25/01/2020 08:00:00 AM
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)

Rất nhiều du học sinh đã lựa chọn ở lại lập nghiệp ở nước ngoài; bên cạnh đó, cũng có người lại lựa chọn trở về đất nước vì họ nhìn thấy ở quê hương những cơ hội phát triển tốt. Cùng phóng viên Mộc Lan, Tùng Chi tìm hiểu về một số trường hợp như vậy.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có khoảng 170 nghìn du học sinh Việt Nam đang học tập ở nước ngoài và con số này cũng đang có xu hướng tăng lên theo từng năm. Mỗi năm người Việt chi khoảng 3 - 4 tỷ USD cho du học. Những con số này phần nào cho thấy hiện nay du học không phải là việc quá khó đối với nhiều gia đình tại Việt Nam, đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội lập nghiệp cho các bạn trẻ lựa chọn con đường du học. Nhưng thực tế đó cũng đặt ra cho chúng ta một câu hỏi khác, đó là đầu tư cho du học như vậy, họ mong muốn thu được kết quả gì và bài toán đầu ra cho du học sinh sẽ như thế nào?

Rất nhiều du học sinh đã lựa chọn ở lại lập nghiệp ở nước ngoài; bên cạnh đó, cũng có người lại lựa chọn trở về đất nước vì họ nhìn thấy ở quê hương những cơ hội phát triển tốt. Cùng phóng viên Mộc Lan, Tùng Chi tìm hiểu tìm hiểu về một số trường hợp như vậy.

***

Kỳ 1: NHỮNG DU HỌC SINH VIỆT TỰ TÌM LỜI GIẢI ĐÁP
CHO CÂU HỎI "VỀ NƯỚC HAY Ở LẠI"

Trong những năm qua, vấn đề “du học xong nên về nước hay ở lại?” cũng đã trở thành chủ đề được thảo luận sôi nổi từ chính những người trong cuộc – những du học sinh đang theo đuổi giấc mơ và con đường tri thức tại nước ngoài.

Trên thực tế có không ít những du học sinh Việt đã tự tìm lấy lời giải đáp cho câu hỏi đó, hơn ai hết họ chính là người tự quyết định bước ngoặt cho tương lai, sự nghiệp của chính mình khi quyết định “lập nghiệp tại nước ngoài”. Đây cũng là sự lựa chọn góp phần tạo nên sự khác biệt so với thế hệ người Việt ở nước ngoài trước đây, bởi trên thực tế những du học sinh có thể ở lại nước ngoài lập nghiệp sẽ là một nguồn lực kiều bào trẻ hội nhập với xã hội nước sở tại bằng những công việc đòi hỏi kiến thức và chất xám, đem tới những thay đổi so với thế hệ kiều bào đi trước, khi phần lớn bà con ta vốn lập nghiệp bằng những nghành nghề truyền thống như kinh doanh nhà hàng, buôn bán tại các trung tâm thương mại hay các ngành nghề dịch vụ.

 Ở LẠI LẬP NGHIỆP TỪ KINH NGHIỆM CỦA BẢN THÂN

Nguyễn Trung Kiên, quê gốc Hải Phòng, thuộc thế hệ 8X sang Hàn Quốc du học ngành Công nghệ sự sống từ năm 2011. Tốt nghiệp thạc sĩ vào năm 2016, anh tiếp tục học lên tiến sĩ và quyết định bứt phá trở thành nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Công ty KOBEC - hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và du học tại Hàn Quốc - từ tháng 12/2017.


 Nguyễn Trung Kiên (hàng đầu, bìa phải) hợp tác với trường đại học trong nước

Xuất thân là du học sinh nên Trung Kiên hiểu rất rõ về đời sống, sinh hoạt, học tập cũng như các thủ tục, quá trình để có thể sang Hàn Quốc du học. Hiện du học sinh Việt Nam đang xếp thứ 2 tại Hàn Quốc với khoảng 30 ngàn người và con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên. Trung Kiên chia sẻ về lý do quyết tâm ở lại “xứ sở Kim Chi” lập nghiệp: “Tôi vốn luôn trăn trở là hiện tại có rất nhiều công ty - cả của người Hàn và người Việt - làm trong lĩnh vực du học Hàn Quốc. Khi tuyển sinh, họ luôn vẽ ra cho các bạn sinh viên về tương lai du học rất sáng lạn, màu hồng, nhưng thực tế cuộc sống du học không hoàn toàn màu hồng như vậy mà có rất nhiều những khó khăn, vất vả. Đó là động lực thôi thúc tôi lập nghiệp trong lĩnh vực du học. Tôi mong muốn mang lại thông tin chính xác nhất, góc nhìn khách quan, chuẩn xác nhất về cuộc sống du học Hàn Quốc; từ đó giúp các bạn có mong muốn hoặc đang đi du học chuẩn bị cho mình hành trang đầy đủ và tinh thần để vượt qua những khó khăn mà mình có thể gặp phải trong cuộc sống tại Hàn Quốc.”

Đến nay, Công ty KOBEC đã liên kết với 11 trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam và là nhịp cầu nối để hàng trăm du học sinh Việt sang xứ sở Kim Chi học tập. Hiện giờ Trung Kiên vẫn thường xuyên đi lại giữa Việt Nam và Hàn Quốc để triển khai công việc kinh doanh của mình. Khi đã kinh doanh không thể không nghĩ tới “làm kinh tế”, nhưng Trung Kiên luôn tâm niệm rằng: nếu công việc kinh doanh của mình có thể mang lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội thì sẽ còn tuyệt vời hơn rất nhiều. Từ chính những trải nghiệm của bản thân, Trung Kiên muốn lan tỏa và góp phần tạo nên cơ hội xây dựng tương lai cho những bạn trẻ lựa chọn con đường du học như anh đã từng.


 Andy Lưu (thứ 2 từ phải) và các cộng sự

Còn Andy Lưu, một chàng trai 8X sinh ra và lớn lên tại TP Hồ Chí Minh, hiện đang định cư tại Canada và là Giám đốc Công ty du học Yes Study cũng đã quyết định lập nghiệp nơi xứ người từ chính kinh nghiệm sau những năm tháng “làm thuê” cho một vài công ty du học của người bản địa. Quyết định này cũng đồng nghĩa với việc anh phải chấp nhận cạnh tranh với những công ty mình từng đầu quân và nhiều doanh nghiệp khác của Canada. Nếu những công ty này có lợi thế khi kinh doanh trên chính “sân nhà”, am hiểu về văn hóa và nền giáo dục ở Canada thì “vũ khí” duy nhất mà Andy Lưu có trong tay lại là kinh nghiệm của một du học sinh Việt Nam tại Canada. “Kinh nghiệm đã từng trải qua của một du học sinh là bước đệm rất lớn để mình tạo ra những sản phẩm, những chiến thuật hoặc dịch vụ chuyên biệt để có thể hỗ trợ các bạn khi từ Việt Nam qua Canada” - Andy Lưu chia sẻ. Chính “vũ khí từ kinh nghiệm” đã tạo nên sự bứt phá cho Yes Study khi gây dựng được 5 trụ sở chính của Công ty đặt tại Toronto (Canada), Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh.

DÁM NGHĨ DÁM LÀM – HIỆN THỰC HÓA GIẤC MƠ KHỞI NGHIỆP

“Lê Tùng Linh – Con đường từ nhà nghiên cứu đến doanh nhân” có lẽ là tiêu đề ấn tượng và thực tế nhất mà truyền thông tại Việt Nam viết về Tiến sĩ trẻ Linh Lê  thời gian qua. Lê Tùng Linh là kỹ sư chuyên ngành Hóa học, từng là du học sinh, theo học tiến sỹ tại Viện Nghiên cứu Công nghệ Stevens (Hoa Kỳ) và hiện đang nắm giữ 5 bằng sáng chế của Hoa Kỳ liên quan đến ứng dụng cảm biến sử dụng công nghệ in nano trong vật liệu graphene. Mong muốn những tiến bộ công nghệ được ứng dụng trong đời sống thực tiễn, anh đã sáng lập Công ty Bonbouton với hy vọng đưa ứng dụng công nghệ nền tảng về graphene vào lĩnh vực phòng ngừa và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Những sản phẩm như đế giày thông minh dành cho người tiểu đường và đai đeo lưng cảm biến dành cho người bị đau lưng, thoái hóa cột sống của Bonbouton rất được ưa chuộng ở Mỹ.


 Linh Lê (hàng đầu, thứ 2 từ trái)

Hiện đang định cư tại Mỹ nhưng trong 3 năm trở lại đây, tần suất Linh Lê bay sang các nước châu Âu, châu Á hay trở về quê hương Việt Nam trở nên dày đặc. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Công ty khởi nghiệp của anh đang trên đà vận hành trơn tru. Đây cũng là kết quả cho những nỗ lực của Linh Lê khi quyết định ở lại lập nghiệp nơi xứ người. Trước quan niệm cho rằng “muốn kinh doanh tốt thì phải gặp thời”, Linh Lê lại có suy nghĩ khác: “Việc nắm bắt cơ hội cũng không quá quan trọng bằng việc bạn hãy tiếp tục đi trên con đường mà bạn nghĩ là đúng. Ví dụ như tôi có rất nhiều cơ hội để xem mình phù hợp làm kinh doanh hay làm nghiên cứu khoa học, nhưng cuối cùng tôi tin tưởng vào việc mình làm kinh doanh nhưng dựa trên ứng dụng khoa học mà mình vận dụng được trong lúc học tiến sỹ. Đó chính là con đường mà tôi lựa chọn”.

Cũng từ suy nghĩ mạnh dạn đó, Linh Lê đã truyền cảm hứng cho những cộng sự của mình trong Công ty cũng như những đối tác mà anh gặp gỡ tại các quốc gia như: Nhật Bản, Đức, Mỹ… để nhận được “cái gật đầu” rót vốn đầu tư cho những sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ mang tính thực tiễn, chăm sóc sức khỏe con người mà Bonbouton đang phát triển. Trong tháng 9 vừa qua, Quỹ Nghiên cứu ứng dụng VinTech Fund (VinTech City) đã công bố 12 dự án khoa học đầu tiên được nhận đầu tư từ Quỹ, với tổng giá trị đầu tư lên tới 86 tỉ đồng. Dự án “Phát triển công nghệ ứng dụng cảm biến điện cơ từ vật liệu nano graphene” của Boubouton là một trong số 12 dự án đó.

*

Qua những chia sẻ của du học sinh như Trung Kiên, Andy Lưu và Linh Lê, có thể thấy, lập nghiệp ở đâu không quan trọng, quan trọng là các bạn định hướng như thế nào cho tương lai của mình, có cơ sở, tư duy và năng lực để phát triển hay không. Với xu thế hội nhập hiện nay, ngày càng nhiều bạn trẻ có cơ hội ra nước ngoài học tập, sinh sống. Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một thế hệ người Việt trẻ ở nước ngoài năng động, bứt phá, để tiếp tục xây dựng hình ảnh con người Việt Nam thông minh, sáng tạo và giàu tri thức. Và chắc chắn sẽ còn rất nhiều bạn trẻ là những du học sinh có thể tự tin tìm cho mình lời giải đáp cho câu hỏi “về nước hay ở lại?”, nếu họ đủ bản lĩnh và khát vọng để hiện thực hóa những giấc mơ cho tương lai của chính mình.

Mộc Lan

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand đoàn kết phát triển, vững mạnh
Vai trò, vị trí của Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga trong xu thế phát triển chung
Hội chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Đan Mạch thảo luận kế hoạch hoạt động năm 2024
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024 - Cơ hội tìm kiếm nhân tài
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang