26/06/2019 03:03:00 PM
Đạo diễn Philippe Rostan và miền khắc khoải mang tên Việt Nam

Trong cuộc trò chuyện cởi mở, đạo diễn Philippe Rostan nói chủ yếu bằng tiếng Pháp nhưng thi thoảng lại xen lẫn vài câu tiếng Việt. Đã 44 năm xa Việt Nam, nhưng vẫn có thể nhận ra chất giọng pha chút miền Trung quê mẹ, những năm tháng ấu thơ sống ở Buôn Ma Thuột và cả những ngày học ở Sài Gòn của Rostan.

 Đạo diễn Philippe Rostan 

Thật thú vị khi được xem phim “Người lạ, giống Pháp” ở Việt Nam. Chắc hẳn phải có lý do đặc biệt nào đó mới khiến ông làm một bộ phim gây ấn tượng mạnh đến vậy?

Tôi rất mừng khi bộ phim được khán giả đón nhận nhiệt tình tại Liên hoan Phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 10 vừa qua. “Người lạ, giống Pháp” ra đời vào năm 2009. Thời điểm trước đó tôi đã có hai bộ phim là “Chiếc bánh ít” (2001) và “Nước Việt Nam thân yêu” (2007) để tưởng nhớ mẹ tôi. Còn bộ phim này tôi dành để tưởng nhớ về cha mình.

Lý do đặc biệt khác là trong phim có một câu chuyện (từng là bí mật của gia đình) về người anh họ của tôi (mẹ tôi và mẹ anh ấy là hai chị em). Ngoài ra, tôi làm phim này vì bản thân tôi cũng là con lai Việt - Pháp nên có sự gắn bó, thấu hiểu cũng như đồng cảm với những nhân vật của mình.

Câu chuyện trong phim đã cũ, tại sao đến thời điểm năm 2009 ông mới làm phim?

Thực tế, con lai là vấn đề khá phức tạp thời kỳ Pháp đô hộ Việt Nam. Khi đó, những người mẹ Việt đã buộc phải ký vào giấy tờ từ bỏ quyền làm mẹ và con của họ bị đưa sang Pháp, sống tại trại trẻ mồ côi khi Pháp rút quân về vào năm 1954.

Trong quá trình tìm hiểu, tôi biết những người con lai đều giấu kỹ quá khứ của mình về gia đình bởi với họ, quá khứ là một vết thương lòng rất sâu và không muốn gợi lại. Tôi đã muốn làm phim sớm hơn nhưng phải 10 năm sau những người tôi gặp mới bằng lòng chia sẻ. Tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập tài liệu từ quân đội Pháp. May mắn là Giám đốc Đài Truyền hình Pháp Pierre Watrin đã hỗ trợ tôi thực hiện bộ phim.

Trong bộ phim, khán giả đã rất xúc động với những chia sẻ của những nhân chứng về cảm giác cô đơn của họ khi mới được đưa sang Pháp. Còn ông, cảm nhận khi tới Pháp lúc 11 tuổi như thế nào?

Philippe Rostan sinh năm 1964, cùng gia đình rời Việt Nam sang Pháp năm 1975, sau khi chiến tranh kết thúc. Dù là một đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất phim, ông đã thực hiện thành công nhiều bộ phim tài liệu xoay quanh chủ đề chính là Việt Nam như “Chiếc bánh ít” (năm 2001), “Nước Việt Nam thân yêu” (2007), “Người lạ, giống Pháp” (2009), “Hoa sen” (2011), “Chợ tình” (2011)…

Tôi may mắn hơn họ rất nhiều vì được sinh ra trong gia đình có đầy đủ anh chị em cũng như được hưởng trọn vẹn sự chăm sóc của cả cha và mẹ. Thời điểm tôi sang Pháp năm 1975 cũng khác hẳn năm 1954, những người con lai luôn được chào đón tại Pháp. Chúng tôi được hưởng nền giáo dục tốt, không có sự kỳ thị và thích nghi cuộc sống ở Pháp dễ dàng.

Là con nít nên đặt chân tới đây, tôi chưa thấy được nỗi buồn xa xứ của mẹ và cảm thấy rất ngạc nhiên và thích thú trước sự hiện đại của nước Pháp. Đó cũng là lần đầu tôi biết mùa Đông ở Pháp có thể lạnh đến vậy.

Đến thời điểm nào ông mới ý thức được sự khác biệt của mình so với người bản địa?

Khi ở Việt Nam, người ta bảo tôi là người Pháp, nhưng khi tôi sang Pháp người ta lại bảo tôi là người Việt Nam. Qua được khoảng hai tuần, tôi bắt đầu đi học. Thấy tôi nói tiếng Pháp, nhiều bạn lạ lắm và hỏi “mày học tiếng khi nào?”. Tôi nói vui rằng “mới học hai tuần thôi à”. Nhiều đứa bạn cũng có chút phân biệt khi thấy tôi da vàng và lo ngại tôi giỏi võ giống Lý Tiểu Long (thời điểm ấy anh ta rất nổi tiếng ở Pháp).

Định cư ở Pháp rồi, điều gì khiến ông nhớ nhất về quãng thời gian ở Việt Nam?

Khi ở Việt Nam, tôi chủ yếu sống trong đồn điền với những người Pháp ở Buôn Ma Thuột và học ở trường Pháp, thi thoảng mới được về thăm quê mẹ. Người tôi nhớ nhất là bà ngoại của mình. Những ngày tháng đó, bà tôi đã già, có mái tóc dài và hay làm bánh tét cho tôi ăn. Khi vào Sài Gòn học, mọi người hay trêu đùa và gọi tôi là “mọi Ê-đê” vì tôi đến từ Tây Nguyên. Học ở đây xa cha mẹ, nhưng tôi được một chị giúp việc chăm sóc rất chu đáo. Tôi còn nhớ chị ấy tên Nhung, người Hà Nội và nói tiếng Pháp rất giỏi.

Tuy nhiên, phải nói thật rằng khi sang Pháp vì muốn hòa nhập tốt với cuộc sống mới nên có những khoảng thời gian tôi muốn quên đi nguồn gốc Việt của chính mình. Tôi cảm thấy rất xấu hổ vì điều này.

Vậy tại sao ông chọn Việt Nam làm đề tài làm phim sau khi tốt nghiệp Đại học Paris Vincennes?

Bởi thực sự tôi luôn thấy nhớ Việt Nam và mong muốn tìm lại bản sắc Việt trong con người mình. Vào năm 1990 khi trở lại Việt Nam, tôi đã nhận làm phụ tá cho đạo diễn Pierre Schoendoerffer thực hiện bộ phim tài liệu "Điện Biên Phủ" và đạo diễn Mathieu Kassovitz với phim "Métisse" (Con lai) vào năm 1994... Đây cũng là thời điểm tôi nhận ra Việt Nam chính là mối quan tâm đặc biệt của mình. Là con lai nên tôi càng muốn các bộ phim của mình phải có sự pha trộn và kết hợp cả Việt Nam và Pháp.

Ông đã nhắc đến bà ngoại, nhưng lại chưa kể gì về mẹ - người phụ nữ chắc hẳn đã có vai trò rất đặc biệt trong việc truyền thụ văn hóa Việt cho ông?

Đúng vậy! Ngay cả khi sang Pháp, mẹ vẫn là người thường xuyên nấu các món ăn Việt Nam cho tôi. Qua các món ăn ấy, tôi biết mình cũng là người Việt. Mẹ còn hay hát một thể loại dân ca miền Trung mà tôi không còn nhớ rõ lắm. Ở nhà, mẹ tôi hay mở băng đĩa nhạc Việt và luôn dạy tôi học và đọc tiếng Việt . Tôi rất biết ơn mẹ vì đã nghiêm khắc, luôn bắt tôi cố gắng gấp đôi trong việc học để giờ đây tôi vẫn có thể nói và hiểu được tiếng Việt.

Bị ảnh hưởng bởi hai nền văn hóa Việt Nam và Pháp, đâu là nét bản sắc Việt mà ông luôn thấy trân trọng và muốn giữ gìn lại cho thế hệ sau?

Văn hóa Việt Nam đã dạy cho tôi biết tôn kính tổ tiên, coi trọng gia đình và hiếu thảo với cha mẹ. Những ảnh hưởng từ nền giáo dục ở Việt Nam đôi khi có gây khó khăn cho tôi một chút khi sinh sống ở Pháp - một xã hội luôn đề cao cái tôi và coi trọng vai trò cá nhân.

Tuy nhiên, tôi vẫn phải cố gắng dung hòa giữa hai nền văn hóa, giữa hai giá trị ấy để có thể khẳng định bản thân. Hiện tôi có một cô con gái và luôn mong có thể giúp con hiểu được nhiều hơn về Việt Nam. Dù biết việc này rất khó khăn trong cuộc sống hiện tại nhưng tôi vẫn muốn giáo dục con hướng về nguồn cội, giống như tôi sẽ tiếp tục làm phim về Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

“Người lạ, giống Pháp” (tên tiếng Pháp: Inconnu, présumé français) là một bộ phim tài liệu nói về số phận khắc nghiệt của những người con lai Á-Âu được sinh ra trong chiến tranh Đông Dương. Họ có mẹ là người Việt và có bố là người gốc Pháp xa lạ hiếm khi họ được gặp mặt. Sự tồn tại của họ trở thành mối đe dọa đối với trật tự hệ thống thuộc địa và những đứa trẻ ấy bị chối bỏ bởi cả cộng đồng Pháp cũng như Việt Nam. Với số lượng con lai Á-Âu ngày một tăng, một sắc lệnh được ban hành, cho phép họ nhập quốc tịch Pháp. Khi chiến tranh kết thúc, những đứa trẻ lai bị đưa vào trại trẻ mồ côi và sau đó “hồi hương” về Pháp, bất chấp nguyện vọng của những người mẹ. Năm mươi năm sau, những người con lai ấy cùng nhau kể lại quá khứ đau buồn của mình.

An Bình/ Thế giới & Việt Nam

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang