19/11/2014 05:13:12 PM
Những năm tháng không thể nào quên

Những năm tháng công tác tại Ủy ban cũng để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên khi tiếp xúc với kiều bào, cảm nhận rõ về tình yêu quê hương đất nước của đồng bào ta khi xa quê hương dù mỗi người có cách yêu nước riêng.

 

 

 



 Ông Nguyễn Dy Niên tại buổi gặp mặt kiều bào mừng Xuân Canh Thìn 2000


Tôi được phân công làm Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban) ngay sau khi Chính phủ quyết định đưa Ủy ban về thành một đơn vị của Bộ Ngoại giao. Quyết định này thể hiện sự quan tâm rất lớn của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công tác kiều bào, nhất là của Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ.

Nhận nhiệm vụ, tôi bắt tay ngay vào công tác mới mẻ này với không ít lo lắng, trăn trở. Việc đầu tiên mà tôi nghĩ đến là làm thế nào để cán bộ của Ủy ban hội nhập được với Bộ Ngoại giao, bởi cán bộ của Ủy ban lúc đó về từ rất nhiều nguồn khác nhau, phần lớn có kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng nhưng có độ chênh nhất định với cán bộ của Bộ về kiến thức đối ngoại, kỹ năng ngoại giao và trình độ ngoại ngữ.

Nhớ lại lúc đó tinh thần của anh em cán bộ Ủy ban khi về với Bộ Ngoại giao đều rất vui mừng, phấn khởi, coi đây là cơ hội mới nên rất nỗ lực, phấn đấu trau dồi học tập và nâng cao trình độ. Khoảng 2- 3 năm sau, Bộ có chủ trương đưa cán bộ Ủy ban ra nước ngoài, với chức danh cán bộ ngoại giao chuyên trách về công tác kiều bào. Đó là điều rất đáng mừng, không khí chung trong cơ quan sôi động hơn và công tác ngày càng đi vào nề nếp. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với NVNONN, hoạt động của Ủy ban lại càng được mở ra, sôi nổi hơn và phối hợp tốt hơn với các ngành, các cấp, các cơ quan trong nước trên tinh thần cùng nhau thực hiện Nghị quyết.

Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, công tác của Ủy ban khi đó tập trung vào hai mảng công việc lớn, một mặt tìm cách tiếp xúc với bà con ta ở nước ngoài, mặt khác gặp gỡ bà con mình ở trong nước để lắng nghe tâm tư, tình cảm nguyện vọng từ hai phía nhằm kéo mọi người xích lại gần nhau hơn. Thời kỳ đầu công tác này gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở miền Nam, bởi chiến tranh tuy đã qua đi, nhưng những nỗi đau, mất mát để lại cho nhiều gia đình - ở cả trong và ngoài nước – chưa thể nguôi ngoai ngay được. Trong lúc đó, chúng ta chủ trương hòa giải, hòa hợp và đại đoàn kết dân tộc, phải làm sao để kiều bào trở về và gắn bó với đất nước, những người có tư tưởng chống đối, thù hận ngày càng ít đi, những người có tình yêu đất nước lại càng gắn bó hơn với quê hương. Điều mà Ủy ban đã đầu tư công sức nhiều là làm cho trong nước có sự thông suốt, thống nhất về công tác vận động kiều bào, giúp các đồng chí lãnh đạo và nhân dân tại các địa phương bỏ qua những định kiến và sự khác biệt do hoàn cảnh lịch sử để lại để chúng ta tìm sự đồng thuận, cùng chung sức xây dựng đất nước.

Về kiều bào ta ở nước ngoài, nói chung đồng bào ta ở bên ngoài luôn mang trong mình tình yêu quê hương và mong muốn gắn bó với đất nước, dù trong cộng đồng vẫn còn một bộ phận nhỏ có cái nhìn thù hận, cố chấp với những ký ức nặng nề. Trong khi những người yêu nước thường thể hiện tình yêu quê hương một cách đằm thắm và sâu lắng, thì những những người chống đối lại thường “ồn ào” hô hào chống chế độ trong nước. Để giúp những người này bỏ đi những thù hận, cố chấp và mặc cảm, kinh nghiệm sâu sắc nhất để lại khi làm công tác vận động là hết sức chủ động đối thoại có lý có tình và kiên trì.

Hiện tại sự hòa hợp đã thuận hơn rất nhiều, nhất là sau nhiều năm triển khai Nghị quyết 36 với những chính sách thỏa đáng, tạo cơ hội cho nhiều người trở về tận mắt thấy sự đổi thay và phát triển của đất nước. Đây là sự thuyết phục sâu sắc và cơ bản nhất. Trong quá trình phát triển, chúng ta còn nhiều khó khăn cần phải khắc phục nhưng lộ trình đã rõ, Việt Nam sẽ trở thành thành một nước công nghiệp hiện đại, dân chủ và văn minh trong một thời gian không xa nữa. Đó là sức hút mạnh mẽ đối với kiều bào ta hướng về Tổ quốc. Trong tình hình chuyển động như vậy, Ủy ban có nhiều thuận lợi để đẩy mạnh hòa giả hòa hợp dân tộc hơn nữa để quá trình này đi nhanh hơn, tốt hơn và thể hiện một cách rõ ràng hơn, tiến tới xóa bỏ sự phân biệt giữa người trong nước và người ngoài nước, người từng ở chiến tuyến bên này và bên kia.

Một điều mà tôi vẫn luôn đau đáu từ khi phụ trách công tác của Ủy ban là làm thế nào đưa được ngày càng nhiều trí thức Việt kiều về làm việc trong nước. Một số trí thức kiều bào rất hăng hái, nhưng ở nước ta môi trường để họ làm việc phù hợp với trí tuệ, năng lực của họ vẫn chưa đủ. Trong điều kiện hiện nay, ta chưa thể nôn nóng, mà cần kiên trì tạo những điều kiện thuận lợi để có thể mời được về nước những trí thức lớn như nhiều nước đã làm thành công. Một điều mong ước nữa của tôi mà đã được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hết sức tán đồng đó là xây dựng một tượng đài Hòa bình ở thành phố Hồ Chí Minh hay ở một địa danh khác để mọi người Việt, người nước ngoài có thể đến thắp một nén nhang, đặt một bông hoa để tưởng nhớ những người đã mất trong chiến tranh.

Những năm tháng công tác tại Ủy ban cũng để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên khi tiếp xúc với kiều bào, cảm nhận rõ về tình yêu quê hương đất nước của đồng bào ta khi xa quê hương dù mỗi người có cách yêu nước riêng. Sống giữa đại dương mênh mông của văn hoá Âu-Mỹ nhưng phần lớn bà con vẫn giữ được nét đẹp văn hoá truyền thống của Việt Nam. Tôi thật sự ấn tượng khi đi công tác tại Mỹ và tiếp xúc với một gia đình vợ Việt, chồng Mỹ. Tôi được mời vào nhà và ngỡ ngàng trước một không gian văn hóa thuần Việt. Từ tranh, ảnh, bàn ghế và nhiều vật dụng khác đều được mang từ Việt Nam sang. Khi hỏi chuyện, gia đình cởi mở cho biết với tình yêu quê hương Việt Nam, họ đã quyết định đưa con trai về nước để tìm cách cưới cho con một cô gái Việt Nam. Ông chồng người Mỹ rất tự hào kể với tôi câu chuyện đó.


 Ông Nguyễn Dy Niên trò chuyện với bà con kiều bào


Tuy đã hơn 50 năm trôi qua, có một câu chuyện về tình yêu quê hương đất nước của một đầu bếp Việt tại Anh mà tôi biết được cũng thật tự hào. Vào đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, Tổng thống Mỹ Kennedy sang thăm nước Anh, Nữ hoàng Elizabeth mở yến tiệc thết đãi khách quý. Trong thực đơn có món hải sản, nên một đầu bếp nấu hải sản giỏi nhất London lúc ấy là người Việt Nam, quê ở Thái Bình, có vợ là người Ý, được mời đến. Tổng thống Kennedy và phu nhân rất vừa ý với các món hải sản và khi kết thúc tiệc ông đề nghị với Nữ hoàng được gặp người đầu bếp này. Người đầu bếp được mời đến. Đứng trước bàn tiệc, Tổng thống Kennedy khen ngợi người đầu bếp về món hải sản tuyệt vời và muốn được bắt tay ông. Nghe vậy, người đầu bếp khẳng khái trả lời: Thưa Tổng thống, tôi xin được cảm ơn ngài về lời khen ngợi, nhưng bắt tay ngài thì tôi không dám vì đất nước ngài đang can thiệp quân sự vào đất nước tôi. Ông nói giữa bàn tiệc, can đảm như vậy, khiến các vị nước chủ nhà rất lúng túng nhưng Tổng thống Kennedy thì bình tĩnh nói: Tôi hiểu tình yêu của ông đối với đất nước. Dù sao vợ chồng tôi vẫn cảm ơn ông. Câu trả lời của Kennedy đã giải tỏa không khí bối rối khi ấy. Ngày sau đó báo chí London đăng tải câu chuyện này với tiêu đề “Một người đầu bếp từ chối bắt tay Tổng thống Kennedy”. Đáng tiếc là hiện tại tôi không có bài báo lưu lại tên tuổi người đầu bếp này mà chỉ có thể kể  theo trí nhớ.

Nhìn lại cả chặng đường đã qua, có thể thấy công tác kiều bào luôn được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm sâu sắc ngay từ khi cách mạng còn ở trong giai đoạn trứng nước. Kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Ủy ban là một sự kiện lớn, đánh dấu bước trưởng thành mới của Ủy ban nói riêng và công tác đối với NVNONN nói chung. Đây là dịp để chúng ta tôn vinh những gì mà các bậc tiền bối đã xây dựng để chúng ta có được ngày hôm nay. Để xứng đáng với những thế hệ đi trước, tôi tin tưởng rằng với thế hệ lãnh đạo hiện nay, Ủy ban sẽ chủ động, sáng tạo hơn nữa và có nhiều phương thức, cách làm mới đáp ứng những đòi hỏi của tình hình mới. Để làm được điều đó, quan trọng hơn cả vẫn là trình độ của đội ngũ cán bộ phải không ngừng nâng lên cùng với sự nhiệt huyết và lòng say mê với công tác kiều bào.

Đoàn kết và thành công luôn song hành với nhau. Chúng ta luôn ghi nhớ  điều mà Bác Hồ lúc nào cũng lưu ý để mọi người Việt Nam dù ở đâu cũng tương thân tương ái, nắm bắt tay nhau mà tiến lên.

Nguyễn Dy Niên
Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,
nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về NVNONN giai đoạn 1995-2000

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Vai trò và ý nghĩa của công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong công tác Dân vận của Đảng
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài: 55 năm- trên đà phát triển và hướng tới tương lai
Nâng cao hiệu quả công tác đối với NVNONN trong tình hình mới
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài kỷ niệm 55 năm thành lập
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp vận động người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân
Tạo niềm tin, chỗ dựa chắc chắn cho kiều bào
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài kỷ niệm 55 năm thành lập
Tạo niềm tin, chỗ dựa chắc chắn cho kiều bào
Nâng cao hiệu quả công tác đối với NVNONN trong tình hình mới
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp vận động người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân
Vai trò và ý nghĩa của công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong công tác Dân vận của Đảng
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài: 55 năm- trên đà phát triển và hướng tới tương lai
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang