20/06/2008 02:27:57 PM
Thương tiếc Giáo sư Nguyễn Văn Chuyển

Giáo sư Nguyễn Văn Chuyển, nguyên Chủ tịch Tổng hội Người Việt Nam tại Nhật Bản, đã qua đời vào lúc 16 giờ 04 phút, ngày thứ Hai 16/06/2008 tại Tokyo vì một cơn tai biến mạch máu não. Là một nhà khoa học có tài, một Việt kiều có tâm với đất nước, GS Nguyễn Văn Chuyển là trong những gương mặt Việt kiều nhận giải thưởng Vinh Danh Nước Việt 2006 của báo VietNamNet. Xin chia buồn với gia đình ông và cầu mong ông yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng.

Những ngày tháng 6 năm nay Sài Gòn có nhiều mưa to gió lớn cùng dồn dập nhiều biến động kinh tế xã hội.           

Tôi chưa hết bàng hoàng về việc nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đột ngột qua đời thì một tin sét đánh khác đến ngang tai: GSTS Nguyễn Văn Chuyển, người trí thức Việt kiều thân thiết của chúng tôi vừa từ trần lúc 16:04 ngày 16/6/2008 sau một cơn tai biến mạch máu não!   


 Đôi phút thảnh thơi của GS Nguyễn Văn Chuyển giữa Sài Gòn 

Quả thật cuộc đời có những lúc làm ta hụt hẫng vì cảm giác cô đơn, tức tưởi! Tôi băn khoăn thẫn thờ cả ngày, tự hỏi tại sao nhiều người tử tế phải ra đi với bao điều còn dở dang như vậy? Tuổi đời GS Chuyển trẻ hơn tôi những 3 tuổi mà đã vội vã vĩnh viễn ra đi trong lúc anh đang khởi xướng một chương trình giảng dạy bậc thạc sỹ bằng phương tiện thông tin trực tuyến về ngành sinh hoá dinh dưỡng ứng dụng cho sinh viên Việt Nam? Mới đây có hai tháng anh còn viết e-mail lạc quan bông đùa với tôi về chuyện đời thường, chuyện Việt kiều, còn hứa hẹn đến thăm tôi tại Quận 9, hè này mà! Mất mát này, khoảng trống này lấy gì bồi đắp lại?!  

Đối với tôi GS Chuyển là người bạn đồng hành quý hiếm từ gần hơn bốn thập kỷ. Tuy tôi đi du học tại Bỉ năm 1960, anh Chuyển du học tại Nhật năm 1963, xa cách nhau gần nửa vòng địa cầu song chúng tôi đã là những người bạn thân thiết cùng chiến tuyến từ những năm gay cấn ấy của miền Nam đất nước.  

Hãy nghe ông kể lại trên NVX-Vietnamnet: “Sang Tokyo vào mùa xuân năm 1963, sau thời gian học tiếng Nhật, tôi may mắn thi đỗ vào trường Đông Kinh đại học (The University of Tokyo), một trường danh tiếng nhất tại Nhật Bản. Tôi đã học ngành thực phẩm dinh dưỡng sau đó học tiếp Thạc sĩ và Tiến sĩ. Đây cũng là thời điểm chiến tranh diễn ra rất khốc liệt tại Việt . Lúc đó sinh viên Việt Nam tại Nhật tham gia rất sôi nổi phong trào chống chính quyền Ngô Đình Diệm, nhất là chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Diệm. Mỹ lôi kéo các nước đồng minh gởi quân vào Việt Nam tham chiến, điều này làm chúng tôi thêm phẫn uất. Những ký ức tuổi thơ với sự đàn áp của chính quyền Pháp đối với người dân Việt Nam càng trỗi dậy, lòng căm phẫn sôi sục trong tôi. Phong trào người Việt Nam tại Nhật đã liên tục tổ chức các buổi biểu tình chống đối chính quyền Thiệu, đấu tranh đòi hoà bình cho Tổ quốc nên có ba anh em trong Ban lãnh đạo phong trào của chúng tôi  bị toà án quân sự của chính quyền Thiệu xử tù “chung thân” vắng mặt. Các thành viên của phong trào bị cắt học bổng và bị chính quyền Thiệu yêu cầu chính phủ Nhật Bản trục xuất về nước…Nam

Cũng trong thời gian này, chúng tôi ra tờ báo “Sứ mệnh” bằng tiếng Việt và “Phá xiềng” bằng tiếng Nhật nhằm tuyên truyền, cổ động cho hoạt động của chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi cũng liên kết với các phong trào sinh viên Việt Nam ở các nước như Pháp, Tây Đức, Canada, Bỉ, Úc… cùng với sinh viên, học sinh trong nước để tạo làn sóng chống chế độ Mỹ - Thiệu trên toàn thế giới. Có thời gian ban ngày chúng tôi đến trường, ban đêm xuống đường biểu tình, mittinh….” 

Vâng, tuy ở hai châu lục khác nhau, chúng tôi đã liên lạc với nhau từ những ngày ấy, trao đổi báo chí sinh viên tự xuất bản ở khắp nơi, giương cao tiếng nói vì hòa bình, vì công lý, vì tương lai dân tộc. Thấm thoát đã 45 năm rồi!           

Nhưng phải đợi đến khi hòa bình lập lại năm 1976 chúng tôi mới trực diện được với nhau tại Hà Nội, tay bắt mặt mừng. Thật vậy, Tết Bính Thìn, Tết hòa bình đầu tiên Việt kiều khắp nơi trên thế giới đã có dịp tụ tập về thăm quê hương. Ngày ấy có anh và có tôi… 

Chính anh Chuyển cũng nhắc đến ngày hội này trong bài phỏng vấn nói trên: “Sau ngày hoà bình, năm 1976 tôi và một số anh em trong phong trào người Việt tại Nhật về thăm đất nước. Lúc đó chưa có đường bay thẳng từ Tokyo về Việt Nam mà phải qua Bắc Kinh, sau đó đi xe lửa làm nhiều chặng mới về đến ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Thật cảm động và khó diễn tả cảm xúc lúc bấy giờ! Nhớ nhất là khi tàu lửa vừa vào địa phận Việt Nam, nhìn thấy đồng ruộng quê hương, nghe những tiếng nói thân thương, trong từng mỗi người đều dậy lên những tình cảm thiêng liêng… Nhiều người trong số chúng tôi đã không cầm được nước mắt… Sau đó, cùng với hơn 100 sinh viên và kiều bào ở các nước trở về, chúng tôi đã được Nhà nước đưa đi thăm đất nước từ Hà Nội vào tận đồng bằng sông Cửu Long. Điều đó chúng tôi ghi nhớ mãi…”  Nam

Có lẽ vì những cảm nhận ban đầu tâm cùng ý hợp, tôi kết thân ngay với các bạn đến từ Nhật Bản trong đó anh là nhân vật sáng giá. Tôi đã cảm nhận được ở anh một nhà yêu nước chân thành và sôi nổi, với phong thái nhỏ nhẹ nho nhã, cách nói chuyện hóm hỉnh sắc sảo nhưng thân thiện của một Việt kiều xa đất nước đã lâu nhưng vẫn còn rất sỏi tiếng Việt vì thường xuyên hoạt động trong môi trường người Việt Nam. 

Vì hoàn cảnh lúc bấy giờ, cũng như tôi, tuy có nguyện vọng nhưng chưa có thể về hẳn ở Việt Nam và phải chờ đợi sau 1986, ngày các chính sách đổi mới được thực thi tại Việt Nam mới có điều kiện đem sở học của mình liên tục về đóng góp cho đất nước.            

Và anh luôn luôn có mặt một cách vô tư trong những sinh hoạt của chuyên gia trí thức Việt kiều. Trong giai đoạn thành lập Câu Lạc Bộ Chuyên gia Trí thức Việt kiều (OVS Club) cuối năm 2004 tại TP Hồ Chí Minh, chính anh là người hưởng ứng sớm nhất, là trí thức tầm cỡ có những góp ý từ xa xây dựng và tích cực nhất. 


 GS Nguyễn Văn Chuyển phát biểu tại
Hội thảo trí thức Việt kiều tháng  8/2005

Tháng 8 năm 2005 tại Hội thảo trí thức Việt kiều do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Trung ương tổ chức tại Hà Nội trong khi tôi cùng GS Tiến sĩ hoá học Nguyễn Quý Đạo (Giám đốc nghiên cứu hạng nhất thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp) và GSTS Nguyễn Tiến Khiêm (Viện Cơ học) chủ trì nhóm 1 (Khoa học - Kỹ thuật) thì Giáo sư Nguyễn Văn Chuyển cùng Tiến sĩ Võ Tá Hân (Cố vấn cấp cao cho Ngân hàng UBS tại Singapore) và các GSTS Lê Du Phong (ĐH Kinh tế Quốc dân) và Nguyễn Quang Thái (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chủ trì nhóm 2 (Kinh tế - Xã hội).

Hãy nghe anh phát biểu bộc trực và thẳng thắn: “… Tổ chức Việt kiều của chúng ta quá dở so với Trung Quốc và Do Thái, trong đó tôi cũng có trách nhiệm. Cơ chế tổ chức của chúng ta hoạt động hình thức nhiều hơn nội dung. Phải giải quyết từ cơ chế. Chúng tôi đề nghị Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài được nâng lên cấp Bộ. Đất nước chúng ta đã thống nhất 30 năm nhưng một số vấn đề của Việt kiều vẫn chưa giải quyết thỏa đáng, sự đóng góp của kiều bào cho đất nước vẫn còn nhỏ lẻ… Tổ chức Việt kiều phải trực thuộc Thủ tướng thì mới tạo hiệu quả như mong muốn…”.

Chỉ mới đây thôi, tháng 12/2007 anh đã sốt sắng gửi bài và đáp máy bay từ Nhật về tham gia hai ngày “Gặp gỡ chuyên gia Việt kiều, Phát huy nguồn lực trí thức Việt kiều đóng góp vào công cuộc phát triển Tp.HCM, thí điểm áp dụng tại Khu Công nghệ cao và Đại học Quốc gia Tp.HCM”.  Xin trích lời phát biểu tâm huyết của anh hôm ấy: “… Xã hội Việt nam chúng ta quá coi trọng bằng cấp, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ. Tiến sĩ chẳng qua chỉ là một người đã được đào tạo và huấn luyện để có thể nghiên cứu độc lập, tiến sĩ không phải là bến đỗ cuối cùng mà chỉ là ga bắt đầu. Người tiến sĩ nếu dùng không khéo chỉ tạo nhiều ý nghĩ viễn vông không thực tế, và có thể lãng phí công sức, thời gian và tiền của cho những ý tưởng, dự án xa rời thực tế, không có giá trị kể cả cơ bản lẫn ứng dụng. 

Ở các nước phát triển như Nhật, Mỹ, bằng cấp chỉ là một tài liệu tham khảo chứ không phải là tài liệu đánh giá. Tiêu chuẩn đánh giá chính là thực tài của cá nhân ấy. Ông Ibuka là người sáng lập công ty Sony nổi tiếng thế giới như hiện nay, cũng chỉ là người tốt nghiệp kỹ sư. Ông Honda chỉ là một người thợ sửa xe, không hề tốt nghiệp đại học nhưng xây dựng được công ty Honda tầm cỡ thế giới như hiện nay. Bill Gates - người thành lập công ty Microsoft lừng lẫy toàn cầu, hay Stevens Jobb là người sang lập ra Macintoh và Ipod đều là những người bỏ học đại học giữa chừng. Hay nói đến Việt nam, thần đèn Nguyễn Cẩm Lũy chỉ là người xuất thân từ gia đình nông dân, chỉ học hết lớp 4 nhưng làm được những công việc mà kỹ sư công chánh không làm được. Cho nên chúng ta cần chú trọng đến kiến thức, thực tài chứ không phải bằng cấp. Tôi được biết nhiều anh chị Việt kiều làm trong đại học nhưng có kiến thức sản xuất thực tế đồng thời cũng có nhiều anh chị giữ vị trí quan trọng trong các công ty hàng đầu ở các nước phát triển. Chúng ta nên cố gắng mời những anh chị này hợp tác với trong nước, vấn đề là cộng tác như thế nào. Tôi nghĩ rằng để thu hút các anh chị Việt kiều trong sản xuất thực tế, Nhà nước cần tạo nhiều cơ hội để các anh chị này cộng tác với công ty nhà nước hoặc công ty tư nhân trên cơ sở phát huy khả năng và đóng góp cho sản xuất. Vấn đề thù lao không phải là chính nhưng để công bằng, cần có biện pháp phân bổ lợi nhuận phù hợp từ doanh thu các sản phẩm cụ thể được các anh chị Việt kiều đóng góp công sức để sản xuất…” 

Là người trí thức có tầm nhìn rộng mở, một lòng nhân ái toát ra qua cử chỉ và hành động, GS Chuyển chia sẻ với chúng tôi những hệ giá trị phổ quát và chân chính của các trường Đại học tiếng tăm nhất của thế giới ngày nay. 

Qua chương trình đào tạo từ xa của mình, GS Chuyển đã chuyển về đất mẹ và kết nối được những mảng chất xám quí giá của một nước tiên tiến như nước Nhật Bản, đã gieo được những mầm mống cho Việt Nam trong lĩnh vực khoa học của mình. Những người trẻ mà anh đã góp phần đào tạo và dẫn dắt sẽ vươn lên cao hơn nữa, khỏe hơn nữa, tinh thần cũng như thể xác, vì đã có được chất dinh dưỡng cần thiết cho việc hội nhập với thế giới hiện đại văn minh, bền vững. 

Xin anh yên giấc ngủ ngàn thu, linh hồn phiêu diêu nơi cõi vĩnh hằng. Trong giới hạn của thời cuộc, của hoàn cảnh, anh là một nhân cách sáng giá, một người đã hết mình vì việc chung, xứng đáng là người trí thức đích thực, là công dân đất Việt mà anh vẫn luôn luôn trân trọng giữ gìn qua thăng trầm của lịch sử. 

Xin gửi đến chị Ryuko San và gia đình anh lời chia buồn sâu sắc và chân tình của chúng tôi. 

TP Hồ Chí Minh ngày 18/6/2008
TSKH Nguyễn Đăng Hưng (Đại học Liège, Bỉ)

(Theo Người viễn xứ)

 

Tóm tắt tiểu sử và các hoạt động khoa học của GS,TS Nguyễn Văn Chuyển


Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Chuyển sinh năm 1944 tại Việt Nam.
* Nhận học bổng du học Nhật Bản năm 1963.
* Tốt nghiệp Đại học năm 1968, Cao học năm 1970.
* Tiến sĩ chuyên ngành Thực phẩm & Dinh dưỡng năm 1973 Đại học Tổng hợp Tokyo.
* Hiện là Giáo sư Khoa Thực Phẩm và Dinh dưỡng trường Đại học Phụ nữ Nhật Bản
* Được Bộ Y Tế Việt Nam trao tặng kỷ niệm chương: “ Vì sức khỏe nhân dân” năm 2005
* Quá trình hoạt động khoa học:
1993-1996: Trưởng phân khoa Thực phẩm & Dinh dưỡng, Đại học Phụ nữ Nhật Bản.
1996-2000: Trưởng khoa Thực phẩm & Dinh dưỡng, Đại học Phụ nữ Nhật Bản.
1998-2000: Chủ biên tạp chí: Nippon Nogeikagaku Kaishi".
1998-2000: Chủ biên tạp chí: Bios.Biotech.Biochem.
2002: Chủ biên tạp chí :"Nippon Eiyo Shokuryo Gakkaishi".

 

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Thế Sáng và Triển lãm ảnh “Áo dài Việt Nam”
Doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn: “Hữu xạ tự nhiên hương”
Từ thất học trở thành nhà phẫu thuật nhi hàng đầu thế giới
Nữ doanh nhân Phùng Kim Vy: Sự nghiệp gắn liền với quê hương
Người phụ nữ trẻ nối nhịp cầu Israel - Việt Nam
Người nặng lòng đưa giảng dạy tiếng Việt vào Đại học Harvard
Sở hữu 28 bằng sáng chế ở Mỹ, Tiến sĩ gốc Việt sẵn sàng chia sẻ với quê hương
Hương vị Tết xưa theo tôi suốt cuộc đời
Lan tỏa nhiệt huyết lưu giữ tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng người Việt ở Mỹ
Tâm huyết xây dựng cộng đồng trí thức trẻ Việt Nam tại Singapore
Nữ nghị sỹ Pháp gốc Việt đầu tiên truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang