15/01/2010 03:25:41 PM
Người thực hiện một trong 8 công trình lớn nhất thế giới

Kỹ sư Phạm Ngọc Quỳ nhận được học bổng sang Pháp du học vào năm 1960. Ông thi đậu vào Trường Ecole des Ponts et Chaussées Paris và tốt nghiệp năm 1963. Từng làm cho nhiều hãng lớn của Mỹ và Pháp tại Paris, như: Foster Wheeler, Bouygues, Doris…, với tài năng và niềm say mê, tìm tòi học hỏi không ngừng, kỹ sư Quỳ đã thành công và nổi tiếng với nhiều công trình xây dựng lớn như Dàn khoan dầu Hibernia tại Canada - một trong 8 công trình lớn nhất thế giới do báo Time bình chọn, hay làm Kỹ sư trưởng cho những công trình xây dựng nổi tiếng khác như Mở rộng Hải cảng Condamine ở Monaco, hai cây cầu trên sông Rhone, xây tường bảo vệ dàn khoan dầu ở Na uy v.v...

Thiết kế và xây dựng dàn khoan dầu vĩ đại nhất thế giới

Nhiều cuộc thăm dò cho biết đáy biển phía đông Canada có rất nhiều dầu. Nơi đây được gọi là Hibernia. Tuy nhiên việc xây dàn khoan để lấy dầu thì thật nan giải. Theo sách Guiness, nơi có dầu ở địa thế khó khăn nhất hoàn cầu: biển sâu 80m, sóng to 30m, thường có bão lớn, sương mù dầy đặc, nhiệt độ cực lạnh và nhất là có nhiều núi băng (Icebergs) chạy qua.

Tuy biết rất khó khăn, nhưng trước tiến bộ khoa học vượt bậc của nhân loại, Chính phủ Canada quyết định kêu gọi đấu thầu, tìm tổ hợp quốc tế có khả năng thiết kế và xây dựng Dàn khoan dầu Hibernia tại địa điểm trên.



Dàn khoan dầu Hibernia (Canada)


Hibernia khác với các dàn khoan dầu thường thấy trên thế giới, là phải thiết kế làm sao để có thể chịu được sức đập của băng tuyết với tốc độ chuyển động tới 2m/s và nặng tới 2 triệu tấn mà không thiệt hại gì. Nếu dàn khoan chẳng may bị đổ, dầu sẽ đổ ra biển, mang lại tai họa cho khắp biển Bắc Mỹ. Dàn khoan nếu bị các khối băng chạm phải sẽ chịu một sức ép tới 7,8 bars hay 780 tấn/m2 trên một diện tích từ 200m2 đến 300m2 (tùy theo dàn khoan được vẽ). Sức ép này tương đương với 8 lần sức ép của bom nguyên tử khi nổ. Nếu đáp ứng được những tiêu chuẩn trên, Hibernia sẽ là công trình duy nhất trên thế giới chống được băng tuyết gần bắc cực và cũng là dàn khoan dầu vĩ đại hàng đầu của nhân loại.

Với một công trình đặc biệt như vậy, nhiều công ty uy tín quốc tế tuyển lựa nhân tài khắp thế giới, cố tìm ra giải pháp cho Dàn khoan dầu Hibernia, để tham dự cuộc đấu thầu. Cuối cùng, tổ hợp NODECO gồm hãng Doris của Pháp và nhiều hãng xây dựng của Anh, Canada cùng ngồi lại họp để tìm ra những giải pháp thiết kế xây dựng công trình này và những giải pháp mà hãng Doris đưa ra đã được chọn. Dự án của Doris đưa ra để tham dự đấu thầu do chính kỹ sư Phạm Ngọc Quỳ sáng chế và sau này trở thành công trình xây dựng dàn khoan dầu vĩ đại nhất thế giới.

Kỹ sư Phạm Ngọc Quỳ cho biết đôi nét về quá trình thiết kế và thi công công trình dàn khoan vĩ đại này: Khi Chính phủ Canada mở cuộc đấu thầu tìm tổ hợp quốc tế có khả năng xây dàn khoan tại Hibernia, Hãng Doris lập tức giao trách nhiệm cho kỹ sư,  ông Quỳ thiết kế phần chính xây cất của dự án để tham dự đấu thầu. Tuy thật vinh dự nhưng ông Quỳ cũng không kém phần lo lắng vì việc xây dựng dàn khoan làm thế nào để chống lại sự tàn phá hàng giờ của băng tuyết, bão tố, sóng lớn không phải là dễ dàng. Sau hơn 3 tháng nghiên cứu, tìm hiểu và với kinh nghiệm sẵn có, ông đã sáng chế ra được giải pháp chống băng tuyết tuyệt vời: Ông quyết định xây cất vỏ ngoài của dàn khoan là hình tròn với 16 múi gọi là dents để làm giảm đi rất nhiều sức tàn phá của núi băng. Tuy vậy, cũng rất khó khăn vì sức đập quá lớn, thành ra phải làm các bức tường phía sau để giữ các răng cho thật chắc để có thể chịu đựng hoàn toàn hết cho dàn khoan.  

Công trình này được thực hiện rất đặc biệt. Trước hết, họ phải kiếm một vùng ven biển gần, đào sâu độ 20m rồi làm đập ngăn nước, sau đó rút nước ra để có một công trường bằng phẳng trên cạn. Tại đây, bắt đầu xây đáy dàn khoan với tường vỏ bê tông cao 30m bao quanh. Hãng Doris đã giao cho kỹ sư Quỳ trực tiếp điều khiển trên dưới 100 kỹ sư giỏi và 300 họa viên thực hiện chi tiết kỹ thuật quan trọng. Vì công việc quá lớn nên một phần nhỏ không quan trọng lắm thì được giao cho 50 kỹ sư khác phụ trách. Khi hoàn tất đáy dàn khoan xong thì phá đập cho nước vào để phần đáy nổi lên, rồi sau đó kéo ra biển sâu gần đó để xây tiếp phần tường ngoài và nhiều phần khác cho đến khi tạm đủ, để có thể lắp phần trên của dàn khoan vào. Phần trên của dàn khoan được làm bằng sắt, và được đặt xây sẵn từng phần tại nhiều nước trên thế giới như Canada, Korea, Italia…

Các phần này, sau khi hoàn thành sẽ được kéo tới bờ biển gần công trường, rồi được đặt lên tàu để mang ra chỗ xây cất. Sau khi gắn phần trên vào, dàn khoan vẫn trống ở giữa và vẫn nổi. Sau đó, người ta bắt đầu kéo dàn khoan ra vị trí ngoài biển có dầu, cho nước vào để dàn khoan chìm xuống, nằm trên đáy biển đã được san bằng. Tiếp theo đó, mới bơm đầy xi măng lỏng vào giữa đáy của dàn khoan và đáy biển để giữ dàn khoan nằm cố định vĩnh viễn tại vị trí lựa chọn. Cách xây cất và chuyển vận này được gọi là Marines Operations.
Kỹ sư Quỳ cho biết, công trình này được xây dựng trong 6 năm, từ năm 1990 đến năm 1996 thì hoàn tất, tổng số nhân viên kỹ thuật và xây cất Hiberia là 5000 người.

Mong muốn tiếp tục cống hiến

Kỹ sư Phạm Ngọc Quỳ hiện đang sinh sống tại vùng ngoại ô Paris. Ông sinh tại Hà Nội, thân sinh ông làm nghề thầu khoán. Có lẽ vì ảnh hưởng của cha nên ngay từ khi còn nhỏ, ông đã rất thích thú với việc xây cất nhà cửa. Ông kể lại: Ông cụ xây nhà cửa thành ra tôi thỉnh thoảng cũng giúp ông cụ tính toán. Tôi tới Pháp du học, tôi thích làm việc trong môi trường tự do, tranh đua ở các nước tiên tiến, thành ra tôi may mắn khám phá ra nhiều phương thức xây cất (không có trong sách vở) cho nhiều công trình to lớn…



Kỹ sư Phạm Ngọc Quỳ 


Hiện tại mặc dù đã nghỉ hưu, tuổi đã cao nhưng sức khoẻ và khả năng làm việc của kỹ sư Quỳ còn tốt, ông vẫn mong muốn và sẽ tiếp tục đóng góp công sức của mình vào các công trình khai phá tiến bộ. Hiện nay kỹ sư vẫn thỉnh thoảng làm cố vấn cho hãng Doris và các hãng khác , khi các hãng này gặp khó khăn trong các vấn đề kỹ thuật, cần kỹ sư cố vấn giỏi. Gần đây Hãng Doris lại tham dự đấu thầu một công trình to lớn gần bằng công trình Hibernia, có tên là Dàn khoan dầu Hebron. Hebron nhỏ hơn Hibernia và sẽ được xây gần Hibernia. Doris đã ngỏ ý mời kỹ sư Quỳ giúp, nếu họ trúng thầu. Vì thế rất có thể kỹ sư Quỳ sẽ làm thêm cho Doris trong một tương lai gần đây.

Đối với quê hương Việt Nam thân yêu, ông vẫn thường xuyên trở về để được nghe những tiếng nói Việt Nam quen thuộc, để được sống lại những ngày thơ ấu. Và ông vẫn luôn canh cánh trong lòng mình ước mong đất nước ngày càng phát triển, sẽ có nhiều những trí thức Việt kiều, có học vị nhưng cũng có cả kinh nghiệm thực tế về nước làm việc. Họ sẽ cùng các nhân tài trong nước, nắm tay nhau xây dựng nước Việt Nam ngày một giàu mạnh…


(Theo Trọng Minh - Vẻ vang dân Việt)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Thế Sáng và Triển lãm ảnh “Áo dài Việt Nam”
Doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn: “Hữu xạ tự nhiên hương”
Từ thất học trở thành nhà phẫu thuật nhi hàng đầu thế giới
Nữ doanh nhân Phùng Kim Vy: Sự nghiệp gắn liền với quê hương
Người phụ nữ trẻ nối nhịp cầu Israel - Việt Nam
Người nặng lòng đưa giảng dạy tiếng Việt vào Đại học Harvard
Sở hữu 28 bằng sáng chế ở Mỹ, Tiến sĩ gốc Việt sẵn sàng chia sẻ với quê hương
Hương vị Tết xưa theo tôi suốt cuộc đời
Lan tỏa nhiệt huyết lưu giữ tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng người Việt ở Mỹ
Tâm huyết xây dựng cộng đồng trí thức trẻ Việt Nam tại Singapore
Nữ nghị sỹ Pháp gốc Việt đầu tiên truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang