30/09/2019 09:21:00 AM
Chuyện người chiến sĩ

Cứ mỗi 27/7 – ngày Thương binh Liệt sỹ hàng năm, tôi lại nhớ đến công ơn những người đã hy sinh thân mình hoặc một phần máu thịt để Tổ quốc Việt Nam có được ngày hôm nay. Và tôi nhớ đến anh.

Ảnh minh họa 

...Anh hơn tôi bốn tuổi, khi tôi chuẩn bị tốt nghiệp cấp 2 thì anh túi bụi ôn thi Đại học...

Chiều chiều, tôi thường đạp xe lên con xóm nhỏ nằm giữa những con phố lớn nhất đầy hàng cây hoa sữa thơm sực của Thủ đô để cùng anh ôn thi. Ngày ấy, xóm Hạ Hồi đầy những hàng rào gỗ quét sơn đủ màu, những hàng rào quanh ngôi nhà của mẹ con anh có màu giống như màu những bông hoa trên cây hoa hoàng lan trước cửa, thơm ngọt ngào, bóng cây trùm mát cả ngôi nhà từ non chiều tới tận hoàng hôn... Phía vườn sau là một gốc nhãn cổ thụ thân chia nhánh đã bóng thời gian ở cái chạc cây vì anh thường leo lên ngồi trên đó đọc sách những ngày ít bài tập.

Cách nhau cả khối học mà chúng tôi vẫn thân nhau vì sự gắn bó từ những ngày còn cùng sinh hoạt trong Đội Danh dự của Nhà văn hóa Thiếu nhi Thủ đô. Tôi rất quý anh bởi anh học rất giỏi lại vẽ đẹp, hay đàn, hát và là một chàng trai mẫu mực...

Là con của Liệt sỹ thời chiến tranh chống Mỹ, anh sống cùng mẹ nhưng hầu như toàn ở nhà một mình vì mẹ anh, bác Lụa phải đi làm ca thường xuyên tại nhà máy in Tiến bộ... Bác Lụa hiền lành, đẹp như con gái vùng sông nước với mái tóc dài đen mượt và làn da trắng hồng, đôi mắt dao câu sắc lém... Những lần bác làm ca sáng thì vào ngày cuối tuần, bác thường tranh thủ nấu xôi, làm bún nem, bún chả... bảo anh gọi tôi tới cùng ăn. Bác thường nói, bác thương tôi như con đẻ vì tôi sớm mất mẹ trong cuộc đời, và dặn anh phải thương tôi, giúp tôi học để tôi thi đỗ vào cấp ba.

Năm ấy, tôi thi đỗ vào trường cấp 3 Kim Liên, anh cũng Tốt nghiệp phổ thông vào loại ưu và niềm vui lớn nhất cho bác Lụa là tờ giấy báo điểm thi từ trường Đại học Báo chí của anh.

Chiều đó, bác về sớm, ca làm việc trong nhà máy không khiến bác có vẻ mệt mỏi. Bác đi chợ, về còn dọn cái bàn thờ của cha anh rất kỹ, đặt lên mặt bàn thờ cả tờ giấy báo điểm thi Đại học của anh cạnh lọ hoa huệ và chén nước, rồi thắp lên mấy nén hương để khấn bác trai, hy vọng bác trai an lòng vì cậu con duy nhất đã đạt được nguyện vọng trong đời, sẽ trở thành nhà báo sau vài năm học đại học nữa.

Thời gian trôi đi nhanh chóng, cuối những năm trung học tôi đến nhà anh thường xuyên hơn vì lớp học bồi dưỡng văn, sử để luyện thi Đại học cho năm học sau của tôi lại được tổ chức ở chính ngôi nhà hàng xóm của anh trong cái xóm nhỏ giữa những con phố thơm hương hoa sữa của Thủ đô... Anh đã học Đại học năm thứ hai, lúc bè lũ bành trướng xua quân tràn vào biên giới Vị Xuyên lần nữa... Cùng với rất nhiều bạn bè, anh đã tình nguyện ôm máy ảnh, ống kính và cả sách bút lên mặt trận...

Là con Liệt sỹ, cùng với nhiệt huyết tuổi trẻ, máu mê nghề báo và lòng yêu nước vô bờ, sau những ngày huấn luyện quân sự tại một vùng đồi đá ong của xứ vải thiều, anh cũng được điều đến chính mặt trận đang nóng bỏng bên bờ dòng sông Kỳ cùng, giữa nơi biên giới đang mùa rộ nở hoa của những rừng đào, rừng mận... Và kẻ thù đã man rợ cướp đi mạng sống của anh cùng bao nhiêu đồng đội, những chàng trai trẻ với bao nhiêu mơ ước còn đang dang dở trên những giảng đường.

...Bác Lụa gục xuống trước bàn thờ bác trai khi nhận tin cậu con duy nhất đã nằm xuống ngọn đồi đầy máu lửa năm ấy. Bác đã khóc khô nước mắt mỗi chiều khi thắp hương trước bàn thờ treo hai tấm bằng "Tổ quốc ghi công".

Suốt thời gian đó, tôi đến lớp học bồi dưỡng văn, sử vẫn thường ghé vào thăm bác, ngồi ăn với bác một bữa cơm, trò chuyện với bác về giấc mơ làm báo của anh và hái những bông hoa hoàng lan thơm ngọt ngào đặt lên bàn thờ, thắp hương trước hai tấm bằng "Tổ quốc Ghi công" và ảnh hai cha con anh, hai thế hệ, một dòng máu của những người đã quên đi cuộc sống của bản thân mình để giải phóng và giữ yên lành biên cương cho Đất nước Việt Nam.

Bác Lụa đã về hưu khi tôi học xong khoá học ngoại ngữ trong nước, trước ngày tôi lên đường đi học tại Mátxcơva, bác lặng lẽ đưa cho tôi một vòng nhẫn bằng vàng một chỉ, câu nói nhỏ dần, run run khi những giọt nước mắt trào ra trên đôi mắt có quá nhiều đau buồn của bác: "Con giữ lấy cái này, mai kia có được nghỉ hè bên ấy thì cố gắng về chơi, lên chỗ anh nằm, thắp cho nó nén hương, đỡ tủi vong linh nó..."

Tôi nghẹn lời, không muốn làm bác buồn lòng, lồng cái nhẫn vào ngón tay, hứa với bác mà lo không làm được: "Cháu chưa biết lúc nào mới về được, cháu sẽ cố gắng!"

Nhiều năm trôi đi, tôi vẫn giữ liên lạc với người vợ, người mẹ Liệt sỹ đó qua những lá thư không đều đặn, đến tận khi tôi trở về thăm quê hương lần đầu tiên sau rất nhiều những tháng ngày xa xứ. Việc tôi làm là đến cái xóm nhỏ giữa Thủ đô đang thơm sực hương hoa sữa để thăm bác Lụa. Bác vẫn ngồi bên cái bàn nhỏ ngày nào làm bàn học của anh, dù tuổi tác làm đôi mắt bác mờ đi, đôi chân bị khớp khiến bác đi lại rất khó khăn, bác vẫn chỉ cho tôi hái mấy bông hoa vừa nở trên cây hoàng lan trước cửa để thắp hương cho cha con anh như ngày xưa, rồi đưa cho tôi tờ giấy có địa điểm và hướng dẫn cách đi đến nơi mà ngày nào anh đã nằm xuống...

Lần đó vì thời gian không cho phép, tôi đã không thể đến thăm được nơi anh nằm lại. Trong hành trang trở về nơi định cư của tôi là tờ giấy có ghi địa điểm nơi đó cùng mấy cuốn truyện, từ điển anh đọc dở dang ngày nào…

Lần về nước sau đó của tôi cùng các con, tôi lại đến thăm bác Lụa, bác vẫn chỉ cho tôi cách nấu bát xôi để thắp hương chồng, con và nói chuyện về họ rất tự hào. Bác lại nhắc tôi về mong muốn rằng tôi hãy tìm tới nơi anh đã nằm lại khi có thời gian. Và tôi vẫn hứa...

Tuổi của bác Lụa ngày một nhiều lên, sau rất nhiều cố gắng, tôi cũng đến được nơi anh nằm vào một sáng mùa Xuân vùng biên giới đầy hoa mơ, hoa mận nở... Tôi thắp lên cho anh một nén hương với tấm lòng của người bạn gái cũ, mong muốn thỏa nỗi ước ao của mẹ anh, người đã cống hiến cho đất nước hai người đàn ông yêu thương nhất của đời mình... Làn khói hương mỏng manh bay lên trên ánh nắng rồi rớt xuống giữa khoảng rừng ngát xanh đầy những dây lạc tiên non bò quanh nơi anh nằm làm tâm hồn tôi như trùng lại...

Cách đây năm năm, bác Lụa đã từ giã cõi đời sau rất nhiều năm sống cô đơn trong ngôi nhà cũ, ngắm những tấm ảnh ngôi mộ nhỏ của anh được địa phương quản lý đắp cao lên mà tôi đã chụp sau vài lần tôi tới... Ngôi nhà của bác đã thành một phòng triển lãm tranh lần cuối tôi về thăm đất nước, cây hoàng lan và gốc nhãn đều đã bị chặt đi, những hàng rào gỗ không còn nữa... Cái xóm nhỏ giữa Thủ đô tưởng chừng như chưa từng có gia đình ấy tồn tại, một gia đình chỉ có ba người... mà đã có hai người hiến dâng đời mình cho sự nghiệp thống nhất và bảo vệ Tổ quốc.

Như một thói quen, mỗi lần về quê hương tôi vẫn cứ ghé qua nơi đó, và mỗi lần đứng đầu con ngõ, chợt bâng khuâng buồn vì không còn thấy cây nhãn cổ, vì không còn mùi hoàng lan ngày cũ... và không còn thấy bóng dáng bác Lụa bên hàng rào gỗ ngày nào...

Nơi trời xa xứ hôm nay, tôi thắp lên trước bàn thờ Mẹ, Cha một nén hương, mà chợt nhớ tới hình ảnh ngôi mộ anh giữa rừng biên giới lặng lẽ trong làn sương chiều bàng bạc... Thấy lòng mình lại cồn lên một nỗi đau...

Cảm ơn những người đã nằm xuống để giữ yên bờ cõi cho cả dân tộc.

Cảm ơn những người đã hy sinh một phần máu thịt của bản thân để tôi được học hành và sống cuộc sống của một người hạnh phúc.

Cảm ơn các bà mẹ đã hy sinh chồng mình, và cả những đứa con yêu thương nhất của đời mình cho sự nghiệp thống nhất và bảo vệ Tổ quốc. Lời cảm ơn không chỉ nói trong ngày 27 tháng Bảy hàng năm, khi tôi kể câu chuyện đã giữ rất lâu này trong lòng mình.

Trích trang Nhật ký ngày 27/07/2008, trăn trở vì chưa làm được lời hứa với bác Lụa và nỗi nhớ anh, người đã hiến trọn tuổi trẻ mình cho Đất nước.

Nguyễn Trung Hoa (CHLB Đức)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Hương quê (18/09/2019)
  • Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu (11/09/2019)
  • Nhật ký của Linh (28/08/2019)
  • Đình làng tôi (26/07/2019)
  • Tiếng Việt và Nguồn cội (09/07/2019)
  • Hội người Việt Nam tại Pháp (18/6/1919 – 18/6/2019): Một trăm năm một con đường (03/07/2019)
  • Ngày Quốc tế Thiếu nhi của Lớp tiếng Việt Kiev, Ucraina (07/06/2019)
  • Tiếng nước ta (29/03/2019)
  • Văn hóa và hội họa Việt đến Paris (08/11/2018)
  • Từ Hoa Kỳ nghĩ về xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam (*) (17/10/2018)
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang