29/07/2016 03:32:00 PM
Câu chuyện về một mùa hoa đào điểm mây trắng (kỳ 1)

Từ Pháp, nơi cách Việt Nam khoảng 10 ngàn cây số, nhiều thập kỷ nay, một cây cầu gắn kết tình cảm giữa đồng bào trong nước và ngoài nước đã được xây dựng từng nhịp từng nhịp một để kết nối và chia sẻ với quê hương Việt Nam.

Mỗi nhịp cầu là một dự án, mỗi viên gạch là tấm lòng, tâm hồn và đóng góp cụ thể của rất nhiều người Việt Nam tại Pháp. Chính vì vậy, Ban các dự án nhân đạo hướng về Việt Nam thuộc Hội người Việt Nam tại Pháp đã chọn cho những hoạt động của mình với tên gọi “Nhịp cầu nhân ái”. Mỗi chuyến đi là muôn vàn cảm xúc, câu chuyện, kỷ niệm về cả những khó khăn và nỗi niềm cảm động. Những câu chuyện ấy được tô màu của nhiều mùa hoa, nhiều miền quê hương và in dấu trên từng nẻo đường – những con đường hướng về quê mẹ Việt Nam. Tạp chí Quê Hương trân trọng giới thiệu tới bạn đọc chùm bài viết  về những câu chuyện như thế của tác giả Nguyễn Thanh Tòng.

***

Hoa đào nở trên sườn núi mập mờ trong sương mù buổi sáng đua nhau khoe màu sắc như những cô gái H’Mông mặc váy áo sặc sỡ đi trên đường xuống núi. Cảm giác thư thả của rừng núi mùa Đông giá lạnh ngày Tết. Trong khung cảnh đó thì ai nấy đều như muốn thời gian ngừng trôi để tận hưởng những cảnh đẹp thần tiên này.

Đường đi từ Sơn La đến Lào Cai gập ghềnh trên xe đò chở khách, chen chúc, gọi nhau ơi ới với thứ ngôn ngữ địa phương. Chúng tôi có cảm tưởng không biết mình đang ở đâu và như trong một thế giới khác – thế giới của xứ sở những huyền thoại trong sương.

Cảnh thiên nhiên ngày càng bừng lên hiện ra rực rỡ với những cánh hoa đào chập chờn trên núi hoà lẫn với khuôn mặt hồng hào của các cô gái H’Mông tươi trẻ như cạnh tranh với vẻ đẹp của núi rừng. Vẻ đẹp của thiên nhiên và con người tạo ra khung cảnh nên thơ, lãng mạn làm cho mỗi thành viên chúng tôi như muốn gào thét lên cho thời gian ngừng lại để tận hưởng và hòa mình vào cảnh hùng vĩ núi rừng của Việt Nam. Lúc ấy mọi người thật tự hào và cảm thấy rất may mắn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đất nước, mong muốn làm sao giữ được hình ảnh này, giờ phút này, ảnh chụp hay phim quay đều không diễn tả được. Đất nước mình đẹp quá!

Mải nghĩ vẩn vơ, quên không biết mình đi đâu đây. Hiện giờ xe đang qua Lai Châu trên đường đi Sơn La về Lào Cai và Mường Khương.

Thời gian trôi đi mau quá, tuần lễ đã qua từ Pháp về Hà Nội, chúng tôi – Ban Hướng về Việt Nam – cùng đoàn thanh niên tình nguyện Y Khoa Bichat (EBISOL) của dự án “Nhịp cầu nhân ái” kết nối giữa cộng đồng Việt Nam tại Pháp và cộng đồng Việt Nam trong nước để cùng chia sẻ những trách nhiệm xã hội, tâm hồn nhân ái “tương thân tương trợ” – những người đồng bào cùng chung một nguồn cội. Hoạt động này thuộc Ban Hướng về Việt Nam của Hội người Việt Nam tại Pháp từ rất nhiều năm nay và đặc biệt lần này có hai dự án tại miền Tây Bắc là: Tặng thiết bị dụng cụ y tế phụ khoa cho trạm y tế và phát học bổng cho con em bà con đồng bào dân tộc tại xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La; Khai trương nhà phục hồi chức năng, tặng thiết bị dụng cụ phục hồi chức năng và phát học bổng cho con em gia đình bà con đồng bào dân tộc tại thị trấn Mường Khương, tỉnh Lào Cai.

Sau 6 giờ đồng hồ xuất phát từ Hà Nội, chúng tôi đến xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Sự mệt mỏi trên chặng đường dài tan biến khi chúng tôi được sự đón tiếp nồng hậu của đại diện chính quyền và bà con nơi đây. Sau đó chúng tôi được sắp xếp ở tại nhà của Chủ tịch xã. Trong không khí ấm cúng đó, chúng tôi được thưởng thức chén rượu ấm mang men say núi rừng, tiếng hát trầm bổng của các cô gái người H’Mông giữa rừng núi yên tĩnh Tây Bắc.

Sáng ra, chúng tôi náo nức đi thực hiện nhiệm vụ của mình hỗ trợ dụng cụ y tế và phát học bổng cho con em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã Phổng Lái và con em gia đình đồng bào dân tộc khu vực đèo Pha Đin - một phần thuộc xã Phổng Lái và một phần thuộc xã Tỏa Tình trong huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Tới đây, tôi chợt nhớ lại câu thơ của Tố Hữu:

Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô anh hò chị hát…

Thời gian trôi đi thật nhanh, sau 3 ngày gặp gỡ tiếp xúc, chúng tôi và những cán bộ địa phương, đồng bào và các em học sinh như vừa mới quen nhau nhưng đã phải chia tay nên cảm thấy rất xúc động. Hoàn cảnh trẻ em miền núi thật đáng thương, phần đông cha mẹ các em thường làm nương, đời sống còn khó khăn, các em không có điều kiện như trẻ em thành phố, nhưng trên gương mặt luôn luôn hiện lên nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ. 

***

Tạm biệt Sơn La, chúng tôi tiếp tục hành trình đến với đồng bào và các em nhỏ tại thị trấn Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, phía Bắc giáp Trung Quốc, từng bị tàn phá trong chiến tranh năm 1979 nhưng nay không còn dấu vết chiến tranh để lại. 

Đến với trung tâm tỉnh lỵ Lào Cai, giao thông ở đây thật tấp nập, không còn yên tĩnh như ba ngày qua. Để đến Mường Khương đúng như kế hoạch đề ra, chúng tôi được bố trí đi trên xe cứu thương của Bệnh viện Đa khoa Mường Khương. Hành trình từ trung tâm tỉnh lị Lào Cai đến thị trấn Mường Khương khoảng 55 km với cung đường núi ngoằn ngoèo, hiểm trở. Nhưng vì tình nghĩa đồng bào, vì tình thương nhân loại, cùng một lý tưởng không biên giới, chúng tôi đều không nản lòng và quên đi mệt mỏi trên quãng đường dài.

Vào thị trấn, xe dừng trước cổng bệnh viện, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mường Khương và đại diện phụ huynh học sinh đón chúng tôi với cảnh thật nhộn nhịp vì giờ ấy là lúc bệnh nhân đến khám bệnh đông.

Sau ngày làm lễ khánh thành nhà phục hồi chức năng và trao học bổng cho các em học sinh, chúng tôi đi thăm vài gia đình đồng bào có hoàn cảnh khó khăn. Đến với đồng bào bằng tình cảm chân thành và đáp lại chúng tôi cũng nhận được tình cảm chân thành từ họ, để lại lưu luyến trong lòng mỗi thành viên đoàn chúng tôi.

Sáng sớm một ngày kia, chúng tôi đã đến lúc phải lên đường trở ra Lào Cai và về Hà Nội, lại một lần nữa nói lời chia tay. Giám đốc bệnh viện, đại diện hội phụ huynh học sinh cùng cha mẹ và các em học sinh đến tiễn chúng tôi. Các em quấn quít lấy chúng tôi như không muốn phải chia tay.

Năm ấy, đây là chặng đường đầu tiên miền Tây Bắc của dự án “Nhịp Cầu Nhân Ái” – vùng đất đã mang lại cho mỗi chúng tôi nhiều kỷ niệm không bao giờ quên, sự gắn bó và cảm xúc bịn rịn khi rời khỏi nơi ấy, nhưng trên hết là lòng hãnh diện, sự tự hào vì mình đã vượt qua bao nẻo đường vạn dặm để làm được việc ích lợi cho đất nước mình.

Ngày quay lại Pháp, chúng tôi thêm vào hàng trang của mình nhiều hình ảnh đẹp của quê hương  đất nước. Đó cùng là niềm động viên chúng tôi hăng say để tiếp tục hành trình khác trên quê hương nhưng mục đích không khác nhau. Trái tim chúng tôi luôn hướng về Việt Nam.

Chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong một hành trình mới!

Paris, Xuân 2016
Tặng người con gái phương xa
Nguyễn Thanh Tòng (Pháp)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang