30/06/2017 10:26:00 AM
Một chuyến Trường Sa nặng nghĩa tình

Có thể nói cuộc hành trình đến quần đảo Trường Sa là sự thấu hiểu, thấu hiểu nỗi gian lao của người chiến sĩ nơi hải đầu đất nước, thấu hiểu sự thiêng liêng của máu thịt Tổ quốc nơi đón ánh mặt trời mọc đầu tiên, thấu hiểu ý chí bảo vệ “Nam quốc sơn hà” của Quân đội Việt Nam.

Đoàn Việt kiều chúng tôi bao gồm 60 thành viên từ 22 nước may mắn được tham gia Đoàn công tác số 8 ra thăm Trường Sa do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Vũ Hồng Nam làm Trưởng Đoàn. Chuyến đi được đánh giá là một chuyến công tác thuận buồm xuôi gió và kết quả mỹ mãn.

 Đoàn công tác số 8 chụp ảnh lưu niệm trên boong tàu KN-491

Chuyến đi thuận buồm, xuôi gió

Từ Khách sạn Palace, 56-66 Nguyễn Huệ, Thành phố Hồ Chí Minh, ngay từ sớm, toàn Đoàn đã được đưa đến cảng Cát Lái bằng ô tô buýt, sau khi làm thủ tục nhanh chóng, các thành viên đã được bố trí vào phòng theo danh sách đã chuẩn bị sẵn.

Trước giờ xuất phát 10 phút, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam cùng Lãnh đạo Bộ tư lệnh Hải quân đến đặt hoa tại Đài tưởng niệm các chiến sĩ đoàn tàu không số và dự lễ tiễn chuyến tàu xuất bến theo truyền thống Hải quân.

Đúng 11 giờ trưa ngày 25/4/2017, tàu hú một hồi còi dài và từ từ rời cảng Cát Lái hướng ra biển để đến với Trường Sa.

Tàu KN 491 là một trong những tàu kiểm ngư hiện đại của Hải quân Việt Nam đưa đoàn công tác thực hiện một chuyến đi dài ngày theo dự định vượt khoảng 2000 hải lý.

Đúng như dự tính của những người đi biển có kinh nghiệm, vào khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 là thời kỳ sóng yên, biển lặng, thời tiết rất đẹp, thuận tiện muôn phần cho tàu bè ra khơi. Suốt chục ngày lênh đênh trên biển, chỉ có một vài đợt sóng lừng cấp 3, còn lại chỉ có sóng nhẹ cấp hai, gần như không có một ai bị say sóng.

Ban ngày, trời trong xanh không một gợn mây, còn ban đêm, gió nhẹ mơn man, ngồi trên mạn tàu nhìn những dải lân tinh tóe lên bởi con tàu xé sóng, trong lòng cảm thấy bình yên giữa đại dương mênh mông.

Toàn bộ khách và đại biểu được bố trí kín 4 tầng trong số 5 tầng của con tàu. Mặc dù ban ngày con tàu bị nung dưới cái nắng hầm hập 38-39 độ C, nhưng trong phòng ngủ đều có điều hòa nhiệt độ, nếu nhắm mắt lại, cứ nghĩ là đang ở trong khách sạn cao cấp.

Để chuẩn bị cho chuyến đi, bộ phận hậu cần đã lo đầy đủ rau xanh, hoa quả, thực phẩm, nước đóng chai cho gần 250 đại biểu và thủy thủ đoàn. Bốn nhà ăn phục vụ mỗi ngày 4 bữa, chu đáo ngoài tưởng tượng của mọi người, bởi vì trước khi đi, anh em, nhất là cánh Việt kiều cho vào va li đủ mọi thứ từ lương khô, đường, sữa, khăn ướt… nhưng không ngờ khi xuống tàu, trong phòng vệ sinh đã xếp đủ cho từng người thuốc đánh răng, khăn mặt, dao cạo, xà phòng và cả dép đi lại trên tàu!

Buồn cười nhất là gần như tất cả mọi người đều chuẩn bị sẵn cho mình mươi bộ quần áo lót, mươi túi ni lông để gói lại, chờ ngày lên bờ sẽ tổng vệ sinh giặt giũ một thể, nhưng không ngờ trên tàu có cả máy giặt, bàn là, sân phơi và nước dùng đầy đủ.

Hệ thống liên lạc được coi là chuẩn nhất từ trước tới nay. Cần liên lạc tới phòng nào, chỉ cần bấm điện thoại bàn theo chỉ dẫn; cần thông tin điều gì, báo về Sở chỉ huy, chỉ trong khoảnh khắc, loa phóng thanh đã truyền đạt mọi thông tin cần thiết.

Khi lênh đênh trên biển, mọi liên lạc với đất liền bị chấm dứt, nhưng khi tàu cách đảo chìm, hay đảo nổi của ta chừng vài hải lý là có sóng viettel rất mạnh, thoải mái gọi về đất liền hay thậm chí ra ngoại quốc.

Phòng bệnh viện dã chiến trực suốt ngày đêm, khách được đáp ứng mọi nhu cầu về thuốc thang, tư vấn và khám bệnh.

Sau chuyến đi, nhiều người hốt hoảng vì tăng cân ngoài dự tính.

Theo đúng kế hoạch, căn theo thời biểu thủy triều, tàu KN 491 đã đến ngoài khơi Vũng Tàu đêm 3/5 và sáng hôm sau theo thủy triều dâng, tàu xuôi về Cát Lái, đưa đoàn công tác số 8 trở về đất liền an toàn, kết thúc một chuyến đi ân tình, đầy ý nghĩa.

Trong đêm liên hoan văn nghệ chia tay trên sân trực thăng phía đuôi tàu KN491, sau những màn biểu diễn ấn tượng dành cho các thủy thủ đoàn, một đại biểu Việt kiều đã phát biểu một cách chân thành và mộc mạc: “Chúng tôi, những Việt kiều có quốc tịch của nước ngoài, có thể đi đến rất nhiều nước, nhiều vùng đất xa xôi trên thế giới. Trong số anh chị em ở đây, có những người đã có điều kiện đi đến hàng chục quốc gia, nhưng tôi khẳng định rằng, không một cá nhân nào, một tập thể nào ở nước ngoài lại có thể tổ chức nổi một chuyến đi tới hơn một chục hòn đảo lớn nhỏ ở Trường Sa, nếu không có sự giúp đỡ của Ủy ban Nhà nước về NVNONN và Bộ Tư lệnh Hải quân”. Câu nói đó đã nói lên lời tri ân và tổng kết lại chuyến đi có thể nói là “vô tiền, khoáng hậu”.

 Các đại biểu đoàn công tác số 8 giao lưu cùng cán bộ chiến sĩ đảo Sơn Ca

Sống giữa tình thân, chung tay công việc

Hơn hai trăm đại biểu không hề quen biết nhau có mặt trên con tàu lớn lênh đênh giữa biển cả bỗng trở thành một gia đình chung bởi những sợi dây gắn kết mục đích của chuyến đi.

Dường như những sinh hoạt tập thể thường xuyên do Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN và Bộ Tư lệnh Hải quân, Ban chỉ huy tàu tổ chức đã làm những con người từ bốn phương trời xích lại gần nhau.

Có lẽ lâu lắm rồi, có người từ thời sinh viên ba bốn chục năm trước, có người từ các đơn vị, cơ quan nhà nước, bây giờ lại được hưởng không khí nhà ăn tập thể. Anh em công tác hậu cần, anh nuôi trên tàu mẫn cán và chuyên nghiệp như những đầu bếp khách sạn bốn sao. Phục vụ ngần ấy con người mà chỉ có 8 người, không ai bảo ai, các chị em Việt kiều, Ban cán sự Đảng, Đoàn Luật sư tụ tập ở khu nhà bếp cùng nhặt rau, rửa bát và dọn dẹp.

Các bữa ăn biến thành những buổi sinh hoạt tự phát với những câu chuyện cởi mở, chân tình, dường như kéo dài không dứt.

Riêng những buổi giao lưu văn nghệ, ngoài các tiết mục của các ca sĩ chuyên nghiệp ra, số tiết mục của các đơn vị và cá nhân đăng ký quá nhiều, đến nỗi người phụ trách hoặc phải kéo dài thêm thời gian, hoặc chuyển sang biểu diễn thêm hôm khác.

Do đã từng đưa đón nhiều đoàn công tác cho các cán bộ cao cấp và các cơ quan trong nước, Ban chỉ huy tàu có thể nói là dạn dày kinh nghiệm về mặt tổ chức. Hai trăm con người tự khép mình vào quân lệnh, dậy đúng giờ, ăn đúng giờ, sinh hoạt theo một khuôn phép và quy củ với những nội quy được quy định rõ ràng.

Lịch trình luôn được ấn định sẵn và dường như được thực hiện không du di là mấy, kể cả thời gian neo tàu, phối hợp xuồng đưa đón khớp với công tác chuẩn bị trên đảo. Đằng sau các công việc tưởng chừng như mang tính kỹ thuật máy móc đó, thực ra là một công việc quản lý đầy vất vả, khoa học và tâm huyết của Ban chỉ huy tàu và lãnh đạo chuyến đi.

Công việc hàng ngày, các hoạt động nhiều mặt của Đoàn đều được tổng kết bằng các bản tin súc tích và đọc trên loa phóng thanh được bố trí loa riêng tới các phòng. Các chương trình văn nghệ, đêm thơ, nói chuyện văn học đem đến những hiểu biết và kiến thức về một lĩnh vực tuy gần nhưng cũng xa lạ cho những người không có điều kiện tìm hiểu chuyên sâu.

Bất ngờ nhất là cuộc thi Thơ, Nhạc và Nhiếp ảnh được phát động ngay khi tàu rời bến được 3 hôm. Lúc đầu ai cũng nghĩ đây chỉ là sự khởi động một phong trào, cứ sợ là “đầu voi đuôi chuột”, bởi vì cho đến gần hôm cuối cùng, sản phẩm thu về không được là bao.

Thế nhưng gần đến ngày sơ tuyển, số bài thu về vừa nhiều về số lượng và cao về chất lượng. Những bài thơ trước khi bình chọn đã được đọc cho các chiến sĩ trên đảo, đọc trên bản tin của tàu, có một tác dụng động viên rất lớn. Ngày trao giải cho các đại biểu tham gia như một ngày hội nhỏ, một không khí phấn chấn, náo nức truyền lan khắp mọi người trên tàu bằng những lời chúc mừng và các tiệc liên hoan nho nhỏ.

Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, đêm cuối cùng tàu rời biển Vũng Tàu để trở về Cát Lái, Ban Biên tập và bộ phận kỹ thuật làm việc thâu đêm suốt sáng để đánh máy, làm ma-két điện tử, phấn đấu để trước khi trời sáng, gửi về bộ phận in ấn ở đất liền cuốn kỷ yếu chuyến đi. Lúc đầu không ai dám tin rằng, sau 6 tiếng quyển sách in màu bao gồm các bài vở, ảnh và các thông tin chuyến đi được in thành sách vì tổng thời gian chỉ có vẻn vẹn 5 tiếng đồng hồ.

Tàu cập bến, Bộ Tư lệnh Hải quân chiêu đãi đoàn bữa cơm thân mật chia tay, thì cũng là lúc bộ phận nhà in mang đến phát cho các đại biểu mỗi người một quyển kỷ yếu còn tươi rói mùi mực, trở thành một kỷ niệm nhớ đời.

Ban đầu, khi tàu mới ra khơi, dường như giữa Ban chỉ huy tàu và Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN và Bộ Tư lệnh Hải quân còn có một khoảng cách, phần thì chỗ ở riêng biệt từng phòng, phần thì các đại biểu nước ngoài quen lối sống khép kín. Nhưng tình trạng này tồn tại chỉ vài ba ngày, còn sau đó, các cuộc giao lưu đầm ấm, thân mật diễn ra khi thì ở phòng ăn, khi thì ở các buổi biểu diễn và trên boong tàu. Thậm chí khi chuẩn bị rời tàu trở về đất liền, một đại biểu đã nói như đùa, nhưng rất thật: “Hay là đề nghị Ban chỉ huy cho ra khơi trở lại, chúng tôi chẳng muốn chia tay đâu”!

Khó mà diễn tả hết sự xúc động và bịn rịn của những người con Tổ quốc từ khắp muôn phương trong buổi chia tay. Nhiều chiếc taxi không đợi được, đành phải bỏ đi, vì mọi người nào là ghi điện thoại, email, nào dặn dò và hò hẹn… Nhóm Châu Âu đã ước định với nhau, đúng hai năm nữa vào ngày này tất cả sẽ gặp nhau ở Bratixlava và khi đó nhớ tập hợp ảnh kỷ niệm và những ký ức về chuyến đi có một không hai này.

Một cán bộ hậu cần phục vụ ở nhà ăn tầng 3 của tàu nhận xét, “tôi đã đi cùng với bao nhiêu đoàn, nhưng không hề thấy một chuyến đi Trường Sa nào như chuyến số 8. Mà không chỉ riêng tôi đâu, mọi người đều nói như vậy!”

 Tác giả đọc thơ trên đảo Sinh Tồn

Đến với mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc

Cuộc hành trình 10 ngày, qua 11 đảo nổi, đảo chìm và giàn khoan DK1 của Đoàn Công tác số 8 là một kỳ tích. Đây không phải là một cuộc du ngoạn, một chuyến đi thực tế, mà là một chuyến đi nặng tình, nặng nghĩa.

Để chuẩn bị đến thăm một hòn đảo, Ban chỉ huy đều thông báo sẵn lịch trình và chuẩn bị kỹ càng để đảm bảo xuất phát, trở về tàu đúng thời gian và không xảy ra sự cố ngoài ý muốn. Tàu thường neo cách đảo chừng một hải lý, hay gần hơn, tùy thuộc vào độ sâu vùng biển.

Ca nô được hạ trên tàu xuống, cũng có khi huy động ca nô từ đảo ra tàu, chở các đại biểu vào thăm đảo. Bộ phận phục vụ mặc áo phao cho từng đại biểu, đứng ở mạn tàu hướng dẫn và dắt tay từng thành viên yên vị trên ca nô; và khi rời ca nô cũng vậy.

Trừ các đảo chìm, còn các đảo Nam Yết, Song Tử Tây, Trường Sa… đều có những chùa mang tên đảo và nhà sư trụ trì. Đoàn đến thành kính dâng hương tại chùa và Đài Liệt sĩ. Cũng là những mái chùa cong, cũng là những tấm bia đá ghi tên những người ngã xuống như trên đất liền, nhưng tại đảo xa, sự thiêng liêng và xúc động nhân lên gấp bội. Hai lần Đoàn tổ chức Lễ tưởng niệm và thả vòng hoa cho các chiến sĩ Gạc Ma và những người con yêu đã hy sinh thân mình để giữ đảo, nhiều người đã không cầm được nước mắt.

Tại mỗi Hội trường trên các đảo, Lãnh đạo Đoàn đã trao cho các chiến sĩ và nhân dân những món quà đầy ý nghĩa và thiết thực từ đất liền gửi ra. Đại diện các Đoàn Việt kiều, các cơ quan trao tặng cho các đơn vị trên đảo nhu yếu phẩm và vật dụng cần thiết cho cuộc sống sinh hoạt trên đảo. Trên đảo xa, thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh, xa tình cảm gia đình bạn bè, bất cứ điều gì cũng quý giá, đặc biệt là sự có mặt của bà con Việt kiều và anh em ra từ đất liền.

Các cuộc biễu diễn văn nghệ của hai đoàn nghệ sĩ chuyên nghiệp và các nghệ sĩ nghiệp dư có lẽ là món quà quý giá nhất. Các buổi biểu diễn diễn ra dưới tán những cây bàng vuông, mù u, các chiến sĩ xếp ghế quây quần, háo hức nghe như bù lại sự thiếu thốn về cuộc sống văn nghệ nơi đảo xa. Và hầu như trong bất cứ buổi biểu diễn nào, các chiến sĩ đều xung phong lên sân khấu, tham gia hết mình cùng các nghệ sĩ trong các bài hát, điệu múa và tiếng đàn “cây nhà, lá vườn” đầy hứng khởi.

Đến thăm đảo nào cũng vậy, các đại biểu kiều bào được tận mắt chứng kiến cuộc sống vất vả, gian lao của những chiến sĩ hải quân. Thời tiết trên đảo nói chung là khắc nghiệt, nóng như đổ lửa giữa trảng cát thưa vắng bóng cây. Dưới nhiệt độ luôn ở mức 38-40 độ, các chiến sĩ vẫn thường trực trên trận địa, thao trường. Có đảo quanh năm chỉ có được một vài trận mưa bóng mây, nếu có một trận mưa to thì giống như lộc trời ban phát.

Vì cát nhiễm mặn, nước tưới không có nên trồng rau xanh là một vấn đề nan giải. Các giếng đào trên đảo hoặc không có nước, hoặc là nước lợ dùng để tráng mình sau khi tắm. Nước rửa rau, vo gạo dồn lại không được đổ đi, coi như sản phẩm thứ cấp dành để tưới rau. Thế mà thật kì diệu, trên các đảo Sơn Ca, Song Tử Tây có cả những vườn rau, luống hoa mang tên “Thanh niên”xanh mướt với đủ chủng loại.

Còn trên các đảo chìm Đá Nam, Cô Lin… chỉ có đá sỏi, bốn bề là biển nước, không có nước ngọt, cuộc sống của các chiến sĩ khó khăn gấp bội. Khi đoàn ra, ai nấy đều ăn mặc quân phục chỉnh tề, đội ngũ trang nghiêm, còn lại ngày thường, chỉ mang những bộ quần áo mỏng để chống lại cái nóng hầm hập như trên sa mạc. Nước ngọt trên các đảo chìm các chiến sĩ phải hạn chế đến mức tối đa, chủ yếu là dùng cho các nhu cầu thiết thân nhất với tinh thần tiết kiệm nhất. Tuy vậy, mỗi năm chỉ huy đảo lại phải mươi lần san sẻ cho các ngư dân gặp bão hoặc thuyền bè bị hỏng hóc.

Nhưng sự kham khổ về vật chất không thể nào so được sự thiếu thốn về mặt tinh thần. Không gian sinh hoạt trên các đảo chìm chỉ có mấy chục mét vuông, cả trung đội có một chiếc ti vi, nhưng không phải lúc nào cũng có thì giờ ngồi xem và không phải lúc nào cũng bắt được tín hiệu. Trước đây, khi sóng Viettel chưa phủ, sợi dây liên lạc với gia đình và người thân chỉ là những bức thư do tàu giao liên tiếp vận chuyển đến. Nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền là tình cảm thường trực của mỗi một chiến sĩ trên đảo.

Có thể nói cuộc hành trình đến quần đảo Trường Sa là sự thấu hiểu, thấu hiểu nỗi gian lao của người chiến sĩ nơi hải đầu đất nước, thấu hiểu sự thiêng liêng của máu thịt Tổ quốc nơi đón ánh mặt trời mọc đầu tiên, thấu hiểu ý chí bảo vệ “Nam quốc sơn hà” của Quân đội Việt Nam. Trong một phát biểu của mình trong buổi lễ chia tay, một đại biểu Việt kiều đã nói hộ tấm lòng của sáu mươi anh em có mặt trong chuyến hải trình:

“Chúng tôi có 60 anh em đến từ 22 nước, nhưng mạo muội thay mặt cho hơn bốn triệu NVNONN hiện đang sinh sống và làm việc trên hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới bày tỏ lòng mến yêu, cảm phục các chiến sĩ hải quân Việt Nam đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Chúng tôi sẽ mang đến cho những người chưa có dịp đến Trường Sa tinh thần và sự thấu hiểu sâu sắc của chúng tôi trong chuyến đi này. Đồng thời chúng tôi cũng trân trọng cảm ơn Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Tư lệnh quân chủng Hải quân đã tạo điều kiện cho chúng tôi được đến với Trường Sa, một chuyến đi nhớ mãi trong đời”.

Thảo Nguyên (LB Nga)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand đoàn kết phát triển, vững mạnh
Vai trò, vị trí của Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga trong xu thế phát triển chung
Hội chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Đan Mạch thảo luận kế hoạch hoạt động năm 2024
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Trí thức, chuyên gia Việt Nam tại Australia mong muốn góp phần xây dựng và phát triển đất nước
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang