26/09/2012 09:17:24 AM
Người Việt Nam ở Savannakhet, Lào giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc

Hội người Việt Nam tỉnh Savannakhet, một tổ chức của cộng đồng đã có từ lâu nay, là mái nhà chung của cộng đồng, chăm sóc đùm bọc tất cả như những thành viên trong cùng một gia đình.

Sống trên đất bạn Lào, cộng đồng người Việt Nam tỉnh Savannakhet bao gồm nhiều thế hệ, có nguồn gốc xuất xứ đủ 3 miền: Bắc, Trung, Nam của quê hương Việt Nam.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung tâm đào tạo tiếng Việt tỉnh Savannakhet, tháng 6/2011

Hội người Việt Nam tỉnh Savannakhet, một tổ chức của cộng đồng đã có từ lâu nay, là mái nhà chung của cộng đồng, chăm sóc đùm bọc tất cả như những thành viên trong cùng một gia đình. Dưới sự lãnh đạo và tổ chức của Hội, hội viên được thường xuyên tham gia những sinh hoạt xã hội mang tính dân tộc trong cộng đồng theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước Việt Nam, Lào; tham gia nhiều hoạt động xã hội tại địa phương cùng những người dân bản xứ như: đám cưới, đám ma, lễ chùa... Đặc biệt, Hội giúp cộng đồng nhận thức được nhiệm vụ quan trọng của từng thành viên trong việc phát huy tình đoàn kết, giúp đỡ thương yêu nhau, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam anh hùng, nêu cao tinh thần yêu nước và không ngừng hướng về quê hương.

Động lực đoàn kết, gắn bó cộng đồng

Việc gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc đã trở thành một nhiệm vụ bức thiết và là động lực đoàn kết gắn bó cộng đồng với quê hương, đất nước.

Văn hóa khắc họa bản sắc và phương thức tồn tại của một cộng đồng, làm cho cộng đồng ấy có nét đặc thù riêng. Như vậy, bản sắc văn hóa dân tộc chính là sức sống nội sinh, là phần hồn của dân tộc đó. Dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử rèn đúc, tôi luyện để tạo cho mình nhiều phẩm chất tốt đẹp, đủ năng lực chế ngự thiên nhiên, sáng tạo trong chống giặc ngoại xâm... Trong quan hệ xã hội đã tạo cho mình tinh thần đoàn kết, ý thức cố kết cộng đồng gắn kết cá nhân với gia đình, bà con, láng giềng và quê hương đất nước. Điều đó nói lên nhân cách của con người và cũng là nhân cách, cốt cách của dân tộc Việt Nam. Chính những đặc thù này đã tạo cho dân tộc Việt Nam có những cốt cách riêng không thể trộn lẫn, biểu lộ một cách trọn vẹn nhất sự hiện diện của hai từ Việt Nam trên diễn đàn quốc tế.

Qua quá trình lao động, sinh sống trong xã hội, cộng đồng người Việt Nam với bản sắc văn hóa đặc thù, năng động và cầu tiến, rồi từ đó tạo nên những phong tục tập quán, lề thói dân gian, lễ hội, tín ngưỡng, địa dư chí, ca dao, tục ngữ... của từng vùng miền trên toàn dải đất Việt Nam với nét đẹp truyền thống của dân tộc. Những đặc điểm này sẽ được lưu truyền cùng với bản sắc văn hóa của dân tộc cho thế hệ mai sau, sẽ không bị mai một mà vẫn được trân trọng gìn giữ, tiếp nối như một báu vật, nếu có được sự quan tâm của thế hệ kế thừa trong vấn đề phát huy và giữ gìn như trách nhiệm của một người con trong gia đình gìn giữ một kho tàng quý giá của cha ông để lại. Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc được xem như một trách nhiệm cao cả của mọi thành viên trong cộng đồng và cũng chính đó là động lực tạo nên sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng người Việt Nam ở xa quê hương để xích lại gần nhau hơn và cùng nhau hướng về nguồn cội.

Những sinh hoạt mang tính văn hóa dân tộc như: lời chào hỏi, cách ứng xử, đi đứng, ăn mặc, ẩm thực, phong tục tập quán, nếp sống dân gian của dân tộc… là những sinh hoạt thường nhật của những người đang sinh sống trên chính mảnh đất quê hương, vì đó là những sinh hoạt đã có sẵn ngay trong trường lớp, ngoài xã hội, trong gia đình và ngay cả trên bàn ăn! Việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc được xem như là sự bảo vệ phần hồn của chính bản thân mình, không những là trách nhiệm mà là nhiệm vụ cao cả của người con trung hiếu với đất nước. Nhưng đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, tại tỉnh Savannakhet nói riêng, những sinh hoạt bình thường đó bị thiếu vắng mà thay vào đó bằng những thói quen sinh hoạt của dân tộc địa phương nơi mà họ đang sinh sống, thậm chí ngôn ngữ cũng là tiếng địa phương thay vì dùng tiếng mẹ đẻ. Mở mắt chào đời họ đã phải đón nhận những lề lối, cách sống, phong tục tập quán và ngôn ngữ không phải của cha ông mình, nếu không may mắn, bị sống tách biệt, xa hẳn với cộng đồng người Việt Nam thì chắc chắn họ sẽ chẳng bao giờ hiểu được rằng nòi giống mình có một bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc tốt đẹp như thế nào.

Vai trò của cộng đồng và Hội người Việt Nam

Cộng đồng và Ban chấp hành Hội người Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc mình, tạo nên động lực của sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng người Việt Nam ở xa quê hương.

Nỗ lực, sáng tạo trong việc giáo dục thế hệ sau

Để hoàn thành nhiệm vụ bức thiết đó, công tác hàng đầu được nói đến là việc cập nhật và truyền đạt những thông tin mang tính giáo dục tuyên truyền nhằm khơi dậy tinh thần dân tộc cho các cháu tuổi đang còn thơ như chuẩn bị viết những dòng chữ mới mẻ trên nền giấy trắng. Quả thực đây là một công tác mang nhiều thách thức và đòi hỏi nhiều nghị lực, giàu ý tưởng, sự quyết tâm và việc đầu tư không nhỏ về thời gian và tài chính. Vấn đề đặt ra là nên có những biện pháp như thế nào để giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nơi mà chắc chắn nét văn hóa và truyền thống địa phương đang chiếm ưu thế?

Giờ học tiếng Việt của con em Việt kiều tỉnh Savannakhet

Dễ dàng nhận thấy một điều rằng: Sự nghiệp giáo dục - đào tạo có vai trò rất lớn trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Đó là chiếc cầu nối giữa Quá khứ - Hiện tại - Tương lai, góp phần tạo nên những giá trị bền vững, vừa mang tính truyền thống vừa mang tính hiện đại. Trên thực tế, ở nước ngoài nhiều nơi có tổ chức Hội người Việt Nam điều hành sinh hoạt của cộng đồng, thường xuyên chăm lo đến sự nghiệp giáo dục. Đơn cử tại tỉnh Savannakhet đã có những ngôi trường tiểu học mang tên Việt Nam như: Trường Tiểu học Thống Nhất, Trường Mẫu giáo Lạc Hồng và Trường Mẫu giáo Hoàng Oanh tại thị xã Savannakhet; Trường Tiểu học Nguyễn Trãi tại thị trấn Sênô. Là những trường có dạy tiếng Việt, giáo viên dạy Việt ngữ ở đây một số là người tại địa phương, một số do Nhà nước Việt Nam gửi sang giúp đỡ, có đủ sách giáo khoa tiếng Việt... nhưng lại khác xa so với những ngôi trường cùng cấp tại Việt Nam. Trường được mang tên Việt Nam, điều đó thực sự tự hào cho cộng đồng, nhưng không có nghĩa là được sinh hoạt, hoạt động như mong muốn, vì trên đất nước Lào thì tất nhiên chương trình giảng dạy phải tuân theo đúng chương trình của sở tại. Những môn học như toán và các môn tự nhiên, văn học… đều phải là của địa phương. Như vậy những chiếc đầu non nớt của các em không có dịp cập nhật những thông tin văn hóa của nước nhà. Môn tiếng Việt được xen vào thời khóa biểu như giờ học ngoại ngữ. Như vậy các em sẽ rất nặng nề khi phải đối đầu với hai ngôn ngữ là ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ địa phương. Để cải thiện, nhà trường phải tăng giờ phụ đạo để các em có điều kiện lĩnh hội thêm kiến thức văn hóa Việt Nam. Chủ yếu là thêm kiến thức vững chắc cho các em về tiếng Việt. Còn các môn học khác theo chương trình Việt Nam thì không thể chen vào giờ phụ đạo được. Như vậy, ít nhất các em sẽ mất đi cơ hội tiếp thu những kiến thức lịch sử hào hùng của dân tộc, những nét đẹp quê hương đất nước được ca ngợi trên giáo trình.

Do đó, để khắc phục được phần nào sự thiệt thòi đó, đòi hỏi nhà trường cần phải tích cực hơn trong việc tiếp thu, chọn lọc và truyền đạt đến các thế hệ học sinh những giá trị bền vững, những tinh hoa văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Những gì đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, đạo lý, trọng nghĩa tình với lòng nhân ái khoan dung, đức tính cần cù sáng tạo trong học tập, lao động, khôn ngoan và tinh tế trong ứng xử, giản dị trong lối sống... tất cả sẽ được đọng lại ở mỗi học sinh qua từng câu chuyện kể trong lớp, những thước phim hoạt hình sinh động được chiếu trong các ngày lễ, các cuốn truyện tranh trong thư viện, qua các buổi tập luyện và biểu diễn văn nghệ, các cuộc thi kiến thức... Tất cả những hoạt động này sẽ rất dễ thâm nhập vào tâm não của các em học sinh, gợi cho các em những hình ảnh khó phai mờ. Sự sống động trong sinh hoạt thời thơ ấu đó sẽ lưu mãi trong các em cho đến khi các em lớn khôn, hiểu được thế nào là giống nòi và quê hương.

Coi trọng truyền thống dân tộc

Một đặc điểm mà chúng ta dễ nhận thấy là đa số người Việt Nam dù sinh ra và lớn lên ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này, vẫn luôn mang trong dòng máu tính truyền thống của dân tộc.

Một trong những truyền thống tốt đẹp đó là lòng thành kính, tôn thờ tổ tiên, thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn những người đã sinh thành, dưỡng dục mình. Thực chất, nét văn hóa truyền thống đó mang trong bản thân nó ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc, xuất phát từ thiện tâm của mỗi con người và có sức nêu gương trong mỗi gia đình, mỗi  cộng đồng xã hội, thể hiện ra bên ngoài bằng việc thờ cúng tổ tiên. Đơn cử, cộng đồng người Việt Nam tỉnh Savannakhet, ngoài việc thờ cúng tổ tiên, còn có những ngày lễ cổ truyền được tổ chức một cách trân trọng và chu đáo như là họ đang sống trên quê hương mình.
Việc thờ phụng tâm linh cũng đáng được nhắc đến như một truyền thống xa xưa của cha ông. Theo thống kê, tháng 03/2011, Việt kiều tỉnh Savannakhet có 630 hộ gồm 2829 nhân khẩu. Trong đó, Phật giáo có 587 hộ với 2.676 người, Thiên chúa giáo có 43 hộ với 153 người.

 Chùa Bảo Quang ở tỉnh Savannakhet

Hội người Việt Nam đang quản lý 3 ngôi chùa và 2 ngôi miếu, gồm: Chùa Bảo Quang và Chùa Diệu Giác tại thị xã Savannakhet, Chùa Pháp Hoa tại thị trấn Sê nô, hai ngôi Miếu thờ thổ thần do ông cha để lại tại khu xóm II và III, thị xã Savannakhet. Các sinh hoạt hằng ngày tại các chùa chiền, đền, miếu, các ngày lễ lớn của tôn giáo cũng như ngày Tết Nguyên đán của bà con người Việt, đã thể hiện rất rõ sự đoàn kết gắn bó trong cộng đồng người Việt Nam tại Savannakhet, luôn hướng về Tổ quốc qua thể hiện nét văn hóa, bản sắc dân tộc từ lâu nay và luôn tuân theo quy định của nhà nước cũng như của chính quyền địa phương một cách triệt để.

Những truyền thống nêu trên cần được gìn giữ, trân trọng, phát huy, và truyền tiếp cho thế hệ kế thừa. Cần bảo tồn những giá trị truyền thống Việt Nam của chúng ta, chẳng những không để bị tan biến mà còn có cơ hội để quảng bá, phát triển ra thế giới.

Cân bằng giữa yếu tố nội sinh và ngoại sinh

Quá trình giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc là quá trình thu nhập có chọn lọc, là quá trình tự thân vận động, có ý thức, biết khám phá, linh động trong việc tái tạo từ cái sẵn có của ta và chọn lọc cái có ích từ bên ngoài. Cần có sự cân bằng giữa yếu tố nội sinh và ngoại sinh khi các yếu tố đó luôn có mối quan hệ biện chứng. Riêng cộng đồng người Việt Nam tỉnh Savannakhet, việc chấp nhận nền văn hóa và truyền thống dân tộc của sở tại là điều tất nhiên. Tuy nhiên, việc giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc mình là nhiệm vụ tất yếu, thể hiện lòng nhân ái, sự khoan dung, có trách nhiệm đối với cộng đồng, tình yêu quê hương, đất nước, dân tộc. Đó là nhân cách, cốt cách của người Việt Nam, dù có sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới này.

Cần nhiều hơn sự hỗ trợ từ quê hương

Như vậy, nhiệm vụ giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc là của tất cả mọi người dân Việt Nam trên toàn thế giới. Đối với người Việt Nam tỉnh Savannakhet, việc thu thập thông tin và truyền đạt một cách có hệ thống và chất lượng cho cộng đồng cần có những con người năng động, ý thức cao, sáng tạo và chân tình trong phong trào hoạt động xã hội trong cộng đồng. Những thông tin thu thập có thể có từ nhiều nguồn như: sách, báo, đài, internet. Sự truyền đạt có thể thực hiện thông qua trường học, các buổi mit-tinh, các buổi lễ, các sinh hoạt truyền thống trong cộng đồng v.v... Tuy nhiên, công tác thu thập và truyền đạt đó sẽ khả quan hơn nếu có thêm sự quan tâm giúp đỡ to lớn hơn nữa từ phía các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước Việt Nam như: động viên, khích lệ, hỗ trợ kinh phí, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi trong công tác đào tạo nhân lực kế thừa, có đủ năng lực hoạt động trong công tác lãnh đạo cũng như công tác giáo dục- đào tạo với trình độ chuyên môn cao, giúp những thế hệ nối tiếp sau này có cơ hội tiếp cận tốt hơn nền văn hóa giáo dục Việt Nam. Ngoài ra, việc hỗ trợ sách báo, phim ảnh, tài liệu… có liên quan đến công tác tuyên truyền là những yêu cầu cần thiết không thể thiếu trong công tác nói trên.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn làm việc với các Hội  người Việt Nam tại Khăm-muộn, Savannakhet và Bolykhămxay, Lào, tháng 3/2011

Đối với Ban Chấp hành Hội người Việt Nam tỉnh Savannakhet, ngoài nhiệm vụ là đầu tàu lãnh đạo cộng đồng, việc nâng cao ý thức, năng lực, trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác cũng như tạo cơ hội nâng cao trình độ cho cán bộ có trách nhiệm... là nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện. Ngoài ra, việc nâng cao điều kiện giáo dục như: các trang thiết bị cần thiết, sách giáo khoa, nâng cấp các trường học, mở rộng phạm vi giảng dạy từ trường cấp II, III cho đến đại học cũng rất cần thiết để đáp ứng đủ nhu cầu kiến thức cho các lớp học sinh mỗi khi các em có điều kiện tiếp tục cuộc hành trình văn hóa tại Việt Nam.

Bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam là nhiệm vụ không của bất cứ riêng ai trong cộng đồng người Việt trên trái đất này. Nhận thức được điều này tức là ý thức được dân tộc, mà dân tộc thì phải có cội nguồn. Do đó, quê hương và đất nước bao giờ cũng là nơi mà ta trân trọng và hướng tới.

Hồ Văn Minh
Ban Văn hóa- Thông tin, Hội Người Việt Nam tỉnh Savannakhet, Lào

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
  • Cùng đất nước nhìn lại và hướng tới (26/09/2012)
  • Trung tâm Thương mại – Văn hóa – Du lịch Hà Nội – Mátxcơva: Mô hình liên kết doanh nhân Việt trong và ngoài nước (25/09/2012)
  • Giải pháp thúc đẩy giao thương, xuất khẩu hàng hoá Việt Nam đến Cộng hoà Séc và Châu Âu (25/09/2012)
  • Dạy và học Tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở Rumani (25/09/2012)
  • Người Việt Nam ở Mỹ - một góc nhìn (25/09/2012)
  • Tâm tư người con ở xa quê hương (24/09/2012)
  • Trở về (24/09/2012)
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng quê hương (24/09/2012)
  • Quỹ hỗ trợ, vận động cộng đồng NVNONN: Hỗ trợ và đồng hành cùng cộng đồng (24/09/2012)
  • Nhà khách Quê Hương - Ngôi nhà ấm tình quê dành cho kiều bào (23/09/2012)
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Báo cáo tổng kết Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai
Người Việt Nam ở Savannakhet, Lào giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc
Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai thành công tốt đẹp
Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai: Cùng đất nước hội nhập và phát triển
Dạy và học Tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở Rumani
Văn hóa Việt đóng góp cho thế giới
Quảng bá nền văn hóa dân tộc Việt Nam ở LB Nga: Nhu cầu cấp bách
Nâng cao hiệu quả dạy tiếng Việt và văn hoá Việt cho kiều bào tại Thái Lan
Xây dựng thế hệ tương lai cộng đồng Việt kiều
Phát triển thương hiệu hàng Việt Nam tại Nhật Bản
Văn hóa Việt đóng góp cho thế giới
Niềm tin, tình cảm và trách nhiệm
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang