14/12/2009 03:22:32 PM
Việt Nam - điểm đến của niềm tin và tình yêu

Chúng tôi, những trí thức, những doanh nghiệp luôn có tâm huyết với đất nước mong muốn được cùng chung sức, chung lòng vì một Việt Nam giàu mạnh như Bác Hồ kính yêu đã trao gửi cho kiều bào trong những năm cách mạng Việt Nam gian khó nhất.



Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng các đại biểu kiều bào
tham dự Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất

Ngay từ năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã lập nhóm Người An Nam yêu nước tại Pháp, năm 1925 Người thành lập Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội tại Trung Quốc, kêu gọi bà con kiều bào hướng về Tổ quốc.

Những sự kiện này là tiền đề cho các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người Việt xa xứ sau này. Thế mà cũng đã gần một trăm năm với biết bao thăng trầm của đất nước, của dân tộc và đồng bào ta đang sống trong nước cũng như đang định cư tại nước ngoài.

Năm 1993, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã định hướng về một số việc liên quan đến người Việt Nam đang định cư trên thế giới. Tuy xuất phát từ nhiều quan điểm khác nhau, những nội dung này lúc đó còn được khép kín và chỉ lưu hành trong phạm vi hẹp của những bộ, ban, ngành có liên quan, nhưng trong tư duy của các nhà lãnh đạo cao nhất cũng có cách nhìn, đánh giá và định hướng tích cực cho bà con kiều bào ra đi vì nhiều lý do khác nhau sau năm 1975.

Thời gian không ngừng chảy theo đúng quy luật của nó, nhiều việc đặt ra nhưng chưa làm được nhiều vì có những yếu tố khách quan và chủ quan nên chính sách về Việt kiều cũng bị chậm hơn so với yêu cầu thực tế.

Đến những năm đầu của thế kỷ 21, chính sách này đã được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, chuẩn xác và tích cực hơn; năng lực thực sự của Việt kiều về trí tuệ trong khoa học kỹ thuật và trong kinh doanh sẽ góp phần quan trọng vào công cuộc tái thiết đất nước; quá khứ đã khép lại với thời gian qua đi sau hơn 35 năm; lòng yêu nước của Việt kiều mỗi ngày một tăng cao mặc dù vẫn còn đó ít nhiều ý kiến khác.

Đặc biệt, ngày 26/3/2004 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết này có ý nghĩa quan trọng đối với đại đoàn kết dân tộc, khẳng định Việt kiều là bộ phận không tách rời với nhân dân, đất nước Việt Nam.

Nghị quyết 36 đã giải tỏa được các gút mắc giữa bà con Việt kiều và chính quyền về sự phân biệt đối xử cũng như quan hệ kinh doanh hai chiều. Đây là bước đột phá trong đường lối của Đảng và Nhà nước, tăng cao niềm tin và phá bỏ định kiến đối với Việt kiều.

Kế tiếp là hàng loạt chính sách thông thoáng với bà con kiều bào khi trở về thăm thân, du lịch hoặc đầu tư kinh doanh, như miễn thị thực xuất nhập cảnh, được mua và sở hữu nhà ở, Nhà nước bảo hộ cho bà con Việt kiều sống tại các nước sở tại. Mặc dù lộ trình này chậm hơn nhiều so với định hướng từ những năm 1993, nhưng dù sao cũng là thành công lớn.

Tháng 7/2008, Đảng, Nhà nước đã nâng cấp từ Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và tháng 11/2009 tổ chức long trọng Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất tại Hà Nội.

Hội nghị này quy tụ về đây gần 900 bà con kiều bào gồm các nhân sĩ yêu nước, trí thức và doanh nhân chung sức chung lòng vì một nước Việt Nam giàu mạnh. Đây cũng là lần đầu tiên tham dự Hội nghị có nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Các cuộc hội thảo lớn được đặt ra trong Hội nghị và quan trọng hơn trước khi hội thảo, Chủ tịch nước đã yêu cầu và mong muốn bà con kiều bào góp ý, tham mưu một cách thẳng thắn, tích cực. Chủ tịch nước thay mặt cho Đảng, Nhà nước Việt Nam, cam kết sẽ xem xét nghiêm túc, thấu đáo những ý kiến của bà con.

Vấn đề được đặt ra sau Hội nghị quan trọng này là những ý kiến đóng góp của kiều bào vào các lĩnh vực văn hóa, đầu tư xây dựng, luật pháp và cơ chế, nghĩa vụ và quyền lợi cho toàn xã hội nói chung, trong đó có bà con kiều bào khi trở về quê hương. Phải nhìn nhận rằng chính sách đã thông thoáng, cơ chế đã cởi mở, nhưng đó chỉ mới là văn bản và chỉ đạo của chính quyền trung ương. Bà con Việt kiều về đầu tư lại do chính quyền địa phương tiếp nhận và giải quyết. Con đường từ trung ương tới địa phương thì gần mà thủ tục hành chính thì xa và quá xa.

Những trăn trở của doanh nhân Việt kiều về đầu tư phải qua tới 16 con dấu đỏ thì dự án mới hoàn tất về cơ bản, những băn khoăn khi được mời về làm việc, giảng dạy khoa học kỹ thuật mà thủ tục phải mất hơn một năm trời mới xong, chính sách thuế luôn thay đổi không theo giấy phép đầu tư đã ghi..., thật dễ làm nản lòng mọi người.

Với tình yêu sắt son vào Tổ quốc, chúng tôi tin Đảng, Nhà nước sẽ có những chính sách cụ thể hơn với bà con kiều bào. Xin một điều rằng: Trên trung ương đã thông thoáng thì chính quyền địa phương hãy nghiêm túc thực hiện. Và chúng tôi, những trí thức, những doanh nghiệp luôn có tâm huyết với đất nước mong muốn được cùng chung sức, chung lòng vì một Việt Nam giàu mạnh như Bác Hồ kính yêu đã trao gửi cho kiều bào trong những năm cách mạng Việt Nam gian khó nhất.

Nguyễn Hoài Bắc (Canada)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Huy động hiệu quả nguồn lực kiều bào vào sự nghiệp phát triển đất nước
Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ nhất
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Đại biểu kiều bào dự Hội nghị người VNONN lần thứ nhất vào lăng viếng Bác
Thứ trưởng Ngoại giao - Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn: Cùng nhau thắp sáng tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất thành công tốt đẹp
Doanh nhân kiều bào góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang