PV: Xin ông cho biết đôi nét về cộng đồng người Việt ở Nouvelle-Calédonie?
Ông Phạm Ngọc San: Nói đến lịch sử của cộng đồng người Việt ở Nouvelle-Calédonie, chúng ta phải giở lại trang sử từ những ngày đầu, cách đây có đến hơn một trăm ba mươi năm. Lịch sử của người Việt ở đây cũng gắn liền với lịch sử của nước Việt, và nước Pháp, từ cuối thế kỷ mười chín.
Nhìn lại năm 1860, từ lúc bốn người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Nouvelle-Calédonie này, bị đi đày khổ sai, và tiếp những thập kỷ sau, càng đông lên hơn nữa, cộng với những người đi đăng (đi phu) sang khai thác mỏ và đồn điền cho giới chủ Pháp, con số lên đến hàng ngàn.
Ngày 12/6/1891, con tàu mang tên Le Cheribon cập bến cảng Nouméa, Nouvelle-Calédonie. Con tàu ấy chở theo 791 người Việt ra đi từ Hải Phòng, đa phần họ là những người tù vốn bị giam ở đảo Poulo-Condore (gần Trung Quốc), chỉ có 41 người là dân thường đăng ký đi phu, và khoảng 50 phụ nữ là vợ tù nhân và con cái họ đi làm và cũng để trông nom cho chồng, cho cha.
Được biết sau này, những người tù bị án nhẹ khi mãn hạn, họ xin ở lại ký hợp đồng làm cho chủ, hợp đồng thường là 5 năm, hết hợp đồng, họ được đưa trở về Việt Nam.
Hết lớp người này đến lớp người khác, cho đến những chuyến tàu cuối cùng vào quãng năm 1939 thì không còn tàu để chở người sang cũng như đưa người về. Chiến tranh thế giới sắp bùng nổ. Những con tàu ấy được chuyển sang phục vụ cho quốc phòng, hợp đồng 5 năm hết hạn, không có ai được hồi hương.
Như vậy có khoảng hơn hai mươi ngàn lượt người đã đi phu sang Tân Thế giới rồi về lại quê. Có người đăng đi những hai, ba lần. Năm 2011, chúng tôi có cuộc hành trình về Việt Nam, đi suốt chiều dài của đất nước, từ Tuyên Quang vào đến TP. Hồ Chí Minh, tìm gặp và ghi lại hình ảnh, những lời kể của các cụ Chân đăng còn sống. Bây giờ nghe nói về tiền, những xu, hào rồi đồng, chúng tôi không thể hình dung ra được giá trị của nó ra sao. Nhưng chúng tôi được nghe các cụ kể lại: "Ở nhà cả tháng làm quần quật chỉ được mấy hào, hay một hai đồng là nhiều, sang Tân Thế giới mỗi tháng được từ 4 đến 8 đồng, còn được nuôi ăn, phát quần áo mặc, vậy ai mà không đi, mặc dù có ai biết Tân Thế giới là thế nào đâu...”.
Từ năm 1939, có khoảng hơn một ngàn người làm ở Tân Thế giới không được hồi hương và họ ở lại khi đang ở tuổi "thanh xuân". Sau một thời gian hết hợp đồng, bà con đấu tranh đòi được tự do ra ngoài làm theo khả năng của mỗi người và tự do đi lại.
Bắt đầu từ đấy, bà con người Việt tản mát về các tỉnh lỵ lớn và thành phố để làm ăn buôn bán, làm các nghề theo khả năng của mỗi người - trồng rau, làm may, cắt tóc, mở cửa hàng ăn uống, cửa hàng tạp hóa... Bên cạnh đó, vẫn còn một số bà con làm cho chủ ở các mỏ. Từ đó, các cụ chẳng còn con đường nào để hồi hương, đường về quê "không có ngày hẹn".
Từ đấy, an cư lạc nghiệp, các cụ lập gia đình riêng, lập nghề lập nghiệp và như vậy, một thế hệ mới ra đời. Đó là anh chị em Niaouli chúng tôi, những đứa con của những người nông dân đi phu mỏ, sau này họ được gọi với biệt danh "Chân đăng".
Vậy Chân đăng là gì? Chúng tôi hiểu là: những người xin một chân đăng ký đi phu (từ Nôm- Hán trong tiếng Việt cổ). Nhóm từ này, chúng tôi phải "vất vả" phân tích và cắt nghĩa với nhau qua bao nhiêu năm mới được "sáng tỏ".
Thế hệ chúng tôi được sinh ra trên đất khách, quê người. Những ngày ấy, bố mẹ chúng tôi vẫn còn trẻ, mới xa quê có gần chục năm, nên vẫn còn mang đậm nét sống của những người Việt ở làng quê Việt Nam khi ấy. Lối sống mang đậm tình làng xóm, vì nhiều người là họ hàng với nhau, là người cùng xóm, cùng làng, hay cùng tỉnh. Một điều mà chỉ có những ai đã xa quê hương, nhất là xa biền biệt, không biết có ngày về, mới cảm thông và hiểu được nỗi lòng của bố mẹ chúng tôi khi ấy.
Người hàng tỉnh, các cụ có thể coi như người làng, và người làng với nhau thì như anh em ruột thịt. Ôi cái tình con người khi phải xa xứ, xa quê hương, sao nó trở nên trân trọng và gắn bó với nhau không gì chia cắt nổi. Khi ấy, chúng tôi vẫn còn nhỏ, còn trẻ, nhưng đã cảm nhận và được truyền cảm từ bố mẹ, sang đến thế hệ chúng tôi: Tình làng nước!
PV: Khi đã ổn định cuộc sống, những phong tục tập quán của người Việt có được bà con mình ở Nouvelle-Calédonie gìn giữ, đặc biệt là dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt?
Ông Phạm Ngọc San: Ở Nouvelle-Calédonie, bà con người Việt sống và làm việc đông nhất là ở mỏ Crôm, Tiébaghi (Tay-ba-ghi). Đến ngày hôm nay, người Pháp vẫn còn gọi là "làng cổ Tay-ba-ghi". Có những thời điểm con số người Việt ở đây lên đến gần 500 người.
Cho đến sau này, chúng tôi lớn lên, thấy các cụ thành lập hội và xây các trụ sở hội như hàng tỉnh thì có: nhà công Ninh Bình, nhà công Hải Dương và một nhà công chung cho tất cả những người Việt sống trong vùng mỏ này, được gọi là nhà công Hàng Sở.
Từ những ngày ấy, thế hệ chúng tôi được truyền tiếp những nếp sống văn hóa, những phong tục cổ truyền của dân tộc Việt, đặc biệt là những nét sinh hoạt, phong tục tập quán trong các ngày Tết Nguyên đán Việt Nam. Riêng với tôi, tiếng trống múa Lân cũng đã được nghe và thuộc lòng giai điệu cho đến ngày hôm nay.
Bây giờ, vào ngày Tết Nguyên đán, Hội Ái hữu Việt Nam Nouvelle-Calédonie vẫn tổ chức đón Giao thừa theo Âm lịch cho tất cả cộng đồng tại trụ sở của Hội. Bên cạnh đó, vì không đủ chỗ trong hội trường, còn các nhóm lẻ, từ năm đến hàng trăm người lại tụ hội nhau ở một vài nơi có địa điểm rộng, như nhóm ở sân "Feu-Vert" (đèn xanh) hay nhóm quán "Bốn cây cọ" và trong các gia đình do bận rộn mà họ không đến dự được.
Ngoài ra, tại Nhà thờ Thiên Chúa giáo và Chùa Nam Hải Phổ Đà cũng tổ chức lễ vào đêm Giao thừa nhưng chỉ gói gọn trong số con chiên và Phật tử của mình. Đa phần, bà con và anh chị em cùng con cháu muốn đến dự đón Giao thừa tại trụ sở Hội AVNC, bởi đó là một đêm sum họp có cỗ, có văn nghệ và khiêu vũ, đúng là một đêm hội.
Tết Nguyên Đán đến, cũng như ở quê hương, mỗi gia đình chúng tôi ít thì cũng có một hai cái bánh chưng, nhiều thì vài chục cái. Có thể họ ăn không nhiều, nhưng vẫn giữ phong tục "biếu Tết" mỗi người một cái, giữ cái tình quê hương nơi xứ người. Trong bữa ăn những ngày Tết, trong mỗi mâm cơm của gia đình, cũng có đủ các loại giò, từ lụa, quế, bò, bì cho đến cái giò thủ với lọ dưa muối để không quên hương vị Tết.
Có một số gia đình vẫn tổ chức gói bánh chưng, cố giữ không khí chuẩn bị cho ngày Tết, tuy nó không còn được "háo hức" như ngày xưa còn trong gian khó.
Những nét đẹp truyền thống của ngày Tết được lưu truyền cho đến ngày hôm nay. Cứ mỗi khi Xuân về, trụ sở của Hội Ái Hữu Việt Nam Nouvelle-Calédonie lại rực rỡ những sắc màu của đèn lồng, cờ súy, câu đối, cùng những tà áo dài của các bà, các chị rồi ngay cả những cô cháu, chắt của các cụ Chân đăng. Và không thể thiếu được, ai cũng ngóng đợi cho đến Giao thừa để được nghe tiếng pháo sang Xuân. Về đêm gió thoáng mát, mùi khói pháo thơm quyện cùng những tiếng cười rộn ràng, chúc nhau năm mới thêm tuổi, càng thêm Xuân. Địa điểm nào cũng thấy có múa lân, có tà áo dài duyên dáng, có áo the khăn xếp, một khung cảnh Xuân rất Việt Nam trên đất người.
PV: Chính quyền địa phương và người dân bản địa có thích thú và khuyến khích, ủng hộ người Việt đón Tết cổ truyền không, thưa ông?
Ông Phạm Ngọc San: Cứ mỗi năm, một tuần sau khi Hội AVNC tổ chức đón Giao thừa tại hội trường trụ sở của Hội, công ty Casino (sòng bài và trò chơi điện tử) lại tổ chức một đêm "đặc biệt dành cho người Châu Á". Trước khi khai mạc là một tràng pháo dài mở đầu cho đêm vui văn nghệ.
Trong đêm đó, có biểu diễn văn nghệ của các cộng đồng Châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật... ngay trong sân khấu của Trung tâm sòng bài và trò chơi điện tử. Kèm theo có "tiệc đứng"-coctaile tự do, khác những ngày bình thường.
Rồi sau hai tuần, năm nào cũng thế, chính quyền các tỉnh phía Nam cũng lại tổ chức đêm "Tết của người Á Châu”, tại sảnh đón khách trong tòa nhà của chính quyền các tỉnh phía Nam.
Theo truyền thống, một chuỗi pháo dài bốn mét được người của Hội AVNC châm ngòi (Hội AVNC được độc quyền quản lý và sử dụng pháo, theo quyết định về quản lý pháo, của chính phủ Nouvelle-Calédonie). Tiếng pháo và hương khói pháo đã tạo hương vị và không khí của ngày Tết Nguyên đán đến với cộng đồng người Việt tại đây.
Cũng như các nơi, và như mọi năm, sau lời khai mạc của vị Chủ tịch chính quyền, đại diện Hội AVNC luôn là người phát biểu chúc Tết đầu tiên. Tiếp nối là những lời chúc Tết của các cộng đồng Châu Á khác như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào... Rồi những lời chúc Tết của vị Chủ tịch chính quyền, trong đó đánh giá cao đóng góp cho nền kinh tế Nouvelle-Calédonie của cộng đồng Châu Á.
Tại buổi tiệc đứng, Chủ tịch chính quyền mời mọi người những món ăn Châu Á, và không bao giờ thiếu món nem (chả giò) của Việt Nam. Món nem đã đi vào cuộc sống hàng ngày của tất cả các cộng đồng sống ở Nouvelle-Calédonie, và được thương mại hóa trở thành một trong những món phải có trong thực đơn của tất cả các cửa hàng ăn, cũng như các restaurant.
PV: Hàng năm, ngoài lễ hội đêm Giao thừa và các hoạt động do chính quyền tổ chức, cộng đồng người Việt mình còn có những hoạt động gì để bà con cùng đón Tết và có cơ hội gặp gỡ, thăm hỏi nhau?
Ông Phạm Ngọc San: Cứ mỗi lần Tết về là có thêm bao nhiêu cái "Tết" đi theo từ Hội AVNC, Casino, đến chính quyền tỉnh phía Nam. Và suốt 40 năm qua, đã thành lệ, cứ đến Rằm Tháng Giêng, Hội AVNC lại tổ chức bữa cơm gặp mặt, chúc Tết "Biết ơn người già" (cách gọi thế hệ bố mẹ chúng tôi- những người Chân đăng), mừng tuổi đón Xuân mới. Cho đến cách đây khoảng 4-5 năm, những người Chân đăng đã ra đi về với tổ tiên gần hết, nay chỉ còn lại có hai cụ. Do tuổi cao, các cụ Chân đăng không đến dự được, nên vào dịp này, chúng tôi lại tổ chức đoàn đến thăm hỏi, động viên, chúc sức khỏe các cụ.
Nay đến Rằm Tháng Giêng, Hội AVNC vẫn giữ lệ đó, nhưng buổi lễ được gọi khác đi là "Biết ơn những người có tuổi". Đó là những người thế hệ thứ hai, lớp chúng tôi, nhưng có nhiều anh chị đã ở tuổi bảy-tám mươi rồi. Truyền thống này vẫn được chúng tôi tiếp tục gìn giữ để các lớp con cháu sau này nối tiếp tư tưởng văn hóa dân tộc "uống nước nhớ nguồn" của cha ông.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
Thu Trang