26/02/2015 09:04:54 AM
Rất gần tiếng đàn xa xứ

Dù mới 19 tuổi nhưng Nguyễn Việt Trung đã khiến không ít người “giật mình” trước bảng thành tích nghệ thuật của mình. Và khi biết bí quyết đã trở thành hành trang "bỏ túi" của nghệ sĩ trẻ này, người ta sẽ phần nào hiểu được thành công của cậu ở xứ người...


Học tập bài bản

Nguyễn Việt Trung theo gia đình sang Ba Lan lúc mới sáu tháng và được bà giáo người Nga phát hiện ra năng khiếu chơi đàn lúc bốn tuổi. Bố của Trung - ông Nguyễn Văn Thân, Tiến sĩ vật lý khí quyển đồng thời là nhà kinh doanh cho biết, gia đình luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp tương lai của con cái. Với ông, con cái có năng khiếu về nghề gì thì hướng theo nghề ấy. Mặc dù gia đình không có truyền thống âm nhạc nhưng khi biết niềm đam mê của con trai, ông vẫn quyết tâm hướng cho con đi theo con đường chuyên nghiệp nhiều gian nan này.

Khi bảy tuổi, Trung bắt đầu vào trường học nhạc. Cậu học sơ cấp khá vất vả vì phải theo một lúc hai trường (trường học văn hóa và trường nhạc). Lên cấp hai, gia đình đã quyết định cho Trung theo học chuyên tại một trường nhạc dành cho các tài năng. Ở đây, cậu vẫn theo học các môn văn hóa khác nhưng có nhiều thời gian hơn để dành cho dương cầm.

Điều thuận lợi là bên cạnh việc học thì tuần nào ở Ba Lan cũng có các buổi trình diễn nhạc cổ điển của các nghệ sĩ lớn. Mỗi chiều cậu lại cùng mẹ ra công viên - nơi có tượng Chopin với không khí âm nhạc hiện diện ở mọi nơi. Một may mắn khác là Trung luôn nhận được sự dạy dỗ và dìu dắt của nhiều giáo sư âm nhạc nổi tiếng tại Ba Lan, đặc biệt là Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn.

Luôn luyện tập một cách say mê nhưng Trung cho biết, đôi khi bản thân cậu cũng mệt mỏi, muốn bỏ học đàn vì thấy không có nhiều thời gian đi chơi hoặc xem phim như bạn bè đồng trang lứa; vì sợ học đàn nhiều quá sẽ thu mình trong vỏ ốc, rồi như người ta nói "những nghệ sĩ dương cầm thường hay cô đơn"... Tuy nhiên, những suy nghĩ này chỉ thoáng qua. Sau một giấc ngủ, khi tỉnh dậy là cậu lại quên hết và tiếp tục chuyên tâm cho việc luyện tập.

Ước mơ được biểu diễn trên toàn thế giới đang dần trở thành hiện thực, nhưng mục tiêu hiện tại của Trung sẽ là học đại học và cao học về âm nhạc. Chính suy nghĩ bài bản trong việc học tập đã mang lại cho cậu nhiều "hoa thơm trái ngọt" như học bổng toàn phần do Bộ Văn hóa Ba Lan trao tặng vào tháng 11/2014. Mới đây, vào ngày 16/1, Trung và hai người bạn Balan trong Đội tam tấu cũng đã giành được giải thưởng cao quý nhất của cuộc thi học sinh giỏi toàn Ba Lan hệ trung học (Grand Prix Na CEA).

Vượt lên nỗi sợ

Bước lên những sân khấu lớn từ khi còn nhỏ tuổi, Trung tâm sự rằng, một trong những nỗi sợ của cậu chính là... khán giả. Sau này, cậu đã được các thầy cô và gia đình khuyên “nghề biểu diễn là nghề cần và phục vụ khán giả, nếu nghệ sĩ sợ khán giả thì không còn ý nghĩa”. Vì vậy, khi biểu diễn, cậu đã cố gắng quên đi căng thẳng, chơi nhạc hết mình. Theo Trung, mỗi lần diễn là một buổi thực hành hiệu quả để lần sau có thể chơi tốt hơn và cứ có cơ hội là cậu sẵn sàng đứng trên sân khấu.

Kinh nghiệm từ những chuyến lưu diễn tại nhiều nước đã mang lại cho Trung sự tự tin hiếm có của một nghệ sĩ mới 19 tuổi. Tháng 9/2014, người ta nhìn thấy Nguyễn Việt Trung biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji tại cung điện sang trọng, nổi tiếng bậc nhất Bolshoy Zal - Saint Peterburg, Nga. Tháng 10/2014, cậu lại biểu diễn trước 50.000 khán giả tại Hội nghị toàn cầu 2014 của Unicity tại Bangkok, Thái Lan. Lần đầu tiên đứng trên một sân khấu lớn nhưng Trung đã hòa mình vào giai điệu và mang lại những cảm xúc lắng đọng cho khán giả tại đây.

Không quên nguồn cội

Sinh sống ở Ba Lan từ nhỏ và có cơ hội lưu diễn trên khắp thế giới nhưng lúc nào Nguyễn Việt Trung cũng nhớ về quê hương. Mỗi khi lên sân khấu, cậu đều biểu diễn say mê với niềm tự hào mình là người Việt Nam. Còn nhớ năm 13 tuổi, khi đi Hungary biểu diễn tại Festival giao lưu văn hóa Hungary - Ba Lan, Trung đã được báo chí tán thưởng với sự ngưỡng mộ dành cho "cậu bé Việt Nam".

Trong năm 2014, Nguyễn Việt Trung cũng là một trong năm cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng người Việt tại Ba Lan được Đại sứ quán Việt Nam ở quốc gia này vinh danh vì những cống hiến và thành tích xuất sắc.

Có lẽ, Nguyễn Việt Trung là một trong số không nhiều người Việt trẻ sống ở nước ngoài từ nhỏ nhưng nói tiếng Việt rất thành thạo. Bên cạnh tiếng mẹ đẻ, cậu được gia đình quan tâm giáo dục truyền thống, đạo lý của Việt Nam về lòng yêu nước, tình cha con, tình anh em, bạn bè… Trung thường xuyên được thưởng thức các món ăn Việt do mẹ nấu. Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, cậu lại tranh thủ trở về Việt Nam để đoàn tụ với gia đình hay gặp gỡ bạn bè ở Hà Nội.

Trung rất nhớ những kỷ niệm được về quê Thái Bình ăn Tết cùng ông bà và những đêm Giao thừa thức đến ba giờ sáng đi xông nhà cùng họ hàng. Năm nay, vì phải tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp tới nên cậu sẽ không được trở về Việt Nam. Dù vậy, ở Ba Lan, cậu vẫn sẽ được đón Tết cùng người thân xung quanh mâm cỗ có bánh chưng, xem VTV4 và tất nhiên là nhận quà mừng tuổi...

Một số giải thưởng: Giải Nhất cuộc thi biểu diễn các tác phẩm nhạc Chopin và giải Nốt nhạc vàng cho tay đàn trẻ thể hiện tác phẩm của Mozart xuất sắc nhất tại Sochaczew, Ba Lan (2006); Giải Nhì cuộc thi dương cầm quốc tế Ludwik Stefanski và Halina Czerny Stefanska tại Plock, Ba Lan (2008); Giải Nhì cuộc thi quốc tế Chopin cho người trẻ tuổi tại Antonin, Ba Lan (2010); Giải Nhì và giải dành cho tay đàn trẻ thể hiện tác phẩm Chopin hay nhất trong cuộc thi dương cầm quốc tế Rotaract - Rotary tại Palma de Mallorca, Tây Ban Nha (2012); Giải Nhất và Grand Pix tại cuộc thi dương cầm toàn quốc cho hệ trung học tại Krakow, Ba Lan (2014)...

(Theo Thế giới & Việt Nam)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Thế Sáng và Triển lãm ảnh “Áo dài Việt Nam”
Doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn: “Hữu xạ tự nhiên hương”
Từ thất học trở thành nhà phẫu thuật nhi hàng đầu thế giới
Nữ doanh nhân Phùng Kim Vy: Sự nghiệp gắn liền với quê hương
Người phụ nữ trẻ nối nhịp cầu Israel - Việt Nam
Người nặng lòng đưa giảng dạy tiếng Việt vào Đại học Harvard
Sở hữu 28 bằng sáng chế ở Mỹ, Tiến sĩ gốc Việt sẵn sàng chia sẻ với quê hương
Hương vị Tết xưa theo tôi suốt cuộc đời
Lan tỏa nhiệt huyết lưu giữ tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng người Việt ở Mỹ
Tâm huyết xây dựng cộng đồng trí thức trẻ Việt Nam tại Singapore
Nữ nghị sỹ Pháp gốc Việt đầu tiên truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang