07/04/2009 03:38:41 PM
Người tiếp sức cho hơn 1.700 du học sinh Việt

GS-TS Nguyễn Công Thành, người đưa hơn 1.700 thanh niên Việt Nam đi du học rồi động viên họ trở về xây dựng đất nước, vừa trở thành Việt kiều đầu tiên trong lĩnh vực GD&ĐT được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba.


 Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân trao Huân chương Lao động hạng Ba cho GS -TS Nguyễn Công Thành (phải)

Những năm 70 của thế kỷ trước, khi là trưởng khoa Công nghệ Môi trường – Viện Công nghệ châu Á (AIT) tại Thái Lan, GS Thành nhiều lần về Việt Nam tìm sinh viên (SV) xuất sắc đưa đi du học.

Nhiều du học sinh được bố trí vào học những ngành vốn rất xa lạ đối với Việt Nam lúc bấy giờ như môi trường, công nghệ thông tin, quản lý công nghiệp… 

Theo Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ GD&ĐT),  năm 2001, GS Thành về nước làm Giám đốc Trung tâm Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam (AITCV), đưa AITCV vượt qua giai đoạn khó khăn, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Giáo sư đã tự nguyện làm việc tại AITCV mà không hưởng quyền lợi gì, kể cả tiền lương.

Gần tám năm sống ở Việt Nam, GS Thành xuôi ngược khắp các vùng miền, đề nghị chính quyền địa phương, các tập đoàn kinh tế, trường đại học (ĐH)… hợp tác các chương trình cấp học bổng du học.

Và với uy tín, kinh nghiệm và các mối quan hệ xây đắp suốt mấy mươi năm học tập và giảng dạy ở nước ngoài, GS Thành bắc cầu cho hơn 500 người Việt Nam tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở châu Mỹ, châu Âu và châu Á, trong đó có nhiều trường ĐH danh tiếng ở Mỹ, Canada…

Tính tổng cộng, mấy chục năm qua, GS Thành đã đưa hơn 1.700 học sinh, sinh viên Việt Nam đi du học.

Đại học quốc tế tại Đà Lạt

Mấy tháng nay, GS Thành chuyển về sống trong căn phòng nhỏ bé chỉ vài mươi mét vuông tại trường ĐH Đà Lạt để làm cố vấn cho các trường ĐH ở thành phố cao nguyên này mở rộng hợp tác quốc tế trong GD&ĐT.

“Hà Nội và TPHCM đã có trường quốc tế hoặc liên kết đào tạo cấp bằng quốc tế, tại sao Đà Lạt không làm được như vậy trong khi có nhiều ưu thế như quỹ đất rộng, khí hậu mát mẻ, môi trường trong lành, giao thông thuận lợi?” – Giáo sư nói.

Không phải ngẫu nhiên mà cách đây hàng chục năm, nhiều trường trung học, quân sự, tôn giáo quốc tế từng được mở tại Đà Lạt như Lycée Yersin, Colège d’Adran, Couvent des Oiseaux, Học viện Đông Bốt Cô, Giáo hoàng Học viện… GS Thành cũng từng là cậu học trò nghèo được Lycée Yersin (Đà Lạt) cấp học bổng du học, sau đó làm luận án tiến sĩ tại Canada.

GS Thành cùng ban lãnh đạo ĐH Yersin Đà Lạt thuyết phục được ĐH quốc tế Assumption tại Thái Lan ký bản ghi nhớ hợp tác mở các khóa đào tạo ĐH, sau đó liên thông đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ với nhiều cơ sở giáo dục uy tín ở Anh, Mỹ… Một số trường trung học, ĐH quốc tế ở Pháp, Mỹ, Thụy Điển… cũng đồng ý hợp tác đào tạo HS, SV; trao đổi giảng viên với Yersin Đà Lạt.

Kim Anh/ Tiền Phong

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Thế Sáng và Triển lãm ảnh “Áo dài Việt Nam”
Doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn: “Hữu xạ tự nhiên hương”
Từ thất học trở thành nhà phẫu thuật nhi hàng đầu thế giới
Nữ doanh nhân Phùng Kim Vy: Sự nghiệp gắn liền với quê hương
Người phụ nữ trẻ nối nhịp cầu Israel - Việt Nam
Người nặng lòng đưa giảng dạy tiếng Việt vào Đại học Harvard
Sở hữu 28 bằng sáng chế ở Mỹ, Tiến sĩ gốc Việt sẵn sàng chia sẻ với quê hương
Hương vị Tết xưa theo tôi suốt cuộc đời
Lan tỏa nhiệt huyết lưu giữ tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng người Việt ở Mỹ
Tâm huyết xây dựng cộng đồng trí thức trẻ Việt Nam tại Singapore
Nữ nghị sỹ Pháp gốc Việt đầu tiên truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang