22/11/2020 10:50:00 AM
Người truyền lửa

Nhà khoa học Nguyễn Thanh Mỹ thuyết phục người đối diện ngay lập tức bằng nụ cười rộng mở, sự chân thành, và cả sự tự tin rằng, miễn có dấu cỏ trên bùn lầy, là có khả năng mở ra một con đường lớn.

 TS. Nguyễn Thanh Mỹ và phu nhân Bùi Thị Nhàn

Tôi gặp Tiến sĩ Khoa học năng lượng và vật liệu Nguyễn Thanh Mỹ lần đầu tiên năm 2004 khi ông trở về Hà Nội, trong một hội nghị kiều bào, do chính Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (nay là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) tổ chức. Thời điểm ấy, Nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) của Bộ Chính trị chưa ban hành, mới là những bước đi dọn đường,như việc phóng viên chúng tôi được tiếp xúc rộng rãi hơn với Việt kiều về nước là một ví dụ không phải ai cũng hiểu.

Nhà khoa học Nguyễn Thanh Mỹ thuyết phục người đối diện ngay lập tức bằng nụ cười rộng mở, sự chân thành, và cả sự tự tin rằng, miễn có dấu cỏ trên bùn lầy, là có khả năng mở ra một con đường lớn.

Ông kể, người đã khiến ông có quyết định trở về, là Đại sứ Việt Nam tại Canada Nguyễn Thị Hồi, và những cán bộ ngoại giao trẻ ở sứ quán ngày đó, như Nguyễn Hồng Hà, như Nguyễn Quốc Cường (sau này là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Thứ trưởng Bộ ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN).“Họ đại diện cho Chính phủ mình ở nước ngoài, rất nhiệt tâm, rất có tầm nhìn mong muốn cho Việt Nam phát triển. Đất nước mình đã mở cửa, thay đổi nhiều rồi. Bây giờ không về, thì lúc nào về để xây dựng cho quê nghèo Trà Vinh của tôi?Hơn nữa tôi rất tin vào những người Việt trẻ, các em giỏi lắm, chỉ cần các em được tạo điều kiện học tập và làm việc, như đất nước Canada đã tạo điều kiện cho tôi.” – Ông nói, với sự tự tin đến mức khiến cho người hiểu rõ môi trường làm việc trong nước thời điểm đócó thể ái ngại. Vì những doanh nhân về sớm, trước ông, chút ít thành công có, thất bại có, thậm chí gục ngã vì không hiểu môi trường đầu tư trong nước.

 TS. Nguyễn Thanh Mỹ và phu nhân Bùi Thị Nhàn đưa khách đi thăm Mỹ Lan

Trong cuộc trả lời phỏng vấn chúng tôi chừng chục năm sau đó, Đại sứ Nguyễn Thị Hồi nhớ lại, khi gặp mặt cộng đồng tại Đại sứ quán, bà được giới thiệu về Nguyễn Thanh Mỹ: “Những người đã biết vợ chồng anh Mỹ đều trân trọng tài năng của anh, những phát minh đã làm nên tên tuổi anh ấy về vật liệu hóa học cao cấp. Những ngành sản xuất ứng dụng liên quan đến hóa học vật liệu, đến công nghệ cao của Việt Nam, rất cần những nhân tài như anh ấy trở về để có thể thay đổi.”

Những nhà ngoại giao Việt Nam đã chỉ cho nhà khoa học Việt kiều một cánh cửa. Nhưng chính bà Hồi cũng không thể ngờ được rằng TS. Nguyễn Thanh Mỹ có thể đầu tư xây dựng một công ty hiện đại đến thế trên đất ruộng nghèo Trà Vinh, ba bề bốn bên sông nước, giao thông cách trở, lao động thuần nông nghiệp. Lần đầu bà trở về, tới thăm công ty Mỹ Lan mới thành hình: “Phải nói rằng tôi đã rất xúc động. Một công ty hình thành đầu tiên từ những giá trị nhân văn. Anh chị Mỹ đã làm những điều phi thường.”

Và đấy, mới chỉ là công ty đầu tiên!

Những ngày tháng ấy, tôi quyết định thực hiện một bộ phim tài liệu về TS. Nguyễn Thanh Mỹ, với ý tưởng về Người truyền lửa, để tìm hiểu con đường trở về của ông. Gặp gỡ những người đã từng quen biết, công tác với ông từ Canada tới Việt Nam, những sinh viên trẻ mà ông đã đưa về đào tạo tại Mỹ Lan, những công nhân, lãnh đạo tỉnh... Những người bạn cũ ở Canada thuật lại, anh thanh niên Mỹ mắt đỏ vì thiếu ngủ, vừa đi học vừa làm bồi làm bếp làm chân chạy vặt, nhưng: kể cả thái lát thịt bò, anh ấy cũng là người làm nhanh nhất, giỏi nhất. Những thú vị nho nhỏ, như câu chuyện nhân viên của Mỹ Lan khi ấy kể, thường không bao giờ các em tiện mặc đồng phục công ty ghé chợ, vì giá mua sẽ đắt hơn nhiều so với người khác - vì làm ở Mỹ Lan, đồng nghĩa với việc có một mức sống khác.Ông Mỹ xây dựng cơ chế công ty theo mô hình ở Canada, lấy tiêu chí minh bạch làm hàng đầu để huấn luyện nhân viên, như việc thời điểm đó ít người tin là minh bạch thu nhập để đóng thuế đầy đủ cho nhà nước.

 Máy cho tôm ăn trí tuệ nhân tạo RYNAN® AIF100A

Ngày đó, đã có trên 150 bằng sáng chế ở Hoa Kỳ, Canada và hàng chục nước trên thế giới, liên quan đến chất dẻo dẫn điện, bản in offset CTP, mực in phun 3D chống giả,... tạo doanh thu hàng chục triệu đô la Mỹ mỗi năm, nhưng ông vẫn miệt màitruyền nhiệt huyết, gieomầm cảm hứng cho đội ngũ kỹ sư trẻ của mình, không ngừng có những phát minh, sáng chế mới. Những nhân viên thay đổi từ thói quen sinh hoạt, cho tới cách nghĩ, cách làm. Những kỹ sư trẻ tài năng theo ông, thực hiện các dự án thành công không tưởng.

Kể câu chuyện thành công thường không khó, từ một Công ty Mỹ Lan ban đầu, phát triển thành Tập đoàn Mỹ Lan với các công ty thành viên, sản xuất những sản phẩm hàng đầu thế giới về công nghệ in, về vật liệu quang điện tử, với giá trị sản xuất 1 gram lên tới cả ngàn đô, xuất khẩu đi hơn 50 thị trường trên thế giới...Từ một nhà phát minh rất được biết tiếng ở nước ngoài nhưng trong nước chưa mấy ai hay, thì bây giờ báo chí truyền thông đã liên tục đưa tin về ông và những thành quả của tập đoàn – thành quả đưa một trong những tỉnh nghèo nhất nước vào bản đồ công nghệ cao của thế giới.

Nhưng tôi nhận ra, những gì thực sự mà Người truyền lửa Nguyễn Thanh Mỹ đã làm, còn lớn hơn bất cứ bộ phim hay bài báo nào đã giới thiệu về ông. Khi về nước với tâm thế của một nhà khoa học làm kinh doanh, lưng luôn thẳng và không cúi đầu, dốc hết tiền bạc đã có trong bao năm làm việc nơi xứ người, ông đã đối diện với những khó khăn mà, có thể khiến kể cả người đầy bản lĩnh cũng có thể bị đốn gục: từ cơ sở hạ tầng chưa có gì, từ nguồn vốn, từ cơ chế chưa thông suốt cho cả người làm khoa học lẫn sản xuất, “trên rải thảm dưới rải đinh”, từ việc nhiều bộ phận trong các cơ quan, ban ngành không tin vào những điều ông làm, không hiểu những việc ông nói, và nan giải nhất - là về nhân sự.

Mong muốn làm một bộ phim thực sự khác biệt của tôi không thành, vì câu chuyện cần phải kể,lại lànhững chông gai mà hai vợ chồng ông bà đã gặp trên con đường xây dựng Tập đoàn Mỹ Lan, mà đúng hơn, là xây dựng một lực lượng lao động mới trên mảnh đất Trà Vinh.

Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, theo thời gian, đi vào cuộc sống, đã làm cho có những thay đổi cơ bản về cơ chế, chính sách, hỗ trợ cho sự vận hành của các doanh nghiệp như doanh nghiệp của TS. Nguyễn Thanh Mỹ. Sau thành công của ông, đã có nhiều doanh nghiệp khác. Nhưng đó là câu chuyện của một hành trình rất dài, ngày qua ngày… hành trình của cả đời người.

Ông đã vượt qua những khó khăn chồng chất, bằng cái đầu Nghĩ Lớn của một nhà khoa học, một nhà tư tưởng, bằng năng lượng tiềm tàng như một ngọn núi lửa, và niềm tin sắt đá vào những việc thiện tâm cho thế hệ trẻ, cho đất nước. Điều không thể thiếu, là sự tin cậy, tận tâm của bà Bùi Thị Nhàn -người vợ hiền đã luôn sát cánh, gánh vác cùng ông từ những việc tinh tế nhất.

 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Nguyễn Quốc Cường trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho TS. Nguyễn Thanh Mỹ, tháng 9/2019

Nếu đã xây dựng ở Tập đoàn Mỹ Lan một môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, một đội ngũ nhân viên trẻ, năng động và đầy sáng tạo; thì ở tuổi 60, TS.Nguyễn Thanh Mỹ “khởi nghiệp” lại từ đầu vớiRYNAN® Holdings JSC, trong đó RYNAN Technologies Vietnam như một trung tâm đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh, bao bì đa lớp cản khí cao dùng trong công nghệ đóng gói với khí cải tiến, in ấn và truy xuất nguồn gốc, vật tư nông nghiệp và thiết bị cho ngành nuôi trồng thuỷ sản, để những người trẻ lại có thể tiếp tục được rộng mở con đường cống hiến cho ngành nông nghiệp - ngành xương sống của mấy chục triệu dân Việt Nam.

Ông nói: Cần những sản phẩm khoa học, thực tiễn để thay đổi cách thức sản xuất hiện tại, giải phóng nông dân nhằm tăng thu nhập và cải thiện mức sống cho người nông dân, nhưng cũng làm cho ngành nông nghiệp phát triển theo xu hướng thông minh, hiện đại, bền vững về môi trường.

Sâu xa hơn, kết quả của những việc hai ông bà dành cả đời theo đuổi, là mong mỏi một môi trường xã hội trong sạch hơn, một cộng đồng hạnh phúc hơn.

Khát vọng của ông là Việt Nam thực sự phát triển về công nghệ cao, sản xuất bằng công nghệ cao. Cách mạng công nghiệp 4.0, là hiện thực trong những công ty của Nguyễn Thanh Mỹ. Ông tâm sự: “Steve Job nói rằng: Chúng ta ở đây để tạo nên một dấu ấn trong vũ trụ. Nếu không tại sao chúng ta còn ở đây vì điều gì khác nữa? Như chú, khi chú thành cát bụi, thì những điều chú đã làm, sẽ còn lại cho quê hương, cho những người đã tham gia công cuộc này với chú. Cứ làm. Và phải dám làm!”.

Trong những buổi trò chuyện với tiến sĩ Alan Phan thuở sinh thời, tôi đặt ra câu hỏi: Nếu có thể mô tả một câu về Nguyễn Thanh Mỹ, ông sẽ nói câu gì? Alan Phan trả lời ngay lập tức: “Tài năng, sáng tạo, ưa thử thách, đầy lý tưởng”. Trầm ngâm, rồi ông nói thêm: “Có thể có người chưa hiểu được lý tưởng của anh Mỹ. Tôi thực sự kính trọng sự dấn thân của anh ấy”.

Một trí thức dấn thân trước vận mệnh dân tộc, bằng tài năng, bằng hành động nỗ lực tự cường, với mong muốn người Việt có thể vững vàng đứng trên đôi chân khoa học để phát triển đất nước.

Trong lúc núi công việc của Tập đoàn, căn bệnh ung thư phổi hiểm nghèo của bà Nhàn đến bất ngờ vào lần khởi nghiệp thứ hai…,Nguyễn Thanh Mỹ vẫn phải gánh vác công việc “tù và hàng tổng”: giữ trọng trách Chủ tịch Hội doanh nhân NVNONN. “Ráng để anh em trí thức, doanh nhân Việt kiều cùng hoạt động, giúp đỡ lẫn nhau phần nào để cùng đi lên. Một ngày có 24 giờ. Mệt chứ, mệt lắm!Nhưng anh em cần, thì chú ráng.” – Ông cười xòa nói vậy khi tôi hỏi về thời gian làm việc.

Một nhà báo đang thu thập thông tin viết sách về Nguyễn Thanh Mỹ, kể: Chỉ cần sau 1 tháng gặp lại để hỏi về một dự án đã triển khai, một ý tưởng lớn ông mới gợi ra, những nhân viên thân cận ở bên ông đã cười. Việc đó cũ rồi, đã có sản phẩm mới! Như gần đây nhất, RYNAN Technologies Vietnam vừa ra mắt ứng dụng công nghệ 4.0 trong mô hình tôm đạo đức từ ao nuôi đến bàn ăn, với máy cho tôm ăn trí tuệ nhân tạo RYNAN® AIF100A; các sensor đo chất lượng nước thông minh; thiết bị đo kích thước, trọng lượng và theo dõi trọng lượng của tôm trong quá trình nuôi,... để nuôi tôm sạch, đã bắt đầu ứng dụng trong một số trang trại ở Sóc Trăng, Trà Vinh.

Một hình ảnh tôi không thể nào quên của buổi sớm tinh sương ấy trên cù lao Long Trị - khách từ Sài Gòn về thăm Công ty RYNAN cùng ông từ khuyatrước vẫn đang ngon giấc, dòng sông, cánh đồng cũng cònmơ màng trong giấc ngủ sâu, hai ông bà đã lên ghe vào đất liền. Ông sắp có buổi hội thảo về nông nghiệp thông minh ở một tỉnh cách đó 150 cây số. Bà dậy sớm, chỉ để pha café cho ông và tiễn ông đi làm, như hàng ngày vẫn từng, và chuẩn bị công việc ở Tập đoàn. Trăng chớm thượng tuần lờ mờ trong sương lạnh, nơi cuối đường chân trời, người phụ nữ xinh đẹp tóc ngắn, đứng sát bên ông nơi mũi ghe, gương mặt sáng bừng một nụ cười hiền hậu. Không một dấu vết nào của cơn bệnhtrọng đã tàn nhẫn xuống tay với người phụ nữ kiên cường ấy. Mỏng manh mà vững chãi bên cạnh ông,như thể bà chính là ngọn gió ấm đẩy chiếc ghe xuyên qua sương lạnh tới bờ.

Căn nhà thoáng, rộng, hình trăng khuyết trên cù lao Long Trị lùi dần về phía sau. Mà sự ấm áp vẫn còn ở lại.

Câu hỏi cuối cùng với tiến sĩ Alan Phan,tôi yêu cầu: Nói về Nguyễn Thanh Mỹ, nếu chỉ bằng một từ, chú sẽ dùng từ gì?Alan Phan chậm rãi: “Xuất chúng!”

 Ông Nguyễn Thanh Mỹ sinh ngày 2/9/1956 tại Châu Thành, Trà Vinh, tốt nghiệp Tiến sỹ ngành Khoa học Năng lượng và Vật liệu vào năm 1990 tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu về Năng lượng, Vật liệu và Viễn thông Canada. Ông nổi tiếng trong giới khoa học NVNONN, với 280 bằng sáng chế ở Hoa Kỳ, Canada và nhiều nước trên thế giới. Ông cũng là đồng tác giả của trên 68 báo cáo được đăng trên các tạp chí khoa học lớn ở Anh, Đức và Hoa Kỳ.

Sau hơn 20 năm sinh sống và làm việc tại nước ngoài, năm 2004, ông trở về Việt Nam đầu tư, xây dựng nhà máy công nghệ cao tại Trà Vinh, tạo việc làm cho lao động địa phương (hiện có khoảng 800 nhân viên), xây dựng cơ sở hạ tầng, đóng góp cho y tế, giáo dục…

Ông cũng đã phát triển mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp gồm sản xuất phân bón thông minh, mạng lưới giám sát sâu rầy thông minh kết hợp trí tuệ nhân tạo, mạng lưới quan trắc nước mặn thông minh, mạng lưới máy bán suất ăn nóng thông minh, thiết bị IoT như ổ khóa, đồng hồ nước thông minh, máy cho tôm ăn thông minh kết hợp trí tuệ nhân tạo... Tính đến năm 2016, ông đã sáng lập và đồng sáng lập 9 doanh nghiệp công nghệ cao, trong đó có 7 doanh nghiệp tại Trà Vinh.

Bà Bùi Thị Nhàn sinh 1964 tại TP. HCM. Hiện bà là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần RYNAN Technologies Vietnam, Đại diện pháp luật Công ty Cổ phần Mỹ Lan và Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Sản xuất Vật tư ngành in Mỹ Lan.

Phi Hà

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand đoàn kết phát triển, vững mạnh
Vai trò, vị trí của Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga trong xu thế phát triển chung
Hội chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Đan Mạch thảo luận kế hoạch hoạt động năm 2024
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Trí thức, chuyên gia Việt Nam tại Australia mong muốn góp phần xây dựng và phát triển đất nước
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang