19/07/2009 06:41:30 PM
Bác Hồ với thanh niên Việt Nam ở nước ngoài

Đó là tên gọi của cuộc Tọa đàm diễn ra sáng nay tại Thư viện Bảo tảng Hồ Chí Minh của hơn 90 đại biểu thanh thiếu niên kiều bào về dự Trại hè Việt Nam 2009… Tự hào về truyến thống của dân tộc, các đại biểu nguyện tích cực học tập, hỗ trợ lẫn nhau phát huy truyền thống, cố gắng đạt được những đỉnh cao của học vấn, trí tuệ để góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam.

Sáng 19/7, sau Lễ khai mạc diễn ra tại Quảng trường Ba Đình, các đại biểu Trại hè Việt Nam 2009 đã cùng với 100 thanh niên tình nguyện của Thủ đô và các tỉnh thành khác vào Lăng viếng Bác, đi thăm Khu Di tích Phủ Chủ tịch, thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh và có buổi tọa đàm đầy ý nghĩa với chủ đề “Bác Hồ với thanh niên Việt Nam ở nước ngoài”.



Ông Nguyễn Thanh Sơn phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm

Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm; phát động phong trào, kêu gọi thanh niên và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", và tiến hành sưu tầm kỷ vật liên quan đến Bác.

Chương trình Toạ đàm đã diễn ra trong không khí cởi mở, sôi nổi và xúc động. Với tình yêu bao la với Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bạn thanh niên kiều bào đã có những bài tham luận rất cô đọng, bộc bạch những suy nghĩ, cảm tưởng của thế hệ thanh niên kiều bào về Bác Hồ kính yêu.

Bác Hồ trong lòng thanh thiếu niên kiều bào

Sang sinh sống ở Ba Lan từ nhỏ, nhưng Thắng nói tiếng Việt rất tốt. Cô yêu văn học và đã đọc khá nhiều sách văn học Việt Nam do được truyền lại từ tình yêu văn chương của người mẹ - người từng là cô giáo dạy văn khi còn ở Việt Nam. Thắng cho biết, hồi nhỏ cô đã đọc tác phẩm “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng (kể về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của dân tộc ta từ khi Người được sinh ra tại làng Sen (Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) cho đến khi Người ra đi tìm đường cứu nước). Thắng tâm sự, “… Điều mà em thích nhất khi đọc ‘Búp sen xanh’ là em được tìm hiểu sự vận động của tâm lý và tư tưởng của Bác, để hiểu được tại sao từ một con người bình thường sinh ra ở một làng quê bình thường, vốn là con của một nhà Nho, Bác lại không đi theo một cái hướng được vạch sẵn cho mình, mà tự mình lại có một tư tưởng tiến bộ xuất dương tìm đường cứu nước, trở thành Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và giành được độc lập tự do cho đất nước của mình…”. Thắng học được từ Bác ý chí và nghị lực phi thường, sự hy sinh quên mình vì Tổ quốc, dám dấn thân vì sự nghiệp, quyết tâm đi theo con đường đi riêng của mình, cho dù con đường đó chông gai chưa ai đi tới, và lúc đầu có thể không được người khác ủng hộ.



Hà Thị Trang 
 

Hà Thị Trang năm nay 25 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Lào kể, cha cô là một cựu chiến binh, nhà cô là nơi hay được đón tiếp các cựu chiến binh Việt Nam sang Xiêng-khoảng để thăm lại chiến trường xưa. Bao câu chuyện chiến đấu gian khổ, hy sinh, những câu chuyện về Bác – vị lãnh tụ kính yêu, người mở đường cho độc lập tự do của dân tộc luôn được kể ra. Cô lớn lên trong tình cảm ấy. Cô nhớ câu chuyện cha cô kể, hôm nghe tin Bác Hồ mất, lúc đó không ai bảo ai, Lào cũng như Việt đều khóc. Chưa ai trong đơn vị của cha cô được thấy Bác Hồ, nhưng hình ảnh của một vị Lãnh tụ sáng ngời chính nghĩa, chí công, vô tư và vô cùng giản dị đã in sâu trong lòng tự lúc nào! Lúc đó đơn vị của ông đã không còn gạo, muối để ăn, địch lấn chiếm tứ tung, anh em hy sinh nhiều. Nhiều người nản chí: Thôi, hết rồi lý tưởng của chúng ta, ngọn đuốc dẫn đường cho cách mạng của chúng ta đâu còn nữa! Không biết ta có còn đánh được Mỹ ngụy không? Tương lai ta rồi sẽ ra sao đây? Nhưng bản Di chúc của Bác Hồ như tiếp thêm sức mạnh cho mọi người, dần dần các đơn vị Lào cũng được tập hợp và củng cố; các đơn vị Việt Nam lại lên Xiêng-khoảng tiếp sức và đã giải phóng được Xiêng-khoảng, tiến đến giải phóng cả nước Lào.

Tạ Bích Thủy Kitty vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành truyền thông ở Hungary. Cô rất vui được tham dự Trại hè dành cho thanh thiếu niên kiều bào. Ra nước ngoài từ khi mới 2 tuổi, cô và anh trai được mẹ dạy tiếng Việt và giáo dục về truyền thống văn hóa và lịch sử Việt Nam. Cô bảo, cô rất khâm phục Bác Hồ - vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người cộng sản yêu nước thương dân, đã hy sinh cả cuộc đời riêng cho độc lập, tự do của dân tộc.

Học tập và làm theo tấm gương của Bác

Luôn ghi nhớ là “con Lạc, cháu Hồng”, là những người con của dân tộc Việt Nam có truyền thống lịch sử hào hùng và ngàn năm văn hiến, thanh thiếu niên Việt Nam ta ở nước ngoài nguyện ra sức học tập và giữ gìn, truyền bá tiếng Việt, văn hóa và truyền thống Việt Nam, học tập những tinh hoa văn hóa của nhân loại để góp phần làm giàu có và phong phú hơn các giá trị văn hóa Việt Nam.



Các đại biểu tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm với 
ông Phạm Văn Linh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW
 

Trong tham luận của mình, Chu Ngọc Minh đến từ Nga cho rằng, “Bác là tấm gương sáng để chúng ta soi vào và phấn đấu… Noi gương của  Bác, tôi nghĩ rằng chúng ta cũng nên biết nhiều ngoại ngữ, có như thế mới học hỏi được nhiều điều hay, làm việc mới tốt hơn đuợc. Bác Hồ vì rất yêu nước nên đã ra đi tìm đuờng cứu nước và chúng ta là con cháu của Người chúng ta phải phát huy truyền thống yêu nước thương nòi, cùng nhau xây dựng Tổ Quốc ngày càng giàu đẹp.” Theo Minh, “Học tập Bác là học tập cách sống giản dị, đoàn kết của Người. Có như thế mới tranh thủ đuợc sự ủng hộ to lớn của nhân dân thế giới trong công cuộc xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh và giàu đẹp”.

Hà Thị Trang cho biết, cô rất tự hào được về nước học tập và đã tốt nghiệp Thủ khoa Đại học Y Thái Bình (niên khoá 2003 – 2009). Trang tâm sự, “Tương lai đây em sẽ là một bác sỹ, chắc chắn em sẽ đem theo tình cảm yêu thương của cả hai dân tộc Việt – Lào, với cái tâm “lương y như từ mẫu” để chữa cho những người bệnh trên đất nước Lào, để tình cảm của Bác Hồ luôn sống mãi trong lòng người dân của đất nước Lào thuỷ chung và kiên cường”.



Tạ Bích Thủy Kitty

Trở về nước lần này, Tạ Bích Thủy Kitty có một dự định lớn hơn là xin việc làm ở Việt Nam. Cô tâm sự, học tập tấm gương của Bác, cô mong muốn sẽ đóng góp được cho đất nước dù sinh sống, làm việc ở Việt Nam hay ở nước ngoài. Thủy bảo, “Một mình mình có thể chỉ làm được một vài việc tốt nhỏ bé thôi, nhưng nhiều cái nhỏ bé góp lại sẽ làm nên những cái lớn. Em hy vọng mình sẽ làm được nhiều việc tốt cho quê hương, góp phần phát triển đất nước”.

Cuộc tọa đàm nhấn mạnh nhân cách thanh cao, lối sống giản dị của vị Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, người đã vạch đường chỉ lối, lãnh đạo dân tộc làm nên một thời đại mới của độc lập, tự do, ấm no và hạnh phúc. Các đại biểu Tọa đàm tự hào về truyến thống hiếu học của dân tộc, nguyện tích cực học tập, hỗ trợ lẫn nhau phát huy truyền thống, cố gắng đạt được những đỉnh cao của học vấn, trí tuệ để góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam.

Đây là một hoạt động đặc biệt trong chương trình của Trại hè Việt Nam 2009, không chỉ bởi lần đầu tiên được tổ chức trong các lần trại hè cho thanh thiếu niên kiều bào, mà còn bởi chính ý nghĩa thiết thực của nó là giúp đại biểu về dự Trại hè hiểu biết nhiều hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nâng cao lòng tự hào dân tộc, tình yêu đất nước, quê hương, hướng về cội nguồn. Hoạt động do Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức.

Mai Chi

Một số hình ảnh của đại biểu Trại hè Việt Nam 2009 sáng 19/7:



Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn và các đại biểu đi thăm Khu Di tích Phủ Chủ tịch
 



Vào thăm Nhà sàn của Bác
 



Nghe hướng dẫn viên kể chuyện bên Nhà sàn của Bác
 



Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn và các đại biểu đi thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh
 



Các đại biểu Trại hè xem các hiện vật tại Bảo tàng Hồ Chí Minh
 



Một tiết mục văn nghệ tại buổi Tọa đàm
 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác
  • Xúc cảm về nguồn cội (17/08/2009)
  • Bế mạc Trại hè Việt Nam 2009: Lưu luyến giờ phút chia tay (04/08/2009)
  • Tiếp tục hành trình phương Nam (04/08/2009)
  • Chặng dừng chân ở thành phố mang tên Bác (01/08/2009)
  • Những ngày hè vui ở miền Trung (30/07/2009)
  • Đến với Huế - thành phố di sản Việt Nam (28/07/2009)
  • Giao lưu “Ký ức chiến tranh và Khát vọng hòa bình” (27/07/2009)
  • Lễ tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia đường 9 (26/07/2009)
  • Trại hè Việt Nam 2009: Thăm các chứng tích chiến tranh trên đất Quảng kiên cường (25/07/2009)
  • Tin ảnh: Đêm lửa trại bên bãi biển Nhật Lệ (25/07/2009)

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Tiếp tục hành trình phương Nam
Thăm Trung tâm điều dưỡng thương binh Nghệ An
Khai mạc Trại hè Việt Nam 2009 “Ngọn đuốc dẫn đường” bên lăng Bác Hồ
Bế mạc Trại hè Việt Nam 2009: Lưu luyến giờ phút chia tay
Giao lưu “Ký ức chiến tranh và Khát vọng hòa bình”
Xúc cảm về nguồn cội
Bế mạc Trại hè Việt Nam 2009: Lưu luyến giờ phút chia tay
Tiếp tục hành trình phương Nam
Chặng dừng chân ở thành phố mang tên Bác
Những ngày hè vui ở miền Trung
Đến với Huế - thành phố di sản Việt Nam
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang