28/12/2015 03:27:00 PM
Gặp mặt truyền thống 55 năm Việt kiều Nouvelle Calédonie và Vanuatu hồi hương

55 năm trước họ đều là những chàng trai, cô gái mười tám đôi mươi xinh đẹp trẻ trung, rất nhanh nhẹn hoạt bát… bước chân theo gia đình, theo bố mẹ về Việt Nam trên các chuyến tàu kế tiếp nhau của con tàu Eastern Queen (Nữ hoàng phương Đông) cập bến cảng Hải Phòng.

  • Bà con chụp ảnh lưu niệm

  • Ông Jean-Piere Đinh Ngọc Riệm phát biểu

  • Đông đảo bà con các thế hệ tham dự buổi gặp mặt

Hôm nay, họ lại quây quần cùng nhau tại hội trường công viên Bách Thảo, Hà Nội. Cao niên nhất là cụ Chí thuộc vai vế các cụ Chân đăng năm nay đã 98 tuổi cũng lò dò chống gậy đến dự như các năm trước đây. Còn lại tất cả hơn 400 người cũng đã là những ông già, bà lão trên dưới bảy tám mươi tuổi.

Đến 3/4 trong số họ đi thành đoàn tập trung gần chục chiếc xe buýt từ Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải phòng, thành phố Hồ Chí Minh... Một số anh chị em vẫn còn đang đi làm việc xa ở các vùng cao biên giới Sapa, Lào Cai và một số nơi khác cũng tự lo phương tiện về có mặt. Tất cả đã vượt núi rừng, đường xá xa xôi từ sáng sớm để về Hà Nội cùng nhau tập họp đúng giờ. Cũng còn có hơn 15 anh chị em khác đã từ Nouvelle Calédonie (Tân thế giới), trong đó có ông Jean Pierre Đinh Ngọc Riệm là Chủ tịch Hội Ái hữu Việt Nam - Nouvelle Calédonie, bay qua Thái Bình Dương về đây chung vui. Có những chị đi làm xa ở mãi Argentine cũng đã xắp xếp kế hoạch làm việc phù hợp từ nhiều tháng trước để về kịp! 

Không ai nghĩ rằng trời rét 15 – 17 °, đường xa hàng trăm cây số và anh chị em đã già cả như vậy lại còn về được đông đến thế! Trước đây họ còn trẻ hơn, năm 2000 tại Hà Nội và năm 2010 tại Hải Phòng và một số năm khác nữa tại Tuyên Quang, Nam Định… cũng đã tổ chức những buổi gặp mặt truyền thống 40 năm, 50 năm… hồi hương đầy hứng khởi và xúc cảm như vậy!

Về đây, ai cũng thấy không hổ thẹn vì đã nối tiếp được truyền thống yêu nước, lao động, đấu tranh kiên cường của cha mẹ mình – những người Chân đăng. Đúng vậy, hơn 50 năm qua họ đã cùng bà con trong nước vượt qua biết bao gian khổ hy sinh thời chiến tranh cũng như trong hoà bình để đóng góp cho công cuộc dựng xây đất nước.

Truyền thống và thành tích ấy của cha mẹ họ hôm nay cũng được các quan khách như ông Tạ Nguyên Ngọc - Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp về công tác cộng đồng, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao, ông Nguyễn Phú Bình - Uỷ viên đoàn chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Vieetj Nam, Chủ tịch Hội Liên lạc về NVNONN, ông Vương Thành - Chủ tịch Hội Liên lạc NVNONN Hà Nội… khẳng định lại trong lời phát biểu của mình. Các vị khách mời đã “nói vo” không cần giấy tờ gì nhưng rất chân thành và chứa đựng tất cả niềm trân trọng : “Các cụ Chân đăng, thế hệ đi trước, đã truyền lại cho con cháu tinh thần quật cường bất khuất của những phu mỏ mặc dù công việc vất vả nhưng vẫn một lòng đoàn kết, thương yêu lẫn nhau, hướng về đất nước”. Như một lời cảm tạ, ông Jean Pierre Đinh Ngọc Riệm và ông Gilbert Nguyễn Văn Tố cũng đã phát biểu những tình cảm sâu xa từ đáy lòng những người con ở xa đất nước.

Truyền thống ấy cũng được chính họ thể hiện phần nào qua triển lãm ngay trong ngôi nhà bên cạnh hội trường này bằng các tranh ảnh, tư liệu thu thập được lấy tên chung, kính cẩn giành cho cha mẹ mình là “Chặng đường Chân đăng”  

Những đôi mắt nheo nheo, những cặp kính dày soi soi, tìm “dấu vết” về bố mẹ họ cũng như của chính bản thân họ qua các năm tháng khác nhau kể từ những năm 30 của thế kỷ trước. Các chặng đường đó được sắp xếp bằng các tranh ảnh và tư liệu nối tiếp nhau, chia ra theo 4 giai đoạn :

“Ngày đến” - ngày cha mẹ họ đặt chân lên những hòn đảo xa xôi nằm giữa Thái Bình Dương mang tên Nouvelle Calédonie và Nouvelles Hébrides (Vanuatu hiện nay) đi làm Chân đăng;

“Thời giao kèo” - là tiếng cổ chỉ thời kỳ trong hợp đồng của những người phu mộ Bắc Kỳ ấy ký với các chủ người Pháp trong 5 năm để khai thác bằng phương pháp thủ công các hầm mỏ ni-ken, crôm và các đồn điền dừa, cà phê…;

“Chờ tàu” - gọi là chờ vì theo đúng hợp đồng thì chính quyền địa phương phải trả những người lao động này về Việt Nam nhưng cuộc chờ  ấy đã bị kéo dài hơn 1/4 thế kỷ vì nhiều lý do cho đến mãi ngày 30 tháng 12 năm 1960 mới lại có tàu chở họ hồi hương. Tuy vậy, sau 3 chuyến tàu liên tiếp, hồi hương lại bị gián đoạn và họ lại phải chờ tàu lần 2 đến hơn hai năm sau. Trong thời gian đó lớp thanh niên con cháu họ ngày ấy đã có biết bao kỷ niệm sinh hoạt, học tập, vui chơi tập thể cùng nhau để lại những hình ảnh trong họ không thể nào quên được.  

“Ngày về” - những chuyến hồi hương lịch sử của những Chân đăng trở về quê hương cùng con cháu họ. Một giai đoạn đầy xúc cảm về những cuộc chia tay trên tàu dưới bến ở cảng Nouméa… Rồi từ Hải Phòng họ lại phải lưu luyến chia tay nhau ra đi khắp nẻo đường Tổ Quốc, lên Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Ninh và về nhiều miền quê khác … hoà mình cùng đồng bào trong nước vào cuộc sống mới đầy khó khăn gian khổ của thời bình và thời chiến. Nhiều người trong số họ đã thành anh hùng lao động, chiến sỹ thi đua, thương binh, liệt sỹ biểu thị trong triển lãm này qua danh sách thu thập chưa đầy đủ và các di ảnh của 65 liệt sỹ được đóng khung trang trọng.  

Ngày về ấy đã bùng nổ trên sân khấu hội trường trong ca khúc “Ngày về” của Hoàng Giác! Họ chụm vào nhau cùng hát những bài ca đất nước, bài ca Hà Nội… hùng tráng và lãng mạn như những ca sỹ thực thụ. Chương trình văn nghệ có đến 3 phần (Xa quê hương – Trở về nguồn cội và Múa hát) với gần 25 tiết mục. Đương nhiên là không đủ thời gian để biểu diễn tất cả các tiết mục mà các địa phương đã đăng ký và họ lại… hờn dỗi nhau đáng yêu như những ngày còn trẻ!

Đúng là địa điểm hội trường quá hẹp để có thể chứa số lượng người nhiều như vây, cộng thêm kinh nghiệm tổ chức còn thiếu nên không thể nói là buổi gặp mặt đã hoàn hảo.

Tuy vậy, nhiệt tình của những người con Chân đăng thì không thể chê trách. Trước đó và cả suốt tuần nay họ đã bàn thảo, gửi giấy mời, liên hệ, chuẩn bị các điều kiện tinh thần và vật chất cho buổi gặp mặt sáng nay. Mãi đến đêm hôm qua họ vẫn còn “cắt cắt dán dán” các tư liệu, tranh ảnh tận khuya…

Bằng số tiền hạn hẹp, chủ yếu do các thành viên tham gia buổi gặp mặt tự giác đóng góp, họ đã tổ chức một ngày kỷ niệm thật vui, ấm tình anh em như bao lần trước.

Và chỉ có thể thấu hiểu hoàn toàn và thật sự xúc động khi được nghe thấy các cụ ông cụ bà này nói với nhau những lời tâm tình lúc chia tay: dù sao chúng mình được gặp lại nhau hôm nay vẫn là điều chủ yếu và sung sướng lắm rồi! 

Phạm Văn Minh

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang