16/08/2016 11:03:00 AM
Câu chuyện về hoa sen và tình thương chia sẻ (kỳ 2)

Kỳ này Đoàn Dự án hướng về Việt Nam đi thực hiện chương trình Nhịp cầu nhân ái cho ba tỉnh miền Trung. Cụ thể, đoàn đến tỉnh Hà Tĩnh để hỗ trợ về dụng cụ giáo dục, bàn ghế và áo phao an toàn cho trường của tỉnh sau cuộc tàn phá của trận bão vừa qua và trao học bổng cho các con em có hoàn cảnh khó khăn; đến thăm Làng phong Quy Hoà và Bệnh viện Phong - Da Liễu Quy Hòa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; thăm và dự lễ khai giảng trường mẫu giáo huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk...

Buổi sáng tinh sương, khi người dân Hà thành vẫn còn chìm trong giấc ngủ, thì chúng tôi vội đi đến đầm sen Hồ Tây để ngắm sen. Tia nắng đầu tiên với muôn ngàn ánh bạc lấp lánh xuyên qua cành lá sen, gió thổi nhè nhẹ, lá rung rinh dần hé lộ búp sen ửng hồng và bẽn lẽn như làm duyên với gió.

Hương sen thoang thoảng tỏa ra dịu dàng giữa mùa hè oi ả. Những chiếc lá xanh bập bềnh trên nước như đua nhau làm nổi bật màu hồng tinh khiết của hoa sen. Khung cảnh nên thơ và lãng mạn ngay giữa trung tâm thủ đô Hà Nội.

Khi nắng lên cao, không khí oi ả của mùa hè bắt đầu, cũng là lúc chúng tôi vội vã rời khỏi nơi đây để lên máy bay đi về miền Trung. Trên đường về, hương sen vẫn còn lưu luyến đâu đây như muốn kéo chúng tôi lại, nhưng nhiệm vụ phải ra đi và sẽ hẹn lại những ngày gần đây để tận hưởng vẻ đẹp của hồ sen.

Kỳ này Đoàn Dự án hướng về Việt Nam đi thực hiện chương trình Nhịp cầu nhân ái cho ba tỉnh miền Trung. Cụ thể, đoàn đến tỉnh Hà Tĩnh để hỗ trợ về dụng cụ giáo dục, bàn ghế và áo phao an toàn cho trường của tỉnh sau cuộc tàn phá của trận bão vừa qua và trao học bổng cho các con em có hoàn cảnh khó khăn; đến thăm Làng phong Quy Hoà và Bệnh viện Phong - Da Liễu Quy Hòa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; thăm và dự lễ khai giảng trường mẫu giáo huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk.

Chặng đường khá dài vì đi máy bay từ Hà Nội đến Vinh, sau đó chúng tôi theo người của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Hà Tĩnh về tỉnh Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh là một tỉnh lớn thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam, chủ yếu là người Kinh và một số dân tộc thiểu số khác là người Chứt, Thái, Mường, Lào... Về đặc điểm vùng, đầu tiên là cách nói rất riêng của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đặc trưng phát âm này nặng đến nỗi nhiều người không quen nghe, không thể hiểu được, kể cả người những vùng lân cận.

Máy bay từ từ hạ cánh lượn qua bãi biển và cánh đồng lúa xanh mát, đáp xuống phi trường thành phố Vinh. Vội vã xuống máy bay, tôi sợ không biết có ai ra đón mình không, và nếu có thì người ấy ra sao vì mình không hề biết đến, chỉ qua thư từ trao đổi dự án trên mạng. Khi ra phi trường, đang ngơ ngác tìm người đón thì có ngay cô Đào - Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Hà Tĩnh đến đón chúng tôi. Cảnh vật không giống như vùng núi, mà thấy ngay bên cạnh là sông Lam và trước mặt là dãy núi Hồng Lĩnh.

Đi mô rồi cũng về Hà Tĩnh
Nhớ núi Hồng Lĩnh, nhớ dòng sông Lam

(Nguyễn Văn Tý)

Xin kể lược lại câu chuyện huyền thoại không thể không nhắc đến về việc đưa xăng dầu vượt Trường Sơn băng qua sông Lam trong thời chiến tranh chống Mỹ. Nghệ An và Hà Tĩnh là nơi Mỹ tập trung đánh dữ dội; ba trọng điểm là phà Bến Thủy - Nam Đàn - Linh Cảm bị đánh bom triền miên tạo thành một “tam giác lửa” ngăn chặn vận chuyển từ miền Bắc vào Nam, xe vận tải, xe chở xăng khó lòng qua lọt. Để vận chuyển xăng dầu cung cấp cho chiến trường miền Nam đang gặp nhiều khó khăn về thiếu nhiên liệu để di chuyển cho đoàn 559 với trách nhiệm vận tải hỗ trợ hậu cần, thì cần phải lập đường dẫn xăng dầu từ Bắc Ninh, Lào Cai đến miền Nam xuyên qua rừng núi và nhiều đoạn phải qua sông như sông Lam chảy qua Nghệ An và Hà Tĩnh.

Công trình vĩ đại chưa từng thấy được thực hiện chỉ với bàn tay và nhân lực, cùng với đàn trâu kéo ống dẫn dầu, công việc tưởng như không thể cũng như khi các chiến sĩ bộ đội và dân công kéo pháo trên chiến trường Điện Biên. Từ thành công này, hệ thống ống dẫn dầu liên tiếp được nối dài thêm, ở hướng Bắc kéo ra tận biên giới Việt – Trung, ở hướng Nam thì vào tận chiến trường, tất cả được xây dựng bằng quyết tâm, lòng dũng cảm, trí thông minh và sự hy sinh của bao nhiêu người đã ngã xuống dưới bom, đạn của địch.

Trên đường đi đến Hà Tĩnh, tấm biển chỉ đi Ngã Ba Đồng Lộc, chúng tôi không thể quên được tấm gương hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong được lệnh san lấp hố bom do máy bay Mỹ trút xuống. Không biết mấy trăm lần bom đạn phá tan đường, rồi cuối ngày thanh niên xung phong lại san lấp lại để đoàn xe quân sự có thể tiếp tục di chuyển tiếp tế hậu cần miền Nam.

Nhưng hôm ấy ngẹn ngào rơi nước mắt, 10 cô gái thanh niên xung phong vì bom trút xuống trọng điểm, tất cả đều hy sinh. Trong các thi hài được tìm thấy, thương xót thay, chỉ có tiểu đội phó Hồ Thị Cúc không thấy đâu, mãi đến 3 ngày sau mới tìm ra.

Nặng lòng tình đồng đội, nhà thơ Yến Thanh (Nguyễn Thanh Bính) đã sáng tác bài thơ thương nhớ Hồ Thị Cúc.

Cúc ơi
Tiểu đội về xếp một hàng ngang
Hàng trăm người đã ngã xuống,
Em ở đâu không về tập hợp
Chín bạn đã quây quần đủ mặt….
….

Cúc ơi, em ở đâu?
Đất nâu lạnh lạnh lắm
Da em thì xanh
Áo em thì mỏng
Cúc ơi, em ở đâu...

Gối còn thêu dở
Cơm chiều chưa ăn...

Thật là đau xót quá, lời nói nghẹn ngào của đồng đội, của nhân dân và của Tổ quốc trên 48 năm qua đã in đậm trong tâm trí mọi người về hình ảnh hy sinh anh dũng của những anh hùng trên mảnh đất Ngã Ba Đồng Lộc.

Trên xe tất cả đều yên lặng, mỗi người mỗi ý nghĩ. Muốn nói hay kể nhưng rồi lại thôi. Nhưng rồi lịch trình trong những ngày ở Hà Tĩnh như thế nào cũng được nói đến. Với giọng nặng của người Nghệ An, Hà Tĩnh, chúng tôi thật không quen và không nghe ra, chỉ biết cười, vậy mà về sau cũng lần lần hiểu nhau. Ngôn ngữ ba miền chỉ vài trăm cây số là đã khác. Văn hóa Việt Nam thật là phong phú.

Đã đến Hà Tĩnh, thành phố nhộn nhịp, đường vào thành phố rất to và hai bên san sát nhà. Chúng tôi được đưa vào Khách sạn Công đoàn. Trời cũng xế trưa. Quả thật cái nóng cháy da nhưng không oi ả, ẩm thấp như Hà thành.

Buổi chiều, chúng tôi đến trường tiểu học bị tàn phá bởi trận bão vừa qua. Trường hầu như bị mất hết bàn ghế. Sách học thì cuốn theo dòng nước. Địa thế trường nằm trên phần chia nhánh của đất và sông, phương tiện di chuyển sang bên kia sông phải đi bằng thuyền hay đò như thuở xưa, không an toàn cho các cháu và thầy cô giáo, nhất là vào mùa nước lũ. Nếu đi đường bộ xe phải mất vài chục cây số để qua bờ sông bên kia, thật là bất tiện, khó khăn. Mặt trời lên đỉnh đầu. Tia nắng phản chiếu trên mặt sông làm cho không khí nóng bỏng và ngột ngạt.

Khi sang bờ sông để đến trường, chúng tôi mới biết sự cực khổ và hy sinh của các cô thầy giáo và các em như thế nào, mổi ngày đến trường không ngại nguy hiểm nhất là những lúc mưa gió và lũ lụt.

Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Hà Tĩnh đề nghị chúng tôi giúp cho áo phao nổi và áo ấm cho các em để khi xảy ra sự cố gì thì các em có thể tự bơi vào bờ. Nghe nói thấy làm lạ nhưng thực tế là thế.

Khi đến trường, các em nhốn nháo rồi cũng trật tự xếp hàng, không khí rất vui vẻ và các em đều chờ đợi để được quà.

Ngày sau chúng tôi lại đi nơi khác, hỗ trợ cho gia đình hoàn cảnh khó khăn như gia đình em Tuấn và em Linh, vì tai nạn xe mà cha mẹ đều mất nên hiện nay ở với ông bà ngoại đã già yếu, hay là gia đình em Thu với hoàn cảnh cha thì bỏ đi, mẹ đau ốm thường xuyên.

Số tiền hỗ trợ tuy không lớn đối với chúng ta nhưng lại có thể thay đổi đời sống hàng ngày cho gia đình em Tuấn, em Linh, để ông bà mua con bò, con nghé. Hai em coi bò, nghé là bảo vật trong gia đình. Mỗi lần đi học về là chạy ra đồng chăm sóc, thường xuyên mang luôn sách vở vừa chăn bò vừa học bài. Mỗi lần bò có triệu chứng biếng ăn là các em muốn ở nhà để chăm sóc, dù bị ông bà mắng nhưng vẫn kiên quyết ở nhà để canh sức khỏe bò.

Những lời kể này làm chúng tôi rất xúc động. Cô Trần Thị Đào - Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cho biết: “Để huy động nguồn tài trợ, trước hết phải tạo được uy tín, niềm tin. Cán bộ quỹ với tinh thần trách nhiệm của mình luôn khảo sát tận đối tượng, phản ánh đúng thực tế, đảm bảo tấm lòng của nhà hảo tâm được trao đúng người, đúng hoàn cảnh”.

Chúng tôi rời Hà Tĩnh với hình ảnh các em trên con đường vất vả đến trường, rồi hình ảnh em Tuấn, em Linh bỏ học để chăn bò vì con bò ấy là của gia đình em và cũng là tương lai của các em.

Làng Phong, Quy Hòa, một chiều nắng ấm, các em trường tiểu học Kim Đồng chen nhau đón chúng tôi. Nhưng văng vẳng đâu đây tiếng ngâm thơ quá quen thuộc:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Gió theo lổi gió, mây đường mây, dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...

(Hàn Mặc Tử)

Hàn Mặc Tử là một nhà thơ kiệt tài trong làng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam, là người khởi xướng ra Trường thơ loạn, hiện nay vẫn còn tranh cãi. Ông mắc bệnh phong và mất năm 1940 khi mới bước sang tuổi 28 tại trại Phong Quy Hòa, ngôi mộ hiện nằm tại Ghềnh Ráng, thành Phố Quy Nhơn.

Nếu nói tới nhà thơ Hàn Mặc Tử là phải nói đến làng Phong, Quy Hòa (còn gọi là “Thung lũng tình yêu”). Khi ở nơi đây với những cảnh vật bao quanh, người ta sẽ quên đi mình đang ở bệnh viện Phong, mà sẽ lặng lẽ chìm đắm trong một không khí nên thơ và lãng mạn với cảnh đẹp lặng lẽ, dịu dàng và bình thản của thiên nhiên giữa núi và biển. Nơi đây còn là mái ấm của những con người nhiều nỗi đau tinh thần lẫn thể xác vì mặc cảm với xã hội.

Mỗi lần đến đây, tôi đều được tận hưởng những phút êm đềm của biển và núi để nghe tiếng thì thầm của phi lao hòa với tiếng sóng rì rào của biển. Đến trường dự lễ phát học bổng cho các em học sinh của gia đình bệnh phong, các em đều trang nghiêm ngồi chờ thầy cô giáo gọi tên mình để nhận lấy món quà tuy không nhiều nhưng cũng là sự chia sẻ hỗ trợ cho gia đình các em.

Trong chuyến đi này, chúng tôi cùng đi với Đoàn Sinh viên Y khoa Đại học Bichat, thành phố Paris, Pháp gồm 4 nam và 3 nữ. Các anh chi ấy cùng vui chơi với các em nơi đây, tu bổ lại trường tiểu học Kim Đồng của làng Phong đã bị xuống cấp vì bệnh viện không có ngân sách để sửa chữa.

Ngày phải rời Quy Hòa, rời Làng Phong và các em sau một tuần lễ sống chung với nhau, tình cảm gắn bó, lưu luyến rồi phải rời xa và không biết ngày nào trở lại. Ngày chia tay, các em ôm chầm lấy chúng tôi để tỏ lòng biết ơn với nước mắt tuôn trào. Thương quá, không ai trong chúng tôi cầm lòng được.

Xe của bệnh viện đưa chúng tôi đi Buôn Ma Thuột bắt đầu chuyển bánh, các em chạy đuổi theo sau, chúng tôi phải dừng xe lại lần nữa để từ giã các em. Các thành viên trong đoàn ai cũng cảm động rơi nước mắt. Tôi đã nói, mỗi dự án kết thúc trong buổi chia tay là nhiều giọt nước mắt rơi...

Sau chuyến đi Quy Hòa, thành phố Quy Nhơn, chúng đi Buôn Mê Thuột. Huyện Krông Buk có dự án xây trường mẫu giáo tại thôn Ea Tuk được hỗ trợ xây dựng từ chương trình Nhịp cầu nhân ái của Hội Người Việt Nam tại Pháp và sự hưởng ứng của một nhà hảo tâm cho dự án này.

Qua đèo An Khê và đến thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk là trung tâm vùng Tây Nguyên và chủ yếu trồng café. Buôn Ma Thuột gốc tiếng Ê Đê, nghĩa là bản hay làng của Cha Thuột; nó xuất phát từ tên gọi buôn của Ama Thuột (Ama là Cha; Thuột là tên Con); người Ê Đê khi có con trai, thì họ gọi nhau bằng tên của con trai mình là Thuột, ở đây Ama Thuột nghĩa là Cha của Thuột và thường gọi là Cha Thuột). Chính vì thế, ngày nay, Buôn Ma Thuột còn có tên là làng Ama Thuột (Làng của cha Thuột).

Xe đưa chúng tôi đến Ủy Ban huyện Krông Buk để dự lễ khách thành trường mẫu giáo tại thôn Ea Tuk. Khi đến nơi mọi người đang đợi chúng tôi. Quả thật, có sự thay đổi rõ ràng, trước đây, nơi này là một bãi đất đỏ mà nay đã có ngôi trường xinh đẹp và ấm cúng.                        

Các em trật tự xếp hàng để đón chúng tôi với những cành hoa trên tay và vui mừng vì có trường mới. Các em không còn phải đi học xa. Chúng tôi rất hãnh diện vì đã làm được những điều có ích cho tỉnh Đắk Lắk và đây là lần thứ hai chúng tôi thực hiện dự án chương trình hỗ trợ cho Đắk Lắk. Dự án đầu tiên là 100 học bổng cho con em đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Ea Sup.

Tiếng hát của các em vang lên trong lớp học còn mùi sơn mới, lòng tôi ấm lại, tràn đầy sự cảm động về những người đã luôn có lòng quyết tâm làm gì đó cho đất nước, với tâm niệm nơi đâu cũng là nhà, Đắk Lắk cũng là nhà và Việt Nam chính là đại gia đình để cộng đồng Việt Nam dù ở đâu cũng cùng chung tay chia sẻ với đồng bào mình.

Các em gồm nhiều dân tộc khác nhau nhưng cùng chung sống trong một mái nhà thân yêu và các em là tương lai của Tổ quốc. Chúng ta phải gieo hạt để trồng trừng, trồng tương lai thế hệ sau này cho Tổ quốc Việt Nam.

Em yêu trường em, với bao bạn thân và cô giáo hiền, như yêu quê hương, cắp sách đến trường trong muôn vàn yêu thương.

Nào bàn nào ghế, nào sách nào vở, nào mực nào bút, nào phấn nào bảng và tiếng chim vui trên cành cây cao cả lá cờ sao trong nắng thu vàng.

Yêu sao yêu thế, trường của chúng em.

Bài ca “Em yêu trường em” chấm dứt hành trình hoạt động hướng về miền Trung, Việt Nam.

Chào tạm biệt và hẹn kỳ sau hành trình hoạt động hướng về miền Nam.

Paris, mùa nước ngập sông Seine, tháng 6 năm 2016

Tặng người con gái phương xa

Nguyễn Thanh Tòng (Pháp)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang