23/04/2008 09:15:21 AM
Con ong Việt cần mẫn trên cánh đồng văn học Pháp

Theo chồng sang Pháp sống, Hiệu Constant trở thành một dịch giả văn học có tiếng. Trong vòng 5 năm qua, chị đã dịch hơn chục cuốn sách văn học và các thể loại khác, được các NXB trong nước xuất bản.

Chị cũng sắp hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình. Điều đó thật phi thường đối với một phụ nữ sống nơi đất khách quê người và phải nuôi hai con nhỏ.


 Hiệu Constant

Sống nơi đất khách quê người, những lúc buồn và rảnh rỗi, Hiệu Constant giải khuây bằng những cuốn sách tiếng Pháp. Đọc rồi thấy đam mê và dịch sang tiếng Việt. Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, Hiệu Constant đã trở thành một dịch giả văn học trẻ được các độc giả yêu văn học Pháp mến chuộng.

10 năm qua, Hiệu Constant (ảnh) sống ở Pháp cùng chồng và hai con nhỏ - kết quả của mối tình đầy lãng mạn giữa hai con người từ hai đất nước khác nhau, yêu nhau tình cờ trong lần anh Claude tới Việt Nam du lịch. Khi ấy, anh không nói được tiếng Việt, còn chị đang là sinh viên học tiếng Pháp.

Chị trở thành phiên dịch bất đắc dĩ khi có một chàng “Tây” lúng túng không biết làm thế nào để người bán hàng trên phố Hàng Gai (Hà Nội) hiểu anh muốn mua gì. Hiệu cũng đang ở đó và chị đã giúp anh chọn mua quà...

Sau đó, Claude trở về Malaysia tiếp tục với dự án đang dang dở. Những lá thư và những cuộc điện thoại đã khiến họ ngày càng cảm thấy không thể rời xa nhau. Hai người quyết định làm đám cưới ở Việt Nam, trong khi anh vẫn làm việc ở Malaysia, còn chị ở Hà Nội sinh bé trai đầu lòng cho tới mãi năm 1998, khi anh làm xong dự án họ mới trở về Paris.

Nước Pháp khi ấy hoàn toàn xa lạ với Hiệu, ngoại trừ những tác phẩm văn học mà chị đã đọc và yêu thích từ thời phổ thông với mong muốn một ngày nào đó có thể đọc được chính những tiểu thuyết ấy bằng ngôn ngữ nguyên bản. Hàng ngày, Claude bận rộn từ sáng đến tối, Hiệu chỉ quanh quẩn ở nhà với cậu con trai còn đang tập nói. Nỗi trống vắng, nhớ nhung người thân và quê nhà vì thế cứ đầy lên...

Sự tình cờ của số phận

Những khi rảnh rỗi, chị tìm đến sách vở. Ban đầu là đọc vì nhu cầu bản thân, cần trau dồi tiếng Pháp để “dạy dỗ những công dân ngoại quốc” - chị nói đùa như vậy về các con của mình - bé Valentin và Clotilde, cả hai đều nói tiếng Việt rất giỏi. Rồi Hiệu tự hỏi: “Tại sao không thử dịch sang tiếng Việt?”.

Cuốn sách dịch đầu tiên được hoàn tất, có tên là Nỗi niềm (Confidence pour confidence) của Paule Constant. Tác phẩm được giải Goncourt năm 1998 và được nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản và phát hành với cái tên dịch giả Hiệu Constant.

Rồi cuốn thứ hai, thứ ba… đã làm nên tên tuổi một dịch giả trẻ trong làng văn học dịch Việt Nam. Thời gian qua, Hiệu Constant không chỉ chọn được những cuốn sách hay để giới thiệu với bạn đọc Việt Nam, mà còn giúp cho một số nhà xuất bản trong việc thương thảo với tác giả về vấn đề bản quyền.

Thỉnh thoảng gặp chị “online”, tôi lại hỏi “có gì mới không Hiệu ơi”. “Có đấy”, Hiệu thường trả lời tôi ngay lập tức. Như chuyện ngày 25/4 sắp tới, chị là khách mời danh dự trong ngày Hội sách của thành phố Barges, miền Nam nước Pháp. Chị cũng phải đọc rất nhiều sách Pháp để giới thiệu các đầu sách hay cho các nhà xuất bản trong nước và giúp họ thương thảo bản quyền với NXB Pháp.

Hiệu Constant cũng sắp sửa hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tay, hy vọng sẽ sớm ra mắt bạn đọc. “Thời gian thật là quá eo hẹp để mình thực hiện hết những công việc như vậy. Nhưng mình vẫn cố gắng, vì đó là những niềm say mê” - Hiệu nói.

Chị cũng tham gia một số công tác đoàn thể tại nơi chị sinh sống và là thành viên của Hội người Việt Nam tại Pháp, “nhưng chỉ khi nào thời gian cho phép thôi” – Hiệu cười – “Vì mình còn phải dành rất nhiều thời gian để dạy hai con học bài và dạy chúng tiếng Việt”.

“Làm mẹ của “công dân ngoại quốc” có gì khó khăn?”. Hiệu như trầm xuống: “Nhiều khó khăn chứ. Nếu một người mẹ bình thường, chỉ việc dạy con, thì với những người như mình, phải vừa học văn hóa của “nước họ”, rồi mới có thể dạy con từ những điều mình biết”.

Luôn tự hào mình là người Việt, chị đã dạy các con ý thức về văn hóa của đất nước Việt Nam. Dạy con nói tiếng mẹ đẻ, dạy con qua các ngày lễ văn hóa, đặc biệt là Tết. Mẹ chồng chị cũng rất tự hào với những đứa cháu nói cả hai thứ tiếng Pháp - Việt thành thạo...

…Lần trở về Việt Nam gần nhất để làm việc với một số nhà xuất bản cho những bản dịch mới, Hiệu trở về nhà vào đúng ngày Tết Dương lịch. Chị vô cùng hạnh phúc khi biết chồng và hai con đã dành cả buổi tối để trang hoàng nhà cửa đón năm mới và chờ mẹ trở về. “Hai đứa như lớn hẳn lên” – từ Paris, Hiệu “chat” với tôi, không giấu được niềm hạnh phúc.

Bên tình yêu của chồng con, chị đã nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương và nỗi nhớ được thể hiện qua ngôn ngữ, trong những tác phẩm mà chị chọn dịch ra tiếng Việt. Khác hẳn với cái Tết đầu tiên ở Pháp, khi xem chương trình cầu truyền hình giao thừa trên VTV4, chị cứ ngồi khóc khiến đứa con ngơ ngác, rồi chạy lại ôm lấy mẹ dỗ dành như dỗ em bé: “Mẹ ơi, mẹ đừng khóc nhé”…

“Đừng khóc nhé”, Hiệu vẫn tự nhủ như vậy mỗi khi thấy buồn. Và khi đó, lại đọc, lại dịch và viết một cái gì đó. Quê hương vì vậy mà trở nên gần gũi hơn...

(Theo Tiền Phong Online)

 

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Thế Sáng và Triển lãm ảnh “Áo dài Việt Nam”
Doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn: “Hữu xạ tự nhiên hương”
Từ thất học trở thành nhà phẫu thuật nhi hàng đầu thế giới
Nữ doanh nhân Phùng Kim Vy: Sự nghiệp gắn liền với quê hương
Người phụ nữ trẻ nối nhịp cầu Israel - Việt Nam
Người nặng lòng đưa giảng dạy tiếng Việt vào Đại học Harvard
Sở hữu 28 bằng sáng chế ở Mỹ, Tiến sĩ gốc Việt sẵn sàng chia sẻ với quê hương
Hương vị Tết xưa theo tôi suốt cuộc đời
Lan tỏa nhiệt huyết lưu giữ tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng người Việt ở Mỹ
Tâm huyết xây dựng cộng đồng trí thức trẻ Việt Nam tại Singapore
Nữ nghị sỹ Pháp gốc Việt đầu tiên truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang