05/02/2008 03:54:19 PM
Trăn trở hai tiếng “Quê Hương”

Quê hương hữu hình “sông núi” và vô hình “kỷ niệm” gắn bó những con dân đất Việt hàng nghìn năm đến nay, giúp cho dân tộc này luôn tồn tại và phát triển đứng vững trước bao thử thách sóng gió qua từng triều đại. Dù đi đâu về đâu, dù có là “ông” gì chăng nữa, trong chúng ta ai mà không từng trăn trở với hai tiếng “Quê hương” thân thiết?

 Cha ông gieo hạt xanh mầm cội
Con cháu vun nền toả mát cây


Ông Mai Lân 

Chị đang ngồi trước mặt tôi. Người thiếu phụ với mái tóc đã điểm nhiều sợi trắng, một gương mặt thanh tú đôn hậu với giọng nói thưa gửi từ tốn. Không còn bóng dáng nàng Vân Muội trên sàn diễn Nhà hát Lớn năm xưa, tuy nhiên vẫn phảng phất một nét gì đó rất khuê các và không thể pha trộn của các cô gái Hà Nội “công, dung, ngôn, hạnh” thời xưa. Đó là chị Hoàng Diệp, vợ goá hoạ sĩ kiêm điêu khắc gia Mai Lân mới từ Mỹ trở về.

- Vừa đến Hà Nội là cháu đến thăm chú thím ngay, muốn nhờ chú hôm nào dẫn cháu về quê tảo mộ các Cụ và thăm họ hàng theo như tâm nguyện của nhà cháu mấy năm cuối đời, nhưng vì trọng bệnh không đi được.

Tôi giở trên tay một trong ba tờ báo chị mang về. Tờ tin Việt News ngày 22/6/2006, cả một trang rộng dành bài viết về anh với những bức ảnh và một cái “tít” chạy dài suốt chiều ngang tờ báo: “Gần 100 quan khách và thân hữu tham dự lễ an vị ba tôn tượng anh hùng dân tộc của hoạ sĩ – điêu khắc gia Đặng Trần Mai Lân tổ chức tại vùng vịnh Cựu Kim Sơn”.

Thoáng cái rất nhanh, nhưng hình ảnh của hơn 50 năm qua bỗng hiện về trong trí nhớ tôi như một cuốn phim dĩ vãng lung linh nhiều màu sắc.

*
*          *

Anh Mai Lân và tôi cùng quê “Làng Đăm - Từ Liêm”, cùng huyết thống họ tộc “Đặng Trần”. Theo trật tự thì tôi thuộc chi trên, nhưng vì hai chúng tôi cùng tuổi “1927”, lại cùng gắn kết với nhau bởi những kỉ niệm tuổi thơ, cùng yêu thích văn chương nghệ thuật nên coi nhau như bạn bè tri kỉ. Chỉ những khi giỗ Tết đông họ hàng mới phải xưng hô “chú, cháu”. Năm 1947, anh mở Phòng vẽ Mai Lân tại phố Đinh Liệt. Ngoài ra, do “máu nghệ sĩ”, anh còn thành lập một ban kịch nghiệp dư, thường do hai vợ chồng anh thủ vai chính. Tôi còn nhớ căn phòng vẽ của anh khá bề bộn với những giá vẽ, khung bột màu, chổi quét sơn, những cuộn giấy…, nhưng anh vẫn dành một góc riêng cho những buổi họp mặt anh em ban kịch những chiều thứ bảy hoặc sáng chủ nhật. Năm đó tôi 23 tuổi, chưa lập gia đình, mới tập toẹ vào đời, đang viết bài thường xuyên cho một hai tờ tuần báo, thời gian cũng khá dài rộng nên cũng thường đến tham gia với ban kịch các anh. Tôi còn nhớ một số khuôn mặt: anh Văn Lạc, anh Dương Hoằng nhà giáo, anh Tề, anh Nguyễn Nghĩa (ông chủ quán cà phê thích giao du với cánh văn nghệ sĩ), Ngọc Hồ công tử nhà giầu đất Quỳnh Côi - Thái Bình từng nổi danh với vai phản diện Bá Phỉ trong vở “Ngô Phù Sai”, hoạ sĩ Như Tung - cậu ấm con cụ Thượng Cốc - Hải Dương, tác giả của “vụ đám cưới hai chú rể ồn cả Hà Nội năm xưa”, nhạc sĩ Minh Tâm. Thỉnh thoảng lại có các anh Sỹ Tiến, Năng Hiền ghé chơi hỗ trợ thêm, cả Vương Văn Bắc - chàng sinh viên luật đang tập sự cho luật sư Vũ Văn Hiển. Có hôm ca sĩ Tâm Vấn cũng đến tham dự với một hai cô nữ sinh khá là xinh nên buổi tập kịch càng thêm rôm rả thi vị. Chúng tôi đã trao đổi với nhau về một vai diễn, một tác phẩm văn học, một bức tranh và bàn về những vở diễn sắp tới. Anh Mai Lân đã cho tập khá công phu, đưa vở kịch thơ “Hoàng Lang Vân Muội” của thi sĩ Vũ Hoàng Chương lên sân khấu Nhà hát lớn. Tôi còn nhớ hình ảnh nàng Vân Muội (do chị Hoàng Diệp thủ vai) xiêm y lộng lẫy, tóc buông dài cài trâm và anh Mai Lân trong vai Hoàng Lang áo the khăn xếp khoan thai, tay cầm chiếc quạt giấy với giọng ngâm khá ngọt. Ban kịch nghiệp dư nên thường là vợ phải đóng đôi với chồng chứ không thể cặp kè với một nam diễn viên khác đẹp trai, hoặc như nếu phải có những cảnh biểu lộ tình cảm thì bạo lắm chỉ dám đưa tay vuốt nhẹ lên mái tóc cô gái chứ không có những cảnh “sấn sổ khốc liệt” như hôm nay. Anh Mai Lân rộng rãi trong giao tiếp bạn bè và rất sòng phẳng trong chuyện tiền nong. Hồi ký của thi sĩ Vũ Hoàng Chương có đoạn ghi, khi ông mới hồi cư thì được Mai Lân thanh toán ngay cho tiền tác giả vở kịch công diễn, do đó những ngày đầu vào thành phố cũng bớt khó khăn.

Cần nói thêm ngày ấy chúng tôi làm văn học nghệ thuật như một thú chơi, một niềm say mê chưa có mục tiêu cao xa gì, cũng không có trường hợp nào đào tạo chính quy. Chúng tôi viết, sáng tác, diễn kịch hoàn toàn theo cảm nhận tự nhiên của mình, nghĩ sao viết vậy. Sau đó nó có hình thành khung gì khuôn gì thì cũng chỉ là sự tình cờ.

Genève 1954, Hà Nội giải phóng. Nhưng đất nước tạm chia cắt hai miền. “Đi hay ở” câu hỏi đầu lưỡi của mọi người khi gặp nhau với những cái bắt tay vội vội vàng vàng. Tôi ở lại. Anh Mai Lân hoàn cảnh nặng gánh hơn - có con nhỏ dại lại thêm bà nội và ông chú tâm thần phải cáng đáng, nên anh vào Nam theo dòng người di cư. Chúng tôi chia tay nhau ở ga Hàng Cỏ cùng hẹn ngày tái ngộ. Anh tâm sự với tôi: “Cuộc đời nghệ sĩ là phải sống tự do bằng chính tác phẩm đích thực của mình, không nên tự mình gò bó làm một công chức ăn lương. Ở Hà Nội hay nay mai vào Sài gòn, tôi vẫn là như thế

Tiếng còi tàu như xé, những chiếc mùi xoa giơ cao vẫy vẫy.

*
*          *

Sài Gòn những năm 50 của thế kỷ XX tràn ngập các sắc lính và hàng xa xỉ. Ngô Đình Diệm phế truất Vua Bảo Đại. Mai Lân tạm dừng trong hai năm việc sáng tác, có lẽ để dành nhiều thời gian tìm hiểu thích nghi với cuộc sống mới. Anh có sự chuyển hướng trong hoạt động nghệ thuật: đi sâu vào đề tài nghiên cứu lịch sử. Anh có những chuyến tham quan dài ngày cố đô Huế và Đà Nẵng, sưu tầm chụp ảnh các di tích lịch sử, lăng tẩm cung điện các vua triều Nguyễn, đàn tế Nam Giao, những nơi còn ghi chứng tích của cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn. Anh đi du lịch sang Trung Quốc thăm lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng, Vạn Lý Trường Thành, các cung điện nhà Thanh, Từ Hy Thái Hậu…

Từ năm 1956 – 1984, anh mở các lớp chuyên dạy hội hoạ và điêu khắc lấy tên là Trung tâm Thế hệ toạ lạc trên đường Phan Thanh Giản. Trung tâm này của anh đã từng nổi tiếng ở Sài Gòn và các tỉnh miền Nam những năm đó và đã đào tạo hàng trăm học viên, không ít người cũng đã thành đạt nổi tiếng đi tiếp bước anh.

Sau năm 1975, anh vẫn yên ổn cùng vợ con ở Sài Gòn, vẫn tiếp tục sáng tác. Đề tài lịch sử vẫn là niềm say mê của anh với những hoài bão ấp ủ lớn lao. Năm 1987, trong một chuyến ra Hà Nội để về quê tảo mộ, anh tìm đến gặp tôi vẫn tại căn nhà Trần Quốc Toản. Chúng tôi ôm lấy nhau bồi hồi xúc động sau hơn 30 năm với bao nhiêu bất trắc, bao cảnh bể dâu bom rơi đạn nổ nhưng ơn nhờ Tiên Tổ vẫn còn lành lặn, lại được gặp nhau. Từ những chàng trai sôi nổi nhiều khát vọng, chúng tôi mái tóc điểm phong sương, giờ đã già dặn chín chắn hơn nhiều, nhìn đời thực tế hơn. Chúng tôi lang thang đi chơi với nhau đêm ấy, thưởng thức cái đẹp thanh bình của Hà Nội. Nhâm nhi cà phê tại một quán nhỏ ở xóm Hạ Hồi, chúng tôi kể cho nhau nghe những chuyện trong Nam ngoài Bắc mấy chục năm qua, ôn lại những kỷ niệm tuổi thơ thời học sinh, nhớ lại những ngày Tết nhất giỗ chạp tại căn nhà bà nội anh ở phố Cửa Đông đông vui tấp nập tiếng cười, giọng nói. Có lần cụ Vận mang cả một con nai bắn được trên mạn ngược đưa về làm giỗ. Cỗ bàn xong các cụ bà còn ở lại đến chiều chơi tổ tôm, mấy cô cháu gái bé chia bài được các cụ thưởng tiền nhiều nên thích lắm. Các bà Tiền, bà Quỳ, cô Bút, cô Nghiên đài các, diện “ngất trời” được chồng hết sức chiều chuộng và nể một phép. Bọn con trai chúng tôi thì kéo nhau lên Hàng Đào, Hàng Ngang ngắm nhìn mấy cô tiểu thư son phấn ngồi sau quầy hàng mà lòng thấy vẩn vơ…


 Cửa Phật (minh họa của Mai Lân trong Cung oán ngâm khúc)

Anh Mai Lân băn khoăn với tôi về lớp trẻ ngày nay ít hiểu biết về lịch sử cha ông cũng như các anh hùng dân tộc, không biết Mai Thúc Loan, Bố Cái Đại Vương, Ngô Quyền là ai? Không rõ các trận đánh Hàm Tử, Chương Dương, Xương Giang, Chi Lăng là ở chỗ nào? Không biết đến lịch sử nguồn gốc, không biết tự hào về quá khứ thì làm sao có lòng yêu nước chân chính được. Chúng tôi bàn nhau cùng làm bộ gia phả họ tộc Đặng Trần (vốn gốc họ Trần) là hậu duệ thứ năm Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đến đời cụ Trần Văn Trưng tức thủy tổ Đặng Hiên, sinh ra các cụ Trần Cận, Trần Du, Trần Lâm. Con cụ Trần Cận là Trần Tuân do làm khởi nghĩa chống lại vua Lê Tương Dực bị thất bại. Con cháu để tránh di hoạ phải đội thêm chữ “Đặng” nhưng vẫn giữ họ cũ là “Trần” thành ra “Đặng Trần” ngày nay. Tôi gợi ý vui có nên thêm chi tiết thú vị: con gái Đặng Trần nói chung là đẹp. Họ Trần giành ngôi thiên tử chính là nhờ dung nhan, như cụ Trần Thị Dung vì có nhan sắc nên mới lọt mắt xanh của thái tử Sảm để bước đầu thâm nhập vào họ Lý hoặc Trần Cảnh 8 tuổi vì tuấn tú khôi ngô nên mới được tuyển chọn vào cung làm bạn với vua nữ Lý Chiêu Hoàng để rồi qua đạo diễn của thái sư Trần Thủ Độ đã giật luôn họ Lý từ đây. Đôi mắt anh bỗng trở nên mơ màng: “Mỗi chúng ta ai không có một tuổi thơ từng cưỡi trên lưng trâu giữa cánh đồng vẳng tiếng sáo diều, cùng thả mình tắm mát trên khúc sông đầu làng hay ngồi đánh bi đánh đáo dưới bóng mát xum xuê của gốc đa toả rộng như tấm lòng bà mẹ. Mỗi chúng ta dù thành đạt được ngồi trên những cánh bay để tận cùng năm châu bốn bể, ai mà không khởi đầu bằng những gót chân lẫm chẫm chạy trên những con đường đất đỏ nồng nồng mùi vị phân trâu”.

Quê hương hữu hình “sông núi” và vô hình “kỷ niệm” gắn bó những con dân đất Việt hàng nghìn năm đến nay, giúp cho dân tộc này luôn tồn tại và phát triển đứng vững trước bao thử thách sóng gió qua từng triều đại. Dù đi đâu về đâu, dù có là “ông” gì chăng nữa, trong chúng ta ai mà không từng trăn trở với hai tiếng “Quê hương” thân thiết?

*
*          *

Năm 1989, Mai Lân sang định cư tại thành phố San José, California, Mỹ, ở địa điểm mang cái tên khá thơ mộng - “Thung lũng hoa vàng”. Khác với đa số người Việt sang đây phải oằn lưng căng óc để có thể hoà nhập với lối sống khẩn trương thực dụng của người Mỹ chạy theo lợi nhuận đồng đô la, Mai Lân vẫn cho mình một phong cách ung dung đĩnh đạc, dành toàn bộ thời gian công sức cho hoạt động nghệ thuật. Có thể một phần vì anh may mắn có được người vợ đảm đang giữa cơn lốc của bao sự xáo trộn đổi thay vẫn giữ được cái nền nếp cổ xưa của một cô gái Hà Nội gốc. Chị đã giúp anh nuôi dạy tám con thơ dại đến tuổi trưởng thành, nhiều cháu đã có vị trí ngoài xã hội, dâu rể nội ngoại đầy đủ, mỗi năm mười hai cái giỗ. Tôi có lần nói vui với Mai Lân: “Con trai họ Đặng Trần không có chí và tài để làm giàu, chỉ văn chương chữ nghĩa, có ông cha lơ mơ mây gió trăng sao không biết tí gì về chuyện gạo nước đời thường, nếu không nhờ mấy bà vợ đảm đang thì nguy to”.


 Đêm ấy (Cung oán ngâm khúc)

Thời gian sống tại Hoa Kỳ, anh chuyên tâm vào việc vẽ tranh minh họa cho các tác phẩm cổ điển, điêu khắc tượng đức Phật Bà và các anh hùng cứu nước Việt Nam. Anh đã hoàn thành xong bức tượng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đặt tại kỳ đài Việt Nam đầu tiên trên đường Capital Express way. Anh say mê sáng tạo, tranh thủ hết sức mình để thực hiện bao dự án bề bộn, quên rằng đang mang trong mình một căn bệnh hiểm nghèo mà ngay cả y học tân tiến Hoa Kỳ cũng phải khoanh tay: bệnh Ung thư tuỷ tạng. Năm 2000, sau khi khẩn cấp phẫu thuật, các bác sĩ bệnh viện Stanford cho biết, nếu sau 5 năm bệnh không di căn tái phát anh sẽ có cơ may được sống. Nhưng đến tháng 12/2004, so với ngày phẫu thuật được 4 năm 9 tháng anh đã không vượt thêm được 3 tháng còn lại và đã phải ra đi, để lại bao đau xót luyến tiếc cho gia đình, bạn bè và người thân. Ôi, mọi việc do Thượng đế an bài cả (Dieu dispose). Chữa được Bệnh chứ ai chữa được Mệnh, Sống là tạm Chết là về, sinh ký tử quy! Chị Mai Lân kể lại: Chiều tối ngày 18/12/2004, sau khi một số nhà báo đến thăm ra về, nằm trên giường bệnh, anh còn trò chuyện khá vui vẻ với vợ và con cái dâu rể, hẹn 11 giờ tối sẽ thức dậy để uống thuốc tiếp. Nhưng không ngờ anh nằm ngủ thiêm thiếp rồi cứ thế đi luôn.

Anh ra đi ở tuổi 78 thanh thản nhẹ nhàng như cuộc đời anh bình sinh vẫn thế, luôn lấy chữ “Nhẫn” làm phương châm xử thế, lấy chữ “Nhân” làm đề tài cho mọi cảm xúc.

Anh mất đi để lại một công trình sáng tạo khá đồ sộ, có cái đã hoàn thành, có cái đang dở dang, có cái đã công bố ngoài xã hội, có cái còn trong tủ kính gia đình. Tựu trung có thể chia ra 3 loại tác phẩm chính như sau: .

1. Cuốn “Lịch sử 36 đường phố Hà Nội” với những trang nghiên cứu tỉ mỉ công phu từ nguồn gốc, phong tục, các lễ hội với bao biến thiên qua từng triều đại. Các nhà khoa bảng, các nhân vật nổi tiếng đang sinh sống trên đường phố đó.

2. Minh hoạ thành tranh 6 tác phẩm thơ cổ truyền dân gian Việt Nam nhằm bảo tồn vốn liếng văn hoá dân tộc giữa nơi xứ người. Với tổng số 656 bức vẽ mang đậm màu sắc phương Đông cổ kính từ nét mặt, trang phục, các tư thế nằm ngồi đi đứng, các diễn biến tâm lý được thể hiện một cách tinh tế chuẩn xác. Bao gồm:

Kiều: 240 bức tranh

Cung oán ngâm khúc: 40 bức

Chinh phụ ngâm: 71 bức

Bích Câu kỳ ngộ: 54 bức

Lục Vân Tiên: 124 bức

Thạch Sanh: 127 bức

656 bức vẽ quả là một công trình lao động nghệ thuật đáng nể! Hiện nay chị Hoàng Diệp đang chuẩn bị kinh phí để tập hợp in các hoạ phẩm trên đây thành sách.

3. Suốt 16 năm sinh sống tại Hoa Kỳ, anh đã lao động cật lực, dành toàn bộ thời gian và tâm sức đời mình (ngay cả sau khi phẫu thuật cũng không nghĩ nhiều đến việc tĩnh dưỡng nghỉ ngơi) để hoàn thành một bộ sử Việt Nam hoành tráng bằng các bức tượng điêu khắc chân dung các anh hùng liệt sĩ Việt Nam theo suốt chiều dài lập nước và giữ nước, khởi điểm từ đức Tổ Hùng Vương. Anh ôm ấp hoài bão được góp phần xây dựng một công viên văn hoá Việt Nam ở thành phố San José nước Mỹ. Bước đầu, anh đã hoàn thành được tượng ba vị anh hùng công trạng lẫy lừng nhất là: Đức Trần Triều Hiển Thánh Hưng Đạo Đại Vương; Đức Quang Trung Nguyễn Huệ Đại Đế; Đức Bình Định Vương Lê Lợi.

Ngày 22/6/2006, gia đình anh đã hiến tặng cả 3 pho tượng trên cho Hội người Việt cao niên vùng vịnh Cựu Kim Sơn trước sự chứng kiến của gần 100 quan khách, các nhà báo và bạn bè thân hữu. Ba pho tượng trên cao chừng 1m được an vị toạ lạc vĩnh viễn tại Công viên Văn hoá Việt Nam (gọi tắt là Vườn Việt trên đất Hoa Kỳ), giới thiệu một đất nước Việt Nam anh hùng, kiên trung, bất khuất chống ngoại xâm với bạn bè nước ngoài hàng ngày đi qua và chiêm ngưỡng.  

Tờ tin Việt News có đoạn: “Sự ra đi của ông Đặng Trần Mai Lân - một hoạ sỹ, điêu khắc gia tên tuổi được nhiều người nhắc nhớ, quả là một mất mát đầy tiếc thương và to lớn cho những ai còn quan tâm tha thiết đến văn hoá nghệ thuật”.

Tôi lặng lẽ gấp trang báo, rót thêm nước vào chiếc tách mời chị Hoàng Diệp:

- Chị đừng buồn. Anh ấy là người hạnh phúc vì đã thực hiện được phần lớn hoài bão của cả cuộc đời, đóng góp có ý nghĩa cho quê hương, đất nước, xứng đáng với niềm tin và tự hào của họ tộc Đặng Trần. Sự ra đi của anh là phần thể xác, hình ảnh và sự nghiệp anh sẽ mãi mãi còn trong trí nhớ mọi người, kể cả những người xa xứ. Và tôi vẫn nghĩ anh như vẫn còn đang đâu đó gần gũi chứng kiến chúng ta...


Hà Nội,
20/12/2007

Băng Hồ

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Thế Sáng và Triển lãm ảnh “Áo dài Việt Nam”
Doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn: “Hữu xạ tự nhiên hương”
Từ thất học trở thành nhà phẫu thuật nhi hàng đầu thế giới
Nữ doanh nhân Phùng Kim Vy: Sự nghiệp gắn liền với quê hương
Người phụ nữ trẻ nối nhịp cầu Israel - Việt Nam
Người nặng lòng đưa giảng dạy tiếng Việt vào Đại học Harvard
Sở hữu 28 bằng sáng chế ở Mỹ, Tiến sĩ gốc Việt sẵn sàng chia sẻ với quê hương
Hương vị Tết xưa theo tôi suốt cuộc đời
Lan tỏa nhiệt huyết lưu giữ tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng người Việt ở Mỹ
Tâm huyết xây dựng cộng đồng trí thức trẻ Việt Nam tại Singapore
Nữ nghị sỹ Pháp gốc Việt đầu tiên truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang