27/09/2012 02:40:57 PM
Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam: Diễn đàn trao đổi, hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam và thế giới

Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam (tên tiếng Pháp là: Rencontres du Vietnam) được thành lập từ năm 1996, do Giáo sư Trần Thanh Vân (kiều bào tại Pháp) khởi xướng. Hội là một hiệp hội phi lợi nhuận với mục đích tạo diễn đàn trao đổi, hợp tác giữa các nhà khoa học tại Việt Nam và các nước khác ở châu Á-Thái Bình Dương, châu Phi, châu Mỹ, châu Úc và châu Âu.

Hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo khoa học

Trên cơ sở kinh nghiệm và sự thành công của các tổ chức khoa học Gặp gỡ Moriond (46 năm) và Gặp gỡ Blois (22 năm), Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam đã phát triển các chương trình hành động hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực Khoa học và Giáo dục.

Từ khi thành lập tới nay, Hội đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế tại Việt Nam với mục đích tạo điều kiện cho các nhà khoa học Việt Nam thiết lập quan hệ với các đồng nghiệp cùng chuyên ngành ở nước ngoài trong hợp tác và trao đổi khoa học. Sáu hội thảo khoa học quốc tế lớn đã được Hội tổ chức vào năm 1993, 1995, 1999, 2000, 2004 và 2006. Tại các hội thảo này đã có sự tham dự của một số giáo sư từng đoạt giải Nobel như: Jack Steinberger, Norman Ramsey, Georges Charpak, James Cronin, Jerome Friedman, Klaus von Klitzing, và nhiều nhà khoa học tên  tuổi khác.

Tổ chức khoa học Gặp gỡ Việt Nam trao 397 suất học bổng Vallet tới các em học sinh, sinh viên ưu tú ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị

Các nhà khoa học đạt giải Nobel hoặc các giám đốc của các viện nghiên cứu lớn trên thế giới đã trình bày tại các buổi hội thảo nhiều bài "diễn thuyết đại chúng" về các chủ đề khoa học, giúp mọi người (bao gồm các nhà khoa học và những người không làm khoa học) hiểu và thêm yêu công tác nghiên cứu khoa học .

Ngoài ra từ năm 1994, Hội cũng tổ chức hàng năm các chuyên đề về Vật lý hạt nhân, Vật lý Thiên văn và Vật lý Nano ở các trường đại học. Thời gian tổ chức các chuyên đề này ở các trường là khoảng nửa tháng dành cho khoảng 50 nhà Vật lý trẻ, nghiên cứu sinh tiến sỹ, nghiên cứu sinh sau tiến sỹ. Các giáo sư giảng dạy chuyên đề này tại các trường đến từ Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Thụy Sỹ, Canada, Mỹ, Úc. Các trường chuyên đề Vật lý tạo điều kiện để thành lập một cộng đồng các nhà khoa học trẻ trong khu vực để có thể tiến đến hợp tác và phát triển khoa học cùng nhau trong lĩnh vực Vật lý trong tương lai tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Từ các chuyên đề này, các nhà khoa học trẻ của Việt Nam đã thiết lập được quan hệ với các nhà khoa học trên thế giới, giúp nhiều  thế hệ nhà khoa học trẻ Việt Nam có cơ hội được đào tạo tại nhiều trường đại học tại châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Trong số đó đã có nhiều nhà khoa học trẻ Việt Nam được đào tạo tại các trường nổi tiếng trên thế giới đã trở về Việt Nam để giảng dạy trong các trường đại học. Một số khác được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại các trường đại học nơi họ từng học tập. Điều đó cũng tạo thuận lợi  cho các nghiên cứu sinh trẻ người Việt Nam sang học tập tu nghiệp có được sự giúp đỡ của họ.

Trong suốt thời gian qua, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam trở thành cầu nối cho sự hợp tác quốc tế giữa Phòng thí nghiệm Fermi (Mỹ) và Phân viện Vật lý tại thành phố Hồ Chí Minh; Hợp tác Pierre Auger về tia vũ trụ với Viện Vật lý và Công nghệ hạt nhân Hà Nội; Hợp tác giữa Đại học Brown (Boston-Mỹ) với Đại học Quốc gia Hà Nội trong đào tạo nghiên cứu sinh tiến sỹ chuyên ngành Vật lý Năng lượng cao, cấp học bổng và tiếp nhận hàng năm các giảng viên của trường Đại học Quốc gia Hà Nội để trao đổi nội dung và chương trình giảng dạy.

Mở thêm cánh cửa ra thế giới cho sinh viên Việt Nam

Bên cạnh đó, Gặp gỡ Việt Nam còn tích cực giúp đỡ nền giáo dục và sinh viên Việt Nam tiếp cận phương pháp giáo dục và đào tạo tiên tiến của thế giới.

Hội đã giới thiệu về phương pháp giảng dạy khoa học "Bàn tay nặn bột" trong trường phổ thông. "Bàn tay nặn bột" (tiếng Pháp: "La main à la pâte" ; tiếng Anh: Hands on) là một phương pháp dạy học tích cực dựa trên thí nghiệm nghiên cứu, áp dụng cho việc giảng dạy các môn khoa học tự nhiên. Phương pháp này chú trọng đến việc hình thành kiến thức cho học sinh bằng các thí nghiệm tìm tòi nghiên cứu để chính các em tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra… Với một vấn đề khoa học đặt ra, học sinh có thể đặt ra các câu hỏi, các giả thuyết từ những hiểu biết ban đầu, tiến hành các thí nghiệm nghiên cứu để kiểm chứng và đưa ra những kết luận phù hợp thông qua thảo luận, so sánh, phân tích, tổng hợp kiến thức.

Mục tiêu của phương pháp là tạo nên tính tò mò, ham muốn khám phá, yêu và say mê khoa học của học sinh. Ngoài việc chú trọng đến kiến thức khoa học, phương pháp này còn chú ý nhiều đến việc rèn luyện kỹ năng diễn đạt thông qua ngôn ngữ nói và viết cho học sinh. Phương pháp này của Giáo sư Georges Charpak- người đã từng đoạt giải Nobel Vật lý năm 1992 khởi xướng.

Giáo sư Trần Thanh Vân cùng Giáo sư Odon Vallet trao học bổng cho các em

Từ năm 2000, Hội đã tổ chức các lớp tập huấn về phương pháp "Bàn tay nặn bột" cho các học viên Việt Nam dưới sự giúp đỡ trực tiếp của Giáo sư Georges Charpak. Hội cũng đã tổ chức thường niên các lớp tập huấn cho giáo viên về phương pháp dạy học này  tại Việt Nam. Theo đó, 2 lớp tập huấn với 60-90 học viên mỗi lớp được tổ chức ở các thành phố khác nhau tại Việt Nam, do 3 hoặc 4 báo cáo viên người Pháp phụ trách, các sinh viên Việt Nam đóng vai trò phiên dịch viên tình nguyện.

Năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã quyết định đưa phương pháp này áp dụng giảng dạy trong chương trình phổ thông trong kế hoạch 5 năm 2015-2020. Và Bộ cũng bắt đầu thí điểm triển khai ngay từ năm học 2011-2012 tại các địa phương mà Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam tổ chức tập huấn cho các giáo viên về phương pháp giáo dục này.

Từ năm 2007, Hội cũng đã hỗ trợ việc thành lập lớp dự bị đại học cho các trường đào tạo kỹ sư ở Pháp tại VN. Cũng từ năm 2007, Hội đã phối hợp với Trường Kỹ sư Quốc gia Val de Loire-Cộng hòa Pháp (Ecole Nationale d’Ingénieurs du Val de Loire-ENIVL) lựa chọn mỗi năm 2 sinh viên của Đại học Huế đến học tập tại ENIVL. Kinh phí học tập được tài trợ bởi Hội và thành phố Blois. Công tác giảng dạy do  các giáo sư Việt Nam phụ trách, phối hợp chặt chẽ với các giáo sư Pháp. Thành công của sự phối hợp này dẫn đến sự thành lập các lớp dự bị cho các trường thuộc nhóm trường đào tạo kỹ sư quốc gia tại Pháp. Tháng 8/2011, 09 sinh viên đã được chọn lựa để tham dự khóa học tại trường đào tạo Kỹ sư quốc gia Val de Loire tại Blois từ năm thứ 3. Trên cơ sở các thành công này, Bộ Giáo dục và Đào tạo VN đã dự kiến mở rộng hình thức đào tạo này tại các trường đào tạo kỹ sư khác ở Pháp và tại các quốc gia khác.

Ý thức được tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học cơ bản và nhằm động viên khuyến khích đam mê trong các lĩnh vực này của sinh viên, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam đã tổ chức trao học bổng khuyến học từ năm 1994 cho các sinh viên và các nghiên cứu viên trẻ. Năm 2001, nhờ vào sự giúp đỡ của Quỹ Vallet, số lượng học bổng đã tăng lên rất nhiều. Năm 2012, 2250 học bổng đã được trao cho các học sinh phổ thông trung học, sinh viên Việt Nam với tổng số tiền 700.000 Euro. Các học sinh, sinh viên được nhận học bổng là những em có thành tích xuất sắc trong học tập của tất cả các địa phương của Việt Nam.

Và cũng từ năm 2000, phối hợp với Quỹ Vallet, Hội đã trao 15 đến 20 suất học bổng khuyến học cho các sinh viên Việt Nam có thành tích học tập tốt trong các trường đại học và trường đào tạo kỹ sư tại Pháp.

Trong thời gian gần 20 năm qua, Hội Gặp gỡ Việt Nam đã phát triển một mạng lưới hợp tác quốc tế chặt chẽ trong nghiên cứu khoa học trên toàn thế giới. Hội đã tổ chức được nhiều cuộc hội thảo khoa học ở trình độ cao tại Việt Nam, thu hút nhiều nhà khoa học đến từ các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển, tạo cơ hội cho các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh châu Á gặp gỡ, giao lưu với các nhà bác học và các nhà khoa học đạt Giải thưởng Nobel, nhằm đào tạo tài năng cho nước nhà, đặc biệt là đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà khoa học trẻ.

Giáo sư Trần Thanh Vân (Pháp)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Báo cáo tổng kết Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai
Người Việt Nam ở Savannakhet, Lào giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc
Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai thành công tốt đẹp
Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai: Cùng đất nước hội nhập và phát triển
Dạy và học Tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở Rumani
Văn hóa Việt đóng góp cho thế giới
Quảng bá nền văn hóa dân tộc Việt Nam ở LB Nga: Nhu cầu cấp bách
Nâng cao hiệu quả dạy tiếng Việt và văn hoá Việt cho kiều bào tại Thái Lan
Xây dựng thế hệ tương lai cộng đồng Việt kiều
Phát triển thương hiệu hàng Việt Nam tại Nhật Bản
Văn hóa Việt đóng góp cho thế giới
Niềm tin, tình cảm và trách nhiệm
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang