Đán nữa lại về. Chẳng biết Tết Nguyên Đán có từ bao giờ, nhưng bao đời nay, khái niệm “Tết Nguyên Đán”, hay còn gọi là Tết cổ truyền dân tộc, đã ngấm sâu vào hồn cốt của mỗi người dân Việt, chảy trong tiềm thức dân tộc một nét văn hoá không dễ nhạt phai… Tết đem đến cho tuổi thơ những giây phút ngọt ngào, những kỷ niệm ấm áp, nuôi lớn những tâm hồn, đắp bồi thành hai tiếng quê hương, để rồi khi lớn lên, dù có đi bất cứ nơi đâu, sống ở phương trời nào, cũng không ai có thể quên được cội nguồn, trong đó có hoài niệm về những ngày Nguyên Đán ấy…

Tôi xa quê đã lâu, tuổi cũng đã gần về tới ngưỡng U60, và cũng bao nhiêu năm rồi, tôi không được hưởng những cái Tết trọn vẹn đúng nghĩa của ngày xưa. Nơi tôi sống bây giờ không ăn Tết cổ truyền như người Việt. Ngày Tết chúng tôi vẫn phải đi làm bình thường, gắng lắm thì mỗi nhà cũng chỉ sắm sanh vài cặp bánh chưng mua ở siêu thị Việt, một lọ hoa đào nhỏ và một mâm cơm làm vội với những món đơn giản để cúng chiều 30, rồi cả nhà quây quần bên nhau trong chốc lát mừng năm mới, mừng tuổi cho trẻ nhỏ, vậy là hết Tết. Hôm sau lại trở lại công việc, học tập bình thường. Không có các thủ tục, lễ nghi, kiêng kị theo tập quán. Cứ thế dần dà, cái từ Nguyên Đán cũng xa xăm dần trong tất bật mưu sinh…

Ấy vậy mà ký ức về những cái Tết xưa thì chẳng thể nào nhạt phai trong ký ức, nhất là mỗi dịp xuân về. Tôi còn nhớ những cái Tết ngày ấy thật vui, thật náo nức. Cái náo nức rộn ràng bao trùm lên cả ngôi làng nhỏ bé nghèo nàn của tôi. Ngôi làng với những mái nhà tranh, vách đất, mốc meo, bụi bặm, bỗng dưng như được thay áo mới, bừng lên một sắc tươi vui đầy sức sống. Một chiếc cổng chào làm bằng những tàu lá dừa với dòng chữ Chúc mừng năm mới được dựng lên ở đầu làng, những hàng cây trong làng được quét vôi trắng gốc. Nơi cầu ao rôm rả tiếng cười nói của người rửa lá bánh. Tiếng chày giã gạo, tiếng nồi chậu vang lên xủng xoảng ở những gia đình có cối xay... Ngày đó cả làng chỉ vài nhà có cối xay, mà Tết đến nhà nào cũng có nhu cầu xay bột làm bánh, vậy nên những chiếc nồi, chiếc chậu được rồng rắn nối đuôi xếp hàng trong sân nhà chủ, và chiếc cối xay cũng được vận hành hết công suất từ sớm tinh sương cho tới đêm khuya… Tiếng bước chân của những người quẩy nước khuya cạn đục màu nước giếng, những phiên chợ Tết với những dãy hàng hoa, hàng tranh, bưởi, bòng, cam, quýt... và những mặt hàng thiết yếu phục vụ ngày Tết được bày la liệt, kẻ bán người mua chen chúc làm dấy lên một không khí nhộn nhịp, phá tan đi vẻ yên ả vốn dĩ trong những ngày thường của một làng quê heo hút....

Càng đến gần Tết thì tiếng kêu của những chú lợn được hoá thân phục vụ cho ngày Tết càng mau, càng gấp gáp. Những suất thịt, suất cá được chia theo khẩu cho từng hộ gia đình được bày ở sân làng. Người dân quê tôi vốn vậy, làm lụng quanh năm vất vả, tiền gom góp được chỉ đổ dồn vào sắm sửa cho no đủ trong mấy ngày Tết, phải mua quần áo mới cho trẻ, phải mừng tuổi cho trẻ con và người già, dẫu sau ngày Tết phải ăn vay, ăn dè… Tất cả những cái đó tạo nên một văn hóa, một phong vị Tết rất riêng biệt, khó phai, ở mảnh đất làng nơi tôi đã sinh ra.

Ngày ấy, để tiễn một năm cũ và đón chào một năm mới, bố mẹ tôi tất bật chuẩn bị từ nửa tháng trước đó. Mẹ tôi lo mua sắm đồ, từ dưa cà mắm muối đến gạo thịt... đầy đủ cho ba ngày Tết. Mấy anh em tôi cùng bố dọn dẹp nhà cửa, kê lại đồ đạc và quét vôi nhà cho mới. Năm nào cũng vậy, cứ đến 28-29 Tết là bố tôi lại đạp xe hai chục cây số ra Hà Nội mua một cành đào và một cây quất về trang trí nhà. Món chủ đạo trong ba ngày Tết của gia đình tôi bao giờ cũng có một nồi cá kho khô om nhừ xương của mẹ, một nồi thịt nấu đông, một nồi măng khô và một cái giò thủ của bố tôi gói. Nhà tôi hay gói và luộc bánh chưng vào ngày cuối cùng của năm, bởi nồi luộc bánh nhà tôi phải đi mượn của anh em họ hàng, nên bao giờ cũng là ngày cận Tết mới đến lượt. Ngày 30 Tết, bếp nhà tôi đỏ lửa suốt ngày cho tới khuya. Khi bánh chín cũng là lúc giao thừa đã gần kề, bố mẹ tôi vớt bánh ra rửa rồi xếp vào cái nong để ngoài sân, đặt một nồi nước to lên ép cho bánh chặt và dẻo. Ba anh trai tôi chuẩn bị một dây pháo dài treo ở sân nhà. Khi tiếng Chủ tịch nước trong đài Radio chúc Tết vang lên là lúc các anh tôi bắt đầu châm pháo. Tiếng pháo nổ đì đoàng, những cánh giấy màu hồng của xác pháo quyện vào khói bay loả tỏa… Mùi khói pháo, mùi hương trầm cùng mùi hương của bưởi bòng lan tỏa trong căn nhà đưa tôi đến một cảm giác bồng bềnh, lâng lâng khó tả.

Sau tiếng pháo nổ cuối cùng là lúc gia đình tôi ngồi quây quần trên chiếc phản kê ở gian giữa. Bố mẹ tôi mừng tuổi đầu năm cho anh em tôi rồi cùng bóc mứt khai vị rồi mới đi ngủ. Sáng mồng một đầu năm, mẹ tôi thường đánh thức anh em tôi dậy rất sớm, người quét nhà, người đun nước, rửa ấm chén. Nhà tôi thường có anh em họ hàng và khách đến chúc Tết rất sớm, rồi cả những người trong làng không may bị cảm, sốt... đến nhờ bố tôi thăm khám chữa bệnh. Thời đó cả làng chỉ có mỗi bố tôi là bác sĩ chứ không nhiều như bây giờ…

Với lũ trẻ chúng tôi, điều vui và thích thú nhất trong những ngày Tết là được mặc bộ quần áo mới vào buổi sớm mồng một, rồi đem cái dây thừng ra rặng cây ven đường góp vào đám chơi đu cùng đám bạn trong làng, cứ thế mải mê cả ngày và thưởng ngoạn những quả táo quê vừa giòn vừa ngọt được mua bằng tiền mừng tuổi tại những mẹt hàng bán rong trong chốc lát. Những kí ức đó đã sống mãi trong tôi để trở thành những dấu ấn khó quên đến mãi tận bây giờ…

Lâu rồi tôi không còn có được những giây phút kì diệu đó nữa. Cuộc sống ở quê giờ cũng đã thay đổi. Quê tôi bây giờ đã gần như thành phố, nên cách ăn Tết cũng khác đi nhiều. Nhiều gia đình trẻ dành ngày Tết để đi du lịch và nghỉ dưỡng. Những tập quán đẹp đẽ trong ngày Tết cổ truyền đang dần mai một ngay ở nơi nó sinh ra. Chỉ còn lại trong lòng người xa xứ là luôn hoài niệm nhớ về...

Mùa Tết Nguyên Đán Tân Sửu năm nay, dịch Covid đang lan mạnh ở châu Âu khiến mọi hoạt động của xã hội đều bị ngưng trệ. Các hội đoàn đều thực hiện giãn cách xã hội, không khí Tết cũng lắng xuống. Điều đó càng làm cho những người con xa quê như tôi thêm nhớ nhà, nhớ cái không khí Nguyên Đán ấm áp và rực rỡ của quê hương khi Tết đến Xuân về.

Tú Oanh (CHLB Đức)
(Theo baovannghe.com.vn)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang