02/11/2012 10:05:49 AM
Xây dựng thế hệ tương lai cộng đồng Việt kiều

Lịch sử dân tộc cho thấy người dân Việt Nam có đầy đủ năng lực, ý chí và hiểu biết để quyết định tương lai của mình, biết làm đúng lúc, sống đúng thời, chọn người đồng hành. So với Việt Nam thiêng liêng này cộng đồng người Việt hải ngoại còn phải nỗ lực tiếp tục phấn đấu để trở thành tập thể thiêng liêng, bảo đảm con cháu nhận gốc Việt Nam một cách tự hào và xứng đáng. Tương lai cộng đồng trước tiên do từng cá nhân Việt kiều phải có trách nhiệm và niềm tin vào con em mình.

Tôi nghe đây đó, bà con ở nước ngoài không thích chữ Việt kiều. Lắm lúc, tôi cũng vậy. Tôi thấy tôi giống người trong nước trong cách sống, cách suy nghĩ hàng ngày; tiếng nói và thức ăn không xa lạ với ai cả. Có lúc khác, tôi nhớ đến giai đoạn lịch sử mà danh hiệu “ngoại kiều” là cả một vấn đề thời sự nên ngày nay tôi rất khổ tâm khi đã thành ngoại kiều đi bốn biển, sống ở đất lạ quê người. Và khi về thăm nhà, có khi tôi bị chọc là Việt kiều như một ngoại kiều ngây ngô. Trong bài này, tôi dùng chữ “Việt kiều” không ô nhiễm gốc hán nôm, nghĩa là người Việt xa xứ. Báo chí và sách vở dùng từ Việt kiều để diễn tả một tập thể người Việt sống ở nước ngoài, khôn khéo, lịch sự, siêng năng, có trình độ cao và đoàn kết mạnh. Nói đến thế hệ 2 thì các cháu cũng hiểu ý niệm “con cháu Việt kiều”  như vậy. Đối với các cháu dù không bao giờ sinh trưởng và lớn lên tại Việt Nam, tiếng thông dụng không phải tiếng Việt cha sanh mẹ đẻ, nhưng tôi luôn hy vọng các cháu vẫn 100% Việt Nam, năng sinh hoạt cộng đồng để càng đông, càng vui, càng khoẻ.



Đoàn kết cộng đồng là để truyền cho con em thế hệ sau ở bốn phương trời,
một con đường đi chung


Mặc dù chịu tác động trong hội nhập kinh tế và văn hóa, đối với người  nhập cư không có cộng đồng nào hoàn toàn giống cộng đồng nào. Với thời gian, người nhập cư nào cũng sẽ tách ra hai nhóm cộng đồng. Lúc đầu ai cũng là người di dân tạm trú cố định (migrant/emigrant) muốn làm giàu sinh sống, con học giỏi. Họ sẽ tồn tại nếu có tâm chí và điều kiện tốt giữ được bản sắc văn hóa. Quốc tế định nghĩa tập thể thế hệ người gốc ở xa là diaspora. Tiêu biểu nhất toàn cầu là cộng đồng gốc do-thái. Tôi cho rằng Cộng đồng người Việt ta đàng hoàng có tư cách của một lực lượng phát triển, biết giữ vinh dự và trách nhiệm mình với quê mẹ. Việt kiều là một đội ngũ biên phòng hoà bình biết bảo vệ hình ảnh trung thực của đất nước.

Dĩ nhiên, có nhân tố lịch sử của từng người ra đi, những kinh nghiệm sống tại nước sở tại; còn bao nhiêu chuyện đã rồi, chuyện đã rủi ro nghiền ngẫm về quá khứ, thấy điều kiện sống của thân thuộc trong nước và nghe tin đây đó. Vì thế, tâm tư Việt kiều toàn cầu vừa giống, vừa không giống với nhau. Nói như vậy, tôi chấp nhận một ngày nào đó (nhưng ngày đó đã đến rồi), cộng đồng Việt kiều phát triển mỗi nơi một kiểu văn hóa, văn chương, văn học Việt kiều đặc thù, và đặc điểm chính là giữ liên hệ phong phú với những gì người Việt Nam tiếp tục triển khai, tranh luận tại quê nhà.

Đối với người Việt xa xứ, để dựng một cộng đồng và phong trào qui mô là một thử thách lâu dài, một vấn đề hoàn toàn mới lạ cần có kế hoạch. Trong việc xây dựng một cộng đồng bền vững lâu dài, không ai biết rành hơn ai, và không ai có thể tiên liệu trước việc sẽ đến. Trong và ngoài nước, mỗi bên góp ý và sáng tạo với nhau để cộng đồng hải ngoại tồn tại.

Nếu các cộng đồng ngoại kiều khác không tồn tại là do chính họ bị hòa tan trong hội nhập mà không rút đủ kinh nghiệm hải ngoại. Nói cách khác, thời gian không bảo đảm một gốc dân tộc thiểu số duy trì lâu dài, từ thế hệ này sang thế hệ sau, nhưng không phải vì thế mà Việt kiều ta buông xuôi, nhắm mắt chịu để “hòa tan”. Cộng đồng chúng ta phải biết gánh tương lai mình, tự mình lãnh đạo mình, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, uống nước nhớ nguồn. Nói như thế nghĩa là các thế hệ Việt kiều vẫn phải thường xuyên truyền nhau vốn kinh nghiệm. Người Việt nhập cư “một mà là hai”, vừa trông nhớ đất nước, vừa sống xa quê hương với kỷ niệm, vừa là người thời đại hội nhập, vừa là người cầu nối giao lưu. Như vậy, tôi xin tự nhận mình là một thành viên “dân tộc thiểu số Việt kiều” của dân số toàn cầu và là bộ phận hải ngoại gốc Việt Nam.

Vận dụng kinh nghiệm của các cộng đồng di dân thế giới

Cách đây 3000 năm, diaspora do-thái đã lãnh định mệnh của họ sau khi rời Jérusalem, di dân tản mát trên toàn thế giới. Về phía đông và bắc là Askenase, về phía tây và nam là Sefarade. Giữa họ với nhau, vừa giống vừa khác biệt, nhưng vẫn hướng về vùng đất mẹ của họ. Một diện lịch sử di dân toàn cầu khác là người Mỹ, Canada, Australia, New Zeland. Đa số là gốc người Anh và Ai-len. Mỗi nơi đã phát triển một nền văn hóa mới, một cách phát ngôn địa phương và không có ai nói đâu là quốc túy.

Trước mắt là kinh nghiệm 3000 năm cộng đồng do-thái. Tôi thấy 3 yếu tố. Thứ nhất, người phụ nữ và bà mẹ là rường cột để truyền phong tục, thói quen, giữ đạo đức, trông nom giáo dục. Công việc này rất khó trong một xã hội công nghiệp có tốc độ nhanh. Điều này nghĩa là xây dựng gia đình văn minh, vợ chồng đầm ấm. Thứ hai, có truyền thống nghi lễ văn hoá và tín ngưỡng, không có mặc cảm người thiểu số trong hội nhập. Việc này cần nhiều tâm huyết hơn chuyện hàng ngày cơm ăn áo mặc, đối xử xã hội. Tức là thường xuyên tự hào văn hoá: mất gốc là di họa, giữ gốc là làm giàu mình, làm giàu môi trường sống, làm giàu nước sở tại. Thứ ba, vai trò đầu tàu của trí thức, đoàn kết đại diện cộng đồng. Người trí thức tạo điều kiện thực tiễn phát minh khoa học, xã hội và đạo đức; khiêm tốn, kiên nhẫn và trung thành đóng góp trong phạm vi mình tại đâu thấy cần, ở đâu thấy thoải mái.

Bên cạnh 3 yếu tố đó, tôi thấy thêm 2 sự kiện đáng suy nghĩ.         

Cộng đồng do-thái không dùng tiếng hébreux của họ hàng ngày và không buộc con em học tiếng gốc. Họ tự nhìn nhận là thiểu số nên họ kết hợp hành vi mềm dẻo hội nhập bên ngoài với một nếp sống đặc thù bên trong. Theo tôi nhận xét, một số con em đã bị ràng buộc học tiếng Việt quá sớm, thậm chí có cha mẹ dùng giáo dục kiểu xưa, hậu quả là phản tác dụng. Học tiếng Việt phải là giai đoạn tự nguyện, tùy sở thích và có nhu cầu tìm hiểu. Tự giác về nguồn quan trọng nhất không phải xuất phát từ nói ngôn ngữ cha sanh mẹ đẻ mà quan trọng hơn chính là từ mô hình mạnh mẽ và lý tưởng của cộng đồng.

Tập thể do-thái tránh chính trị hóa cộng đồng, giữ trung lập cho văn hoá. Còn chính kiến chính trị là chọn lựa riêng của từng cá nhân.

Như vậy, đoàn kết cộng đồng là để truyền cho con em thế hệ sau ở bốn phương trời, một con đường đi chung. Theo ý tôi, có hai vế. Vế tinh thần là nuôi thiện chí và nhân ái, nhắc nhau rằng người Việt Nam vẫn còn nghèo, cuộc sống còn nhiều trắc trở như bao nhiêu người nghèo khác trên thế giới. Trong khi đó, tại sao ta giúp được nước này, nước kia mà không hướng về nước Việt Nam?  Vế hành động là toàn diện suy nghĩ, thực hiện cụ thể, kết quả trung thực. Thử thách lớn nhất của thế kỷ 21 là phát triển con người và xã hội trên cơ sở thực tiễn và vấn đề đối phó với biến đổi khí hậu, nhất là nguy cơ nước biển dâng, đất bị ngập, lãnh thổ sẽ mất đến 10% đất sử dụng, tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống con người. Đây là một vấn đề khoa học và nhân bản liên quan đến phát triển dân trí, kinh tế và tổ chức xã hội. Tôi hy vọng rằng nhìn về tương lai Việt kiều thực sự trở thành cầu nối quan trọng cho tất cả các cơ quan, các bộ phận trong quan hệ với các nước như nhiều nước Á châu đã làm thành công.

Xây dựng cộng đồng vững mạnh hướng về quê hương

Ngoài việc vận dụng kinh nghiệm của các cộng đồng di dân, cũng cần chú ý đến những đặc điểm lịch sử của Việt Nam và lịch sử hình thành cộng đồng người Việt tại hải ngoại.

Việt Nam trải qua thế kỷ 19 và 20 bằng hai cửa cổng khổ nhất của thời đại: một là chiến tranh chống lệ thuộc, và hai là chiến đấu chống nghèo khổ. Cái thứ nhất đã qua để lại không biết bao tàn phá và vết thương. Cái thứ hai đang diễn ra cùng với việc chúng ta xây dựng kinh tế thị trường, trong đó những mặt trái của nó không thể không lưu tâm, trăn trở như cạnh tranh mạnh được yếu thua, coi trọng đồng tiền hơn đạo đức.

Về người Việt ở bên ngoài, số người ra ngoài nước từ hơn 30 năm nay vẫn tăng. Họ rời Việt Nam với rất nhiều lý do khác nhau, vào những thế hệ và với những kế hoạch không đồng nhất với nhau. Hơn 4 triệu người không phải số nhỏ. Một số đã thành người tài, người lãnh đạo. Dù không thể so sánh từng hoàn cảnh một, nhưng đây là nhân sự của cộng đồng hải ngoại, là nhân tài của xứ sở. Khi số người trẻ đi định cư ở nước ngoài có tăng, thì số người lớn tuổi về nước nghỉ hưu cũng không ít. Một trong những vấn đề của cộng đồng là giữ tình yêu và trung nghĩa với quê hương, bảo đảm pháp lý về nơi ăn ở, chôn cất, kế thừa, tiếp nối trong gia đình không đứt đoạn.

Những vấn đề nêu trên đã được đề cập đến trong Nghị quyết 36 ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam. Năm 2008, Thủ Tướng Chính Phủ đã ra Chỉ thị 19/2008/CT-TTg để tăng cường triển khai thêm công tác vận động Việt kiều. Trên cơ sở đó, có rất nhiều thay đổi có hệ thống, tạo thuận lợi cho Việt kiều, mở rộng các mối liên hệ trong và ngoài nước, phục vụ phát triển đất nước, bảo vệ quyền lợi người gốc Việt ở hải ngoại, khuyến khích hội nhập…

Nghị quyết 36 là Nghị quyết có nhiều đổi mới về tư duy và sự đổi mới này cần tiếp tục. Tôi xin góp một ý kiến chủ quan của riêng cá nhân tôi. Đó là nguyên tắc hòa giải và chính sách hoà hợp dân tộc cần tiếp tục được triển khai sâu rộng, khắc phục cho hết những hậu quả quá khứ, không chờ cho đến khi một thế hệ già ra đi về với cát bụi. Đây là nhu cầu tinh thần của số đông Việt kiều ở Bắc Mỹ, ở Tây Âu và một số nơi khác và có lẽ khác với Việt kiều ở Đông Âu. Như thế, thế hệ con em mới có điều kiện hiểu phận mình và hiện thực sống của ba mẹ mình, không xung đột tâm lý và quyền lợi trong nước và ngoài nước. Hai chữ Việt Nam sẽ là hứa hẹn của thời đại, hết lành vết thương.

Trên cơ sở hòa hợp, hòa giải dân tộc được triển khai sâu rộng, ngoài nước, cộng đồng sẽ bớt phân ranh người đi trước 1975 hay sau 1975, định cư di tản hay đi du học ở lại sinh sống; bớt phân ranh người đến trước 1989 lao động xã hội chủ nghĩa hay sau 1989 làm ăn, đoàn tụ gia đình. Tôi mường tượng rằng cộng đồng sẽ từ từ tập hợp theo chiều dọc “ái hữu” sinh hoạt xã hội giữa thế hệ mới và cũ, tức là  sống cho đẹp; theo chiều ngang “chủ đề” giữa người đồng hương, người cùng tôn giáo hay cùng ngành hỗ trợ nhau tại chỗ, cùng hội nhập hay có cùng thành ý hướng về Việt Nam, nhất là còn gia quyến, còn cưới hỏi với người trong nước, tức là “sống hữu ích”.

Lịch sử dân tộc cho thấy người dân Việt Nam có đầy đủ năng lực, ý chí và hiểu biết để quyết định tương lai của mình, biết làm đúng lúc, sống đúng thời, chọn người đồng hành. So với Việt Nam thiêng liêng này cộng đồng người Việt hải ngoại còn phải nỗ lực tiếp tục phấn đấu để trở thành tập thể thiêng liêng, bảo đảm con cháu nhận gốc Việt Nam một cách tự hào và xứng đáng. Tương lai cộng đồng trước tiên do từng cá nhân Việt kiều phải có trách nhiệm và niềm tin vào con em mình.

Lương Cần Liêm (Việt kiều Pháp)
TS tâm lý học, bác sĩ tâm thần
Giảng viên ĐH Paris,
Chủ tịch Hội Pháp-Việt Tâm thần và Tâm lý y học

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Báo cáo tổng kết Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai
Người Việt Nam ở Savannakhet, Lào giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc
Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai thành công tốt đẹp
Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai: Cùng đất nước hội nhập và phát triển
Dạy và học Tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở Rumani
Văn hóa Việt đóng góp cho thế giới
Quảng bá nền văn hóa dân tộc Việt Nam ở LB Nga: Nhu cầu cấp bách
Nâng cao hiệu quả dạy tiếng Việt và văn hoá Việt cho kiều bào tại Thái Lan
Xây dựng thế hệ tương lai cộng đồng Việt kiều
Phát triển thương hiệu hàng Việt Nam tại Nhật Bản
Văn hóa Việt đóng góp cho thế giới
Niềm tin, tình cảm và trách nhiệm
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang