19/05/2014 02:11:28 PM
Nghị quyết 36 qua kinh nghiệm báo chí của một nhà báo

Sau này, khi có dịp đọc văn bản NQ36, đọc thật kỹ nội dung, tôi không khỏi giật mình vì ít nhiều nào đó, NQ36 rất phù hợp với tiêu chí và con đường báo chí mà anh em Việt Weekly đã cùng nhau ngồi bàn thảo để thực hiện… Thế nhưng ai có can đảm dám đi con đường báo chí tự do ngay trong chính điểm nóng là cộng đồng Việt cực đoan chống cộng ở Little Saigon? Cái giá phải trả cho việc làm "cá vượt vũ môn" ấy là gì?

 


Tác giả Etcetera Nguyễn thăm quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa 


Khoảng thời gian 10 năm của Nghị quyết 36 (2004 – 2014), vô tình cũng trùng khớp với thời gian làm báo của tôi với tờ Việt Weekly, một tuần báo phát hành tại trung tâm Little Saigon ở miền Nam California - nơi được xem là "Thủ đô tị nạn" của khối chống cộng cực đoan nhất ở hải ngoại.

Có quá nhiều những chuyện đáng viết, muốn viết, cần viết để ghi nhớ cho mình, và kể cho mọi người nghe về giai đoạn này. Nhưng với khuôn khổ của một bài báo, bài viết này chỉ nêu lên một số suy nghĩ riêng, kiểm nghiệm lại đôi mốc thời gian có tính cách thời sự để bạn đọc có được vài ý niệm về quãng thời gian 10 năm của một nghị quyết quan trọng đối với khối kiều bào sinh sống ở nước ngoài, nhất là cộng đồng Việt Nam ở Hoa Kỳ. Một điểm khác cũng cần nói rõ thêm, nội dung bài viết chỉ phản ánh ý kiến của một nhà báo đứng trên quan điểm độc lập, không đại diện cho chủ trương của bất cứ ai, tổ chức nào, hội đoàn nào, kể cả báo Việt Weekly. Khi làm báo, tôi đã cùng đồng nghiệp chủ trương Việt Weekly mong muốn tờ báo là phục vụ thông tin cho độc giả một cách khách quan, trung thực, và mỗi nhà báo đều giữ thái độ báo chí, quan điểm báo chí độc lập.

Nghị quyết số 36/NQ-TW và Cộng đồng Việt ở Hoa Kỳ

Trước khi Nghị quyết 36 (NQ36) ra đời, một sự kiện đáng nhắc lại trong lịch sử người Việt sinh sống ở vùng Nam California, đó là một ngày đầu năm 1999, ông Trần Trường đã treo lá cờ Việt Nam ngay trong tiệm bán băng video của ông ta và kêu gọi các nhà báo trong vùng này đến "họp báo" đưa tin nóng bỏng này. Trong một cộng đồng người Việt có nhiều tổ chức, cá nhân còn nặng lòng thù hận với chính quyền Việt Nam, việc làm trên của ông Trường bị xem là "khiêu khích, tuyên truyền cho cộng sản". Một làn sóng chống đối, biểu tình liên tục trong suốt 53 ngày trước cửa tiệm của ông cho đến khi Hội đồng thành phố Westminster vào cuộc, giải quyết vấn đề, chuyện mới xong.

Tác động của sự kiện Trần Trường đã khiến cho khối chống cộng đối phó bằng một chiến dịch gọi nôm na là "Chiến dịch cờ vàng". Nương theo cái đà cờ vàng này, bất cứ ai có quan điểm khác với sự cực đoan chống cộng trong cộng đồng, đều bị chụp mũ là "tay sai, thân cộng" và kết quả là bị phản đối, bị biểu tình. Nói về báo chí của người Việt trong cộng đồng, thì hầu như 100% phải nói theo, cổ vũ cho các sinh hoạt chính trị, các đảng phái chống cộng một cách triệt để. Những tiếng nói khác - nếu có - cũng chỉ âm thầm, không công khai đăng tải bất cứ thông tin gì về tình hình hiện tại trong nước.

Trong bối cảnh đó, ngày 26/3/2004, Bộ Chính trị đã thông qua NQ36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, có thể nói, đó là một "quả bom tấn" đối với những tổ chức quan tâm đến chính trị cộng đồng. Ngay lập tức, các hội đoàn chống Cộng tung ra lời giải thích trong cộng đồng rằng "Đây là luận điệu của Cộng sản" nhằm vào khối người Việt để "tuyên truyền cho nhà nước Cộng sản". Tôi không tin rằng ai ai trong cộng đồng Việt ở hải ngoại từng tận mắt đọc văn bản cụ thể của Nghị quyết 36. Nhiều người chỉ nghe nói và thậm chí chỉ tin vào những luận điểm của những người chống Cộng đưa ra nhằm chống lại Nghị quyết này. Từ đó, bất cứ gì đến từ Việt Nam, từ những ca nghệ sĩ trình diễn, các viên chức chính khách, nhà ngoại giao nào đi từ Việt Nam vào cộng đồng, cũng bị tẩy chay và dán nhãn là "đang thực thi Nghị quyết 36 của Đảng".



 Thăm đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa


Tuần báo Việt Weekly và Nghị quyết 36

Trong bối cảnh nêu trên, tháng 10/2004, chỉ vài tháng sau khi NQ36 ra đời, tuần báo Việt Weekly ra đời. Đúng hơn, anh em chủ trương Việt Weekly đã từng thử nghiệm làm báo trước đó một năm với tờ đặc san Mimi News. Tôi, Etcetera Nguyễn, cùng với một số anh em trẻ dưới 50 tuổi cho xuất bản một diễn đàn báo chí tự do đầu tiên ở hải ngoại. Sở dĩ tôi dám nói thế, vì trước và cả bây giờ, vẫn chưa có một cơ quan truyền thông nào đi theo cách làm độc lập, tôn trọng mọi tiếng nói trên cùng một diễn đàn, trong một cộng đồng như thế mà có thể tồn tại nổi đến hôm nay. Và tất nhiên, những người làm báo như chúng tôi cũng phải trải qua tất cả những thử thách để tồn tại độc lập.

Sau này, khi có dịp đọc văn bản NQ36, đọc thật kỹ nội dung, tôi không khỏi giật mình vì ít nhiều nào đó, NQ36 rất phù hợp với tiêu chí và con đường báo chí mà anh em Việt Weekly đã cùng nhau ngồi bàn thảo để thực hiện. Điểm phù hợp giữa con đường báo chí của chúng tôi với NQ36 chính là vấn đề đưa tin sao cho trung thực, khách quan, đa chiều. Với những chủ trương chính được ghi trong NQ, chúng tôi nghĩ rằng sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho những nhà báo độc lập cũng như chủ trương của Việt weekly khi quyết tâm tìm đến thị trường bạn đọc là 90 triệu người dân trong nước và bạn đọc hải ngoại đến nay đã lên tới hơn 4 triệu người.

Thế nhưng ai có can đảm dám đi con đường báo chí tự do ngay trong chính điểm nóng là cộng đồng Việt cực đoan chống Cộng ở Little Saigon? Cái giá phải trả cho việc làm "cá vượt vũ môn" ấy là gì? Làm báo tự do ở một đất nước tự do mà không thể, không dám nói, dám đăng tin gì khách quan liên quan tới Việt Nam là chuyện khôi hài! Thế nên, cho dù vẫn biết chính trị cộng đồng địa phương rất nóng bỏng, rất cực đoan, nhưng Việt Weekly đã khởi đầu công việc báo chí đưa tin của mình một cách thẳng thắn. Đó chính là việc đi tham dự và đưa tin "Tiệc mừng xuân 2005" tại San Francisco, do Lãnh sự quán Việt Nam tổ chức cho kiều bào ăn Tết. Dư luận trong độc giả về số báo đó, tôi còn nhớ là rất xôn xao, chú ý cho sự kiện này.

Sau cái “lần đầu tiên sự kiện Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco" ấy, tiếp theo là Hội nghị APEC lần thứ 14 được tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 12-14/11/2006. Việt Weekly cử 3 phóng viên, trong đó có tôi, về Việt Nam 2 tuần để đưa tin về sự kiện APEC, đồng thời ghi nhận bên lề các hình ảnh, đời sống của người Việt Nam trong suốt thời gian lưu trú làm việc tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (TP HCM). Những trang báo với bài viết, hình ảnh, câu chuyện, phỏng vấn mọi giới, mọi tầng lớp người dân ở Việt Nam từ chuyến đi, được đăng tải nhiều số báo sau đó trên tuần báo Việt Weekly của chúng tôi đã làm vùng Little Saigon như "lên cơn sốt" vì chưa từng có một tờ báo nào dám đưa tin chính xác "mắt thấy tai nghe" như thế trong cộng đồng.

Không lâu sau, nhóm phóng viên Việt Weekly lại trở lại Việt Nam vào tháng 1/2007, chúng tôi làm một chuyến đi xuyên Việt 3 tuần để khảo sát các vùng miền Việt Nam. Từ Hà Nội tới TP HCM, qua các vùng miền, các nhà báo trẻ hải ngoại đã gặp gỡ, phỏng vấn rất nhiều người và ghi nhận nhiều hình ảnh. Bài phỏng vấn trực tiếp Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại TP HCM trong chuyến đi đó với nội dung sâu sắc được đăng nguyên bài, hình ảnh bìa trang nhất cho 45,000 ấn bản Việt Weekly của ba ấn phẩm từ Little Saigon, San Jose (Bắc California) và Toronto (Canada), đã làm nên một chấn động lớn với tất cả giới độc giả, tổ chức chống Cộng tại hải ngoại.

Trong khi độc giả đón nhận luồng thông tin phong phú, mới mẻ, sống động, đa dạng, phong phú và khách quan của Việt Weekly, thì phía các phe nhóm chống Cộng cay cú, và họ "mài gươm" để chờ cơ hội "làm thịt", triệt hạ tuần báo này.

Chúng tôi vẫn cứ đi con đường mình đã vạch ra là đưa tin Việt Nam "mắt thấy tai nghe", nhằm phục vụ đa số khối độc giả không có cơ hội, điều kiện đi Việt Nam. Mỗi thành viên Việt Weekly tham gia chuyến đi được tòa soạn Việt Weekly bỏ tiền túi ra tài trợ toàn bộ chuyến đi. Điểm đặc biệt là không ai bị buộc phải viết theo bất kỳ một chủ trương, chính sách hay động cơ nào. Cứ thích gì viết nấy. Thấy sao nói vậy. Nhưng phải nói, phải viết cho chính xác!



 Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn gặp gỡ Việt kiều
tại New York, Mỹ, tháng 3/2014


Việt Weekly trả giá vì... Nghị quyết 36?!

Chuyện gì phải đến đã đến. Phe chống Cộng đã thu thập nhiều "bằng chứng" cho rằng Việt Weekly "thân Cộng", mà điển hình là bài báo phỏng vấn ông Võ Văn Kiệt. Tháng 6/2008, khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết công du sang Hoa Kỳ, có ghé đến vùng Nam Cali, Việt Weekly có bài phỏng vấn ông Chủ tịch nước đăng ngay trang bìa. Nhóm chống Cộng đã tổ chức biểu tình, triệt hạ Việt Weekly bằng tất cả những gì họ có thể làm, để làm im tiếng nói duy nhất ở hải ngoại công khai đi về Việt Nam đưa tin. Cuộc chống đối liên tục trong nhiều năm, kéo dài cho đến hôm nay vẫn tiếp diễn. Việt Weekly bị khốn đốn vì những đòn thù của phe chống Cộng, với sự ganh ghét của giới báo chí chống Cộng, vì đã dám công khai đi làm báo ở Việt Nam.

Tháng 11/2011, Việt Weekly vẫn vừa làm báo, vừa mời gọi sự tham gia của các đồng nghiệp khác cùng một khuynh hướng tự do gồm KBCHN, Phố Bolsa TV, Hướng Việt công khai về Việt Nam tham gia sự kiện báo chí. Năm 2012, Việt Weekly cử phóng viên tham gia chuyến đi thăm đảo Trường Sa, mang về nhiều thông tin quý báu về biển đảo Việt Nam cho bà con hải ngoại biết thêm tình hình biển Đông. Một chuyến đi mang nhiều giá trị thông tin, làm bão hòa sự chống đối cực đoan ở hải ngoại. Cũng trong chuyến đi này, tôi vinh dự gặp và làm việc trực tiếp những nhà ngoại giao tâm huyết như Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, một nhà ngoại giao có nhiều nỗ lực bắc nhịp cầu cho cộng đồng trong và ngoài nước gần nhau hơn. Tôi cũng có nhiều dịp làm việc với các anh em nhà báo trong nước, tìm hiểu công việc báo chí của họ. Và cũng có nhiều dịp sống, trải nghiệm với con người, xã hội Việt Nam nhiều năng lực. Ấn tượng nhiều và mong muốn có dịp ở lâu hơn ở Việt Nam. Cơ hội ấy đã đến, liên tiếp trong hai năm 2013-2014, Việt Weekly mở lại trang báo điện tử trên mạng. Tôi là phóng viên duy nhất của Việt Weekly được cử về Việt Nam làm việc. Sống nhiều ngày tháng ở Hà Nội, ở khắp các vùng miền ở Việt Nam để đưa tin, gặp gỡ, phỏng vấn khi có thể, đã giúp tôi có nhiều thời gian hơn để chiêm nghiệm công việc báo chí mà mình theo đuổi như một niềm đam mê và là một sự nghiệp không thể tách rời. Khi tôi rời Nam California, việc chống đối, chụp mũ đã bắt đầu mất tác dụng và bão hòa vì bị kiện tụng vu cáo. Thế nhưng, nạn biểu tình chụp mũ vẫn còn duy trì, là con dao luôn kề cổ những nhà báo muốn "vượt vũ môn" như chúng tôi!


 
Tác giả Etcetera Nguyễn tại Triển lãm ảnh “Trường Sa trong mắt chúng tôi” ở Mỹ 


Nghị quyết 36 và... tôi

Bây giờ tôi đang ở Hà Nội, vẫn hàng ngày theo dõi thời sự để làm báo, đưa tin lên trang mạng Việt Weekly bất cứ lúc nào có thể. Tôi có thời gian nhiều hơn để sống trọn vẹn trên quê hương, để làm công việc báo chí phục vụ khối độc giả của Việt Weekly ở hải ngoại. Qua 10 năm làm báo tới nay (2004-2014) nhìn lại, đánh giá những gì Việt Weekly, và cả tôi đã làm được, tôi không khỏi nở một nụ cười thú vị vì mối tương quan gắn liền với chính sách chiến lược của nhà nước Việt Nam dành cho kiều bào hải ngoại: Chính phủ Việt Nam cho rằng NQ36 hoàn toàn nhằm phục vụ quyền lợi của khối kiều bào nước ngoài bằng những thiện ý. Thế nhưng, các tổ chức chống Cộng lại cố tình bóp méo những ý tốt này để tạo ra sự nghi kỵ, để triệt hạ lẫn nhau.

Trong bối cảnh đó, tôi vẫn làm công việc báo chí của mình. Trong khi Việt Weekly bị tẩy chay, triệt hạ ngay tại nơi tôi sống là ở Hoa Kỳ, công việc báo chí của tôi gặp khó khăn trong các sinh hoạt cộng đồng, gần như phải bỏ cuộc; ngược lại, khi sống và làm việc ở Việt Nam, tôi lại được khá nhiều ưu tiên trong việc làm báo khi đưa tin, tác nghiệp tại các vùng miền trên Việt Nam. Tôi lựa chọn con đường báo chí lâu dài. Tức là phục vụ đại đa số độc giả của tôi ở khắp nơi trong và ngoài nước. Tôi sẽ chọn những gì cho phép, dễ làm nhất có thể, để đi một con đường báo chí tự do là phục vụ dân sinh. Tôi tự hào là mình sống như một nhà báo độc lập, trong sạch bằng công việc mình làm ra, do đó tôi đi vẽ chân dung ngoài bờ Hồ Gươm, các hội chợ, các lễ hội đang diễn ra ở Việt Nam. Tôi nhận những đồng tiền từ sức lao động tim óc, nghệ thuật từ đôi bàn tay của mình. Chẳng ông nhà nước Cộng sản nào mua chuộc, trả tiền cho tôi làm công việc báo chí. Thế mà vẫn vui, vẫn tiếp tục con đường báo chí. Có lẽ, cũng như điều cốt lõi của NQ36 viết: "... Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn sinh sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại, đồng thời duy trì quan hệ gắn bó với quê hương, đất nước." Tôi cứ yên tâm mà làm việc để khi cầm viết nói lên tâm tư của mình, không hổ thẹn. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, không sai: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do!" Về Việt Nam sống và làm việc, tôi có nhiều dịp gặp gỡ độc giả của mình từ khắp các phương trời. Biết tôi nhiều khó khăn, nhiều bạn bè đã ủng hộ, giúp đỡ từ tinh thất đến vật chất bằng tình cảm quý trọng. Tôi cảm kích và xem đó là phần thưởng quý báu mà nghề báo trả lại cho tôi.

Sau 10 năm nhìn lại, tôi có một nhận định chung là, khối chống Cộng cực đoan đã phân hóa cùng cực. Một số "lãnh đạo cộng đồng" đã mệt mỏi và không còn năng lực, niềm tin vào những cuộc chụp mũ, biểu tình triệt hạ tiếng nói khác biệt quan điểm chính trị với họ vì, lòng dân đã thay đổi, không còn tin vào những luận điệu cũ rích "không chống Cộng tức là... thân Cộng". Những cuộc biểu tình về sau không làm người ta phải lo sợ mất ăn mất ngủ. Chuyện biểu tình nếu còn, cũng chỉ là một sinh hoạt "dân chủ tự phát" và không đe dọa ai được nữa. Những tổ chức, đảng phái cực đoan hiện nguyên trạng động cơ chính trị cho cá nhân mình nhiều hơn là cho đất nước. Tôi tin chắc rằng, NQ36 thực sự đã là một thử nghiệm về tình yêu quê hương, đất nước đối với các thành phần khác nhau trong cộng đồng NVNONN. Tôi tin vào điều đúng, vào lẽ phải. Cái gì đúng, cái gì phải sẽ tồn tại và phát triển. Cứ ngẫm thêm 10 năm tới mà xem.

Etcetera Nguyễn
(Việt Weekly, Hoa Kỳ)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài: Chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả và từng bước hiện đại
Kết quả 10 năm triển khai Nghị quyết 36/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài
Bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc: Động lực gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài
Gặp gỡ báo chí về Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36
Phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài
Kết quả 10 năm triển khai Nghị quyết 36/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài
Phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước
Bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc: Động lực gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước
Đổi mới hình thức và nội dung thông tin tuyên truyền đối với người Việt Nam ở nước ngoài
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang