23/06/2008 02:21:00 PM
Mang hồn Việt vào giai điệu Pháp

Lần đầu về VN, được đứng trên sân khấu quê hương, hát những giai điệu ngợi ca quê hương tại Festival Huế 2008, nhà soạn nhạc- ca sĩ Việt kiều Trần Văn Tâm Johdy cảm thấy như được sống lại.


 Ông Trần Văn Tâm Johdy

Gặp ông sau khi Festival vừa kết thúc tại Hà Nội, ông tâm sự: “Tôi học được từ bố tôi một điều, đó là phải biết say mê với những gì mình theo đuổi. Dù bố tôi xuất thân nông dân, ông vẫn có máu nghệ sĩ. Ông ấy là một nghệ sĩ đa tài, có thể chơi guitar, mandolin, sáo, violon và soạn ra những bản nhạc êm dịu. Bố tôi đã dạy tôi chơi đàn guitar. Ông cũng dạy tôi biết thế nào là yêu âm nhạc, nhưng trên hết, tôi học được từ ông tình yêu quê hương, yêu dân tộc qua các câu hát, làn điệu dân ca quê mình. Ông đã chơi nhạc cho đến phút cuối của cuộc đời”.

Đau đáu niềm quê

Ông Tâm Johdy nhớ lại: “Tôi vẫn luôn nhớ đến bố tôi, ông rất muốn chúng tôi không quên tiếng Việt. Còn nhớ ngày xưa mỗi lần đi học về, bố tôi hỏi chúng tôi hôm nay học gì. Khi chúng tôi mở sách vở ra, ông ấy đã giảng giải cho chúng tôi biết ý nghĩa tiếng Việt của những thứ chúng tôi học. Vậy mà, cuộc sống khiến chúng tôi vô tình quên đi. Nhớ lại, bố tôi đã rất muốn chúng tôi có thể sử dụng một cách tự nhiên hai ngôn ngữ”.

Là nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công, Trần Văn Tâm Johdy thuộc thế hệ nghệ sĩ Làn sóng mới (La Nouvelle Vague) cùng thời với những tên tuổi như Francoise Hardy, Johnny Hallyday ra đời sau chiến tranh thế giới thứ II. Trong những năm 70 của thế kỷ trước, ông đã tham gia nhiều ban nhạc nổi tiếng như Wagon de belles salades, DiDi, Pied Jacon... và vừa sáng tác vừa biểu diễn.

Âm nhạc của ông nhẹ nhàng, tinh tế, khỏe khoắn, là sự hòa điệu giữa jazz, folklore, rock. Ông đã cho ra đời khoảng vài chục album cá nhân và chung với cả nhóm. Ông Tâm Johdy yêu mến văn hóa châu Á và văn hóa VN, thậm chí khi sáng tác các bài hát Pháp, ông đã thêm giai điệu ru con đồng bằng Bắc Bộ vào ca từ của mình. “Đôi khi tôi làm một việc giống như người chuyển tải giai điệu châu Á đến những đôi tai sành điệu của người Pháp”-ông trải lòng.

Chính người bố đã có ảnh hưởng đến quyết định chọn con đường âm nhạc của ông Tâm Johdy. Bố ông là người Hưng Yên, mẹ là người Pháp. Vào những năm 20 của thế kỷ trước, ông bị Pháp bắt đi lính lê dương và đưa sang Algeria trong chiến tranh thế giới thứ I. Kể từ khi rời quê hương cho đến ngày mất, ông chưa có cơ hội về lại Việt Nam.

Trong 11 năm ở Algeria, anh lính trẻ luôn nhớ về quê hương. Có những hôm phải bơi qua một dòng sông về doanh trại mà ông tưởng như đang được bơi trên dòng sông xanh mát của quê mình. Sau chiến tranh thế giới thứ II, bố ông sang Pháp định cư. Cơ may cho bố ông đã kết duyên với một cô gái Pháp xinh xắn sống ở miền Bắc Pháp. Cuộc sống khó khăn, cả gia đình phải làm việc cật lực để tồn tại, không từ nan việc gì, từ lao công đến công việc trong các nông trại.

Ông Tâm Johdy là người con cả trong gia đình có 4 con. Bố ông lúc nào cũng tâm niệm con cái phải được học hành tử tế. Nhiều lúc, bố ông đã giành công việc để con cái có thời gian theo đuổi sự nghiệp của mình. May mắn là mẹ ông luôn ủng hộ bố trong tất cả mọi việc, kể cả cái tính “gia trưởng” mà đôi khi bà vẫn chê là “nhà quê” bắt nguồn từ gia đình ở Hưng Yên. Bà đã học tiếng Việt và văn hóa Việt từ khi lấy ông.

Cầu nối lần về nguồn cội

Lần đầu đặt chân lên quê cha, ông Tâm Johdy muốn thực hiện lời nguyện của bố trước khi qua đời là quay về thăm ngôi làng nhỏ ở Hưng Yên. Ông nói: “Tôi rất tiếc đã để quá lâu mới về thăm quê cha. Tôi vẫn luôn cảm thấy hối hận về điều đó”. Nhưng từ bây giờ, trở lại quê hương sẽ là điều đầu tiên ông Tâm Johdy Johdy nghĩ tới mỗi khi thức dậy. Vậy mà ông vẫn thấy quê hương khác xa với tưởng tượng của mình qua sách vở, bạn bè, Hội Thanh niên VN tại Pháp. Đất nước ông hiện đại hơn rất nhiều trong mắt ông.

Giọng tỏ ra bối rối vì không nói được tiếng Việt, ông Tâm Johdy nói: “Bạn biết đấy, khi bạn sống ở đâu, bạn phải thích nghi với môi trường ở đó. Tôi cũng không là ngoại lệ. Hằng ngày, tôi phải nói tiếng Pháp nên mất thói quen nói tiếng Việt. Điều đó cũng làm bố tôi rất buồn lòng. Tôi và các em biết thế nên cố gắng giữ gìn truyền thống Việt Nam.

May mắn là tôi làm việc trong môi trường nghệ thuật nên vẫn có cơ hội để tìm hiểu các nền âm nhạc, văn hóa khác nhau, trong đó có Việt Nam. Đó cũng là cầu nối để tôi lần về nguồn cội của mình”. Và chợt nhớ ra điều gì, ông Tâm Johdy trở nên hào hứng: “À, tôi biết khá nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam đấy.

Được tham gia Festival Huế, ông Tâm Johdy tưởng như sống trong mơ. Ông không nghĩ mình được chọn tham gia festival văn hóa nổi tiếng này. Nhận được thư mời, ông vắt óc nghĩ xem sẽ thể hiện bài hát nào trên sân khấu xứ Huế mộng mơ. Cuối cùng, ông quyết định chọn bài hát Đây đó (De ci de ca) mà ông gọi là vũ điệu Pháp-Việt, tình cảm mà ông muốn gửi gắm tới quê cha, coi như làm lễ “nhập trạch” vậy.

Ông sung sướng ngân nga cho tôi nghe giai điệu bài hát Làn gió mà ông đã cảm hứng viết ra trong thời gian ở Huế: “Làn gió nhẹ bay qua núi, tắm trên biển cả. Làn gió phủ khắp mặt đất, sát bức tường và xoa nhẹ tóc của lũ trẻ. Làn gió hòa cùng điệu nhạc, ôi tình yêu. Chúng ta học cách để yêu thương, để nhớ nhung... như con thuyền nhớ nhung biển cả...”.

Đến thăm cố đô Huế, ông Tâm Johdy được đi thăm A Lưới, nơi có đồng bào dân tộc Pa Cô sinh sống. Hội Người Việt tại Pháp mà ông là thành viên đã có những dự án hỗ trợ người dân trồng cây thuốc nam trị bệnh. Được tận mắt chứng kiến những nỗi đau mà người bệnh phải gánh chịu, quan niệm sống của ông thay đổi. Ông Tâm Johdy phấn chấn: “Lần tới về Việt Nam, tôi sẽ mang thêm về nhiều dự án hỗ trợ bà con, cho cả nạn nhân chất độc da cam nữa”. Và chắc chắn ông cũng sẽ đưa mẹ ông về cùng để bà được thăm quê chồng, như ông đã hứa.

Bích Diệp /(Người Lao Động)

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Thế Sáng và Triển lãm ảnh “Áo dài Việt Nam”
Doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn: “Hữu xạ tự nhiên hương”
Từ thất học trở thành nhà phẫu thuật nhi hàng đầu thế giới
Nữ doanh nhân Phùng Kim Vy: Sự nghiệp gắn liền với quê hương
Người phụ nữ trẻ nối nhịp cầu Israel - Việt Nam
Người nặng lòng đưa giảng dạy tiếng Việt vào Đại học Harvard
Sở hữu 28 bằng sáng chế ở Mỹ, Tiến sĩ gốc Việt sẵn sàng chia sẻ với quê hương
Hương vị Tết xưa theo tôi suốt cuộc đời
Lan tỏa nhiệt huyết lưu giữ tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng người Việt ở Mỹ
Tâm huyết xây dựng cộng đồng trí thức trẻ Việt Nam tại Singapore
Nữ nghị sỹ Pháp gốc Việt đầu tiên truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang