23/07/2009 09:02:45 AM
Chàng hoạ sĩ & triết lý vòng tròn

"Circle painting mang đến làn gió lạ, giúp họa sĩ đưa tranh mình đến những cộng đồng lớn và chính họ dự phần vào tranh” - Nguyễn Cao Hiệp, một họa sĩ Việt kiều trẻ sáng tạo thể loại hội họa kết nối (circle painting), tâm sự.

Biết đến Nguyễn Cao Hiệp như một họa sĩ Việt kiều trẻ sáng tạo thể loại hội họa kết nối (circle painting), tôi tìm đến bệnh viện Ung Bướu TP. HCM.

Cách đây vài tháng, một tình nguyện viên nhóm “Những ước mơ xanh” vui mừng khoe rằng, các bé mắc bệnh ung thư sắp được chứng kiến một bức tranh do nhiều người, nhiều thành phần trong xã hội chung tay vẽ nên. Chỉ cần mỗi người vẽ một vòng tròn, họa sĩ Cao Hiệp sẽ kết hợp thành một bức tranh lớn, nhiều ý nghĩa.

Hãy cho tôi những vòng tròn…


 Cao Hiệp đang hoàn thành những bức tranh ở Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM

Trong không gian chật chội lầu hai, Bệnh viện Ung Bướu TP. HCM, buổi làm việc thứ ba của anh Hiệp bắt đầu trong trật tự. Các nhóm bạn được bố trí đến vẽ hôm nay là các bạn thuộc Ngân hàng HSBC và nhóm Modern wind - sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật TP. HCM.

Một bạn làm ngành ngân hàng bật mí với tôi rằng, bạn hiếm khi vẽ và vẽ rất xấu. Do đó, hôm nay đến cầm cọ, bạn không tự tin chút nào. Bạn này ngay lập tức được họa sĩ Cao Hiệp trấn an rằng, với tranh tập thể, một bức tranh là một chỉnh thể mang những nét vẽ khác nhau, không có nét vẽ nào là xấu.

Hiệp giải thích cho các bạn trước khi vẽ bằng câu chuyện về những đường tròn:

“Thế giới là sự kết hợp của những vòng tròn. Cuộc sống chúng ta đang quay vòng. Trái đất hình tròn. Giọt nước hình tròn. Quả bóng hình tròn. Cái đầu hình tròn. Phân tử hình tròn…Thế nên các bạn hãy biến những cảm nhận, suy nghĩ, ấn tượng của riêng mình về hình tròn lên những bức tường kia”.

Các bạn ai cũng hiểu, cầm cọ tản ra các góc tường bệnh viện để vẽ và trang trí lên những vòng tròn.

Họa sĩ và những đứa trẻ Đà Lạt


 Nguyễn Cao Hiệp

Nhắc đến câu chuyện về bức tranh từ những vòng tròn, Cao Hiệp nhớ lại chuyện trước đây, anh thi đậu vào Trường ĐH Mỹ thuật TP. HCM. Nhưng điều kiện gia đình không cho phép, Hiệp sang định cư ở Mỹ và tiếp tục theo đuổi giấc mơ họa sĩ. Cách đây 9 năm, Hiệp về Đà Lạt thuê phòng tranh vẽ.

Cảnh Đà Lạt đẹp, người Đà Lạt đẹp, nhưng vẽ hoài cũng thấy chán. Hiệp ngồi nghịch bút với những vòng tròn trên khuôn tranh. Chợt thấy lũ trẻ hàng xóm đẩy bánh xe tròn vo ngang qua, Hiệp nghĩ, tại sao không rủ tụi nhóc vẽ những vòng bánh xe cho vui. Thế là bức tranh được các bạn nhỏ vẽ thêm. Các em thích lắm vì được góp phần vào tác phẩm hội họa.

Vẽ xong, Hiệp thực hiện vài nét vẽ tròn để hoàn chỉnh bức tranh. Từ đó, bức tranh tập thể ra đời. Và người đầu tiên vẽ những bức tranh đó là Cao Hiệp và những em nhỏ Đà Lạt.

Họa sĩ + giáo viên = circle painting

Hiệp cho rằng, sở dĩ anh nghĩ ra được ý tưởng này, một phần là do thời sinh viên anh học ở đại học California State Long Beach. Đây là một trường đại học đa ngành, từ tự nhiên đến xã hội. Hiệp học cách làm việc hòa đồng với nhiều sinh viên thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều suy nghĩ khác nhau.

Sau khi tốt nghiệp Mỹ thuật, anh tiếp tục học cao học về Giáo dục Mỹ thuật và trở thành giáo viên. Circle painting là cách đưa hội họa và những thông điệp ý nghĩa vào mọi cộng đồng nhanh nhất.

Hiệp tâm sự: “Trước đây, mình có kiếm sống bằng nghề vẽ tranh trong các phòng tranh. Mình nhận thấy, họa sĩ thường làm việc độc lập, bức tranh mình vẽ ra có đối tượng thưởng thức hạn chế. Circle painting mang đến làn gió lạ, giúp họa sĩ đưa tranh mình đến những cộng đồng lớn và chính họ dự phần vào tranh”.

Triết lý của những vòng tròn

Đến nay, Cao Hiệp đã đi qua hơn 10 nước, tiếp xúc với hơn 50 cộng đồng để thực hiện hơn 100 bức tranh circle painting. Tùy vào chương trình mà Hiệp có những cách làm việc khác.

Có những bức tranh kéo dài hàng tháng. Có bức chỉ vài ngày. Có bức làm ở quảng trường. Có bức ở phòng họp, hội nghị. Số lượng người tham gia cũng khác nhau. Mức độ hoành tráng của những bức tranh cũng khác.

Hiệp chia sẻ: “Bức tranh to hay nhỏ không quan trọng bằng ý nghĩa của nó mang lại cho cộng đồng. Mình nhớ nhất là bức tranh của 30 vị chức sắc tôn giáo giúp phần nào xóa bỏ hiềm khích dâng cao của các tôn giáo tại Mỹ sau sự kiện 11/9. Ngoài ra, bức tranh của các lãnh đạo cấp cao của các nước ASEAN dự cuộc gặåp tại Singapore cũng là một kỷ niệm không phai mờ…”.

Với thể loại tranh kết nối cộng đồng, đi đến đâu Hiệp cũng được hưởng ứng nhiệt tình. Hiệp nhận ra rằng, cộng đồng nào cũng mong muốn sự đoàn kết, cũng hướng đến thiện tâm và hòa bình. Hiệp đang nhận được nhiều lời mời khắp thế giới: Vừa thực hiện tranh, vừa huấn luyện cho cộng đồng thể loại circle painting.

Hiệp nói: “Mong rằng, khi cộng đồng circle painting lớn mạnh, sẽ có nhiều bức tranh để kết nối các quốc gia, các sắc tộc… Lúc đó, sẽ có những bức circle painting trong kết nối nhân viên và sếp trong cơ quan, ông bà, cha mẹ và con cái trong gia đình…”.

Đây là lần thứ hai họa sĩ Nguyễn Cao Hiệp được mời về Việt Nam thực hiện tranh circle pain- ting. Lần thứ nhất vào ngày 20/7/2008. Hai bức tranh tập thể với sự tham gia của các “họa sĩ nghiệp dư” là các bạn tình nguyện trẻ, cô giáo, bác xe ôm, bộ trưởng…

Toàn bộ số tiền đấu giá tranh trong “Ngày hội circle painting” đã được dành cho người nghèo và ủng hộ phẫu thuật miễn phí cho trẻ em hở hàm ếch. Lần này, Cao Hiệp thực hiện bức tranh trên tường Bệnh viện Ung Bướu TP. HCM trong thời gian hai ngày.

Anh tâm sự: “Đây là lần đầu tiên mình thực hiện một bức tranh không đấu giá, nằm ngay trên tường, trong bệnh viện chật chội. Mình thấy 20 – 30 người gồm bệnh nhi và người nhà quây quần sinh hoạt trong một không gian nhỏ hẹp mà xót quá. ước gì bệnh viện cũng hoành tráng như nhiều công trình bề thế bên ngoài.

Mình đi khảo sát và thấy lo, vì người bệnh cần cái trước mắt là không gian y tế tốt để điều trị tốt hơn. Mà gần nhất, thiết thực nhất là cần tiền. Bức tranh của mình vẽ nên liệu có xa vời với thực tế không? Mình chỉ biết hy vọng bức tranh cải thiện một phần đời sống tinh thần bệnh nhân, dù là nhỏ nhất”. 

Theo Xuân Huy/ SVVN

 Ý kiến của bạn |   Gửi tin qua E-mail |   Bản để in
Tin liên quan
Các tin khác

Video

Dấu ấn Việt Nam: Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt | VTV4
Họa sĩ Mai Trung Thứ với những thước phim về Ngày lễ Độc lập và Bác Hồ tại Pháp năm 1946
Thế Sáng và Triển lãm ảnh “Áo dài Việt Nam”
Doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn: “Hữu xạ tự nhiên hương”
Từ thất học trở thành nhà phẫu thuật nhi hàng đầu thế giới
Nữ doanh nhân Phùng Kim Vy: Sự nghiệp gắn liền với quê hương
Người phụ nữ trẻ nối nhịp cầu Israel - Việt Nam
Người nặng lòng đưa giảng dạy tiếng Việt vào Đại học Harvard
Sở hữu 28 bằng sáng chế ở Mỹ, Tiến sĩ gốc Việt sẵn sàng chia sẻ với quê hương
Hương vị Tết xưa theo tôi suốt cuộc đời
Lan tỏa nhiệt huyết lưu giữ tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng người Việt ở Mỹ
Tâm huyết xây dựng cộng đồng trí thức trẻ Việt Nam tại Singapore
Nữ nghị sỹ Pháp gốc Việt đầu tiên truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ
Thắng cảnh bạn thích nhất?
Vịnh Hạ Long
Phong Nha - kẻ Bàng
Cát Bà
Đảo Phú Quốc
Fanxipang