30/01/2016 08:00:00 PM
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội đoàn người Việt ở nước ngoài

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động nhân dịp Xuân Quê hương 2016, ngày 30/1, Hội thảo Kinh nghiệm hoạt động hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao (Ủy ban) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

  • Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam phát biểu

  • Ông Tạ Nguyên Ngọc, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Tổng hợp báo cáo dẫn đề

  • Quang cảnh buổi Hội thảo

  • Ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp các hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu phát biểu

  • ông Nguyễn Huy Mão, Ủy viên BCH Tổng hội người Campuchia gốc Việt, Chủ tịch Tỉnh hội người Campuchia gốc Việt tỉnh Battambang

  • Ông Trần Bằng, thành viên Ban thường trực Khối Đối ngoại, Hội người Việt Nam tại Pháp

  • Quang cảnh buổi Hội thảo

  • Trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ông Nguyễn Hạnh, Việt kiều Philippines

Tham dự Hội thảo có Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Ngoại giao - Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên hợp quốc, Anh, Đức, Pháp, đại diện Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Lãnh đạo Ủy ban về NVNONN TPHCM, đại diện lãnh đạo một số Sở Ngoại vụ các tỉnh, thành phố, Hội Liên lạc với NVNONN và 65 đại biểu là lãnh đạo các tổ chức hội đoàn NVNONN, các cá nhân tiêu biểu đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tìm biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động và vai trò của tổ chức hội đoàn

Phát biểu tại buổi Hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam bày tỏ sự trân trọng và nhiệt liệt chào mừng các đại biểu là lãnh đạo của các tổ chức hội đoàn NVNONN đã trở về tham dự hội thảo. Thứ trưởng Vũ Hồng Nam cho biết: Trong thời gian qua, cộng đồng NVNONN không ngừng phát triển về mọi mặt. Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN đã đánh giá, trong thành công của đất nước những năm qua có sự đóng góp to lớn về tinh thần, vật chất và trí tuệ của cộng đồng NVNONN. Công tác đối với NVNONN nói chung và các vấn đề tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội đoàn nói riêng, thời gian tới càng cần được quan tâm, coi trọng hơn nữa.

Thứ trưởng mong muốn thông qua Hội thảo lần này, các đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn để qua đó lãnh đạo các tổ chức hội đoàn có thể học tập, tham khảo kinh nghiệm của nhau, lựa chọn được hình thức phù hợp áp dụng đối với địa bàn của mình, đồng thời có những kiến nghị, đóng góp thiết thực với cơ quan chức năng trong nước, góp phần phục vụ công tác xây dựng chính sách và biện pháp hỗ trợ, xây dựng cộng đồng trong giai đoạn tới.

Báo cáo về tình hình, hoạt động hội đoàn NVNONN trong thời gian qua, ông Tạ Nguyên Ngọc, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Tổng hợp - Ủy ban, cho biết: Cùng với quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng, các tổ chức hội đoàn của NVNONN được hình thành từ rất sớm và đặc biệt phát triển mạnh, gia tăng về số lượng từ sau khi có Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị. Từ thành lập tự phát do nhu cầu gắn bó, tương trợ lẫn nhau, có quy mô nhỏ, ít người, hiện nay, các tổ chức hội đoàn đã mở rộng, phát triển về cả số lượng, thành phần và diện tích địa lý, nội dung sinh hoạt đa dạng, phong phú, mục tiêu, mục đích có nhiều đổi mới.

Hiện nay, trong bối cảnh mới với nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen, yêu cầu đặt ra đối với hoạt động của các tổ chức hội đoàn là cần đổi mới công tác, nâng cao năng lực của lãnh đạo hội và đa dạng hóa sinh hoạt cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và phát huy vai trò của tổ chức hội đoàn trong tập hợp, quy tụ cộng đồng đoàn kết, hội nhập tốt vào xã hội sở tại, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đóng góp cho sự phát triển của đất nước, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với nước sở tại.

Bởi vậy, Hội thảo Kinh nghiệm hoạt động hội đoàn NVNONN là dịp để nhìn lại công tác hội đoàn NVNONN trong thời gian qua; trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, dự báo tình hình công tác trong thời gian tới; từ đó bàn thảo, tìm ra biện pháp đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức NVNONN, đa dạng hóa sinh hoạt cộng đồng, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Nỗ lực đóng góp xây dựng cộng đồng vững mạnh

Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe một số tham luận về công tác hội đoàn NVNONN; trao đổi ý kiến về các vấn đề liên quan và đề ra phương hướng hoạt động cụ thể cho công tác này trong giai đoạn tiếp theo; đánh giá tình hình và công tác hội đoàn nói chung và của hội đoàn mình nói riêng; trao đổi kinh nghiệm hoạt động của các hội đoàn trong đoàn kết, tập hợp cộng đồng, hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống, hướng về quê hương.

Chia sẻ về hoạt động cộng đồng Việt kiều tại Thái Lan, ông Phan Quốc Lợi, Tổng thư ký Hội người Việt Nam toàn Thái Lan, cho biết: Cuối năm 2012, Tổng Hội Người Việt Nam tại Thái Lan chính thức được cấp phép hoạt động, đánh dấu một bước trưởng thành lớn về tổ chức, tiếp tục khẳng định vai trò, tầm quan trọng của cộng đồng Việt kiều Thái Lan nói riêng trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và tinh thần hữu nghị quốc tế trong thời đại hội nhập và phát triển. Tổng Hội luôn cố gắng, kịp thời triển khai các hoạt động như: tăng cường đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, vươn lên trong cuộc sống, gắn bó với quê hương đất nước; gìn giữ bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán Việt Nam, nâng cao ý thức tự hào dân tộc; hữu nghị với nhân dân bạn, làm cầu nối giữa nhân dân hai nước; tuân theo luật pháp nước sở tại; phát triển kinh tế bền vững, hội nhập vào nước sở tại.

Trao đổi kinh nghiệm về hoạt động hội đoàn, ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc cho rằng, để hội làm tốt công tác tập hợp cộng đồng cần phải chú ý vào một số điểm như: các hoạt động của hội phải có giá trị thiết thực và thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo bà con cộng đồng; vai trò của những người lãnh đạo hội đoàn là rất quan trọng, cần phải chọn được những người có tâm huyết, có tiềm lực và đặc biệt là có uy tín trong cộng đồng; việc xây dựng các tổ chức hội đoàn phụ thuộc vào tình tình cụ thể của các địa bàn, không nên cầu toàn trong việc xây dựng tổ chức hội, phải mạnh dạn trong việc thành lập rồi hoàn thiện và củng cố dần dần; quan tâm đến thế hệ trẻ, kịp thời động viên khuyến khích phong trào thi đua học tập của các cháu, tạo điều kiện để các cháu giữ gìn tiếng Việt, văn hóa truyền thống và phong tục, tập quán của người Việt, qua đó tạo sự gắn bó với cộng đồng, với quê hương đất nước.

Cộng đồng người Việt tại Cộng hoà Angola được hình thành từ những năm đầu của thập kỷ 80 khi những chuyên gia giáo dục, y tế, nông nghiệp, tài chính sang làm việc tại đây theo Hiệp định hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Angola. Hiện có khoảng 25-30 ngàn người Việt Nam tại Angola. Theo ông Phạm Văn Đức, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Angola, để tổ chức và duy trì các hoạt động tập thể của cộng đồng, Ban Chấp hành Hội phải thường xuyên trao đổi, xin ý kiến của các cơ quan chức năng về các công tác đang và sẽ tiến hành; trong việc đề xuất và triển khai các hoạt động phải dựa vào đặc điểm thành phần cấu tạo cộng đồng, đặc điểm địa lý của nước sở tại; các hoạt động của cộng đồng phải gắn kết được 3 yếu tố: Phát huy vai trò của tổ chức cộng đồng - Lợi ích và quyền lợi của hội viên - Tình yêu quê hương đất nước.

Hội thảo đã ghi nhận rất nhiều tham luận, ý kiến đóng góp sôi nổi, tâm huyết và thiết thực của các đại biểu là lãnh đạo của các tổ chức hội đoàn NVNONN tại các địa bàn. Các đại biểu đều cho rằng đây là một diễn đàn ý nghĩa, hữu ích, giúp phục vụ công tác xây dựng chính sách và biện pháp vận động cộng đồng trong giai đoạn tới.

Mong muốn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các cơ quan trong nước

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở, bày tỏ suy nghĩ, nguyện vọng của mình, đồng thời đề đạt những nội dung cần các cơ quan chức năng hỗ trợ trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội đoàn.

Ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp các hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu, thẳng thắn bày tỏ: Hiện nay, những lãnh đạo các tổ chức hội đoàn có tâm huyết, có nghiệp vụ phần lớn đều đã lớn tuổi, bởi vậy rất cần những lớp trẻ kế cận. Tuy nhiên, việc thuyết phục và đào tạo một đội ngũ hoạt động cộng đồng trẻ, có năng lực là rất khó khăn. Bởi vậy, thời gian tới, Nhà nước cần ban hành những văn bản pháp luật cụ thể, quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của những lãnh đạo hội đoàn NVNONN, đồng thời có chính sách hỗ trợ kinh phí, đãi ngộ và đào tạo thích hợp để nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức hội đoàn.

Để góp phần hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động cộng đồng tại Pháp, ông Trần Bằng, thành viên Ban thường trực Khối Đối ngoại, Hội người Việt Nam tại Pháp, đã đưa ra một số đề xuất như: duy trì việc dạy và học tiếng Việt, bồi dưỡng các kiến thức và kĩ năng văn hóa, cảm thụ nghệ thuật dân tộc; tổ chức các đoàn văn nghệ giao lưu, phục vụ cộng đồng vào dịp Tết Nguyên đán; thường xuyên tổ chức các hội thảo, hội nghị, các chuyến về nguồn, thăm hải đảo…; tăng cường phối hợp, trao đổi kinh nghiệm giữa cơ quan chức năng trong nước với các hội đoàn NVNONN…

Đối với địa bàn khu vực Tây Bắc Campuchia, ông Nguyễn Huy Mão, Ủy viên BCH Tổng hội người Campuchia gốc Việt, Chủ tịch Tỉnh hội người Campuchia gốc Việt tỉnh Battambang chia sẻ: Khu vực Tây Bắc Campuchia là vùng xa xôi, hẻo lánh với khoảng gần 20.000 bà con gốc Việt. Do lịch sử để lại, phần đông bà con đến đây là từ những năm 80 của thế kỷ trước, đến nay địa vị pháp lý chưa vững chắc, nghề nghiệp không ổn định và bị mặc cảm xã hội ảnh hưởng rất lớn đến đời sống. Bởi vậy, tôi hy vọng Đảng, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ bà con trong vấn đề pháp lý, cư trú, đăng ký ngoại kiều để cải thiện địa vị của cộng đồng người Việt tại Campuchia; duy trì và mở rộng các lớp học tiếng Việt tại khu vực, hỗ trợ một phần lương giáo viên và xây dựng thêm một số trường lớp, trang bị thêm các học cụ; cung cấp cho một khoảng kinh phí nhất định hàng năm để hỗ trợ cho bà con những lúc ốm đau, bệnh tật…

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã được nghe ông Trịnh Đức Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao trình bày và giải đáp những thắc mắc của đại biểu về các vấn đề biên giới lãnh thổ mà cộng đồng NVNONN quan tâm.

Tổng kết Hội thảo, Vụ trưởng Tạ Nguyên Ngọc cảm ơn các ý kiến đóng góp và trao đổi trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn của các đại biểu đã tạo nên thành công của Hội thảo. Ông khẳng định Ủy ban sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các đại biểu và nghiên cứu đề xuất các biện pháp nhằm đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội đoàn.

Cũng trong dịp này, ông Nguyễn Hạnh (Johnathan Hạnh Nguyễn), Việt kiều Philippines, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất vì đã có những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và hoạt động từ thiện trong 30 năm đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Thủy Trần

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang