03/05/2017 09:44:00 AM
Dòng máu Lạc Hồng luôn chảy trong huyết quản mỗi người Việt xa xứ

... Mỗi khi có dịp đi cùng anh, tôi hay giải thích cho anh hiểu... Và nhận thức về Việt Nam của anh đã nhiều hơn tôi nghĩ. Anh thực sự trăn trở và chia sẻ với tôi. Đúng là trong huyết quản mỗi người Việt xa xứ, dòng máu Lạc Hồng luôn luôn chảy. Chỉ cần biết khơi gợi từ sâu trong tâm khảm của họ...

 Đại sứ Nguyễn Phương Nga- Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc
- tiếp đón chúng tôi nhiệt tình

Trời nắng. Tuyết đợt trước còn chưa tan hết thì truyền thông tất cả các kênh đều đã đưa tin bão tuyết sắp về. Cứ 1 giờ tuyết phủ dày 2–3 inches, tức là 5-7 cm; tuyết sẽ rơi trong vòng 12 giờ, tức là đến trưa ngày hôm sau tuyết sẽ dày khoảng 60-70cm. Dự báo thời tiết Hoa Kỳ ít khi sai. Sáng mai ngủ dậy tuyết và gió liên tục như đổ bột làm bánh trong cái chảo khổng lồ. Cây cối không một chiếc lá dính cành, cứ đánh võng như những chiếc đũa thần khuấy đảo giữa chảo bột trắng trời. Đã gần 12g trưa mà trên đường phố chỉ vỏn vẹn mấy chiếc xe màu vàng của thành phố mang chiếc gạt như lưỡi lam cạo râu chạy đi chạy lại ủi tuyết. Ủi chưa xong thì tuyết lại phủ. Vệt đen mặt đường vừa ủi hiện ra, mấy phút sau đã lại trắng tuyết. Mọi hoạt động trên toàn thành phố đóng cửa kể cả trường học, siêu thị, trung tâm fitness...

*

Đang bão tuyết, anh bạn gọi đến hỏi thăm và hẹn gặp. Từ ngày anh bạn mở nhà hàng, cứ thỉnh thoảng anh lại nhờ tôi viết bài giới thiệu giúp. Tôi viết đăng đủ loại truyền thông, chỉ mong anh làm ăn phát đạt. Và quả thực, nhà hàng đông khách thêm, anh mừng nên tôi cũng vui. Bẵng đi một thời gian tôi trở về Việt Nam, khi quay trở lại Hoa Kỳ nhiều việc nên tôi cũng chưa gọi lại hỏi thăm anh. Hôm nay anh gọi và báo tin là anh vừa từ Việt Nam qua. Tôi hỏi thăm, được biết anh và nhiều người bạn mà tôi quen biết đã về và đi nhiều tỉnh thành ở Việt Nam. Anh hồ hởi kể lại cho tôi nghe nhiều câu chuyện thú vị trên quê hương của mình mà anh được trải nghiệm. Anh bảo một chuyến hành hương quá nhiều cảm xúc vui buồn. Bạn bè kẻ mất, người còn. Nhưng vui hơn hết là nhiều bạn bè của anh một thời thơ ấu nay là doanh nhân thành đạt, một số là công chức mẫn cán, được người dân tin yêu bầu lên làm lãnh đạo. Anh kể, mấy người bạn cùng về đã quyết tâm dồn một phần vốn về Việt Nam kinh doanh và mở công ty du lịch nối 2 bờ đại dương, kết nối đưa kiều bào về thăm quê hương và bà con từ Việt Nam sang học hỏi tham quan Hoa Kỳ.

Tôi còn nhớ những lần cách đây vài năm, mỗi khi tôi muốn nói chuyện về đổi mới ở Việt Nam để anh hiểu và về thăm lại quê hương, tôi chưa kịp nói anh đã dị ứng. Anh kêu đủ thứ, nào là Việt Nam ô nhiễm, làm ăn không luật lệ, quan chức nọ kia… Nhưng dần dà, để chứng minh cho anh hiểu về đất nước và công cuộc đổi mới, tôi đã nói chuyện và đưa anh đi đến những nơi tôi cần cho anh thấy thực tế để anh hiểu. Khi có thời gian rảnh rỗi, tôi đã đưa anh đến Phái đoàn thường trực của ta tại Liên hợp quốc ở New York hay Đại sứ quán ta ở Washington DC. Lúc đầu anh không tin là Việt Nam có 2 cơ quan này đặt ở Hoa Kỳ, mặc dù anh vẫn thường nói với tôi là anh đã có mặt ở đây hơn 35 năm. Lần đầu đặt chân tới trụ sở Liên hợp quốc - nơi Phái đoàn Việt Nam mình làm việc, dù tuyết lạnh thấu xương Trưởng Phái đoàn Nguyễn Phương Nga vẫn cho người ra tận ngoài đường đón vào. Khi vào, chúng tôi được các nhân viên và chị Trưởng đoàn tiếp đón vui vẻ và trò chuyện thân tình. Tôi giới thiệu để anh hiểu thêm về Phái đoàn và những người bạn của mình ở đây. Anh và mọi người chụp ảnh chung làm kỷ niệm bên bức tượng Bác Hồ. Anh bảo đã hơn 60 tuổi, đây là lần đầu tiên anh được chụp ảnh bên Bác Hồ, cho dù chỉ là bức tượng nhưng anh vẫn rất bồi hồi xúc động. Và cũng là lần đầu anh biết Việt Nam có Phái đoàn thường trực ở Liên hợp quốc. Từ giây phút ấy, anh như được ấm lòng khi nghĩ mình cũng là người con của dòng tiên tổ con Lạc cháu Hồng, mang hồn cốt quê hương dân tộc Việt Nam.

Mỗi khi có dịp đi chung, anh thường kể cho tôi nghe về những ký ức của ngày trốn chạy ly biệt quê hương. Anh vẫn luôn tự vấn và trách mình vì không nghe lời mẹ dạy. Mẹ anh bảo rằng dù có đói rét, bần hàn thì con cứ ở nhà. Nhưng anh thấy bạn bè rủ đi nên tuổi chưa đủ khôn (chưa đầy 18) vẫn ra đi mà không định hướng. Trước khi anh rời khỏi nhà, mẹ anh khóc và đưa anh một miếng vải từ áo cũ của mẹ có gói nắm đất bên trong. Mẹ anh bảo là mẹ khuyên nhưng con không nghe thì mẹ đành chịu, nhưng khi con đến đâu, trái gió trở trời con ấp vào ngực mà ngủ cho yên; nếu rừng thiêng, nước lạ thì con hoà một tý uống cho lành.

Thế mà đúng vậy! Con tàu ra đi trong đêm đen rời khỏi vùng biển Kiên Giang sang Malaysia, bị bọn cướp biển lùng sục, chúng giết hiếp, cướp của rồi dẫn tàu vào đảo hoang... Sống ở đó chờ đi tiếp suốt 3 năm trời đằng đẵng, thiếu ăn, thiếu uống - những thứ tối thiểu nhất mà con người cần để sống… Anh không dám nghĩ là sẽ sống sót để đi tiếp. Những lúc ấy không có gì hơn ngoài miếng vải mẹ gói nắm đất quê hương. Chắc nhờ hồn quê gói trọn trong nắm đất ấy nên anh đã được gặp tôi trong những ngày này.

 Chúng tôi cũng có mặt tại cuộc gặp của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với kiều bào và bạn bè Mỹ,
ngày 27/9/2015

 

Mỗi lần ôn lại chuyện cũ, mắt anh vẫn rơm rớm lệ vì thương bố mẹ. Hồi nhỏ, mẹ anh kể cho anh nghe, bố anh là một người Hoa ở Phúc Kiến, Trung Quốc. Những năm tháng khoảng giữa thế kỷ trước, ở Trung Hoa có nạn đói kinh hoàng. Chết đói tràn khắp mọi nơi. Khi đó ai bỏ đi đâu tha hương cầu thực là tuỳ nghi chạy. Kẻ ra biển, người lên rừng. Xa hương tứ tán miễn là sống. Bố anh bỏ quê, sau mấy ngày lênh đênh trên chiếc thuyền gỗ rồi cập cảng Sài Gòn, không ngờ đấy chính là mảnh đất mà ông sẽ sinh cơ lập nghiệp rồi đến lúc tận thế gửi cả hồn cốt vào mảnh đất này - đất nước Việt Nam. Thời gian đầu, bố anh đến làm thuê ở Chợ Lớn cho một ông chủ người Hoa. Vì ở quê Phúc Kiến làm ruộng nên sang Chợ Lớn buôn bán không hợp, ông chủ người Hoa giới thiệu cho bố anh về làm công cho một tá điền ở Kiên Giang - miền Tây Nam bộ. Quý bố anh chăm chỉ, khỏe mạnh nên ông ngoại anh đã gả con gái cho ông. Và anh được sinh ra trên mảnh đất miền Tây trù phú. Bố mẹ anh chưa một lần đưa các con về quê nội, bởi cuộc chiến chống thực dân Pháp vừa kết thúc, thì miền Nam lại bước vào cuộc chiến chống đế quốc Mỹ. Và bố mẹ anh mãi mãi yên nghỉ trên quê hương Việt Nam yêu dấu.

Còn anh, sau chuyến đến thăm Phái đoàn thường trực của ta ở Liên hợp quốc, tôi đã đưa anh đi tham dự nhiều sự kiện khác do các đoàn của Việt Nam sang tổ chức, như kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ hoặc các đoàn lãnh đạo cao cấp của Việt Nam sang thăm và làm việc tại Hoa Kỳ. Mỗi khi gặp bạn bè, anh thường mở những bức ảnh chụp chung với các đoàn Việt Nam ra kể với mọi người. Anh vẫn thường nói với mọi người rằng: lãnh đạo và cán bộ của Việt Nam rất chân tình, cởi mở, hoà đồng..., không như lâu nay ta vẫn nghe các thông tin không chính thống. Nói đến một số chuyện khác, anh bảo: “Các ông ở Mỹ mấy chục năm, các ông nghĩ lại xem, chính quyền Việt Nam Cộng hoà được Mỹ cấp không thiếu 1 que tăm, tại sao lại không giữ nổi chính quyền mà phải đầu hàng, bỏ chạy? Chính các ông mới là người hiểu hơn ai hết. Tại sao Tổng thống Hoa Kỳ Obama sang Việt Nam? Chắc các ông tự trả lời. Vì họ thấy rằng đây là một dân tộc biết hy sinh để bảo vệ đất nước, bảo vệ nền dân chủ và độc lập tự do cho quê hương. Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền đã cùng đồng hành với nhân dân suốt hàng chục năm qua chống ngoại xâm. Tôi thử hỏi các ông kết quả đến bây giờ là sao? Các ông chắc tự hiểu. Và tôi dám khẳng định là dân tộc Việt Nam sẽ mãi trường tồn. Vì tôi đã hiểu lịch sử dân tộc Việt Nam”. Anh nói với lòng tự hào và hãnh diện.

Sự hiểu biết của anh về lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng Cộng sản và cách mạng Việt Nam khi tôi gặp lúc đầu là anh không hay biết. Tôi hiểu và thông cảm cho anh cũng như một số bà con kiều bào đã bỏ nước ra đi sau năm 1975. Còn trước đó, khi chiến tranh chia cắt 2 miền, ở miền Nam thì phần do chiến tranh không được học, một phần do tuyên truyền của chính quyền cũ… Tôi khơi gợi cho anh hiểu biết về lịch sử dân tộc và truyền thống quật cường của cha ông hy sinh xương máu để gìn giữ từng tấc đất của Tổ quốc. Tôi cũng cặn kẽ chỉ cho anh từng cột mốc lịch sử từ thời Hùng vương đến thời đại Hồ Chí Minh và công cuộc đổi mới. Mỗi khi có dịp đi cùng anh, tôi hay giải thích cho anh hiểu về cơ cấu tổ chức bộ máy của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Mặt trận cũng như các tổ chức đoàn thể như phụ nữ, đoàn thanh niên để anh hiểu khi xem các tin tức từ trong nước được chuyển qua các kênh thông tin khác nhau. Và nhận thức về Việt Nam của anh đã nhiều hơn tôi nghĩ. Anh thực sự trăn trở và chia sẻ với tôi. Đúng là trong huyết quản mỗi người Việt xa xứ, dòng máu Lạc Hồng luôn luôn chảy. Chỉ cần biết khơi gợi từ sâu trong tâm khảm của họ.

Thi thoảng, tôi và anh có gặp vài quan chức và binh lính cũ của chính quyền Việt Nam Cộng hoà trước đang còn sinh sống ở đây. Vì anh đã giới thiệu tôi từ trước nên mọi người trở nên thân tình và chào hỏi tôi. Mọi người đều hỏi tôi về những chính sách và đổi mới ở Việt Nam trong mấy chục năm qua. Một số người thú thực với tôi là họ không dám trở về, vì họ cũng đã tự thấy có những lỗi lầm trong quá khứ đối với người thân, với chính quyền, với đất nước mà một thời họ gây nên thù oán. Nhiều người đã trên 70 tuổi, cái tuổi muốn nhìn lại mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình. Tôi đã nói với họ rằng: các ông cứ về, các ông không sợ ai làm phiền nhiễu các ông nếu các ông về thăm quê hưong tiên tổ đúng nghĩa. Hàng năm, Nhà nước Việt Nam còn tổ chức riêng nhiều hoạt động cho bà con Việt kiều xa xứ khắp năm châu về thăm quê, như dịp 10/3 Giỗ Tổ Hùng Vương hay hoạt động Xuân Quê hương nhân dịp Tết âm lịch. Miễn là các ông về mang lòng thành kính, xoá bỏ hận thù và hướng về quê hương tiên tổ, Nhà nước và nhân dân không thù oán gì các ông cả. Mọi người luôn hiểu các ông vẫn là những người con của quê hương xa xứ và vẫn tâm niệm các ông âu cũng là nạn nhân của cuộc chiến tranh. Miễn là các ông biết sám hối và hiểu hơn sự hy sinh của dân tộc ta…

*

Sự thực là rất nhiều người sau đó đã về Việt Nam để thăm quê. Trong số đó có những người đã về Việt Nam để định cư và cảm thấy nhẹ nhõm khi sống trên quê hương. Nhiều người đã gọi điện thoại và cảm ơn tôi đã cho họ hiểu về đất nước ta.

Đúng như Hiệu trưởng trường Đại học Harvard đã phát biểu tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh: “Lịch sử giúp chúng ta đối diện với bi kịch quá khứ để lại. Nó soi rọi những sự mù quáng và tàn bạo đã làm nên chiến tranh chia rẽ giữa các dân tộc. Nó giúp chúng ta gắn kết yêu thương và sẻ chia trong mỗi người”. Hơn thế, lịch sử của chúng ta đã kết tinh nên truyền thống đoàn kết của những người con mang hồn cốt Việt Nam, cho dù họ ở đâu trên trái đất này.

Hà An (Hoa Kỳ)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Một tuần ở Doha (03/04/2017)
  • Ấn tượng về chuyến thăm gia đình gốc Việt tại Algérie (20/03/2017)
  • Gặp người lái xe tại hội nghị Paris (27/02/2017)
  • Cảm nhận từ chuyến về thăm quê hương đầu Xuân (22/02/2017)
  • Lắng đọng hồn quê (31/01/2017)
  • Hoài niệm Tết xưa (30/01/2017)
  • Thương nhớ Tết quê (29/01/2017)
  • Tết nói chuyện nước mắm Việt (28/01/2017)
  • Tản mạn Tết xa quê trên xứ xở Bạch Dương (27/01/2017)
  • Hà Nội một sáng mùa Đông (26/01/2017)
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand đoàn kết phát triển, vững mạnh
Vai trò, vị trí của Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga trong xu thế phát triển chung
Hội chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Đan Mạch thảo luận kế hoạch hoạt động năm 2024
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - Mái ấm của chị em người Việt
Phát động cuộc thi viết đoạn văn, thơ về 'Người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ'
Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024 - Cơ hội tìm kiếm nhân tài
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang