06/02/2016 07:00:00 AM
Vợ “Tây” sắm Tết

Với những cô vợ “Tây”, món ăn ngày Tết của Việt Nam bao giờ cũng được họ cố gắng sửa soạn, nấu nướng, dồn hết tâm huyết, yêu thương của mình vì không chỉ là những món ăn họ yêu thích, đó còn là sợi dây gắn kết tình cảm trong gia đình, với quê hương của người chồng Việt và những đứa con yêu của họ.

- Mua cho tôi tập “giấy” để làm nem nhé! - Ông chồng người Việt chỉ tay vào tập bánh đa nem trong quầy hàng khô.

-  Không, tôi không mua đâu! - Cô vợ “Tây” thẳng thừng từ chối và nói thêm: - Ông đã nói món này chỉ có Tết mới phải làm cơ mà.

Rồi cô bước ra khỏi quầy hàng sau khi trả tiền mua gói kẹo thạch, kẹo ngô mà dứt khoát không trả tiền mua tập bánh đa nem trước sự thất vọng và buồn bã của người chồng và ngạc nhiên của những khách mua hàng người Việt ở đây.

Đó là chuyện của gần hai chục năm về trước, khi ấy những người Việt lấy vợ “Tây” còn rất ít tiếp xúc với đồng bào mình. Chỉ đến mãi sau này, khi đã trở nên thân quen hơn, tôi mới được ông “giải tỏa” điều thắc mắc vì sao món nem của người Việt khi bày trên bàn tiệc gần như tất cả người Tây đều thích sau khi ăn thử mà cô vợ ông lại cương quyết không mua.

Ông kể, ông sang đây đi học từ khi còn rất trẻ, cũng như một số bạn bè cùng cảnh ngộ yêu và cưới vợ Tây rồi ở lại. Cuộc sống khép kín đã mấy chục năm, ai có cuộc sống của người ấy và ít qua lại với nhau nên tin về quê hương của mình còn không nắm rõ, món ăn Việt Nam cũng chỉ còn được lưu giữ trong ký ức của mình.

 Món nem cổ truyền không thể thiếu trong những ngày Tết

Lần đầu tiên ông và vợ được thưởng thức món nem là cách đây hơn hai chục năm khi được cùng đón Tết với cộng đồng người Việt sang hợp tác lao động. Vào thời điểm đó, món ăn này cũng chỉ được làm vào những dịp lễ, tết thôi, chứ nguyên liệu để làm nem vẫn còn là của hiếm. Thấy vợ đặc biệt yêu thích món nem trên bàn tiệc, ông đã tìm hiểu rồi cất công lên tận Moscow mua đầy đủ nguyên liệu mang về cùng tờ giấy ghi tỷ mỷ công thức, cách làm do cô bán hàng hướng dẫn.

Háo hức thực hiện nhưng rồi chưa một lần thành công đã làm vợ và con gái ông chán nản. Bánh đa nem thì vỡ vụn nếu không gượng nhẹ, nát bét khi chỉ mới nhúng nước (ngày ấy cũng chỉ có mỗi loại bánh đa tròn làm bằng phương pháp thủ công, mỗi tập khoảng 25 cái được buộc bằng hai chiếc lạt, rất giòn và dễ vỡ vụn khi gặp thời tiết khô lạnh ở bên này). Rồi miến nữa, khi thì ngâm lâu quá bị nát, ít quá bị khô... quả là rất khó thực hiện. Món nem của ông khi đó được thay bằng món... bắp cải cuốn, dễ hơn làm nem nhiều, vợ ông nói vậy. Cũng vì nguyên liệu hiếm, đắt và khó mua nên ông cũng đồng ý với vợ món này sẽ chỉ làm vào dịp... tết.

Mãi sau này, khi đã có những tập bánh đa nem tốt hơn, dai hơn thì ông cũng được thưởng thức món nem do vợ con làm, chỉ có thịt xay sẵn, bắp cải thái nhỏ, cà rốt, hành củ, và nấm khô tự làm... nhưng ông vẫn thấy ngon lắm và vui khi thấy vợ và con gái cuốn được những chiếc nem như người Việt mình làm.

Đấy là chuyện cũ rồi, bây giờ những cô vợ ”Tây” mà tôi biết, tôi quen có cô còn đảm hơn cả gái Việt mình ấy chứ. Ngày Tết các cô ấy cũng mua nguyên liệu và làm được các món của người Việt. Nem thì hầu như ai cũng có thể làm vì là món được yêu thích, chỉ măng khô là khó. Các cô ấy bảo thà làm măng “thối “ – là cách họ gọi măng tươi - vì cái mùi của nó, còn hơn là làm măng khô vì mất nhiều thời gian, chuyện phải luộc nhiều lần cũng khiến các cô ấy không muốn vì ngại làm hỏng... giấy dán tường, có cô còn giỏi giang gói được cả bánh chưng nữa. Tất cả các món mà các cô vợ “Tây” làm được đều là học từ các ông chồng người Việt chỉ dẫn, sau này có những nhóm vợ “Tây” thường xuyên tụ họp với nhau để nấu những món ăn Việt cho đỡ nhớ, đỡ thèm thì các cô vợ còn học hỏi được thêm các món ở các vùng miền khác nhau nữa. Những người may mắn có điều kiện được về Việt Nam chơi và đón Tết thì còn học được nhiều hơn thế nữa từ những người mẹ, người chị, em gái của chồng. Cũng đừng ngạc nhiên khi một buổi bạn đi dự tiệc mà ngồi cùng bàn với cô vợ “Tây” nào đó, nghe cô nhắc sao đĩa thịt gà luộc lại thiếu lá chanh thái nhỏ rắc lên trên, hoặc thao thao nói về cách chế biến một món trên bàn tiệc mà thậm chí có khi bạn mới ăn lần đầu.

Mâm cỗ Tết của kiều bào cũng có đủ các món truyền thống (Ảnh minh họa)

Lại nói chuyện đi mua đồ khô chuẩn bị đón Tết của các cô vợ “Tây”. Khi mua đồ, các cô bao giờ cũng xin bọc thật kỹ những chai nước mắm, gói măng tươi và lọ mắm tôm, họ sợ mùi của chúng làm ảnh hưởng tới những người khác khi đi trên các phương tiện công cộng. Họ nói mùi của những thứ đó thì thật kinh khủng mà sao chế biến lên lại thấy ngon thế.

Có một cô vợ còn trẻ và rất xinh khi mua hàng khô bao giờ cũng kiểm tra rất kỹ, cũng không ít lần cô làm mọi người khó chịu khi săm soi từng món đồ. Chai nước mắm nhấc lên mà thấy hạn sử dụng còn có mấy tháng là cô cũng nhất định không lấy... Sau vài lần mua bán, thấy người chủ cửa hàng tỏ thái độ không muốn bán cho mình nữa, cô đã kể câu chuyện về mình như một cách phân trần. Cô sinh ra trong một gia đình nề nếp, bố mẹ cũng có chút tiếng tăm trong ngành văn hóa, xinh đẹp như cô có thiếu gì những chàng trai theo đuổi. Oái oăm là cô lại mang lòng yêu thương một bạn trai người Việt sang theo cha mẹ định cư bên này và học cùng cô từ những năm cuối cấp phổ thông rồi đại học. Chuyện rắc rối xảy ra khi gia đình cậu bạn trai người Việt cương quyết ngăn cản tình cảm của đôi trẻ vì chàng trai là cháu đích tôn của một dòng họ sống tại Hà Nội. Họ sợ nếu để cháu mình lấy vợ “Tây” thì rồi sẽ mất gốc, tương lai dòng họ sẽ ra sao v.v và v.v... Gần như một sự thách đố và cũng muốn làm nản lòng cô, cả gia tộc quyết định nếu cô có thể học được hết những điều lễ nghĩa, đảm đương được các việc từ nhỏ tới lớn của một người con dâu trưởng của cháu đích tôn dòng họ thì sẽ đồng ý để cô được làm con dâu. Cô đã nhận lời và miệt mài học tập, từ tiếng Việt rồi lý thuyết về những nội qui gia tộc, cho tới thực hành đi chợ sắm đồ làm cơm hàng ngày hay giỗ chạp, lễ tết. Cô kể lần đầu tiên tự mình đi mua hoa quả về bày trên ban thờ như thế nào. Theo lời bà nội chỉ dẫn, mua đồ cúng cần thật cẩn thận, phải đi từ đầu tới cuối dẫy hàng hoa quả, ngắm xem quả ở hàng nào phải thật đẹp và tươi ngon, không những thế phải nhìn mặt người bán xem ai trông xởi lởi, phúc hậu hãy mua. Thật khó đối với một cô “Tây” còn ít tuổi như cô khi thực hiện điều này, hoa quả mỗi nơi mỗi khác, ở bên quê nhà cô làm gì có những quả này. Mặt phải tươi cười phúc hậu ư, khó nốt vì nhìn thấy cô từ xa ai cũng đon đả chào mời với khuôn mặt tươi như hoa. Thế rồi cô cũng chọn lựa được những thứ quả như bà nội chỉ dẫn với con số là 1 hoặc 3,5,7,9 theo số lẻ, ví dụ một quả bưởi, một quả dứa... cô bán hàng rất nhiệt tình giúp cô chọn lựa, thế mà đến khi cô chỉ chùm nho đẹp nhất mà cô bán hàng nói là để thắp hương thì sẽ “đông Tài, sai Lộc“ lắm, xin cô cắt cho 9 quả để mua thì cô ấy không kìm được nữa, mắng cho một trận và không thèm bán cho, kể cả những quả mà cô đã mất bao nhiêu công để nâng lên đặt xuống chọn lựa kỹ càng.

Giờ cô đã trở thành vợ, làm mẹ của cậu con trai kháu khỉnh, gia đình cô vẫn sống ở bên này. Chỉ những ngày lễ quan trọng của dòng họ và Tết Nguyên đán là vợ chồng cô dứt khoát phải về. Mặc dù việc cỗ bàn, bày biện cô thuộc làu và làm nhanh thoăn thoắt đâu ra đó nhưng giờ mọi người lại chỉ cần cô làm việc khác - ngồi trông con! Những điều học được giờ đã ngấm vào ý thức của cô nên cô mong được thông cảm. Mà không chỉ khi đi mua đồ làm món ăn Việt Nam chuẩn bị cho Tết cô mới phải chọn lựa kỹ lưỡng như vậy, đến ngày thường khi vào siêu thị mua đồ cô cũng cẩn thận hơn trước nhiều.

Với những cô vợ “Tây”, món ăn ngày Tết của Việt Nam bao giờ cũng được họ cố gắng sửa soạn, nấu nướng, dồn hết tâm huyết, yêu thương của mình vì không chỉ là những món ăn họ yêu thích, đó còn là sợi dây gắn kết tình cảm trong gia đình, với quê hương của người chồng Việt và những đứa con yêu của họ.

Mai Anh (Ucraina)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Du học xong nên về nước hay ở lại? (Kỳ 1)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam gặp gỡ kiều bào tại Nouvelle Calédonie
Doanh nhân Việt kiều châu Âu chờ đón cơ hội của hội nhập kinh tế
Đoàn kiều bào dự Lễ Kỷ niệm 2/9 dâng hương Đền Trần, Chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định
Xuân Quê hương 2024: Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Thành phố Hồ Chí Minh – Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”
Thông báo số 2 về Chương trình Xuân Quê hương 2024
Kiều bào - Nguồn lực quan trọng trong đầu tư xanh
Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương
Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” sẽ diễn ra tại Hải Phòng
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Kết luận 12 đã thực sự đi vào đời sống
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang