26/07/2017 03:35:00 PM
Hồi ức về người lính

Nhân dịp 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ, tôi viết đôi dòng nghĩ suy về cuộc chiến tranh và sự hy sinh quá lớn của những người con của một dân tộc anh hùng. Sự hy sinh ấy không có bút giấy nào kể xiết. Với lòng thành kính, bài viết là nén hương thơm tỏ lòng biết ơn vô hạn đến sự hy sinh xương máu của các anh, các chị cho Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một đất nước Việt Nam mãi mãi trường sinh, hoà bình và thịnh vượng xứng đáng với sự hy sinh cao cả đó.

 Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Những ngày đầu tháng bảy, trời Wasinhton DC xanh biếc, nắng vàng óng ả, không khí trong lành, gió mát rười rượi. Hoa nở rộ đủ sắc màu, những cành cây lá non xanh mơn mởn được nắng dát vàng lóng lánh, cứ ve vẩy trong gió như những cánh tay mời chào du khách...

Nhìn dòng người trên khắp thế giới hàng ngày đổ về đây tôi chợt nhớ lại cũng những ngày này cuối tháng 5 đầu tháng 6 vừa rồi - đó là thứ 2 ngày 29/5. Ở Hoa Kỳ thì đây là ngày Memorial Day (tức là Ngày tưởng niệm liệt sỹ của Hoa Kỳ). Trên các kênh thông tin của các tháng đều nhắc lại quá khứ cuộc chiến tranh Việt Nam - Mỹ. Kênh CNN hàng ngày vẫn đưa hình ảnh những người lính nét mặt thất thần của quân đội Hoa Kỳ bên những chiếc trực thăng rơi như những con chuồn chuồn đứt đuôi nằm chỏng trơ trên cánh đồng lúa hay trong rừng rậm Việt Nam. Có hình ảnh là những máy bay B52 bị xé nát tả tơi, trên cánh máy bay in lá cờ Hoa Kỳ chỏng lên trời như cầu cứu Thượng đế. Có em gái trên mình khoác mỗi màu lửa na-pan bốc cháy không một mảnh vải che thân... Và hình ảnh những cô thanh niên xung phong mở đường đang ca hát dưới mưa bom bão đạn do không lực Hoa Kỳ gây ra...

Những hình ảnh của quá khứ nhắc thế hệ đang sống nhớ về những thời khắc của cuộc chiến tranh Việt Nam. Những hình ảnh ấy gợi cho tôi nhớ về ngày 27/7 ở Việt Nam. Một ngày cách đây 70 năm tròn, toàn quốc thực hiện chỉ thị của Bác Hồ lấy ngày 27/7 hằng năm là Ngày thương binh liệt sỹ để toàn dân chứng tỏ lòng hiếu nghĩa uống nước nhớ nguồn với những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc. Và thực sự từ ấy đến nay, đó là ngày tưởng nhớ và biết ơn sự hy sinh xương máu của bao thế hệ đã đánh đuổi bao kẻ thù để xây dựng nên một non sông thống nhất, độc lập tự do, sánh vai với các cường quốc như Bác Hồ hằng mong ước. Đối với toàn dân thì sự hy sinh vô bờ bến ấy được xây dựng thành tượng đài trong mỗi trái tim.

Còn Ở Hoa Kỳ, sự tổn thất tiền của và xương máu của những người lính vô tội cho cuộc chiến phi nghĩa ấy đã được xây dựng thành tượng đài. Ý tưởng kiến trúc về bức tượng đài dài 75m hình chữ V tại Thủ đô Washington DC là khi cuộc chiến kết thúc năm 1975. Nó như là một pho sách đen tối nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Nó phơi bày giữa thanh thiên bạch, giữa trái tim của một thủ đô hùng mạnh nhất thế giới. Bức tường ấy- đài tưởng niệm ấy như một cuốn kỷ yếu ghi danh hơn 58.000 nghìn quân nhân Mỹ tử nạn tại chiến tranh Việt Nam. Nó là biểu tượng của lòng sám hối muộn màng với Thượng đế, và cầu mong những dòng người từ khắp nơi trên thế giới đến đây sẵn lòng tha thứ cho những người con của Hoa Kỳ đã tử nạn vì một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Cuộc chiến kéo dài nhất trong lịch sử chiến tranh và cũng tốn kém nhất, khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới. Nhưng kết quả là sự sụp đổ niềm tin trong lòng dân chúng Hoa Kỳ và nhân loại yêu chuộng hoà bình. Chính vì lẽ đó nên nhân loại yêu chuộng hoà bình trên khắp thế giới rầm rộ biểu tình phản đối cuộc chiến tranh chống Việt Nam của các nhà cầm quyền Hoa Kỳ lúc bấy giờ.

Đây là một đài tưởng niệm đón du khách khắp thế giới nhưng không sử dụng một đồng nào từ ngân sách cho dự án, mà nguồn tiền để xây dựng là từ cá nhân, Hội cựu chiến binh hay các tổ chức từ thiện và các nhà tài trợ từ khắp nơi đóng góp. Ở giữa trung tâm thủ đô các toà nhà và bảo tàng hầu như sử dụng tông màu trắng là chủ đạo (từ toà Bạch ốc - White House, Tháp Bút chì, Bảo tàng và Thư viện Tổng thống Abraham Lincohn, hay Toà nhà Quốc hội Hoa Kỳ...), thì bức tường đen của Đài tưởng niệm giữa quần thể kiến trúc trung tâm như một chiếc băng tang u ám cài trên ngực người hùng thất trận.

Lật qua trang sử đau thương, cả hai nước chúng ta hôm nay đang cùng chung một chí hướng là góp phần chung sức xây dựng một thế giới hoà bình và thịnh vượng. Thỉnh thoảng có dịp rỗi tôi vẫn bách bộ qua đây để hồi ức lại những năm chiến tranh khốc liệt. Tôi đã gặp và tâm sự với nhiều người, nhiều hoàn cảnh khác nhau tại bức tường này trong mỗi dịp ghé thăm như vậy. Nhìn họ, tôi lặng lẽ nhớ lại những người ở quê hương một thời đã để lại nhiều ký ức tuổi thơ của tôi. Họ đã là những cựu thương binh hay liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ.

Tôi chợt nhớ lại giao thừa hàng năm hồi gia đình tôi còn ở Hà Nội. Khi màn pháo hoa ở Bờ Hồ kết thúc là tôi và vợ cùng các con thường ra khu vực Lăng Bác Hồ và Tượng đài Bắc Sơn để thắp hương. Với lòng thành kính, chúng tôi dâng lên Bác và các anh hùng liệt sỹ lòng biết ơn vô bờ vì sự anh dũng hy sinh cho Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Mỗi khi có dịp về quê, tôi lại đến tượng đài liệt sỹ của xã để viếng các anh. Những lần như vậy tôi lại thầm hỏi: "Anh nằm ở nơi nào? Ở Miền Tây Nam bộ? Ở đường 9, Nam Lào. Hay chiến hào Quảng Trị?... Tấm bia mòn mưa nắng. Tên anh mờ gió sương. Nhưng hồn anh sống mãi. Hoà trong hồn núi sông...". Đó là mấy dòng trong bài thơ tôi viết "Viếng Đài Liệt sỹ" ở quê. Trong số những liệt sỹ ấy ở tượng đài của xã, tôi vẫn nhớ như in người con trai cả của chú ruột tôi. Anh hy sinh tại chiến trường Trị Thiên trong những năm 1972. Anh đã mất gần nửa thế kỷ nhưng đến nay vẫn chưa biết anh mất ở mảnh đất nào trong ngày hè đỏ lửa ở chiến trường Quảng Trị. Và thi thể của anh nằm ở đâu hay trên dòng sông Thạch Hãn, vẫn là một dấu hỏi trong lòng bố mẹ anh khi sinh thời. Tôi nhớ về người anh mà tôi từng ngưỡng mộ như thần tượng trong trái tim lúc tôi tuổi còn thơ. Anh là một học sinh giỏi đạt giải nhất toàn miền Bắc lúc bấy giờ. Tôi lúc ấy còn quá nhỏ để anh nói chuyện về đề của cuộc thi học sinh giỏi, nhưng những lần nghe anh trò chuyện với bạn bè cùng trang lứa thì mãi đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in. Kể cả điệu bộ anh diễn tả đề thi. Rồi anh được cử đi học ở Đại học Lômônôxốp ở Liên Xô cũ (nay là LB Nga). Nhưng tiền phương vẫy gọi nên anh đã lên đường đi vào tuyến lửa. Tôi còn nhớ đêm liên hoan chia tay anh, bao cô gái là bạn học của anh đã khóc. Anh đã ra đi mãi mãi mà chưa một lần nắm tay những người bạn gái của mình. Vậy nhưng anh vẫn sống mãi trong tôi khi anh hướng dẫn cho tôi cách học trong hoàn cảnh chiến tranh. Ngày một buổi lên lớp, còn buổi chiều bổ củi, thái rau, chăm gà, chăm lợn..., tối thì tù mù một ngọn đèn dầu che kín tứ bề le lói từng dòng chữ lờ mờ. Ấy vậy nhưng anh đã bày tôi cách học sao cho dễ nhớ và đã nhớ là khó quên. Chính vì lẽ đó nên hầu như những gì được học từ phương pháp của anh thuở ấy đến bây giờ tôi vẫn truyền cho các con của tôi. Ngày anh lên đường nhập ngũ, mấy đứa em còn nhỏ dại cùng trang lứa như tôi. Bao công việc đồng áng dồn lên vai mẹ. Khi nghe tin anh mất và giấy báo tử về địa phương mẹ anh như điên dại. Rồi bao năm sau lam lũ lo cho mấy em trưởng thành. Bố anh bận công tác xa thi thoảng mới tạt qua nhà. Khi ông trở về nghỉ hưu cũng là lúc bà đổ bệnh. Bà nằm liệt giường không đi lại hơn 15 năm trời không nói năng. Da thịt của bà lở loét. Mọi sinh hoạt theo bản năng đều do ông chăm sóc kể cả thìa cháo đến mũi tiêm hàng ngày. Ông đã tự mua sách về để học cách chăm bà tốt nhất, từ ăn, ngủ, thuốc... Chính vì vậy bà vẫn sống được 15 năm trời trong vô thức. Thế nhưng mỗi lần về tôi ghé thăm, nghe ông bảo nhỏ vào tai thì bà oằn mình một cách uể oải, nặng nề, đau đớn vì những vết lở loét, rồi vẫn gọi đúng tên tôi mặc dù lâu lâu tôi mới có dịp về thăm bà. Ông bảo “kỳ lạ thật, tại sao bà không nói được kể từ ngày đổ bệnh mà có anh về bà lại gọi được tên anh”.

Dịp tết vừa rồi, tôi về Việt Nam. Tôi và người con trai kế cùng độ tuổi tôi của bà nay đang là một giáo sư- tiến sỹ toán học cùng mấy người bạn gặp nhau ở Thành phố Hồ Chí Minh và tổ chức buổi tất niên sớm. Chúng tôi gặp nhau cùng trao đổi phương pháp lập trình một ứng dụng phần mềm thi Trắc nghiệm theo tiêu chuẩn quốc tế áp dụng cho môi trường giáo dục của Việt Nam. Anh hiện đang giảng dạy và là một trong những người thường đưa các học sinh của mình đi thi toán quốc tế. Anh là một thành viên trong tổ viết sách giáo khoa cho bộ giáo dục về môn toán chương trình trung học phổ thông. Nhìn người em trai kế của anh tôi lại nhớ đến bố mẹ anh.

Cho đến tận cách đây vài năm, trước khi trút hơi thở cuối cùng, bà hỏi được một câu duy nhất là đã tìm được mộ anh chưa. Bố anh đứng cạnh nuốt nước mắt vào trong nhưng rồi không lâu sau đó trước khi về với tổ tiên, bố anh cũng hỏi như mẹ anh đã hỏi. Bà không nói được vì nỗi đau về tinh thần và bệnh tật. Và chính tôi cũng rất thấu hiểu điều đó nên khi cả hai ông bà đang còn sống, tôi đã đi nhờ nhiều người ở cả 3 miền trên giải đất hình chữ S tìm mộ anh. Tôi đã đến nhờ chị Năm Nghĩa chuyên đi tìm mộ đồng đội và nhà ngoại cảm Bích Hằng... Tôi chỉ mong toại nguyện linh hồn anh và những người thân của anh. Nhưng tất cả đều vô vọng vì sự mất mát trong cuộc chiến tranh quá khốc liệt.

Rồi tại chân bức tường của Đài Tưởng niệm ở Washington DC này, tôi lại gặp một cựu binh già. Ông ngồi trên chiếc xe lăn chạy bằng điện. Ngồi trước bức tường dài, ông lặng lẽ rút chiếc khăn nhỏ lau dòng nước mắt chảy trên khuôn mặt nhiều tàn hương và những nếp nhăn. Câu chuyện của ông lại gợi cho tôi nhớ về người bác họ của tôi. Bác bị thương mất một chân vào dịp Tổng tấn công tết Mậu Thân 1968 ở Huế. Khi trở về quê, với chiếc nạng gỗ, bác leo đèo lội suối. Bác lên rừng chặt tre nứa về tự làm nhà ở để vợ con khỏi bị dột nát khi mưa gió. Trong một lần bè xuống thác va vào đá ngầm, bè bị xé ra nhiều mảnh. Bác rơi xuống dòng nước chảy xiết. Nhưng vì mất một chân, bác không bơi được nên chìm xuống sông. May thay, mấy người bạn đi cùng vớt lên. Lại một lần ngấp nghé cửa tử thần. Bác tiếc là trôi mất cái nạng gỗ. Về nhà bác tự làm cái khác mà không đi xin trại thương binh cấp thêm nữa. Vì bác bảo "Nhiều thương bệnh binh chưa có. Mình đã được cấp một lần rồi thì không nên lấy nữa. Mình cố gắng làm để dùng". Bác bảo Bác Hồ dạy là "Thương bệnh binh tàn nhưng không phế".

Dịp vừa rồi khi trở về quê, tôi lại đến thăm bác. Bác ngồi trên xe lăn, da hồng hào mặc dù đã trên 80 tuổi. Bác hỏi đủ thứ chuyện, mọi lĩnh vực khắp thế giới. Hằng ngày bác xem các kênh truyền hình và đọc báo, họp hội cựu chiến binh... nên bác nắm chắc thông tin. Bác bảo bây giờ sướng quá. Cái sướng nhất theo bác là dân ta bây giờ ai cũng đủ ăn, đủ mặc, tiện nghi cuộc sống khá hơn nhiều. Rồi tôi nhắc lại thuở 1967, trước khi đi vào chiến trường, bác mượn được chiếc đài quay đĩa to như cái va-ly. Tối đến, bác mang đặt giữa sân kho hợp tác xã mời cả xóm đến nghe. Cái đĩa to như cái mâm con quay nghiêng nghiêng lảo đảo như say sóng nhưng vẫn cất lên giọng hát trong trẻo. Thỉnh thoảng nó lại lè nhè, vè vè vì cái kim rời khỏi đĩa. Bác lại chỉnh cái cần kim vào sát đĩa, tiếng hát lại cất lên. Mấy cụ cao tuổi ngồi dưới ánh sao trời hỏi: "Họ ngồi đâu mà hát hay thế?". Bác nghe tôi kể lại ký ức ấy. Bác bảo chú tài nhớ quá. Rồi cả hai bác cháu cùng mọi người ngồi cười nghiêng ngả sau mỗi câu chuyện hài có thật của một thời như thế mà vui như chưa bao giờ có cuộc chiến tranh.

Mỗi ký ức, mỗi hình ảnh khác nhau đưa đến cho tôi nhiều suy tư.

Hiện nay ở Việt Nam, bên cạnh những gia đình thương bệnh binh, liệt sỹ là hậu quả cuộc chiến tranh đang ám ảnh khi những gia đình có những đứa con tàn tật, sống ngây dại vì chất độc dioxin. Thỉnh thoảng đâu đó lại có người mất hoặc thương tật do bom đạn còn sót lại sau chiến tranh.

Cuộc chiến đã lùi xa và đưa vào lịch sử nhiều bài học. Tuy nhiên, cuộc sống còn nhiều hậu quả chắc hẳn còn day dứt khôn nguôi.

Khi tôi viết những dòng này cũng là lúc các cựu binh Hoa Kỳ, các cựu binh Việt Nam đang cùng nhau lật lại từng tấm hình, từng dòng địa chỉ trong cuộc chiến trước đây. Cả hai bên đang dốc sức để mong sớm tìm ra các hài cốt của quân nhân của Quân đội Việt Nam hay quân lính Hoa Kỳ mất tích trong cuộc chiến tranh Việt Nam để sớm đưa hài cốt họ trở về với quê hương và gia đình.

Nhân dịp 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ, tôi viết đôi dòng nghĩ suy về cuộc chiến tranh và sự hy sinh quá lớn của những người con của một dân tộc anh hùng. Sự hy sinh ấy không có bút giấy nào kể xiết. Với lòng thành kính, bài viết là nén hương thơm tỏ lòng biết ơn vô hạn đến sự hy sinh xương máu của các anh, các chị cho Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một đất nước Việt Nam mãi mãi trường sinh, hoà bình và thịnh vượng xứng đáng với sự hy sinh cao cả đó.

Hà An (Hoa Kỳ)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Bác Can (25/07/2017)
  • Được ăn cả (04/07/2017)
  • Một chuyến Trường Sa nặng nghĩa tình (30/06/2017)
  • Bổ nhiệm cán bộ (07/06/2017)
  • Nhớ quê hương da diết khi thấy tà áo dài Việt trên nước Đức (01/06/2017)
  • Dòng máu Lạc Hồng luôn chảy trong huyết quản mỗi người Việt xa xứ (03/05/2017)
  • Một tuần ở Doha (03/04/2017)
  • Ấn tượng về chuyến thăm gia đình gốc Việt tại Algérie (20/03/2017)
  • Gặp người lái xe tại hội nghị Paris (27/02/2017)
  • Cảm nhận từ chuyến về thăm quê hương đầu Xuân (22/02/2017)
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand đoàn kết phát triển, vững mạnh
Vai trò, vị trí của Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga trong xu thế phát triển chung
Hội chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Đan Mạch thảo luận kế hoạch hoạt động năm 2024
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Trí thức, chuyên gia Việt Nam tại Australia mong muốn góp phần xây dựng và phát triển đất nước
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang