26/02/2018 02:48:00 PM
Có 1 vị thầy như thế

Một ngày đầu năm, nhân chuyến công tác khảo sát, xác định vị trí Nhà nổi, dùng làm lớp học cho con em kiều bào tại ấp Koh Keo, xã Reng Tuel, huyện Kan Dieng, tỉnh Pursat. Theo giới thiệu của ông Lê Hoàng, Chủ tịch Hội người Việt tại tỉnh Pursat, tôi đến thăm chùa Long Hải. Ngôi chùa nằm trên vị trí heo hút, bên bờ Biển Hồ Tông Lê Sap, Campuchia với dáng vẻ thật cổ kính và có lẽ hiếm người biết ngôi chùa này được xây dựng từ bao giờ.

 Thầy Thích Thiện Nhẫn và tác giả.

Thời đại công nghệ hiện đại nên các thông tin được cập nhật nhanh. Vừa tới cổng chùa, tôi đã thấy một vị sư ra chào đón “A di đà Phật”, câu chào hỏi thông thường của người Việt Nam, được đồng thanh cất lên từ chủ và khách, làm ấm lòng những phật tử xa quê hương nói chung và cá nhân tôi nói riêng khi bước vào cửa chùa.

Thắp nén hương thơm mong trời, Phật chứng giám lòng thành kính; tôi dạo quanh khuôn viên chùa. Thật khác lạ so với những gì tôi đã từng thấy ở các chùa Việt Nam. Bên cạnh ngôi chùa chính, tôi thấy khung cảnh một “bệnh xá” nhỏ và một lớp học, với đầy đủ bàn ghế sách vở học tiếng Việt cùng nằm ngay trong khuôn viên chùa và thật trân trọng, kính nể hơn về tư duy, việc làm khi được nghe vị sư trụ trì chùa tâm sự thật chân tình, gần gũi.

Ông tên gọi là Thích Thiện Nhẫn, 73 tuổi, quê Cà Mau. Ông lớn lên trong “nôi” cách mạng, cha ông là người tập kết ra Bắc năm 1954, rồi sang tu nghiệp tại Quế Lâm, Trung Quốc và đã từng là tướng lĩnh trong Quân đội Việt Nam. Ông là bạn với Nguyễn Thái Bình, cùng phong trào học sinh, sinh viên Miền Nam phản đối chiến tranh dưới thời Mỹ - Ngụy. Sau giải phóng Miền Nam năm 1975, ông làm bác sỹ bệnh viện Chợ Rẫy, gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam tại Mặt trận 79, rồi tham gia thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia.

Được hỏi về lý do ông trụ trì tại chùa, ông cho biết: "Thật khó nói giữa hiện thực và tâm linh, giữa cõi trần và cõi âm, giữa tín ngưỡng và không tín ngưỡng. Mình là nhà khoa học, đủ kiến thức để đánh giá “cái thực” và “cái hư” nhưng qua một cơn bạo bệnh, mình không thể giải thích nổi đời sống tâm linh hiện hữu". Thế là cũng một phần do hoàn cảnh gia đình đưa đẩy, năm 1985, ông quyết định “xuất gia”, với bao ngạc nhiên của bạn bè và người thân.

Khi mới xuất gia, ông đi tu tại một ngôi chùa trên núi cao thuộc tỉnh Pursat, Campuchia. Sau một lần cùng nhà sư tên Lai đến thăm chùa Long Hải, điều làm ông day dứt, là nơi đây có rất nhiều bà con người Việt nhưng có cuộc sống nghèo khổ trên đất khách quê người nên ông đã quyết định thực hiện một số công việc nhằm làm vơi đi nỗi khổ cho bà con người dân gốc Việt trong vùng sông nước Koh Keo.

 Nơi khám, chữa bệnh và cấp thuốc của thày Thích Thiện Nhẫn

Các bệnh nhân đang chờ khám và phát thuốc của Thầy Thích Thiện Nhẫn

Sau khi được các cấp chính quyền Campuchia giúp đỡ, cấp phép, cuối những năm 1980, ông chính thức trụ trì ngôi chùa này và sau đó, dựng một gian nhà nho nhỏ làm “phòng khám”. Thời gian đầu, ông chỉ khám miễn phí và kê đơn cho người dân tự mua thuốc, nhưng do đường sá xa xôi, không có điều kiện, nên theo nguyện vọng của các “con bệnh” ông đã nhờ bạn bè là các thày thuốc của bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ, mua giúp thuốc men.

Ông bộc bạch: Mình làm gì có điều kiện nên những cái phải mua thì thanh toán lại, còn công thì mình không tính. Vậy nên trong “toa thuốc” mình ghi rõ, tiền thuốc và tiền công để ai có điều kiện thì hỗ trợ tiền công, có được cũng chỉ để phục vụ việc xây dựng chùa và bù đắp cho các phật tử, cũng vì thế, đến nay ngôi chùa đã được tu sửa hai lần và phật tử ngày càng đông. Phật pháp thì không biết nhiều nhưng đã đi tu thì tâm phải sáng và tâm sáng chính là cái thiện trong khám chữa bệnh cho người dân. Qua tìm hiểu, tôi được biết từ cái tâm đó, ông đã cứu được nhiều cảnh đời thoát khỏi lưỡi hái tử thần, ai ai trong khu vực cũng biết và kính trọng ông.

Buông tầm mắt xa xa trên Biển Hồ, thấy mấy đứa trẻ đang ngụp lặn dưới nước, ông bảo: Đấy chúng cứ tự vùng vẫy thế này thì bao giờ mới có thể lên bờ được. Đây là điều mà ông trăn trở bấy lâu nay. Từ khi lớp học tiếng Việt của ấp Koh Keo không còn sử dụng được, các cháu phải nghỉ học, ông đã đầu tư 10 bộ bàn ghế, sách giáo khoa được Hội người Việt tỉnh Pursat cấp, ông tạm thời mở lớp ngay tại khuôn viên chùa. Các cháu tích cực học tập nhưng khổ nỗi phải đi lại vất vả nên ông cũng kiêm nhiệm cả việc hướng dẫn học tập cho các cháu, do vậy không có nhiều thời gian. Được biết sắp tới có lớp học mới do Ủy ban Người Việt hỗ trợ, ông mừng lắm và nói rằng có vậy mới duy trì tốt cho các cháu học tập, hướng đến tương lai, hòa nhập cộng đồng cho các cháu, chúng là người Việt mà.

Thôi thì gia thế nhà sư tôi cũng chỉ tham khảo được qua tâm sự, nhưng thực tế đã chứng minh nhà sư thật đáng trân trọng. Khoác trên vai ba chữ “Thày”: Thày tu, Thày thuốc và Thày giáo; nhà sư đã mang hết khả năng, tâm trí của mình để phục vụ bà con nghèo người Việt đã và đang sinh sống trên một vùng Biển Hồ khuất nẻo. Tạm biệt Thầy, tôi cầu mong Thầy được bình an, vô sự và cống hiến được nhiều hơn nữa cho nghiệp đời, nghiệp đạo./.

Pursat, Campuchia, tháng 2/2018 
Sơn Thủy

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang