08/08/2017 02:39:00 PM
Mùa đi

Dù mùa Hè cứ lặng lẽ qua đi, nhưng bài thơ "Mùa đi" cứ níu bao lòng người ở lại...

 

Hết Hè rồi sao chẳng thấy cuốc kêu?
Con ong mật ngại bay hơn mọi bữa
Cánh chuồn chuồn lại dùng dằng ngưỡng cửa
Tiếng ve sầu ngân mãi bản tình si

Mùa vừa về... lại lặng lẽ ra đi
Lòng chưa ấm đã trở thành quá khứ
Đã vụt tắt khi tình vừa bén lửa
Chưa kịp say, đã cạn hết mùa rồi

Nắng mới bừng đã vội tắt hè ơi
Ta khép cửa để đón mùa nắng tới
Mùa qua rồi! Một nửa còn trông đợi
Muốn cài then nhung nhớ chẳng cho cài

Mùa này đi mùa khác đến mốt mai
Sợi nắng bện cho chúng mình gần lại
Mùa sẽ về tôi nhủ lòng tôi mãi
Chờ đợi thôi năm tới đón Hè về!

Thế Sáng - Berlin
---------
LỜI BÌNH CỦA BÙI NGUYỆT - CHEMNITZ

Đọc bài thơ "Mùa đi" của nhà thơ Thế Sáng tôi nhận thấy đây là bài thơ dùng thủ pháp hoài niệm rất tình, lãng mạn, giàu hình ảnh, rất thành công của nhà thơ cộng đồng mà tôi đã đôi lần tâm tình về thơ với anh.

Theo quy luật của vũ trụ mùa đến và đi, Hạ qua Thu tới. Trong bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, thì mùa Thu có lẽ buồn hơn cả! Nhưng bài thơ lấy bối cảnh là mùa Hạ cớ sao lại buồn? Với lối viết giản dị, mộc mạc như chính tâm hồn tác giả, bài thơ buồn man mác nhưng không ủy mị, nuối tiếc nhưng không kêu gào, thất vọng nhưng không oán trách, không giận hờn ai, chỉ tiếc thôi! Tiếc một mùa đã qua và hình như náu sau câu thơ là ẩn ý tiếc một bóng hình một người con gái? một tình yêu xa xôi nào đó… Bài thơ cứ ngân lên như tiếng chuông nhà thờ, thả từng giọt thơ vào không trung, vào lòng người xa quê, dẫu đang căng mình trong cuộc sống của đất nước công nghiệp phát triển.

Mở đầu là câu thơ ngân lên nỗi buồn man mác "Hết Hè rồi sao chẳng thấy cuốc kêu?". Đây là câu hỏi tu từ được tác giả xử dụng rất khéo trong bài. Phải chăng đằng sau hình ảnh "con cuốc" hình như có bóng dáng của người con gái mà ai đó đang chờ, đang đợi, đang nhớ lắm… Câu thơ làm cho không gian trùng xuống để ta nhập hồn vào "Mùa đi".

Hết hè rồi sao chẳng thấy cuốc kêu?
Con ong mật ngại bay hơn mọi bữa
Cánh chuồn chuồn lại dùng dằng ngưỡng cửa
Tiếng ve sầu ngân mãi bản tình si.

Hình ảnh của mùa Hè được đưa vào thơ mà chỉ có ai đã từng ở quê mới ngấm hết điều đó. Bài thơ được viết ở nơi xa xứ, ở Berlin xa quê vạn dặm… những câu thơ cứ cứa vào vào nỗi nhớ quê, ở đó ta đã một thời từng đội nắng, đội mưa.

Một bài thơ chỉ có một câu hay đã được rồi, "Mùa đi" có nhiều câu hay, nhiều hình ảnh ẩn dụ. "Muốn cài then nhung nhớ chẳng cho cài" đối câu đối chữ đã làm nên thành công bài thơ.

Mùa Hè mang lại hơi ấm cho mọi người trên xứ tuyết. Đối với cộng đồng người Việt đó còn là hơi ấm của quê hương… Quê hương rực rỡ nắng vàng, nét đặc trưng của Việt Nam. Còn ở nơi đây mùa Hè vô cùng ngắn ngủi. Vừa chợt đến đã qua mau làm tác giả nuối tiếc, nhớ nhung hơi ấm của thiên nhiên hay hơi ấm tình yêu vừa mới bừng lên đã vụt tắt làm hẫng hụt, như mất đi một nửa hương vị cuộc đời. Sự mất mát ấy đã tăng thêm nỗi nhớ nhung, khát khao. Tác giả muốn quên đi nhưng càng quên lại càng thêm nhớ. Câu thơ đã sử dụng nghệ thuật ẩn dụ, cụ thể hóa ý trừu tượng qua hình ảnh "cài then" đã làm cho câu thơ có sức gợi tả, gợi cảm gây được ấn tượng cho bạn đọc.

Khổ thơ kết là niềm hy vọng sự ấm áp sẽ trở về theo quy luật của thiên nhiên và tình yêu cũng được vãn hồi theo tiếng gọi của con tim, trong một không gian ngập tràn nắng mới. Những tia nắng được ẩn dụ như những sợi tơ trời xe kết, bện chặt cho lứa đôi xích lại bên nhau:

Mùa này đi mùa khác đến mốt mai
Sợi nắng bện cho chúng mình gần lại
Mùa sẽ về tôi nhủ lòng tôi mãi
Chờ đợi thôi năm tới đón Hè về!

Dù mùa Hè cứ lặng lẽ qua đi, nhưng bài thơ "Mùa đi" cứ níu bao lòng người ở lại.

Bùi Nguyệt (Chemnitz, CHLB Đức)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác
  • Nghĩ về mẹ (08/03/2024)
  • Sa lưới (05/03/2024)
  • Một thoáng chiều thu (31/10/2023)
  • Chiều nắng hạ (11/07/2023)
  • Xúc động những vần thơ về Trường Sa của kiều bào Đức (27/06/2023)
  • Vương trong sương mù (20/06/2023)
  • Nàng Thơ (30/03/2023)
  • Vành khăn tang trắng (14/03/2023)
  • Khúc hát Xuân (24/02/2023)
  • Ngủ đi em (14/02/2023)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand đoàn kết phát triển, vững mạnh
Vai trò, vị trí của Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga trong xu thế phát triển chung
Hội chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Đan Mạch thảo luận kế hoạch hoạt động năm 2024
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Trí thức, chuyên gia Việt Nam tại Australia mong muốn góp phần xây dựng và phát triển đất nước
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang