24/10/2016 03:27:00 PM
Cần chủ động hơn trong việc tạo cơ hội mời gọi kiều bào

“Tinh thần cởi mở, tôn trọng ý kiến của kiều bào và sự sẵn sàng hỗ trợ kiều bào là điều kiện tiên quyết để thuyết phục và khuyến khích kiều bào đóng góp và đầu tư vào nền kinh tế của thành phố” – Ý kiến của TS Nguyễn Trí Hiếu, kiều bào tại Mỹ, chuyên gia tài chính ngân hàng đã làm việc nhiều năm ở Việt Nam, về vấn đề phát huy nguồn lực kiều bào đóng góp cho sự nghiệp phát triển của TP Hồ Chí Minh.

  • Ông Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng

  • Nguồn lực kiều hối là rất quan trọng

  • TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế hàng đầu của Việt Nam

PV: Trong những năm gần đây, lượng kiều hối của kiều bào gửi về Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng đều tăng rõ rệt. Là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông đánh giá thế nào về vai trò của nguồn lực kiều hối nói riêng và nguồn lực kiều bào nói chung trong nền kinh tế?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Chúng ta có thể nhận thấy lượng kiều hối gửi về Việt Nam vẫn tăng đều qua các năm, dự báo năm 2016 còn tăng mạnh hơn năm 2015. Trong 8 tháng đầu năm 2016, lượng kiều hối qua kênh chính thức về TP Hồ Chí Minh ước đạt 2,85 tỉ USD, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn lực kiều hối có nhiều thuận lợi nếu so với các nguồn lực tài chính khác như các chương trình ODA, các nguồn đầu tư nước ngoài gián tiếp và trực tiếp, vì kiều hối là nguồn tài trợ không phải hoàn trả như những món vay nước ngoài và quốc tế, không chịu lãi như tín dụng và không có điều kiện có đi có lại (reciprocal).

Kiều hối chuyển về nước và chảy vào các lĩnh vực kinh tế như sản xuất kinh doanh, bất động sản, chứng khoán và vào ngân hàng. Kiều hối đóng góp đáng kể vào dự trữ quốc gia và góp phần ổn định thị trường ngoại hối.

Lượng kiều hối gửi về Việt Nam biểu hiện sự đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) cho nền kinh tế Việt Nam, nhưng đó mới chỉ là một phần tiềm năng đóng góp của NVNONN. Ngoài khả năng đóng góp tài chính, NVNONN có thể đóng góp trong nhiều lĩnh vực khác bao gồm: khoa học, công nghệ, kỹ năng quản trị, quan hệ thương mại, kinh tế, chính trị, xã hội và giáo dục... Nhưng cho đến nay ngoài kiều hối, sự đóng góp của kiều bào trong những lĩnh vực trên còn rất khiêm tốn. Một số nhà khoa học gốc Việt có tên tuổi trên thế giới đã đóng góp vào nền khoa học giáo dục nước nhà, nhưng con số này so với số lượng các nhà khoa học gốc Việt còn rất ít. Một số chuyên gia, chuyên viên nước ngoài đã trở về Việt Nam và đang đóng góp trong nhiều lĩnh vực, nhưng số này đếm trên đầu ngón tay. Mỗi năm nhiều chuyên gia, chuyên viên về nước để tìm kiếm cơ hội phục vụ, nhưng vẫn là số lượng ít ỏi và phần lớn những người này lại trở về các quốc gia sở tại và từ bỏ ý định đóng góp. Một vài doanh nhân Việt kiều đã trở về quê hương thành lập cơ sở kinh doanh, nhưng chưa nhiều.

Nhìn qua Trung Quốc thì chúng ta thấy rõ ràng nước bạn có những chính sách thu hút và đãi ngộ các chuyên gia và doanh nhân kiều bào của họ từ những thập niên 80’s và 90’s. Ngày nay, Trung Quốc có một nền công nghệ hiện đại và trở thành quốc gia có nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới. Chúng ta có thể học hỏi những bài học từ đó để khuyến khích sự đóng góp của kiều bào.

Việt Nam đang trên đường hội nhập kinh tế toàn cầu, các chuyên gia, doanh nhân Việt kiều và toàn thể bộ phận người Việt sinh sống và làm việc ở nước ngoài là những cầu nối không thể bỏ qua trong bối cảnh này. Không tận dụng được nguồn lực này là một lãng phí không thể biện minh.

PV: Khi TPP được ký kết và có hiệu lực, thuế nhập khẩu hàng hóa vào các thị trường liên quan sẽ bằng “0”. Theo ông, điều này đặt ra cơ hội và thách thức gì cho các doanh nghiệp kiều bào khi đầu tư về Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng?

"Doanh nhân kiều bào nên nghiên cứu những lĩnh vực trọng yếu mà thành phố đang tập trung phát triển. Tham gia kinh doanh đầu tư vào những lĩnh vực này, doanh nhân kiều bào sẽ nhận được sự hỗ trợ của thành phố và nắm bắt những cơ hội kinh doanh tốt"Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Khi TPP có hiệu lực, hiệp định thương mại này sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam mở rộng quan hệ mậu dịch với các nước thành viên và nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường thế giới. Hơn nữa TPP đòi hỏi và tạo cơ hội cho Việt Nam cải cách thể chế kinh tế để hội nhập thành công vào kinh tế toàn cầu. Đó chính là những yếu tố thuận lợi cơ bản cho Việt Nam.

Cụ thể, khi TPP được ký kết, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng những chính sách thuế ưu đãi và các nhà đầu tư kiều bào cũng nhận thấy đây là cơ hội lớn để đầu tư vào Việt Nam. Những mặt hàng tiêu thụ mạnh như hàng tiêu dùng, dệt may, nông sản có thể dễ dàng xâm nhập vào thị trường các nước thành viên TPP, khuyến khích những nhà đầu tư kiều bào trở về Việt Nam đầu tư vào những lĩnh vực này.

Những lĩnh vực khác như đầu tư bất động sản, du lịch, dịch vụ là những ngành sở trường của bà con kiều bào tại nước sở tại cũng là những điểm thu hút đầu tư của bà con kiều bào.

Tuy nhiên, một điều cần quan tâm là triển vọng thực hiện TPP vẫn còn bỏ ngỏ. Câu chuyện tranh cử Tổng thống tại Mỹ hiện nay đang đưa TPP trở thành một vấn đề chính trị đang được tranh cãi sôi nổi vì cả hai ứng cử viên Tổng thống đều chống TPP. Theo họ, TPP sẽ lấy đi công ăn việc làm của người dân Mỹ do các công ty Mỹ sẽ di dời cơ sở sản xuất của họ sang những nước có lao động rẻ như Việt Nam. Liệu TPP có thể được Quốc hội Mỹ thông qua trước khi ông Obama rời Nhà Trắng vẫn còn là một ẩn số. Chính vì điểm này Việt Nam nên hoàn thiện thể chế của mình trước để đón đầu cơ hội hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới.

PV: Bên cạnh cơ hội, những thách thức đặt ra là gì, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Thách thức đầu tiên chính là vấn đề pháp lý. Hiện tại Việt Nam có những bộ pháp lý tương đối hoàn chỉnh, nhưng còn rất nhiều điều luật của Việt Nam còn khác xa luật lệ quốc tế. Ví dụ, như ở Việt Nam không có luật phá sản cá nhân, trong khi trên thế giới có từ rất lâu. Tại nhiều quốc gia luật phá sản cá nhân cho phép cá nhân dùng tất cả những tài sản hiện có (nếu có) để trả nợ và sau đó được tòa án tuyên bố phá sản để cá nhân đó xóa bỏ dư nợ còn lại và thoát khỏi sự trói buộc của nợ nần. Luật lao động và luật công đoàn của Việt Nam cũng khác xa so với những bộ luật hiện hành tại các nước thành viên của TPP. Những khác biệt đó là một trong những trở ngại cho các nhà đầu tư kiều bào vì khi vào Việt Nam họ phải thích ứng với một môi trường pháp lý khác biệt với môi trường họ đang hoạt động tại các nước sở tại.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro và thiếu sự minh bạch. Xuất phát từ những biến động trên thị trường do nền kinh tế Việt Nam còn non trẻ so với các nền kinh tế trong khu vực cũng như trên thế giới. Xây dựng môi trường kinh doanh trong sạch là tiền đề để các nhà đầu tư và doanh nhân Việt kiều mạnh dạn tham gia thị trường Việt Nam.

Về quản lý ngoại hối, cần phải có những chính sách ngoại hối thông thoáng hơn cho kiều bào để tạo điều kiện cho bà con thực hiện việc chuyển nhượng vốn cũng như lợi nhuận kinh doanh về nước sở tại đúng pháp luật. Việc quản lý ngoại hối hiệu quả giúp ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng nếu quá chặt có thể đẩy doanh nhân vào những dịch vụ chuyển tiền chui hay rửa tiền để chuyển vốn và lợi tức về nước sở tại, điều đó tác dụng ngược với chính sách ngoại hối.

Đó là một số thách thức lớn mà doanh nghiệp kiều bào phải đối mặt và cần đưa ra giải pháp trước khi quyết định đầu tư hay không tại thị trường Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng.

PV: Là một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư tài chính, ông có lời khuyên gì cho những doanh nghiệp kiều bào muốn đầu tư vào TP Hồ Chí Minh?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Với kinh nghiệm bản thân và tình hình hiện nay, tôi cho rằng doanh nhân kiều bào nên nghiên cứu môi trường kinh doanh và thị trường tại Việt Nam trước khi tiến hành đầu tư. Hiện nay nhiều công ty tư vấn, các công ty luật, công ty chứng khoán và các cơ quan của các bộ, ngành có thể hỗ trợ kiều bào trong việc này. Ngoài ra, các ngân hàng cũng là những địa chỉ đáng tin cậy để nhờ tư vấn. Do các doanh nhân kiều bào chưa quen “đường đi nước bước” ở Việt Nam thì việc hợp tác với một công ty trong nước để gia nhập thị trường Việt Nam là một giải pháp thích hợp.

TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Trong hai chục năm qua, thành phố đã chứng tỏ sự phát triển vượt bậc so với sự phát triển chung của cả nước. Chính phủ Việt Nam và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh có những động thái tích cực để thu hút đầu tư kiều bào vào những lĩnh vực kinh doanh như khách sạn, du lịch, dịch vụ, công nghệ, hướng đến phát triển TP Hồ Chí Minh là thành phố thông minh trong thời gian tới. Doanh nhân kiều bào nên nghiên cứu những lĩnh vực trọng yếu mà thành phố đang tập trung phát triển. Tham gia kinh doanh đầu tư vào những lĩnh vực này, doanh nhân kiều bào sẽ nhận được sự hỗ trợ của thành phố và nắm bắt những cơ hội kinh doanh tốt.

PV: TP Hồ Chí Minh đang phấn đấu để trở thành trung tâm kinh tế-tài chính-khoa học công nghệ của cả khu vực. Đây cũng là địa phương có số lượng kiều bào đông nhất cả nước. Vậy theo ông, thành phố nên có chiến lược như thế nào để phát huy hiệu quả hơn nữa nguồn lực kiều bào đóng góp cho sự nghiệp phát triển thành phố trong tương lai?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Trước hết, TP Hồ Chí Minh phải tạo được niềm tin với cộng đồng người Việt sống và làm việc ở nước ngoài. Nghiêm túc trong việc mời gọi cộng đồng NVNONN đóng góp vào sự phát triển của thành phố. Nên tổ chức những kênh truyền thông rộng rãi để trao đổi với cộng đồng NVNONN, bao gồm những website và trang mạng xã hội; thu nhận những ý kiến đóng góp và phản hồi từ mọi phía; tổ chức nhiều buổi họp mặt giao lưu với kiều bào về thăm quê nhà, trong đó có các chuyên gia và các nhà khoa học Việt kiều đang hoạt động tại thành phố, tham gia giao lưu làm cầu nối và trở thành những nhân chứng mang tính thuyết phục nhất về những chính sách liên quan đến kiều bào.

Thứ hai, cùng với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao, thành phố nên tổ chức một trung tâm thông tin để phổ biến những kế hoạch, chương trình đầu tư của thành phố một cách bài bản, cũng như giải quyết và tư vấn cho kiều bào những vấn đề liên quan đến giấy phép kinh doanh, visa, các thủ tục hành chính, chăm sóc y tế và hướng dẫn du lịch. Những thông tin này cần phải được phổ biến tại các cơ quan lãnh sự của Việt Nam, tại các cửa khẩu như sân bay, hải cảng.

Thứ ba, thành phố nên có những thống kê cập nhật và chính xác về lượng kiều hối gửi về và được sử dụng với những chủ đích như tiêu dùng, đầu tư bất động sản, chứng khoán, sản xuất kinh doanh, gửi ngân hàng… và thống kê các doanh nghiệp có vốn đóng góp từ Việt kiều, để cung cấp cho các doanh nhân kiều bào đến thành phố nghiên cứu cơ hội đầu tư.

Thứ tư, thành phố nên chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc như Sở Công Thương, cơ quan cấp giấy phép kinh doanh, cơ quan an ninh của thành phố… tạo thuận lợi cho kiều bào về sinh sống, kinh doanh tại thành phố.

Tóm lại, thành phố phải chủ động hơn trong việc tạo cơ hội mời gọi kiều bào đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng của thành phố hơn là chờ họ đến với thành phố. Tinh thần cởi mở, tôn trọng ý kiến của kiều bào và sự sẵn sàng hỗ trợ kiều bào là điều kiện tiên quyết để thuyết phục và khuyến khích kiều bào đóng góp và đầu tư vào nền kinh tế của thành phố.

PV: Trân trọng cảm ơn ông./.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu là chuyên gia tài chính ngân hàng đến từ Mỹ và hiện đang công tác ở Việt Nam. Trong quá trình hơn 37 năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông từng đảm nhiệm vai trò quản lý tại nhiều ngân hàng ở Mỹ và Việt Nam. Ông trở lại Việt Nam năm 1995 với tư cách Phó Tổng giám đốc Deutsche Bank tại Việt Nam giai đoạn 1995-1997. Ông thành lập First Vietnamese American Bank tại California, ngân hàng đầu tiên của người Việt tại nước ngoài, vào năm 2005. Tháng 6/2009, ông trở về Việt Nam làm việc và trong 7 năm qua ông cộng tác với nhiều ngân hàng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với tư cách thành viên độc lập Hội đồng quản trị, cố vấn cao cấp hay thành viên trong Ban điều hành. Hiện ông đang công tác tại Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (Vietbank) tại TP Hồ Chí Minh.

 

Thu Anh (thực hiện)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Thư mời tham dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới
Xuân Quê hương 2018: Việt Nam rạng ngời tương lai
Chính sách kiều bào: Từ nhận thức tới hành động
Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ nhất
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Đại biểu kiều bào dự Hội nghị người VNONN lần thứ nhất vào lăng viếng Bác
Xuân Quê hương 2018: Việt Nam rạng ngời tương lai
TP Hồ Chí Minh cần có chiến lược lâu dài trong đào tạo nguồn nhân lực
Cần chủ động hơn trong việc tạo cơ hội mời gọi kiều bào
Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh
Thư mời tham dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang