22/07/2021 03:51:00 PM
Cô Vy đã đến, rồi đã đi...

Tạp chí Quê Hương xin trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Sa Huỳnh- một kiều bào sinh sống tại Đức chia sẻ về những trạng thái cung bậc cảm xúc khi bị nhiễm virus corona (COVID-19). Bằng nghị lực, sự may mắn, tác giả đã vượt qua và đang hồi phục trở lại cuộc sống bình thường.

Từ cuối tháng 3, chính xác là ngày 26/03/2021, tôi bị "dính" Cô Vy (virus corona). Nguyên nhân là bị lây từ một người bạn. Ông bạn tôi "ẵm" Cô Vy từ bà vợ và đứa con gái của mình.

Khi thấy trong người bắt đầu có một số triệu chứng, như ngứa và "nhột" cổ họng muốn ho, nhiệt độ cơ thể người có "ấm" lên một chút, và tâm trạng hơi bồn chồn, tôi đến ngay phòng khám ở Karl-Marx-Str. 118 quận Neukoelln, thành phố Berlin, để xin làm thử nghiệm. Phòng khám nơi đây có điều tiện lợi là rất vắng, không cần phải xin lịch hẹn. Từ khi đến, làm thủ tục, được cô y tá quẹt lấy mẫu khám từ cổ họng và mũi, tôi chỉ vỏn vẹn mất khoảng 45 phút là xong.

Vì đây là phương pháp PCR-Test (viết tắt của Polymerase Chain Reaction), nhằm tìm ra sự hiện diện chính xác của virus trong mẫu khám nghiệm, nên họ phải gửi đến phòng thí nghiệm bên ngoài để phân tích.

Qua ngày hôm sau, cô y tá gọi điện báo kết quả khám nghiệm của tôi là dương tính bởi một loại virus biến thể từ Anh là B 1.1.7. Tôi được thông báo phải sống cách ly 14 ngày, không được đi đâu hết, ngoài việc phải đem rác ra ngoài đổ hay được đi dạo một mình trong vườn nhà. Chỉ khi nào tình trạng nguy ngập thì mới gọi cho xe cứu thương.

Cũng may là ngay hôm đi khám về, để đề phòng trường hợp mình bị mắc COVID-19 nên tôi đi thẳng ra chợ, với khẩu trang che chắn kín mít, mua một số thực phẩm cần thiết để dự trữ.

Những ngày sau đó thật kinh hoàng vì những triệu chứng của cơn bệnh.

Đầu tiên, tôi không còn cảm giác thèm ăn. Lưỡi như bị một lớp màng dày bao quanh làm mất hoàn toàn vị giác. Lúc ấy ăn đúng là một cực hình, vì đói mà nuốt không vô. Sau đó, tôi cố nghĩ ra và tưởng tượng đến nhiều món ăn khác, hy vọng sẽ cải thiện hơn, như bánh cuốn, phở, bún riêu cua, bánh bao... Nhưng khi cô bạn gái và mấy đứa con tôi mang tới để trước sân, mang vô nhà rồi tôi chỉ thử vài miếng rồi bỏ đó vì không hề nuốt nổi.

Ngủ cũng là một cực hình với tôi. Lí do là khi nằm xuống, tôi sẽ bị ho liên tục. Lúc có đờm thì đỡ hơn, những lúc ho khan không đờm thì tôi đau ran cả ngực. Nếu thiếp đi được vì mệt thì tôi cũng bị các cơn mơ tra tấn.

Đó là những giấc mơ "loạn xì ngầu", không đầu không đuôi, không nội dung hay... bố cục, cứ tiếp diễn như những đoạn phim ngắn, cắt nối lung tung. Đầu óc suốt đêm không hề được yên để đi vào giấc ngủ một cách thoải mái như lúc bình thường. Vì vậy khi tỉnh dậy, đầu tôi bị đau buốt. Nhiều khi tôi mất khả năng phân biệt những gì xảy ra trong giấc mộng và sự thật.

Để bớt ho, tôi phải thử nhiều cách nằm ngủ, lúc quay về bên trái, lúc bên phải hay nằm thẳng, hoặc sấp người xuống. Cách để tay và chân, hay dùng gối cao thấp như thế nào cũng có một số ảnh hưởng nhất định. Cuối cùng tôi cũng tìm ra cho mình một giải pháp tương đối giúp đỡ bớt ho hơn.

Sau 1 tuần mất ăn, mất ngủ tôi sụt xuống 6 kí-lô. Bình thường thì đây là một thành quả rất đáng... tự hào, mà ông bác sỹ nhà của tôi hằng mong đợi và luôn khuyên nhủ tôi: Ông mập quá rồi ông ơi, làm ơn bớt cho tôi 5 kg nhé!

Khi tôi hỏi làm sao để giảm cân, ông ta bảo, mỗi ngày ông cố gắng đi bộ một quãng xa chừng 4 bến xe bus là được.

 Tác giả Sa Huỳnh tại vườn nhà trước khi mắc bệnh

Sau một tuần lễ sống với Cô Vy, nằm liệt trên giường, vài chục thước còn đi không nổi huống hồ chi kéo bộ đi hết quãng đường 4 bến xe bus, thế mà tôi giảm cân một cách nhanh chóng phi thường. Dĩ nhiên tôi vừa mừng vừa lo. Sợ cứ bị giảm thêm, kiểu tuột dốc không phanh, thì chỉ còn trơ ra... bộ xương cách trí!

Những ngày nằm cách ly "chịu trận", tôi cố gắng giữ tinh thần, luôn suy nghĩ về những điều vui và tích cực trong cuộc sống. Những lúc cô đơn tôi liên tưởng đến đứa con gái rượu sắp tròn 6 tuổi của mình, nhớ về nét mặt ngây thơ và nụ cười rạng rỡ như đang cầu mong bố mau lành bệnh. Tôi cũng cố gắng giữ lượng đường trong máu không bị tụt mất vì không ăn được gì, bằng cách uống mỗi ngày vài cốc sữa nóng hòa với mật ong.

Ngoài ra, tôi chẳng làm chi khác, không xông hơi, không dùng chanh, xả hay gừng như vài người mách nhau. Nhưng tôi dành khá nhiều thời gian để ngồi hay dạo quanh một mình trong sân vườn, hít thở nhiều không khí trong lành buổi sáng. Bởi tôi biết, và bác sĩ cũng dặn dò rằng hiện nay nhân loại chỉ mới có thuốc tiêm phòng nhưng chưa có thuốc đặc trị chống COVID-19 khi bị mắc.

Thế nhưng sau 10 ngày sống trong tình trạng kinh hãi và kiệt sức, cơ thể tôi bắt đầu có biểu hiện tốt. Tôi tìm lại được cảm giác thèm ăn. Những giấc ngủ cũng êm đềm hơn vì ít bị các cơn ma mị xông vào tra tấn. Các cơn ho cũng bớt dần.

Những thứ mà trước đây tôi không thể nào nuốt trôi, từ từ tôi cũng ăn được trở lại. Đi lên hay đi xuống cầu thang tôi thấy ít mệt hơn, không hổn hển thở nhiều. Những thứ trái cây và đồ ăn mà cô bạn gái hay cậu con trai và con dâu mang đến tôi ăn bắt đầu thấy ngon, nuốt vào cũng dễ. Cái lưỡi không còn tê cứng như những ngày trước đó. Mũi cũng lấy lại được mùi thơm của tách cà-phê mà tôi uống mỗi buổi sáng.

Nhìn vườn cây và hoa mùa Xuân tươi nở trước căn nhà nhỏ của mình, tôi đã bắt đầu thấy tràn ngập niềm vui.

Sau ngày thứ 14, hôm 12/04/2021, sở y tế của quận Neukölln gửi hai chàng lính trẻ tuổi trong quân phục chỉnh tề, cùng một cô y tá đến trước cửa nhà tôi. Họ không vô bên trong nhà, với tay bảo tôi há mồm ra để lấy mẫu khám lần thứ 2. Trước khi lên xe đi đến các bệnh nhân khác, cô y tá nhoẻn miệng cười, chúc tôi mau lành bệnh và hẹn sẽ báo kết quả trong 2 ngày tới.

Và thực tế như tôi mong đợi. Một buổi chiều, cô nhân viên sở y tế gọi điện bảo ông đã âm tính rồi, chúc mừng ông, và như vậy ông không còn phải có nhiệm vụ sống cách ly nữa. Ngừng một lát cô nói tiếp, ông đã bị lây nhiễm và nay đã lành rồi, cơ thể ông đang có một số lượng kháng thể, vì vậy theo qui định của sở y tế thì ông sẽ được chích ngừa sớm nhất là 6 tháng tới, tức là vào tháng 10/2021, và có thể ông chỉ cần 1 mũi tiêm mà thôi, thay vì 2 như những người chưa bị lây nhiễm khác.

Tôi rất mừng. Từ nay xin từ giã Cô Vy. Đây là một cuộc chia ly đầy ắp niềm hạnh phúc mà tôi hằng mong đợi. Tôi đã đủ mệt và kiệt sức với cơn bệnh bởi con virus quái ác này rồi. Dù sao tôi đã có nhiều may mắn, so với bao triệu bệnh nhân khác bị nặng hơn, ở Đức và khắp nơi trên thế giới, đang phải chống chọi để giành lấy sự sống trên giường bệnh. Và so với bao ngàn người khác đã từ bỏ thế gian.

Hiện nay đã hơn hai tuần thoát qua cơn bệnh, nhưng mỗi ngày tôi phải tập luyện hít thở để giúp phổi trở về trạng thái bình thường. Bởi tôi vẫn còn cảm giác phổi mình như bị lép và xẹp đi. Các phế quản chưa có khả năng tiếp nhận không khí một trăm phần trăm, chính vì thế mà khi đi quãng đường xa, lên dốc cao, hay xách đồ nặng, tôi vẫn phải thở hổn hển vì thiếu oxy. Nhưng từng ngày tôi thấy tình trạng sức khỏe của mình có tốt hơn rõ rệt, dù vậy cũng đang cần sự tĩnh dưỡng nghỉ ngơi.

Tôi vô cùng cảm ơn những người thân yêu đã lo lắng, giúp đỡ trong thời gian tôi bị Cô Vy hành xác. Hôm qua, sau một buổi nằm tắm nắng trên vườn cỏ trước nhà, tôi đã uống cạn nửa lít bia, sau bao tuần... cai nghiện bất đắc dĩ, mà cũng vì chẳng thấy thèm. Chưa bao giờ tôi được uống một ly bia ngon tuyệt vời như thế!

Và cũng chưa bao giờ tôi nóng lòng mong được dịp sum vầy ăn uống, chuyện trò cùng những người tôi yêu mến, như những ngày xưa.

Sa Huỳnh (Berlin – CHLB Đức)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Một đảng, tại sao không? (19/07/2021)
  • "Tiếng vọng Việt mộng mơ" (15/07/2021)
  • Hồn Việt phảng phất giữa Paris qua tranh Mai Trung Thứ (13/07/2021)
  • Hoa Kỳ trong tôi (25/06/2021)
  • Lễ hội âm nhạc tại Paris gắn kết người Việt và bè bạn (24/06/2021)
  • Những tiếng nói lạc lõng cần phải lên án (17/05/2021)
  • Thăm tư gia Thomas Jefferson, nhớ Bác Hồ (11/05/2021)
  • Từ Festivals hoa anh đào ở Washington DC, nhớ về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (13/04/2021)
  • Giữ tiếng Việt - 'tiếng bố đẻ' cho con ở Phần Lan (07/04/2021)
  • Nước Mỹ trở lại (16/03/2021)
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang