17/02/2018 10:11:00 AM
Giáo sư Lê Văn Cường: Góp chất xám xây dựng quê hương

LTS: Giáo sư Lê Văn Cường - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế, Quản trị và Môi trường Việt Nam (VCREME), kiều bào tại Pháp - thu hút người đối thoại bởi vẻ ngoài giản dị, dễ gần. Dành trọn cuộc đời cho việc nghiên cứu và giảng dạy, giữ nhiều vị trí quan trọng như: Giám đốc nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS), Giáo sư Danh dự của Đại học Paris 1 - Patheon Sorbonne, nhưng ông vẫn luôn đau đáu nghĩ về quê hương, hy vọng truyền lửa đam mê học tập, nghiên cứu, tạo môi trường giảng dạy và nghiên cứu tốt, giúp sinh viên Việt Nam phát huy được năng lực. Ông đã có những chia sẻ với Tạp chí Quê Hương về những trăn trở trong việc giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực trong nước hiện nay.

  • Giáo sư Lê Văn Cường

  • Giáo sư Lê Văn Cường dành trọn cuộc đời cho việc nghiên cứu và giảng dạy

  • Giáo sư Lê Văn Cường (trái) được trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” năm 2013

PV: Lý do nào khiến ông từ bỏ những lời mời công việc ở Anh để trở về Việt Nam gây dựng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế, Quản trị và Môi trường Việt Nam vào năm 2010?

Giáo sư Lê Văn Cường: Trong những dịp trở về Việt Nam, tôi có tìm hiểu về mô hình giáo dục tại một số trường đại học Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế - quản trị. Tôi nhận thấy chất lượng đào tạo ở hầu hết cơ sở chưa cao, đội ngũ giảng viên còn kém về trình độ lý thuyết lẫn thực tế, chưa kể ngoại ngữ rất yếu kém, khiến cho không ít học sinh trong nước ra nước ngoài du học, nghiên cứu gặp khó khăn và thất bại. Tôi luôn trăn trở trong lòng là làm thế nào để chia sẻ được những kiến thức tiên tiến của nước ngoài áp dụng thành công trong giảng dạy và nghiên cứu tại Việt Nam.

Năm 2009, tôi cùng PGS Nguyễn Mạnh Hùng ấp ủ dự định thành lập một trung tâm nghiên cứu kinh tế và môi trường tại quê nhà. Tháng 10/2010, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế, Quản trị và Môi trường Việt Nam (VCREME) ra đời, tôi đã kêu gọi nhiều đồng nghiệp quốc tế và học trò người Việt nay đã thành đạt đang công tác tại các trường danh tiếng thế giới về giảng dạy tại Trung tâm. Ý tưởng ban đầu là tạo những khóa học dự bị học bổng thạc sỹ và tiến sỹ, nghĩa là tạo bước đệm cho các học sinh, sinh viên tại Việt Nam có định hướng, có những kiến thức căn bản để có thể ra nước ngoài nghiên cứu thạc sỹ và tiến sỹ thành công và hiệu quả.

Ban đầu, VCREME phối hợp với các trường đại học mở các khóa đào tạo và đến năm 2012 thì chính thức hoạt động độc lập. Các em du học sinh, nghiên cứu sinh sẽ được cung cấp, trang bị những kiến thức nòng cốt nhất trước khi bước vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học quốc tế. Khi vượt qua được các mức Trung tâm yêu cầu, các em sẽ được các giáo sư đầu ngành viết thư giới thiệu đến các trường đại học danh tiếng, hướng dẫn cho việc xin học bổng phù hợp. Đến nay, VCREME đã gửi hơn 100 em học sinh ra nước ngoài học, và gần như các em đều hoàn thành tốt khóa học.

PV: Ông có thể cho biết về một số thành công của VCREME và dự định, kế hoạch của VCREME trong thời gian tới?

Giáo sư Lê Văn Cường: Hoạt động nghiên cứu của VCREME trải rộng trong các ngành Kinh tế, Tài chính và Môi trường. Bên cạnh đó, VCREME cũng xây dựng và phát triển các khóa đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế cho các đối tượng doanh nghiệp hay các học viên có nhu cầu đi du học nâng cao ở nước ngoài.

Tôi mong muốn VCREME sẽ là một môi trường nghiên cứu khoa học năng động, tập trung vào các lĩnh vực then chốt như kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, kinh tế lượng, toán kinh tế, kỹ thuật môi trường, đặc biệt tham chiếu đến điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Kế hoạch của tôi là VCREME sẽ phải có những công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí quốc tế. Làm sao để VCREME trở thành một nơi gặp gỡ của các nhà nghiên cứu kinh tế, trước tiên là người Việt và sau là nhiều người nước ngoài.

“Cần phải xem giáo dục là một chìa khoá để đưa đất nước đi lên và phải có cơ chế phù hợp để thực hiện quyết tâm này.

- GS Lê Văn Cường -

Trung tâm VCREME được thành lập với mong muốn là có thể hiện thực hóa giấc mơ “người Việt tự đào tạo chuyên gia cho người Việt”. Tôi bị cuốn đi bởi khát khao kiến thức của thế hệ sau. Đó là lí do tôi dồn sức vận hành Trung tâm VCREME, dồn tâm sức cho việc giảng dạy. Mỗi thành tựu của những lớp nghiên cứu sinh tạo tiếng vang trên con đường khoa học quốc tế đều thắp trong tôi một niềm tự hào, một ngọn lửa tinh thần dân tộc được nhân rộng trong tầng lớp tri thức toàn cầu...

PV: Ông đánh giá ra sao về đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam hiện nay?

Giáo sư Lê Văn Cường: Có một bất cập là các doanh nghiệp thì phàn nàn không có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, trong khi hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp nhưng không có việc kéo dài từ năm này qua năm khác. Trong rất nhiều nguyên nhân thì có một nguyên nhân quan trọng, đó là chúng ta chưa đầu tư được một nguồn nhân lực giáo dục thật tốt. Cần phải xem giáo dục là một chìa khoá để đưa đất nước đi lên và phải có cơ chế phù hợp để thực hiện quyết tâm này.

Tại nước ngoài, các giảng viên phải nghiên cứu, khảo sát liên tục để nắm được nhu cầu của thị trường, thậm chí khảo sát từng loại hình doanh nghiệp để từ đó điều tiết nội dung giảng dạy. Còn ở ta thì nhiều thầy cô tâm sự rằng lương chẳng đủ sống, thời gian đâu mà nghiên cứu, tìm tòi phương pháp giảng dạy... 

Trong khi đó việc thu hút trí thức kiều bào về nước đóng góp chất xám về kinh tế còn gặp nhiều rào cản. Hiện tại, đang có sự phát triển chưa thực sự đồng bộ về kiến thức giữa người Việt trong nước và người Việt sống ở nước ngoài khiến cho việc chuyên gia kiều bào về nước nghiên cứu, truyền đạt kinh nghiệm gặp khó khăn.

Tôi đánh giá sinh viên Việt Nam đầy năng lực, đầy đam mê chinh phục đỉnh cao tri thức nhưng lại thiếu một đòn bẩy để hỗ trợ, chắp cánh cho năng lực của các em, mà môi trường giáo dục đào tạo trong nước hiện nay chưa đáp ứng được, buộc các em phải lựa chọn học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Tuy vậy, khi các em đã thành công tại nước ngoài rồi thì tôi lại luôn đau đáu với câu hỏi: Khi nào các em sẽ trở về?

Tôi chia sẻ sự lo ngại này và càng lo hơn khi có xu hướng những giảng viên giỏi đầu quân cho các trường nước ngoài. Thử hỏi nếu tình hình vẫn như thế này thì việc giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho Việt Nam sẽ đi đâu về đâu.

Tôi có lời khuyên dành cho những nhà nghiên cứu khoa học trẻ của Việt Nam. Nghiên cứu là công việc chứa nhiều rủi ro. Nếu quyết tâm theo đuổi sự nghiệp này, cần nhất không phải là sự công nhận của cộng đồng mà là say mê, kiên định và trung thực trong sự nghiệp nghiên cứu.

PV: Vậy ông có đề xuất gì cho mô hình giáo dục tại Việt Nam hiện nay?

Giáo sư Lê Văn Cường: Tôi đã đọc khá nhiều công trình nghiên cứu của giảng viên các đại học kinh tế ở Việt Nam. Rất nhiều trong đó chỉ ngang tầm những công trình của một sinh viên vừa tốt nghiệp năm thứ nhất, hay năm thứ hai Master của các đại học kinh tế ở châu Âu.

“Để thu hút nhân tài về nước... khó hơn cả chính là tạo lập được niềm tin cho nhân tài từ nước ngoài về, rằng họ sẽ thực sự có “đất dụng võ”, thực sự được trân trọng và được cống hiến”.

- GS Lê Văn Cường -

Theo tôi, việc trước tiên là chú trọng đến đào tạo giảng viên. Cần chấn chỉnh chương trình đào tạo, giảng viên không đủ chất lượng thì dù giảng dạy theo chương trình đã được cải tiến thì cũng vô ích. Các giảng viên cần được ra nước ngoài học Master, làm luận án tiến sĩ. Những người đi học nước ngoài phải được tuyển chọn dựa trên năng lực khoa học chứ không phải vì thâm niên, cốt cán. Học bổng là tiền đóng thuế của người dân Việt Nam, không thể lãng phí.

Về chiến lược lâu dài, theo tôi, phải hình thành những đại học kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính chất lượng cao. Giáo trình phải được cập nhật để đạt chuẩn mực của các đại học trên thế giới. Giảng viên được tuyển chọn phải có trình độ cao và được cấp kinh phí để tập trung nghiên cứu. Sau một vài năm, những giảng viên này cần có những bài viết, những nghiên cứu được đăng trên các tạp chí quốc tế có chất lượng. Trong lúc giao thời, nên xây dựng một vài trung tâm nghiên cứu kinh tế, quản trị, tài chính chất lượng.

Để thu hút nhân tài về nước, cái khó nhất không hẳn là chúng ta không trả được lương cao, bởi muốn có kinh phí thì có thể thu học phí cao hơn. Nhưng cái khó hơn cả chính là tạo lập được niềm tin cho nhân tài từ nước ngoài về, rằng họ sẽ thực sự có “đất dụng võ”, thực sự được trân trọng và được cống hiến. Thêm vào đó là nâng cao chất lượng môi trường sống. Đó là vấn đề mà các nhà lãnh đạo, quản lý ngành giáo dục cần suy nghĩ.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư.

Giáo sư Lê Văn Cường nghiên cứu và giảng dạy tại Trường Kinh tế, Đại học Paris (PSE), ngoài ra ông cũng là giáo sư thỉnh giảng ở nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới, đặc biệt tại Nhật, Anh, Bỉ, Mĩ và Nga.

Ông hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh tế công Thế giới, Giám đốc nghiên cứu ngoại hạng ở Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), đạt đến hàng “exceptional class” - thứ hạng bậc nhất tại Pháp.

Giáo sư nằm trong số những nhà nghiên cứu nổi tiếng nhất của thế giới về kinh tế, với hàng trăm công trình nghiên cứu được đăng tải trong những tạp chí hàng đầu thế giới. Ông là Phó Tổng biên tập của nhiều tạp chí kinh tế nổi tiếng như: Economics Bulletin, International Journal of Economic Theory, Journal of Public Economic Theory.

Thanh Thủy (thực hiện)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang