20/03/2020 09:58:00 AM
Covid-19: Quy chụp cộng đồng người Việt ở nước ngoài là không phù hợp

"Phát ngôn và ứng xử của một số người Việt ở nước ngoài khi về đến sân bay giữa dịch Covid-19 những ngày qua chỉ là của cá nhân và là điều đáng tiếc, không đại diện cho các cộng đồng người Việt ở nước ngoài", ông Lương Thanh Nghị - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - nói.

 Gần 10.000 người Việt đã trở về nước trong hơn một tháng qua. Ảnh: Dantri.vn

Những ngày qua đã có nhiều ý kiến khá bức xúc, gay gắt trên mạng xã hội và truyền thông về làn sóng người Việt ở nước ngoài về nước trong những ngày qua, được cho là để “tránh dịch Covid-19”, và về ứng xử và phát ngôn của một số người khi về đến sân bay.  

Ông Lương Thanh Nghị cho biết, trong khoảng hơn một tháng qua, ước tính có khoảng 10.000 công dân Việt Nam đã về nước với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có tâm lý lo sợ dịch bùng phát cũng như quan điểm y tế trong việc phòng và ngăn chặn dịch Covid-19 ở các quốc gia khác nhau.

Theo ông Nghị, việc công dân ta trở về nước cũng là lẽ thường tình, chưa kể đến tâm lý người Việt là trong những hoàn cảnh này, sự gắn bó với gia đình, người thân, với quê hương hết sức có ý nghĩa. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều kêu gọi công dân trở về nước dịp này, thậm chí đưa máy bay đến vùng dịch để đón công dân như chúng ta đã làm.

“Tâm lý lo ngại công dân mình có thể “mang virus” về nước cũng có thể hiểu được - ông Nghị nói - Quan trọng là toàn dân phải đoàn kết, bà con về nước cũng nghiêm chỉnh chấp hành các quy định vì sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài nêu rõ, phát ngôn và ứng xử của một số người khi về đến sân bay chỉ là của cá nhân họ, không đại diện cho cộng đồng người Việt xa xứ. Ông cũng cho rằng, những ý kiến quy chụp cho cả cộng đồng liên quan đến việc này, là không phù hợp.

Ông Lương Thanh Nghị nhận xét: Những người về nước đã được cách ly y tế tập trung hoặc tại gia đình. Phần lớn mọi người đều tuân thủ nghiêm túc các quy định, hợp tác và chia sẻ. Ngay trong thời gian bị cách ly tập trung, bà con vẫn động viên nhau, thậm chí quyên góp hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn của người dân địa phương. Nhóm người Việt tại Hàn Quốc đã trao học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn tại một xã của Vĩnh Long.

Đồng thời, để chia sẻ với đồng bào trong nước, bà con ta ở nước ngoài đã có nhiều nghĩa cử như quyên góp ủng hộ phòng chống dịch theo lời kêu gọi của MTTQVN. Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan, Séc, Nga ngay khi nghe tin dịch bùng phát tại Vĩnh Phúc đã tổ chức quyên góp gửi về hỗ trợ bà con Sơn Lôi gần 100.000 khẩu trang y tế và nhiều vật tư y tế có giá trị khác. Hiện nhiều hội đoàn tại Châu Âu cũng đang quyên góp, hỗ trợ lẫn nhau và hỗ trợ người dân, chính quyền sở tại.

Khi dịch diễn biến phức tạp, các cơ quan đại diện ta ở nước ngoài thường xuyên lưu ý công dân Việt Nam cân nhắc kỹ quyết định trở về nước hay không dịp này do nguy cơ cao bị lây nhiễm trong quá trình di chuyển cũng như các quy định, khuyến cáo y tế trong nước. Đại bộ phận cộng đồng người Việt tuy có lo lắng nhưng không quá hoang mang, vẫn bình tĩnh, đoàn kết phòng chống dịch.

Qua làm việc với các cộng đồng, ông Nghị thông tin: Tại nhiều nước, ngay trong cộng đồng hoặc các hội đoàn, bà con đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 từ rất sớm nhằm phổ biến các quy định y tế của sở tại hoặc các biện pháp phòng ngừa... Cho đến nay, theo ghi nhận của các cơ quan đại diện và của các hội đoàn, số lượng người Việt bị nhiễm Covid-19 rất ít.

Ông Nghị khẳng định, chủ trương “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”, qua đó cộng đồng đang ngày càng gắn bó với quê hương, đóng góp tích cực xây dựng đại đoàn kết dân tộc và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tính đến cuối năm 2019, theo số liệu chưa chính thức và đầy đủ, cộng đồng có khoảng 5,3 triệu người tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khoảng 80% kiều bào sinh sống ở các quốc gia phát triển. Hiện có khoảng 300.000 du học sinh các cấp học (cả ngắn hạn và dài hạn) và hơn 600.000 lao động Việt Nam tại các nước. Ước tính, trong số 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, có khoảng 2 triệu người mang quốc tịch Việt Nam.

Dân Việt

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang